Nghệ sĩ Thương Tín: “Ăn mày dĩ vãng” hay bắn súng lục vào quá khứ?

10:05 13/01/2016
Rồi một ngày nào đó người ta sẽ không muốn nhắc đến người nghệ sĩ kể cả khi họ còn sống. Đấy mới là bi kịch. Thông điệp từ truyện ngắn “Kẻ giả chết” của nhà văn Dino Buzzeti làm tôi nhớ mãi và đã không ít lần so sánh nó với một số nghệ sĩ Việt Nam.


Thương Tín, với cuốn hồi ký của anh lại một lần nữa làm tôi nhớ đến thông điệp trên. Nam tài tử một thời đang tạo ra một cơn bão không đáng có, từ những câu chuyện vốn đang gây tò mò “ăn mày dĩ vãng” trong cuốn hồi ký ấy.

Để lại gì cho con?

Không ai cấm bạn viết hồi ký và cũng chẳng ai cấm bạn kiếm tiền từ việc kể lại câu chuyện đời mình trong một cuốn sách hoặc nhiều hơn để bán cho những người quan tâm.

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo, Thương Tín cho rằng mục đích anh viết cuốn hồi ký này là kiếm ít tiền để lại cho con. Điều đó cũng chẳng có gì là sai. Thậm chí, đáng trân trọng, khi hành động ấy thể hiện Thương Tín là một người cha có trách nhiệm.

Tuy nhiên, nhìn những thứ anh "để lại cho con" trong từng trang sách thì không đơn giản thế. Hay đúng hơn, anh đang để lại cho con một "món quà" mà rất nhiều người đọc nó tỏ ra ái ngại. Nhất là những câu chuyện vốn đang bị phản ứng, bị nhiều chỉ trích gay gắt khi anh đụng chạm quá sâu vào cuộc sống của người khác. Trong đó có những câu chuyện thực sự đã đạp lên ranh giới của sự nhân bản.

Hầu hết trong cuốn sách là những câu chuyện tình ái, những câu chuyện mà cả anh lẫn người chấp bút đều úp mở nói rằng sẽ mang đến một cơn bão ngay khi sách chưa phát hành. Để rồi, sau từng trang sách, một danh xưng mới của Thương Tín đã được thể hiện: "Người đàn ông hào hoa nhất điện ảnh Việt" hay "Nghệ sĩ đào hoa nhất của màn ảnh Việt".

Có lẽ những người "vinh danh" Thương Tín với danh xưng đó đang nhầm lẫn về hai chữ "hào hoa" hay "đào hoa". Bởi ở một phạm vi nào đó, thì hai từ này đều đi kèm với nghĩa tích cực. Tuy nhiên, những cơn phiêu lưu tình ái của Thương Tín trong cuốn hồi ký, thì đa phần không mang lại ý nghĩa tích cực như thế.

Trong những câu chuyện tình, một Thương Tín dù những năm tháng đầu tiên của chuyện  tình cảm, là một đứa trẻ bị lạm dụng, ít nhiều kích động lòng thương cảm, nhưng đột nhiên trong trang sách, lại trở thành những câu chuyện gây tò mò khi anh bị lạm dụng bởi một nghệ sĩ đồng tính và một bà "sồn sồn" mê trai trẻ.

Để rồi, theo dấu từng trang sách, cuộc đời anh lại trượt dài theo những cơn phiêu lưu tình ái. Một người phụ nữ bỏ chồng sống "già nhân ngãi" với anh, rồi hẹn một ngày cả hai cùng vượt biển. Anh đã ở lại, người đó và con đi để rồi họ chết trên biển. Một phụ nữ có tiền sống cùng anh một thời gian dài. Một cô ca sĩ hơi "bản năng" sống với anh mà không biết đến ngày mai trong hạnh phúc là gì. Những chuyện tình ái chớp nhoáng với các nữ đồng nghiệp. Chuyện yêu đương ngắn hạn với hai nữ diễn viên hài nổi tiếng (dù viết tắt tên nhưng ai cũng có thể biết được nữ nghệ sĩ này là ai)…

Đấy chưa kể, có những người phụ nữ đến với anh khi anh đang có gia đình và họ cũng đang có gia đình. Những câu chuyện kiểu "ngoại tình" như thế đâu phải là những điều tốt đẹp để kể lại? Thậm chí, nếu chôn vùi được thì hãy cứ chôn vùi. Bởi không phải lầm lỗi nào nói ra cũng đều là điều tốt. Bởi có những điều, dù cho đó là sự thật, thì có nói ra không phải ai cũng đối diện được. Và có những sự thật, thà im lặng và lãng quên nó, còn hơn là phải nói ra.

Cuốn hồi ký của Thương Tín.

