Nhà văn Bùi Bình Thi: Tìm về với “Mặt trời trên đỉnh thác”

18:09 22/06/2016
Buổi sáng, bất ngờ khi thấy đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thông báo: “Bố tôi, nhà văn Bùi Bình Thi đã về với nước của Đức Chúa Trời đêm hôm qua, đi theo cách mà ông vẫn thường đi trong suốt cả cuộc đời là thích thì đi thôi, chẳng có gì quan trọng cả."


Cha đẻ của “Xiêng Khoảng mù sương”, “Odessa một cuộc tình” … đã chia tay dương thế vào một buổi sáng Hà Nội đầy nắng, thanh thản và nhẹ nhàng như thế…

Nhà văn Bùi Bình Thi lớn lên từ một miền quê ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Công việc đồng áng mà ông trải qua thời thơ ấu đã trở thành những trải nghiệm cho ông trong nhiều sáng tác sau này. 

 Ông viết văn khá nhiều và sớm. Cánh đồng lúa xanh mướt in cánh cò trắng phau, dòng sông quê đẫm lời ru của mẹ đã mang cho ông những xúc cảm mạnh mẽ, để rồi một ngày, cảnh vật thiên nhiên, cảnh vật đời thường đã “bước” vào trang viết. Tác phẩm đầu tay của ông xuất bản năm 1961 chính là viết về con bò mà ông hàng ngày chăn thả.
 
Nhà văn Bùi Bình Thi khi còn trẻ.

Sức viết của nhà văn Bùi Bình Thi luôn căng đầy. Ông từng làm biên tập tại các tạp chí Tác phẩm mới, Tác phẩm Văn học, Báo Văn nghệ, Báo Sức khỏe và Đời sống và làm việc cùng các nhà văn tên tuổi như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên và làm việc tại Ban Sáng tác, Hội Nhà văn Việt Nam vv…

Nhiều người lo ngại nghề báo “triệt tiêu” nghề văn, nhưng với ông thì không. Sinh thời nhà văn Bùi Bình Thi từng kể, ông sớm nhận ra việc làm báo chính là “bệ đỡ” cho văn chương phát triển, vì ông được xê dịch và thực tế cuộc sống phong phú cũng mang đến cho ông nhiều trải nghiệm, làm nguồn tư liệu cho tác phẩm của ông. 

Bởi thế, từ những năm 1960, ông đã viết rất nhanh và rất nhiều, trở thành một cái tên được độc giả đón đợi. Đã có lúc, nhà văn Nguyễn Khải phải kêu lên: "Giở tờ báo nào ra cũng thấy tên ông Thi".

Thật khó hình dung được người đàn ông cao lớn, “cồng kềnh”, luôn đeo kính râm thời trang và ăn mặc rất “phủi” ấy lại là một người đàn ông nhạy cảm, dễ xúc động và là tác giả của những trang viết tinh tế, những chi tiết rất đắt. 

Chính những chi tiết rất đắt trong “Mùa mưa đến sớm” đã khiến tôi đọc tác phẩm từ khi còn nhỏ mà vẫn nhớ đến tận bây giờ chi tiết một người lính thích ngửi khói nên luôn ngồi đầu gió mỗi khi đốt lửa. Những câu chuyện của ông luôn rất thú vị, đầy ắp chi tiết và giàu sức thuyết phục bởi vừa độc đáo, lại vừa phổ quát mà rất chân thật.

Viết nhiều, với giọng văn mộc mạc, không cầu kỳ, nhưng Bùi Bình Thi luôn cẩn trọng trong việc dùng chữ nghĩa. Nhớ có lần ông gọi điện cho tôi, phàn nàn khá lâu chỉ vì một đồng nghiệp của tôi dùng một từ chưa chính xác khi viết về ông.

Ông bảo, chữ trong văn phải là chữ đã lên men, phải giàu hàm lượng ý tưởng. Có lẽ vì thế, những chi tiết được ông quan sát và phản ánh đều hiện lên tỉ mỉ và giàu hình ảnh. Bùi Bình Thi từng chia sẻ, văn học nhất định phải là tình thương yêu giữa con người với nhau. 

“Điều quan trọng là phải ý thức một cách sâu sắc nhất với nghề, với cuộc sống đang chứng kiến. Hãy cố gắng tạo cho mình một quê hương sáng tác riêng biệt và phải chuyên tâm với con đường mình chọn lựa”- Ông nhấn mạnh điều tâm đắc.

Thời gian làm việc với các nhà văn tên tuổi, đã để lại cho ông những bài học về văn chương, chữ nghĩa, nên hội tụ ở ông nhiều phẩm chất của người sáng tác văn chương. Sức đọc, tài thẩm văn cũng như cách ứng xử bình tĩnh của nhà văn Tô Hoài trước mọi vấn đề trong cuộc sống không chỉ để lại cho ông niềm kính phục, mà còn là kinh nghiệm quý để ông mang theo vào đời văn.

