Văn học thiếu nhi có nhiều khởi sắc

06:32 13/10/2020
Văn học thiếu nhi đang có nhiều tín hiệu khởi sắc khi vừa “bội thu” tại Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 năm 2020, lại tiếp tục “gặt hái” thêm nhiều trái ngọt tại Giải thưởng Sách quốc gia lần III năm 2020.


Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức. Đây là giải thưởng phi lợi nhuận, được tổ chức thường niên, nhằm tìm kiếm, tôn vinh, quảng bá các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ). Ngay trong mùa giải đầu tiên của Dế Mèn, sáng tác văn học dành cho thiếu nhi đã ghi dấu ấn đậm nét khi có đến 3/5 giải thưởng là các tác phẩm văn học.

Trong đó, Giải thưởng Lớn – Hiệp sĩ Dế Mèn đã được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của truyện dài “Làm bạn với bầu trời”. 2 trong 4 Giải Khát vọng Dế Mèn cũng được trao cho sáng tác văn học thiếu nhi là: “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” (bản thảo truyện dài của Cao Khải An) và “Mộng giang hồ” (bản thảo tập truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã rất quen thuộc với độc giả thiếu nhi. Nhưng, nói theo chính nhận xét của Hội đồng giám khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn thì truyện dài “Làm bạn với bầu trời” không thuộc tốp những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng vẫn là tác phẩm rất hấp dẫn, với không khí mơ màng, cổ tích như phong cách quen thuộc của tác giả.

Các sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn thuộc top sách bán chạy nhất hiện nay.

Ở trong tác phẩm mới “Làm bạn với bầu trời”, nhà văn vẫn bảo toàn được một tâm hồn trẻ thơ vô nhiễm. Và nhờ thứ năng lượng ấy, ánh sáng ấy, các trang văn trong lành, lương thiện và mơ mộng của nhà văn sẽ còn nối dài thêm mãi.

Ngoài ra, một tác phẩm khác được Ban sơ khảo, Hội đồng Giám khảo đánh giá rất cao, là đối trọng với “Làm bạn với bầu trời” trong hạng mục Giải thưởng Lớn – Hiệp sĩ Dế Mèn. Đó là “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Tập sách như một cuốn nhật ký nhỏ của gia đình và tác giả cũng chỉ định in hơn trăm cuốn để làm quà cho hai cháu nội ngoại của mình nhưng đã gây kinh ngạc cho cả Ban Sơ khảo và Hội đồng Giám khảo của giải thưởng.

Như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Đây là một cuốn sách dí dỏm, vui tươi, không thiếu tiếng cười và những liên tưởng ngộ nghĩnh trẻ thơ mà không kém phần sâu sắc, nhưng bên trong nó còn ẩn sâu bóng dáng của một nhà duy mỹ khổng lồ. Cuốn sách không chỉ truyền cảm hứng cho các ông bố bà mẹ, mà đọc xong người ta còn muốn được làm… ông nội, ông ngoại, để làm bạn với những đứa cháu nội, cháu ngoại bé nhỏ của gia đình mình, dòng tộc mình”.

Tuy nhiên, đến tận phút cuối cùng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều vẫn một mực xin rút khỏi các vòng chấm chọn với lý do ông là một thành viên Hội đồng Giám khảo của giải thưởng, không nên nhận giải.

Một tín hiệu vui khác nữa dành cho sáng tác văn học thiếu nhi là 2 gương mặt được trao Giải Khát vọng Dế Mèn là những cây viết rất mới. Tác giả của tập truyện “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm” là Cao Khải An, một câu bé mới 12 tuổi, đến từ Cà Mau.

