Cần chấn chỉnh hoạt động lộn xộn ở một số lễ hội

07:06 05/02/2023

Vui xuân, lễ Phật, cầu an là hoạt động văn hoá tâm linh của người Việt khi Tết đến xuân về. Nhiều lễ hội ở miền Bắc diễn ra hết tháng Hai, tháng Ba âm lịch, thu hút hàng triệu lượt khách về hành hương, tham quan, vãn cảnh.

Bài 1: Trẩy hội chùa Hương, khách “quên” áo phao, chủ đò hét giá!

Bên cạnh những lễ hội được tổ chức trật tự, tôn nghiêm, thì vẫn còn những nơi nhộm nhoạm, hàng quán xô bồ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, chèo kéo khách, đò chở quá người quy định, mất an toàn giao thông đường thuỷ…

Những chuyến đò quá tải trên suối Yến

Lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn nhất miền Bắc, khai hội từ mùng 6 tháng Giêng âm lịch đến hết tháng Ba. Vào ngày khai hội, chùa Hương đón gần 5 vạn khách, sau đó, những ngày thứ Bảy, Chủ Nhật có từ 2-3 vạn khách; các ngày còn lại trong tuần có từ 1-1,5 vạn người đổ về. Tính đến ngày 2/2, chùa Hương đã đón 237.584 khách, dự kiến hết lễ hội sẽ đón khoảng 1,3 triệu lượt khách. Một lễ hội lớn, kéo dài, về công tác tổ chức đã cố gắng chu toàn, nhưng vãn cảnh chùa Hương vào ngày đầu xuân này, nhiều du khách vẫn còn lo ngại bởi những hình ảnh chưa đẹp.

Đò chở quá tải, khách không mặc áo phao trên suối Yến vào Thiên Trù - chùa Hương.

Từ trung tâm Hà Nội, chúng tôi hành hương về chùa Hương vào ngày 1/2. Vừa qua ngã ba Ba La, chúng tôi đã được “cò” gõ cửa xe: “Các chị đi chùa Hương à, theo xe em nhé”. Mặc dù chúng tôi chưa trả lời, nhưng “cò” đã bám sát theo xe vào tận huyện Mỹ Đức. “Cò” dẫn đường đưa chúng tôi đến xã Hương Sơn, dừng tại một ki ốt trông ra suối Yến và giao cho chủ đò phát giá. “Hai em chị lấy 500.000 đồng tiền đò, giá vé thắng cảnh 130.000 đồng/người, tất cả là 760.000 đồng”, chị chủ đò ra giá. Thấy chúng tôi chê đắt và định bỏ đi, chủ đò nài nỉ và sau đó bớt tiền đò xuống còn 400.000/2 người. 

Vì là ngày thường, nên suối Yến không quá đông thuyền đò qua lại. Khi chúng tôi hỏi áo phao, chủ đò thản nhiên: “Làm gì có, trước giờ có ai mặc áo phao đâu”. Chúng tôi thắc mắc: “Cả hành trình vài cây số trên sông mà không có áo phao, thế là vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa”, chủ đò mới chỉ vào 2 cái phao đeo tay vứt ở một góc nói: “Chỉ có cái này, không ăn thua đâu, rơi xuống nước làm sao mà nổi được”.

Trên hành trình vào chùa Hương, chúng tôi bắt gặp hàng trăm đò chở khách qua lại đều không ai mặc áo phao. Đặc biệt, có rất nhiều đò chở quá số người quy định. Có đò chở đến 20 – 22 khách, chật kín chòng chành mà không có áo phao. Trên sông, còn có nhiều đò bán hàng đang cố gắng bám sát vào đò chở khách để mời chào, chèo kéo.

Cần chấn chỉnh ngay những lộn xộn

Khi được hỏi về những hình ảnh còn lộn xộn, chưa đẹp tại lễ hội chùa Hương, đại diện Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cho biết, theo quy định khách đi đò phải có áo phao. Tuy nhiên, các đò hoạt động hiện nay đều không có áo phao cho khách. “Dòng suối mực nước chỉ 1,5m, từ trước đến nay chưa có vụ đuối nước nào xảy ra, đò xuồng đi san sát cũng yên tâm, không may có đuối nước thì có người cứu”, vị này giải thích.