Trong số họ, có những người được anh nêu tên thẳng, ví dụ như "nữ hoàng ảnh lịch" Diễm My hay ca sĩ Hồng Nhung chẳng hạn. Diễm My cũng lên tiếng bênh vực Thương Tín, tôn trọng những sự thật anh kể liên quan đến mình. Tuy nhiên, phạm vi ảnh hưởng của cuốn hồi ký thì chắc chắn không phải chỉ Diễm My. Bởi vì cô không đại diện cho chồng và con của cô được. Họ nghĩ gì, họ có bị tổn thương không, đó chính là câu hỏi mà người trả lời không ai khác, sẽ là Thương Tín.

Tất cả câu chuyện mà Thương Tín kể về các mối tình, nhiều người thực sự thấy sốc với những chi tiết liên quan đến… phá thai. Nữ nghệ sĩ hài H.Đ. từ Mỹ về dính dáng tình ái với anh, có thai và phá thai. Ca sĩ Hồng Nhung thì đến… 5 lần.

Trên mạng xã hội, rất nhiều người tỏ ra tức giận vì những tình tiết này. Hầu hết họ cho rằng đó không phải là những câu chuyện đẹp đẽ gì để mang ra kể. Người ta đặt câu hỏi, yêu thì anh cứ kể chuyện yêu, anh và người chấp bút đưa những câu chuyện phi nhân bản như thế này vào sách để làm gì? Họ có sống yên được với cái quá khứ đau đớn ấy mà một lần nữa anh gợi lại như bắn súng vào họ như thế hay không? Câu hỏi ấy, người trả lời, không ai khác lại vẫn là Thương Tín, và cả người chấp bút cho anh - bà Đinh Thu Hiền.

Bà Hiền đã lên báo trả lời phỏng vấn nhiều sau cuốn hồi ký. Nào là biết Thương Tín đóng phim "thu nhập không cao mà cũng chẳng để lại được gì" nên giúp Thương Tín bằng cách chấp bút để Thương Tín có được một số tiền. Nào là có nhiều sự thật kinh hãi và làm bà Hiền "rợn người" nhưng chỉ kể ra có từng này thôi…

Người nghệ sĩ hay bất cứ ai, khi làm ra một sản phẩm, đều phải đặt dấu hỏi để tự hỏi mình, sản phẩm đó mang lại giá trị gì cho xã hội? Nó có những giá trị tích cực nào, hướng thiện ra sao, chứ chưa nói đến có làm tổn thương người khác hay không, mang đến những chân dung không đẹp và gây những ảnh hưởng tiêu cực đến người khác hay không?

Cách đây 10 năm, cuốn hồi ký của Lê Vân thực sự gây bão. Một diễn viên trong một gia đình xứ Bắc nền nếp đã "nổ một phát súng" khi kể lại những câu chuyện quá khứ liên quan đến những cuộc tình của cô và câu chuyện của một gia đình nghệ thuật hàng đầu đất Bắc.

Sự tổn thương, có chăng là những người thân thiết, là những thành viên trong gia đình nghệ thuật họ Trần của cô. Tất cả các thành viên trong gia đình, những nghệ sĩ đất Bắc nổi tiếng ấy đều chọn giải pháp im lặng. Rồi mọi sự sục sôi có chăng cũng đã lắng xuống.

Tuy nhiên, điều đáng nói, cuốn hồi ký của Lê Vân dù nhắc đến những nhân vật có liên quan đến tình ái và nghề nghiệp của cô, đều là những người không được nhắc tên hoặc nhắc một cách phiếm chỉ. Nghĩa là người chấp bút và người kể đều đã rất thận trọng, vẫn tôn trọng sự thật nhưng không làm ảnh hưởng đến những người có liên quan. Và Lê Vân viết cuốn hồi ký để tự sám hối với mình chứ không phải để bán cho bạn đọc một sự tò mò. Điều này khác hẳn với cuốn hồi ký của Thương Tín, với những dòng tên (viết tắt một cách khá… dễ suy luận), với những sự thật, đã thực sự bắn một phát súng khá nghiệt ngã vào quá khứ của chính những con người ấy, mà phần quá khứ đó, vốn không hề nhẹ nhàng, và có thể, bản thân những người ấy cũng muốn quên đi những điều này để sống tiếp.

Trắng trên đen hay đen trên trắng?

Cuộc đời của Thương Tín có đáng viết hồi ký không? Đáng lắm chứ. Cuộc đời của một nam tài tử tài năng đi lên từ khốn khó, biết bao câu chuyện giá trị của một nghị lực lớn, vượt qua mọi thử thách để tỏa sáng trên màn ảnh, để lại những ấn tượng vô cùng khó quên cho khán giả một thời; một cuộc đời đầy sai lầm, vấp ngã và đứng dậy sau những vấp ngã, làm cha ở tuổi xế chiều với những vất vả mà ở đó có cả những hy sinh của những người phụ nữ đã sống vì anh và sống cho anh. Họ cũng cần được hiện lên với một hình ảnh đẹp và hướng thiện hơn, vẫn chân thật và cảm động.

