Trở lại những năm tháng hào hùng cùng tiểu thuyết tư liệu của Trần Mai Hạnh
Nhân dịp này, một buổi giao lưu với tác giả và nhân vật chính trong tiểu thuyết “Lời tựa một tình yêu” – vợ chồng ông Lê Hồng Tư, Nguyễn Thị Châu sẽ diễn ra tại thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vào sáng 17-9.
41 năm sau giờ phút lịch sử ngày 30-4-1975, những ký ức một thời khói lửa vẫn hằn sâu trong tâm trí của bao người dân Việt Nam, nhất là những chứng nhân lịch sử. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những năm tháng gian khổ mà hào hùng vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận làm nên những tác phẩm đầy lôi cuốn và có giá trị cao đẹp. “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” và “Lời tựa một tình yêu” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh là hai trong số những tác phẩm như thế.
Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh. |
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh cho biết, ông đã kỳ công xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” khi được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh với tư cách là phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam.
Ông cũng là người chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc lập.
Cũng chính trong những ngày đầu tiên giải phóng Sài Gòn này, tác giả đã có cơ duyên gặp gỡ tử tù nổi tiếng Lê Hồng Tư và nữ chiến sĩ kiên trung Nguyễn Thị Châu, hai con người đã viết nên mối tình đẹp như huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bằng tất cả sự cảm phục, ngưỡng mộ và rung động, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã viết nên “Lời tựa một tình yêu”.
Tiểu thuyết kể về cuộc đời chiến đấu và mối tình đẹp thủy chung, trong sáng của người tử tù nổi tiếng Lê Hồng Tư và nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Châu.
Riêng “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, ngay trong lần xuất bản đầu tiên vào tháng 4-2014 đã gây được tiếng vang và liên tiếp giành được các giải thưởng danh giá: Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.
Bìa 2 cuốn tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” và “Lời tựa một tình yêu”. |
Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh sinh năm 1943 tại Hải Dương trong một gia đình công chức nghèo. Ông đã có hơn nửa thế kỷ viết báo, viết văn, trong đó có 30 năm công tác tại Thông tấn xã Việt Nam.
Ông đã từng đảm nhận các chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, khóa IX, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam khóa VI, VII, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN (CAI). Hiện nay ông là Cố vấn cao cấp báo Điện tử Tổ quốc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lê Hồng Tư là người chiến sĩ cách mạng bị chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên án tử hình năm 1962, 3 lần chuẩn bị ra pháp trường xử bắn, 15 năm bị cầm tù trong đó có 13 năm ở “địa ngục trần gian Côn Đảo”.
Bà Nguyễn Thị Châu cũng hoạt động trong phong trào học sinh, thanh niên miền Nam yêu nước, bị chính quyền Sài Gòn giam cầm 6 năm trong các nhà tù, đã tham gia nổi dậy giành chính quyền ở Sài Gòn và là Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời quận 10, thành phố Sài Gòn-Gia Định (tháng 5-1975).
Tình yêu thủy chung son sắt của ông bà đã trở thành một trong số mối tình đẹp như huyền thoại thời chiến, trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Dự kiến, trong buổi giao lưu nhân vật, sự kiện này vào 17-9, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh sẽ giải đáp những câu hỏi mà bạn đọc quan tâm về diễn biến những sự kiện lịch sử cùng những tư liệu tuyệt mật về cuộc chiến từ phía Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ gần như lần đầu được công bố toàn văn trong cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.
Những câu chuyện xúc động về mối tình của ông Lê Hồng Tư, bà Nguyễn Thị Châu cũng được hai nhân vật chính chia sẻ đến bạn đọc trong chương trình này.