 Sự tinh tế trong cảm nhận cuộc sống của nhà văn Nguyễn Đình Thi dường như cũng ngấm sâu vào cách cảm, cách nghĩ của Bùi Bình Thi, để những trang viết của ông luôn tinh tế, mẫn cảm, dễ chạm đến trái tim người đọc. 

Tính cẩn trọng, chu đáo của Xuân Diệu góp phần làm nên uy tín của nhà thơ trong văn đàn và điều này, được Bùi Bình Thi tiếp nhận một cách có ý thức trong sáng tác, cũng như trong công việc biên tập.

Bất kể hoàn cảnh nào nhà văn Bùi Bình Thi cũng vẫn đều đặn sáng tác. Sau gần 60 năm cầm bút, giờ đây, Bùi Bình Thi gửi lại cho đời hơn hai chục đầu sách, cả tiểu thuyết và các tập truyện ngắn: “Đường về cánh đồng Chum”, “Mặt trời trên đỉnh thác”, “Ban mai”, “Hành lang phía Đông”, “Kiếp người” vv… cùng nhiều tập bút ký, tạp văn. 

Giải thưởng của Bộ Quốc phòng cho truyện “Kiếp người”, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết "Xiêng Khoảng mù sương" và giải thưởng văn học sông Mê Kông cũng cho tác phẩm này là những minh chứng cho thành công của Bùi Bình Thi trong sự nghiệp cầm bút.

 Trước lúc ra đi, ông vẫn là một cộng tác viên nhiệt tình của nhiều tờ báo và tiếp tục khẳng định tên tuổi ở những bài tạp bút. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, ngày ra đi, ông vẫn còn một cuốn tiểu thuyết viết dang dở.
 
Nhà văn Bùi Bình Thi khi về già.

Mang một vẻ ngoài “phong trần”, to cao, một tâm hồn tinh tế, dễ rung động và là một nhà văn tên tuổi, nhà văn Bùi Bình Thi là một người dễ “lọt mắt xanh” của nhiều phụ nữ cũng là điều dễ hiểu. 

Có một thời gian hay trò chuyện cùng ông, được ông kể cho nghe về những mối tình “xuyên biên giới” của ông, chả biết ông kể thật hay đùa, nhưng chuyện nào cũng khiến chúng tôi trầm trồ khâm phục vì sự lãng mạn và đầy trách nhiệm. 

Còn trong thực tế, ông có cuộc sống gia đình yên ổn và hạnh phúc, ông được chăm lo chu đáo để có thể đắm đuối với những trang viết bất cứ lúc nào. Có lẽ đó cũng là một động lực để ông thành công trên văn đàn…

Nhà văn Bùi Bình Thi sinh năm 1939, ở xã Liên Bật, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Rạng sáng ngày 22-6-2016, nhà văn Bùi Bình Thi ra đi sau một cơn tai biến, hưởng thọ 77 tuổi. Lễ viếng ông sẽ bắt đầu từ 8h sáng ngày 25-6 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai và sau đó, được an táng tại quê nhà, làng Bật, Ứng Hòa, Hà Nội.


Thanh Hằng

Dù có trụ sở sản xuất tại Hà Nội, nhưng sữa bột giả đã tung ra khắp các tỉnh, thành khi "hệ sinh thái" của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood Group) và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma) mở các chi nhánh ở nhiều địa phương. Tại Hòa Bình, các công ty này đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm. Sữa giả không chỉ thuê người nổi tiếng quảng cáo, mà còn được đưa vào cơ sở y tế bán cho người bệnh.

PV Báo CAND băng theo lối mòn đã hằn dấu vết chân người, len giữa những thân cây còn vương nhựa mủ bị cứa bởi rìu, nghe mùi đất mới trộn lẫn với mùi xăng dầu hắt lên từ hốc đá. Rừng Vĩnh Ô, nằm ở Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi từng là vành đai phòng hộ của cả một vùng đầu nguồn, giờ thở dốc dưới những mái lán phủ bạt xanh, những hầm hố khoan sâu vào lòng đất như vết thương không bao giờ lành miệng.

Theo đề xuất, giai đoạn 2016 - 2030 xét đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 46 dự án năng lượng được đưa vào quy hoạch để xây dựng, bổ sung khoảng 14.500MW vào nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm kể từ khi dự án điện mặt trời đầu tiên được chấp thuận đầu tư, đến nay trên địa bàn mới chỉ có 2 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, số còn lại vẫn đang nằm trên giấy.

Vườn Cau Đỏ (nay thuộc Quận 12, TP Hồ Chí Minh) trước đây là vùng chiến khu. 50 năm sau ngày giải phóng, từ vùng ven thuộc Hóc Môn, giờ nơi này đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (17/4), ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ như: Yên Châu (Sơn La) 38,4 độ, Tương Dương (Nghệ An) 37,4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37,5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 37,4 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất, phổ biến 55-60%.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.