Cuộc đời Thương Tín là một cuộc đời đầy bão, đúng. Nhưng đó là những cơn bão do chính anh gây ra chứ không hẳn do người khác hay do cuộc đời gây ra cho anh. Như câu châm ngôn quen thuộc, gieo tính cách thì gặt số phận. Và những nhân vật nữ trong cuộc phiêu lưu tình ái ấy, phần nào cũng là nạn nhân của anh, chứ chẳng phải họ tìm đến và nhấn anh vào những tháng ngày tăm tối của đời anh.

Đưa những câu chuyện quá khứ với phụ nữ, những người đã đi qua quá khứ yêu đương của mình ra để kể là một việc làm không mấy tốt đẹp của một đấng mày râu, nhất là với một người vốn rất tự hào về đàn ông tính của mình. Những câu chuyện ấy đã phần nào làm mất đi hình ảnh của Sáu Tâm, của những nhân vật vốn đã để lại những ấn tượng khó phai mờ trên màn ảnh.

Nghệ sĩ Thương Tín.

Gallego, cậu bé khuyết tật đã gây xúc động vô bờ bến với cả thế giới bằng câu chuyện đời mình có tên "Trắng trên đen". Năm 1968, một phụ nữ Tây Ban Nha sinh đôi nhưng chỉ một đứa bé được sống. Đứa còn lại bị dị tật não và người ta cũng nói với mẹ đứa trẻ là đứa trẻ đã chết.

Đứa trẻ đó liên tục phải sống từ bệnh viện này qua bệnh viện khác trong tình trạng…chờ người ta đem đi chôn. Thế mà cuộc đời vẫn cho nó một đặc ân được sống, dù sống thoi thóp qua hết trại tế bần này đến trại tế bần khác. Nó không tự lo cho nó được với những sinh hoạt thông thường mà phải nhờ đến người khác. Trên cơ thể nó, chỉ có đôi khuỷu tay và ngón trỏ bàn tay trái là cử động được.

Nhưng, một nghị lực phi thường đã khiến nó làm được rất nhiều điều phi thường. Ngón trỏ bàn tay trái đã giúp nó làm quen với máy tính để rồi đến năm 2003, nó trở thành nhà văn Gallego với tác phẩm đoạt giải viết sách bằng tiếng Nga hay nhất: “Trắng trên đen”. Nhà văn tật nguyền viết câu chuyện đời mình để nói không với cái ác, mang đến những sự thật cảm động xung quanh cuộc đời ông, vượt xa khỏi những câu chuyện thật để vươn tới những giấc mơ thời đại.

Dĩ nhiên, ta không đòi hỏi điều đó ở Thương Tín, hoặc chí ít là đặt những sự so sánh tương tự. Tuy nhiên, Thương Tín vẫn có nhiều giá trị đẹp trên màn ảnh, nhiều câu chuyện cuộc đời được đúc kết mà ở đó, có những vẻ đẹp lấp lánh hướng thiện nổi lên, hơn nhiều lần so với những gì anh đang thể hiện trong cuốn hồi ký của anh. Những điều đó, chắc chắn sẽ làm Thương Tín sống lâu hơn, và có giá trị hơn trong mắt khán giả của anh, và cả với con anh, người mà anh muốn tặng cho con cuốn hồi kỳ này, dù được cân đong đo đếm bằng tiền.

Khi một nghệ sĩ viết hồi ký, cũng là lúc quyết định việc anh sống tiếp hay là “chết đi” trong lòng công chúng của anh. Một cuốn hồi ký hướng thiện với bài học nhân văn, thì sẽ khiến nghệ sĩ đó sống mãi. Nhưng những cuốn hồi ký gây bão dư luận và bão lòng với người trong cuộc, sẽ khó quên đấy, nhưng cũng là lúc đánh mất hình ảnh một nghệ sĩ trong lòng công chúng của họ.

Khi mà chúng ta đang phê phán một bộ phận lớp trẻ với lối sống hưởng thụ, chạy theo những cảm xúc sớm, yêu đương sớm và có những biểu hiện đạo đức xuống cấp, thì nay, "người một thời" cung cấp cho các em một chân dung còn "dữ dội hơn thế nhiều" thì liệu có thể thuyết phục được các em bằng những điều chúng ta nói?

Cuốn hồi ký Thương Tín cái cuối cùng đọng lại là cái gì ngoài một chân dung ăn chơi, một lý lịch tình ái chằng chịt và không rõ ràng, đạp lên nhiều ranh giới của những điều không tốt đẹp?

Nhưng có lẽ, cả Thương Tín lẫn người chấp bút còn quên đi một điều rằng, điều 22 của Luật Xuất bản cũng như Nghị định số 111/2005/NĐ-CP về xuất bản, có những ràng buộc về những thông tin xuất bản đụng đến danh dự, nhân phẩm và đời tư của người khác. Thương Tín kể là chuyện của Thương Tín, nhưng khi anh viết ra, và đặc biệt là cơ quan xuất bản, phải hiểu điều này hơn ai hết.

Hoàng Nguyên Vũ

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文