Trả lời thêm về vấn đề này, ông Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, năm nay, để phục vụ nhu cầu đi lại của du khách về trẩy hội chùa Hương, Ban tổ chức đã bố trí gần 4.000 chiếc đò. Trước ngày khai hội, Ban Tổ chức đã tổ chức lớp tập huấn cho các chủ thuyền, đò đảm bảo an toàn cho du khách khi vận chuyển, yêu cầu các chủ đò bố trí đầy đủ phao cứu sinh, giỏ đựng rác, gắn biển quản lý và chấp hành nghiêm việc chở đúng số người quy định. Tuy nhiên, ông Hiển cũng thừa nhận tình trạng thiếu áo phao trên các đò cho du khách cũng như việc có các nhà đò còn chở quá số người quy định.

Theo quy định, nếu đò chèo tay, người chèo đò đứng thì được chở 12 khách, còn người chèo đò ngồi chỉ được chở 6 khách, nhưng chở quá tải lại diễn ra khá nhiều. Đặc biệt, xuồng máy không được hoạt động trên suối Yến, suối Tuyết, nhưng vẫn có hộ gia đình lén lút vi phạm. Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ (Công an TP Hà Nội) và Công an huyện Mỹ Đức tuyên truyền, nhắc nhở, cấp phát 1.000 dụng cụ nổi, 150 phao và 360 áo phao, song người dân vẫn vi phạm.

Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp cùng Tổ liên ngành của Ban tổ chức lễ hội kiểm tra, đình chỉ và yêu cầu 7 trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng xuồng máy không có giấy phép cam kết không đưa xuồng máy ra hoạt động khi chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp; lập biên bản thu giữ 7 bình ắc quy. Đồng thời, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 30 chủ phương tiện vi phạm quy chế Ban tổ chức với lỗi “Không trang bị áo phao cứu sinh và rỏ đựng rác”; xử lý nghiêm đối với các trường hợp đò kinh doanh buôn bán sai quy định trên Suối Yến.

Đại diện Ban quản lý Khu di tích cũng thừa nhận, còn tình trạng chủ đò tự mời khách đến với gia đình và tự thoả thuận giá nên không tránh khỏi “chặt chém” khách. “Giá vé đò cho khách tuyến Thiên Trù là 50.000 đồng/khách, nếu đi tuyến lẻ như Thanh Đò, Thanh Sơn, Tuyết Sơn trả thêm 35.000 nữa; vé thắng cảnh 80.000/người. Vé bán ở ngoài bãi để ôtô, còn trong trạm ở bến Yến bán bổ sung. Chúng tôi có Tiểu ban quản lý điều hành khách, làm công tác viết phiếu điều hành và quản lý tất cả những người tham gia vận chuyển khách, những người này phải đăng ký, đồng thời phải có xuồng, áo phao, giỏ đứng rác. Tuy nhiên, đến nay Ban tổ chức chưa điều hành được việc xếp số theo thứ tự và tới đây phải thành lập hợp tác xã thì việc quản lý mới quy củ”, vị này cho biết.

Tuy giá vé quy định như nêu ở trên, song tại đây còn nhiều chủ đò tự hét giá “trên trời” với khách, thu quá số tiền theo quy định. “Nếu chủ đò bán giá cao là sai quy định của Ban tổ chức, khách kiến nghị chúng tôi sẽ xử lý”, vị này khẳng định.

Theo Ban Quản lý Khu di tích Hương Sơn, do cơ sở hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng được với lượng khách về lễ hội. Hiện, quy hoạch tổng thể chùa Hương vẫn đang chờ phê duyệt, vì thế chưa có các nguồn đầu tư và kinh phí cho xây dựng. “Hết mùa lễ hội năm nay, việc vận chuyển khách trên suối Yến sẽ được quy hoạch lại, thành lập hợp tác xã để quản lý. Sang năm du khách về đây bắt buộc phải mặc áo phao khi đi đò”, ông Nguyễn Bá Hiển nói.

T.Hằng – N.Hương

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文