Tập truyện đoạt giải vẫn còn ở dạng bản thảo, là những sáng tác đầu tiên của Khải An nhưng đã hé lộ về một tài năng mới cho văn học thiếu nhi. “Việc một chú bé sáng tác theo kiểu hiện thực, tức là bắt rễ vào trong đời sống của chính mình để viết là một xu hướng đáng khuyến khích trong bối cảnh mà nhiều tác giả thiếu nhi viết văn theo xu hướng giả tưởng”, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo giải Dế Mèn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, tác giả của “Mộng giang hồ” là một giáo viên tiểu học ở Kiên Giang nhưng cũng được nhận định là tập truyện “rất đặc sắc và có nghề”. Ngay chính Ban tổ chức cũng kỳ vọng, tập truyện có sức nặng để trình làng văn một cây bút vẫn còn khá mới.

Tại Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020, có 2 sáng tác cho thiếu nhi được trao giải là “Sài Gòn của em” (tranh: Lê Thư, lời: Hoàng Nguyên; Nhà xuất bản Trẻ) và “Chào thế giới bây giờ con đã đến” (tác giả: Lê Minh Quốc, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh”. Kết quả này phần nào cho thấy, sáng tác cho thiếu nhi đã được các tác giả quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Trao đổi với chúng tôi quanh vấn đề này, nhà thơ Lê Minh Quốc thẳng thắn bày tỏ: Hiện nay, sách viết cho thiếu nhi không ít nhưng chủ yếu là sách về kỹ năng, giáo dục đạo đức, giới tính và hầu hết là sách dịch. Sáng tác văn học dành cho thiếu nhi không nhiều. Việc sáng tác văn học dành cho thiếu nhi được chọn trao Giải thưởng Sách quốc gia năm nay cho thấy, mảng sáng tác này vẫn có chất lượng và thu hút được bạn đọc. Làm thế nào để lan tỏa rộng hơn các sáng tác văn học dành cho thiếu nhi hơn nữa. Giải thưởng trao cho sách thiếu nhi năm nay là động lực để văn nghệ sĩ quan tâm, chú trọng hơn về đối tượng này.

Cũng theo nhà thơ Lê Minh Quốc, lâu nay, không nhiều người viết cho thiếu nhi vì phải tuân thủ những chuẩn mực về đạo đức, về giáo dục, về lứa tuổi, tức là có những gò bó nhất định. Người viết, nếu không yêu thiếu nhi, sống với thế giới của thiếu nhi thì khó viết được. Một thực tế khác là việc nhìn nhận sáng tác văn học thiếu nhi chưa thực sự được đánh giá cao. Không chỉ riêng nhà thơ Lê Minh Quốc mà nhiều nhà văn, nhà thơ coi viết cho thiếu nhi chỉ như một cuộc “tạt ngang”, viết cho vui. Bản thân anh, nếu không có bé Mì (con gái của nhà thơ Lê Minh Quốc) thì cũng không có đủ cảm hứng để hoàn thành tập thơ trên.

“Văn học viết cho thiếu nhi vẫn luôn cần thêm nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn nữa. Đó là các tác phẩm viết về mái trường, gia đình, trong quan hệ dòng tộc, tức là những vấn đề rất nhỏ trong gia đình, quan hệ thầy cô, bè bạn. Mặt khác, các nhà phê bình cũng cần nhìn nhận vai trò văn học dành cho thiếu nhi cũng quan trọng không kém gì văn học dành cho người lớn.

Lâu nay, chúng ta hầu như không có người viết phê bình văn học cho thiếu nhi, chỉ 1-2 người. Như thế, vô hình chung, chúng ta bỏ quên văn học cho thiếu nhi. Như thế sẽ thiệt thòi cho chính thiếu nhi và chúng ta cần nhìn nhận lại một cách thấu đáo”, nhà thơ Lê Minh Quốc đề xuất.

An Bích Ngọc

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác quốc tế, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trong đó có hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp thuộc 2 quốc gia Lào và Trung Quốc trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia…

Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.

Chỉ trong vòng 3 tháng, bóng đá Việt Nam liên tục rúng động vì thông tin các cầu thủ chuyên nghiệp "nhúng chàm". Sau vụ 5 cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu bị bắt vì nghi vấn dàn xếp tỷ số đến lượt 5 cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị tạm giam vì liên quan đến ma túy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文