Trên 33% tiền tác quyền âm nhạc dành để… đóng thuế
- Thu tác quyền âm nhạc giảm một nửa
- Thu phí tác quyền âm nhạc ở quán cà phê: Đúng luật nhưng chưa khả thi?
- Thu hơn 57 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc
- Tác quyền âm nhạc: Nghệ sĩ bất lực
Thực tế, những tranh cãi quanh hoạt động thu tiền bản quyền âm nhạc của VCPMC diễn ra đã lâu. Đỉnh điểm của câu chuyện là nhiều khách sạn ở Đà Nẵng lên tiếng phản đối việc VCPMC tiến hành thu phí sử dụng âm nhạc ở các khách sạn, đặc biệt là khoản thu phí sử dụng âm nhạc với các khách sạn có tivi. VCPMC giải thích đây là khoản tiền phải trả theo đúng quy định của pháp luật, đã được thu nhiều năm nay ở Đà Lạt, Vũng Tàu và một số địa phương khác.
Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhạc sĩ (CISAC) cũng có văn bản khẳng định việc thu tiền tác quyền âm nhạc khách sạn là phù hợp với thông lệ quốc tế, đã đang được thực hiện tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng hoạt động thu chi tác quyền âm nhạc của VCPMC còn nhiều điều cần làm sáng tỏ: Trung tâm phân chia như thế nào cho tác giả khi thu trọn gói, cách thu mang tính áp đặt…
Buổi tổng kết hoạt động 6 tháng của VCPMC được coi là dịp để trung tâm “giải trình” với các thành viên. |
Một số nhạc sĩ, cụ thể và gần đây nhất là nhạc sĩ Phú Quang cũng phản ứng gay gắt về chuyện thu chi tác quyền không minh bạch. Vì vậy, VCPMC cũng đã có một cuộc gặp gỡ đột xuất với các tác giả, đặc biệt là các nhạc sĩ có uy tín để “giải trình”.
Theo đó, VCPMC khẳng định, trung tâm đang đại diện cho gần 4.000 tác giả trong nước và gần 4 triệu tác giả thế giới. Ngoài hoạt động kiểm soát và bảo vệ lợi ích hợp pháp tác giả được ủy quyền, trung tâm còn có trách nhiệm giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách về quyền tác giả.
Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch buộc trung tâm tạm dừng thu tiền bản quyền âm nhạc ở một số lĩnh vực thời gian qua đã gây nhiều trở ngại cho trung tâm, khiến doanh thu bị giảm khoảng một nửa… Riêng về các nội dung mà mà một số nhạc sĩ, trong đó ý kiến mới nhất là của nhạc sĩ Phú Quang về thu, chi tác quyền âm nhạc, VCPMC khẳng định sẽ có văn bản phản hồi chính thức trong một vài ngày tới.
Liên quan đến các thắc mắc về cơ sở pháp lý cho việc áp mức giá sử dụng tác phẩm âm nhạc, VCPMC cho biết, việc xây dựng biểu mức nhuận bút làm cơ sở để VCPMC thỏa thuận với tập thể, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc thực hiện từ năm 2006.
Cơ sở để đưa ra mức nhuận bút dựa theo Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11-6-2002 về chế độ nhuận bút; thông tư liên tịch số 21 của Bộ Văn hóa Thông tin - Bộ Tài chính ngày 1-7-2003 hướng dẫn việc chi trả chế độ nhuận bút, trích lập và sử dụng quỹ nhuận bút; các mức thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trên thế giới do CISAC cung cấp; điều kiện thực tế tại Việt Nam; ý kiến của các nhạc sĩ, các tác giả.
Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã có Văn bản số 4737/BVHTT-BQTG ngày 16-11-2006 chấp thuận. Biểu mức nhuận bút mà VCPMC đưa ra thời gian qua là cơ sở ban đầu để các bên thoả thuận trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, đúng pháp luật.
Cũng theo VCPMC, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, hàng năm, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán của trung tâm đều có công ty kiểm toán độc lập quốc tế kiểm tra. Do chưa có Luật dành riêng cho các tổ chức quản lý tập thể quyền (phi chính phủ, phi lợi nhuận) nên hiện tại trung tâm hiện đang thực hiện các quy định về chính sách thuế như một doanh nghiệp, phải kê khai, báo cáo 4 loại thuế.
Trong đó thuế giá trị gia tăng là 10%. Thuế thu nhập doanh nghiệp là 23%. Thuế nhà thầu là 10% – đây là thuế dành cho các tổ chức quốc tế có thu tiền sử dụng tác phẩm nước ngoài tại Việt Nam do trung tâm thu. Ngoài ra, trung tâm còn phải đóng thuế thu nhập cá nhân dành cho thành viên, cán bộ nhân viên, thu hộ và nộp hộ thuế thu nhập cá nhân cho các tác giả qua mỗi kỳ phân phối.
Được biết, nhằm giải quyết các vấn đề tranh cãi quanh câu chuyện bản quyền, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền cũng đang có nhiều động thái tích cực. Ngoài việc tạm dừng việc thu tiền bản quyền âm nhạc ở một số lĩnh vực, Cục Bản quyền đang xây dựng dự thảo, lấy ý kiến về Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Đây được coi là một trong những công cụ sẽ góp phần giải quyết những khúc mắc trong hoạt động của VCPMC nói riêng, hoạt động của nhiều tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả khác của Việt Nam nói chung.
Theo dự thảo này, nếu biểu giá sử dụng bản quyền tác phẩm mà các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả xây dựng không được bên sử dụng chấp thuận thì mức phí sẽ được áp dụng theo Nghị định 21/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật. Dự thảo cũng quy định nhiều nội dung cụ thể về cách thức, thời gian thu, phân phối tiền tác quyền, chế độ báo cáo hoạt động định kỳ với cơ quan chức năng của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả...