“Bản danh sách điệp viên” – Tác phẩm đặc sắc về CAND
Được coi là một trong những kịch bản đầu tiên cho dòng kịch phản gián về lực lượng CAND, sau hơn nửa thế kỷ, đến nay, “Bản danh sách điệp viên” vẫn được nhiều đoàn, đơn vị nghệ thuật chọn dàn dựng và tiếp tục mang về nhiều giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn. Tuy nhiên, ít ai biết, vở kịch thuộc hàng “tiêu biểu” về lực lượng CAND này vốn là sản phẩm sáng tạo của những người làm sân khấu không chuyên – những cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội.
Vở diễn tuyên truyền thành tác phẩm "ăn khách"
“Bản danh sách điệp viên” kể về những chiến công, hy sinh thầm lặng của điệp báo Công an Hà Nội trong kháng chiến. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, thực dân Pháp rút quân khỏi Việt Nam, cài lại một mạng lưới gián điệp tại Hà Nội. Đế quốc Mỹ lăm le thế chân Pháp. Cả chính quyền Việt Minh và Mỹ đều quyết tâm giành bằng được bản danh sách điệp viên – mạng lưới tình báo của Pháp tại Hà thành.
Trong cuộc đấu trí căng thẳng với lực lượng tình báo "cáo già" của Phòng Nhì Pháp, tình báo sừng sỏ - CIA của Mỹ, lực lượng điệp báo còn non trẻ của Việt Minh đã chiến thắng. Nhưng, sau chiến công ấy, có không ít những mất mát, đau thương. Để bảo vệ Đại uý Henry Thọ - chiến sĩ điệp báo thâm nhập hàng ngũ kẻ địch lấy được bản danh sách - một số cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Để đảm bảo vỏ bọc và hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, Henry Thọ đau đớn, bất lực chứng kiến Huệ - người con gái làng hoa Ngọc Hà và cũng là người yêu của mình bị sát hại…
Kịch bản “Bản danh sách điệp viên” của tác giả Văn Báu viết năm 1970 cho Đội Kịch Công an Hà Nội, được trau chuốt bởi ông Kim Sơn - một cựu điệp báo, người đã góp phần làm nên nhiều chiến công của lực lượng CAND, trong đó có vụ đánh đắm chiến hạm Amyot D'Inville của Pháp tại Thanh Hoá năm 1950. Ông Kim Sơn cũng là đạo diễn vở “Bản danh sách điệp viên” cho Đội Kịch Công an Hà Nội.
Bà Mỹ Bình, một trong số diễn viên đầu tiên tham gia diễn xuất vở “Bản danh sách điệp viên” cho biết, lớp diễn viên thế hệ đầu tiên của Đội kịch Công an Hà Nội gồm: Đội trưởng Doãn Ngọc Tú, Văn Thanh, Vũ Tăng, Phùng Pha, Ngô Tỵ, Quốc Toán, Văn Phú, Ngọc Mạnh, Tạ Khắc Đàm, Nguyễn Quang, Gia Độ, Bích Hoàn, Minh Nguyệt, Xuân Phương, Hồng Hải, Mỹ Bình, Tiến Phú, Đức Sầm. Đây là những hạt nhân văn nghệ của nhiều đơn vị, phòng, ban của Công an Hà Nội, được triệu tập để tham gia vở diễn đặc biệt chào mừng Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, 20/7/1970. Người được chọn tham gia diễn các vai, từ chiến sĩ trong lực lượng phản gián của Công an Việt Nam, đến tình báo Mỹ, Pháp đều có ngoại hình đẹp, thể hiện được phong thái sang trọng, lịch lãm trên sân khấu.
Diễn về chiến công của lực lượng mà chính mình đang tham gia công tác nên các thành viên trong Đội Kịch vừa tự hào, vừa lo lắng, áp lực. Đạo diễn Kim Sơn vốn là người trong cuộc, từng trải qua những ngày Pháp còn tạm chiếm Việt Nam nên yêu cầu rất khắt khe, từ phục trang đến diễn xuất. Từ nhấn câu, nhả chữ, giọng điệu, lời thoại đến phong cách trên sân khấu đều phải "đúng kiểu Hà Nội 1954".
Nhiều chi tiết, "mảng miếng" mà chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ nhất, được đạo diễn Kim Sơn “gẩy’ vào vở diễn, tạo xung đột, kịch tính, cuốn hút người xem. Bà Mỹ Bình vào vai Mary Nhung, cô con gái nhà giàu được yêu chiều, nhưng mê Đại uý Henry Thọ. Để có trang phục cho vai Mary Nhung, bà đến nhà may Tiến Thành – nơi chuyên may đầm, comple nổi tiếng ở Hà thành bấy giờ - nhờ làm 2 bộ váy theo đúng yêu cầu của đạo diễn Kim Sơn. Bộ trang phục thứ 3 cho vai diễn, bà xin ở Đoàn Kịch Hà Nội. Đôi giày cao gót cho Mary Nhung do người thợ ở đường Nguyễn Thượng Hiền chuyên đóng giày cho diễn viên làm giúp. Các vai diễn khác cũng được chăm chút phục trang kỹ như thế.
Buổi ra mắt vở diễn đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội gây tiếng vang lớn. Đội kịch được mời diễn liên tục, không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Theo ông Hồ Công Thiết, người gắn bó lâu năm với Đội Kịch Công an Hà Nội, những năm đầu mới ra mắt, “Bản danh sách điệp viên” trở thành hiện tượng của sân khấu Thủ đô.
Đoàn diễn tại Nhà hát Lớn, các rạp Công nhân, Hồng Hà, Đại Nam, Đống Đa thu hút rất đông người xem. Tại một số rạp, nhiều người đặt gạch xếp hàng chờ mua vé như đi mua lương thực thực phẩm trong thành phố. Giám đốc Sở Công an Hà Nội Lê Đình Thảo phải yêu cầu lãnh đạo công an ở khu vực này đảm bảo an toàn cho đêm diễn, không để xảy ra tranh giành, gây mất an ninh trật tự.
Bà Mỹ Bình cho biết, thời gian đầu, khán giả quá đông, đoàn diễn ở Thái Nguyên bị gẫy đôi cái bàn bán vé vì chen lấn. Đoàn lưu diễn phục vụ Quân đội tại Sơn Tây đúng đêm trời mưa lớn nhưng nhiều thương binh ngồi xe lăn, chống nạng bên dưới vẫn lặng phắc theo dõi nên diễn viên đội mưa mà diễn. Diễn phục vụ tại Lạng Sơn, đoàn được lên tận cột mốc biên giới tham quan, dù quy định ngày ấy, người dân chưa được phép đến khu vực này. Được ưu ái, tin tưởng, đoàn diễn liên tục, không có ngày nghỉ, có khi diễn 2 suất/ngày.
Tác phẩm “kinh điển” về lực lượng CAND
Tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn miền Bắc, “Bản danh sách điệp viên” của Đội Kịch Công an Hà Nội - đoàn nghệ thuật không chuyên duy nhất, được đặc cách tham dự nhưng mang về nhiều giải thưởng, Huy chương Vàng cho các diễn viên chính và tác giả kịch bản. Sau này, “Bản danh sách điệp viên” còn được Đội Kịch Công an Hà Nội dựng lại nhiều lần. Đây cũng là vở diễn được chọn lưu diễn nhiều tỉnh thành phía Nam, ngay sau khi Giải phóng miền Nam. Kịch bản “Bản danh sách điệp viên” còn được chuyển thể cải lương, điện ảnh, được nhiều đơn vị kịch nói khác chọn dựng. Tuy nhiên, được đánh giá là thành công nhất, thu hút khán giả đông nhất vẫn là bản dựng của Đội kịch Công an Hà Nội. Đến những năm cuối thập niên 80-90 của thế kỷ XX, nhiều loại hình giải trí ra đời, Đội Kịch Công an Hà Nội giải tán. Dù vậy, suốt nhiều chục năm sau, “Bản danh sách điệp viên” vẫn được rất nhiều đoàn, đơn vị nghệ thuật dựng tiếp. Trong đó, bản dựng năm 2005 do NSND Tuấn Hải – một cựu diễn viên của Đội Kịch Công an Hà Nội làm đạo diễn, là tác phẩm được chọn mở màn Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND, diễn tại Ba Đình, truyền hình trực tiếp trên VTV.
NSND Tuấn Hải cho biết, ông về Đội Kịch Công an Hà Nội khi Đội đã gặt hái được nhiều thành công, có nhiều vở diễn ăn khách khác về lực lượng CAND. Với “Bản danh sách điệp viên”, ông chỉ đóng vai quần chúng, nhưng được hoà mình trong bầu không khí sôi nổi, “được sống, trò chuyện” cùng tất cả các nhân vật trong vở diễn kinh điển này nên nhớ từng chi tiết, lời thoại. Khi dựng lại tác phẩm vào năm 2005, NSND Tuấn Hải mời nhiều gương mặt nổi tiếng đương thời làm diễn viên chính.
Dàn diễn viên phụ là các cựu thành viên của Đội Kịch Công an Hà Nội, còn công tác trong Công an, được triệu tập về. Tất cả những khát khao làm nghề, những mong muốn chưa thể thực hiện được trong các lần dựng “Bản danh sách điệp viên” trước đó được NSND Tuấn Hải gửi gắm cả vào bản dựng này. Phần âm nhạc do nhạc sĩ Trọng Đài đảm nhận. Ê-kíp sáng tạo được tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất, vào tận Bảo tàng CAND mượn hiện vật. Phục vụ tập kịch, sân khấu Hội trường Công an Hà Nội cơi nới gấp đôi.
Cảnh trí được tập trung đầu tư, tạo sự mới lạ, hấp dẫn bằng công nghệ hiện đại. Ê kíp dày công làm nhiều đoạn phim phục vụ cho vở diễn, tạo ấn tượng cho khán giả, nhất là trong các cảnh đuổi bắt, cảnh đoàn xe địch nghiền nát các luống hoa khi tiến vào làng hoa Ngọc Hà và nhiều cảnh của Hà Nội những năm 1950-1954. Đây cũng là một trong số rất ít những vở kịch kết hợp sân khấu và điện ảnh, được đầu tư lớn lúc bấy giờ. “Bản danh sách điệp viên” tiếp tục thu hút công chúng, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tình yêu Hà Nội – một Hà Nội hào hoa, lãng mạn, đầy chất thơ nhưng cũng rất đỗi hào hùng.
Gần đây, kịch bản “Bản danh sách điệp viên” vẫn tiếp tục được nhiều đơn vị nghệ thuật, trong đó có Nhà hát CAND chọn dựng lại. Trong đó, bản mới nhất vẫn đang trên sàn tập, do NSND Lê Hùng đạo diễn, dự kiến ra mắt khán giả đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát CAND (24/4).