“Trình làng” nhiều tác phẩm sân khấu độc đáo về phòng, chống dịch COVID-19

10:07 13/07/2021
Do những tính chất đặc thù như kinh phí đầu tư cao, phải tâp trung nhiều người trong một thời điểm nhất định…, sân khấu đang gặp khó khăn trong dàn dựng tác phẩm, đặc biệt là vở diễn lớn về phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sân khấu đã dần “bắt nhịp” cùng một số loại hình nghệ thuật khác khi “trình làng” được những vở diễn quy mô lớn về đề tài này, được đánh giá cao và đạt giải thưởng.

Trong thời điểm hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn “đóng băng” vì dịch bệnh COVID-19, việc sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc mạnh dạn đầu tư dàn dựng “Cuộc chiến COVID” là một bất ngờ lớn, ngay cả với người trong nghề. Dù rằng, như chia sẻ của NSND Lê Hùng, đạo diễn vở kịch này là rất khó để phản ánh mọi mặt cuộc chiến chống dịch dũng cảm của toàn Đảng, toàn dân trên sân khấu vài chục mét vuông trong gần 2 giờ đồng hồ.

Theo vị đạo diễn lão làng của sân khấu Việt, nếu làm không khéo, vở diễn dễ khô cứng, mang tính chất tư liệu. Chống dịch lại liên quan nhiều đến chuyên môn ngành y nên nghệ sĩ rất… dễ sai. Vì vậy, ê kíp đã quyết định không đi vào chi tiết chuyên môn mà chỉ nêu bật tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau trong khó khăn hoạn nạn của người Việt. Thực tế, sau đó, “Cuộc chiến COVID” đã vinh dự được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải đặc biệt năm 2020.

Cảnh trong vở “Cuộc chiến COVID” của sân khấu Lệ Ngọc.

Một tác phẩm khác không thể không kể đến là vở kịch “Người trong mắt bão” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Đây cũng là một trong số ít vở diễn về phòng, chống COVID-19, được đầu tư dàn dựng công phu, có sự tham gia của gần 100 diễn viên chuyên và không chuyên. Sau khi hoàn thiện, tranh thủ những khoảng thời gian dịch bệnh tạm lắng, Đoàn đã biểu diễn tác phẩm này gần 60 buổi, phục vụ miễn phí người dân ở các quận, huyện, phường, xã ở Hải Phòng.

Được biết, để có những vở diễn thành công về đề tài chống dịch COVID, các đơn vị, đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ phải có nhiều nỗ lực, cố gắng gấp nhiều lần so với điều kiện thông thường. Theo NSƯT Phùng Lệ Thu, Trưởng đoàn Kịch nói Hải Phòng, chỉ đạo nghệ thuật vở “Người trong mắt bão” thì để dàn dựng tác phẩm này, đơn vị đã huy động tất cả 5 đoàn nghệ thuật của đơn vị, cùng nhiều diễn viên quần chúng là các cháu học sinh, người nước ngoài để đóng vai bệnh nhân nhiễm COVID-19…

Vở diễn được triển khai trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng và đơn vị coi đây là nhiệm vụ cấp bách vì sân khấu được xác định là loại hình nghệ thuật truyền tải nhanh và hiệu quả về công tác phòng, chống dịch, góp phần để người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này, từ đó nâng cao tinh thần đấu tranh với dịch bệnh. Để vừa thuộc lời thoại, vừa tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt về chống dịch, đảm bảo tiến độ phải hoàn thành vở diễn trong khoảng thời gian rất ngắn, các diễn viên phải tập lời thoại bằng hình thức online. Diễn viên học lời rồi sau đó trao đổi, chỉnh sửa qua điện thoại với đạo diễn. Khi có thông báo được tập trung đông người, đơn vị mới tiến hành khớp lời thoại và sân khấu.

Mặc dù dàn dựng theo kịch bản có sẵn nhưng trong quá trình tập vở, từ thực tế công cuộc chống dịch phát sinh nhiều tình huống, có thể tạo những chi tiết đắt giá cho sân khấu nên đạo diễn bổ sung khá nhiều. Có giai đoạn, vở diễn đã gần như hoàn thiện thì rộ lên thông tin về các trường hợp không chấp hành các quy định phòng, chống dịch, gây những hệ lụy đáng tiếc cho cộng đồng nên êkíp cập nhật ngay để tăng thêm kịch tính cho vở diễn…

Kết quả của những nỗ lực, quyết tâm ấy là đoàn có một vở kịch mang tầm vóc, vì cộng đồng, vì xã hội với những buổi biểu diễn luôn kín khán giả. Các nghệ sĩ không có mặt ở tuyến đầu chống dịch nhưng vô cùng tự hào bởi đóng góp một phần vào công cuộc chống dịch bằng văn hóa nghệ thuật.

Trao đổi với chúng tôi, biên kịch Minh Nguyệt, tác giả kịch bản vở “Cuộc chiến COVID” cho hay, với các văn nghệ sĩ, góp sức vào công cuộc chống dịch bằng những tác phẩm nghệ thuật là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhất. Thực tế cuộc chiến chống dịch đã ngồn ngộn chất liệu cho nghệ sĩ sáng tác và không khó để lựa chọn những điển hình tiêu biểu để đưa vào tác phẩm. Bên cạnh những câu chuyện xúc động, những yếu tố tích cực, các tác phẩm còn khai thác cả những vấn đề tiêu cực ngay trong quá trình chống dịch. Tuy nhiên, dù lựa chọn chi tiết, vấn đề như thế nào thì tác phẩm cũng phải đảm bảo tính thuyết phục, chuyển tải những thông điệp ý nghĩa, có tính khái quát, chạm đến trái tim khán giả.

Cũng theo tác giả Minh Nguyệt thì cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 vẫn là mảng đề tài hấp dẫn, cần tiếp tục được các văn nghệ sĩ, trong đó có giới sân khấu quan tâm đầu tư khai thác nhiều hơn. Riêng bản thân nữ biên kịch đã viết tiếp một kịch bản khác, có nhiều câu chuyện xúc động từ thực tế chống dịch, đặc biệt là những cống hiến hy sinh của lực lượng y, bác sĩ, cán bộ chiến sĩ Công an. Cùng với sự tôn vinh lực lượng  nơi tuyến đầu chống dịch, kịch bản còn đề cập đến một số mặt trái trong cuộc chiến này như một bộ phận người dân “mờ mắt” trước lợi ích cá nhân, bỏ qua giá trị đạo đức, nhân phẩm, gây hại cho cộng đồng.

Hiện tại, kịch bản này đang được một số đơn vị cân nhắc để dàn dựng. Tuy nhiên, nhà biên kịch Minh Nguyệt cũng cho biết, đề tài về chống dịch COVID-19 cũng không dễ được nhiều đơn vị dũng cảm chọn đầu tư vì khó dàn dựng. Nghệ sĩ phải mặc đồ bảo hộ trên sân khấu hạn chế hiệu quả diễn xuất, khó biểu đạt tâm lý, tình cảm cần thiết qua nét mặt, qua ngôn ngữ hình thể…

Về vấn đề này, nhà viết kịch Lê Quý Hiền cũng từng chia sẻ rằng, sáng tác sân khấu không linh động, không có công chúng đông đảo hoặc dễ “bắt trend” như nhiều loại hình nghệ thuật khác. Kinh phí cho một vở diễn khá lớn, không phải đơn vị nào cũng mạnh dạn đầu tư, nhất là trong thời điểm dịch bệnh gây khó khăn trên nhiều mặt đời sống xã hội, không riêng gì với sân khấu.

Chưa kể, muốn dàn dựng, nghệ sĩ phải tập trung để tập luyện. Dựng vở xong cũng khó tiếp cận khán giả, khó có doanh thu. Trường hợp chính quyền có thông báo cho phép các nhà hát, đơn vị nghệ thuật tổ chức biểu diễn phục vụ trở lại thì khán giả cũng còn ngại đến rạp, sợ dịch bệnh lây lan…

N.Nguyễn

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã may mắn thoát chết và hiện đã vượt qua cơn nguy kịch sau khi bị một thành phần chính trị đối lập bắn 4 phát đạn vào vùng bụng hôm 15/5. Châu Âu bị một phen chấn động bởi vụ ám sát chính trị hiếm hoi xảy ra giữa những căng thẳng chính trị, ngoại giao xung quanh cuộc chiến tại Ukraine.

Nhiều công trình, dự án trên địa bàn Thủ đô đang được triển khai nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến tình trạng xe vi phạm quá khổ, quá tải có thể tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Tối 18/5, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở đến các đơn vị thi công, doanh nghiệp kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe bảo đảm TTATGT.

Một nhóm 9 du khách, thanh thiếu niên khi vui chơi, tắm biển tại bãi biển Đà Nẵng đã gặp sự cố đuối nước. Mặc dù lực lượng cứu hộ cứu nạn bãi biển tích cực ứng cứu, nhưng do sóng to, khu vực tắm có biển báo cấm tắm nguy hiểm nên trong số 8 du khách đưa vào bờ, có 2 du khách đã tử vong, 1 nạn nhân mất tích.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (nay là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) đã triển khai được 18 năm (từ 2006). Đó là quãng thời gian đủ dài để đánh giá về hiệu lực, hiệu quả trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文