Đẩy mạnh số hóa, làm mới sản phẩm để phát triển du lịch Hà Nội

08:41 28/03/2023

Mặc dù du lịch Hà Nội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19 song chưa thực sự phục hồi như mục tiêu đã đề ra, nhất là về đón khách quốc tế.

Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 3/2023, ngành Du lịch Hà Nội đã đón 2,09 triệu lượt khách, tăng 38,3% so với cùng kỳ 2022, tăng 13% so với tháng 2/2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 397,2 nghìn lượt khách, tăng 40% so với tháng 2/2023, khách du lịch nội địa ước đạt 1,7 triệu lượt khách, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Về hoạt động lưu trú, trong tháng 3/2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao đạt khoảng 56,4%, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Khách quốc tế đến Hà Nội thời gian qua chưa như kỳ vọng.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để có kết quả khả quan nói trên, ngành Du lịch Thủ đô đã nỗ lực quảng bá, tuyên truyền với nhiều sự kiện lớn được thực hiện như hoạt động khởi động du lịch “Get on – Hà Nội để yêu 2023”, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023. Đồng thời, Sở đã đề nghị các địa phương, doanh nghiệp đổi mới cách xây dựng sản phẩm, ra mắt nhiều sản phẩm đặc sắc, đặc trưng của Hà Nội cũng như các sản phẩm liên kết, tạo được sức hút với du khách trong và ngoài nước. Năm 2023, ngành Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 22 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu này, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp các địa phương xây dựng, phát triển một số mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thường Tín, thị xã Sơn Tây…

Thực tế, hiện nay, đến với Hà Nội, du khách trong và ngoài nước có khá nhiều sản phẩm du lịch để lựa chọn, nhất là các sản phẩm gắn với di sản - di tích, làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nhiều tour du lịch đặc sắc dựa vào khai thác các giá trị văn hoá truyền thống của Thủ đô đang hút khách như: Tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour xe đạp khám phá nhiều cung đường mới trong nội thành và ngoại thành Hà Nội; tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”, tour “Du lịch Văn học” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Về nhóm sản phẩm này, Hà Nội còn nghiên cứu, thí điểm triển khai mô hình Bus đường sông phục vụ nhu cầu người dân và khách du lịch, trước mắt là tuyến bus từ Bến Bạc đến Bát Tràng.

Với du lịch về đêm – một trong những nhóm sản phẩm vẫn từng bị than phiền là kém hấp dẫn du khách trước đây bước đầu đạt những thành tựu đáng kể với các sản phẩm du lịch đêm kết hợp với trải nghiệm thực tế tại các khu vực di tích, di sản của Hà Nội như: Tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại khu di ích Hoàng thành Thăng Long, tour “Đêm Thiêng Liêng” của di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour du lịch văn hóa kết hợp chăm sóc sức khỏe ở Sóc Sơn, sản phẩm du lịch trải nghiệm đêm tại các tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố đi bộ khu vực Thành cổ Sơn Tây,...

Thông tin tại hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 mới đây, UBND TP Hà Nội cũng cho biết, TP đã đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng các phần mềm tiện ích trong quản lý, phát triển sản phẩm du lịch như: Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu chung; phát triển ứng dụng phần mềm Nền tảng địa chỉ số; chia sẻ dữ liệu với các đơn vị công nghệ phát triển các ứng dụng trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, số hóa các điểm đến di sản - di tích bằng công nghệ giao diện ảnh 360 độ, ứng dụng mã QR Code với 6 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn) phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm đến du lịch... Hình ảnh du lịch Thủ đô được quảng bá trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok và các nền tảng 3D, trực tuyến khác. Hệ thống website, trang mạng xã hội quảng bá du lịch Hà Nội được nâng cấp, phù hợp với xu hướng mới của thị trường.

Thời gian qua, nhiều điểm đến du lịch trên địa bàn Hà Nội rất tích cực ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình xây dựng sản phẩm, nâng cao công tác quản lý, như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam triển khai thành công ứng dụng thuyết minh đa phương tiện (iMuseum VFA), di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám ứng dụng công nghệ 3D, Mapping trong tái hiện các văn thư, tài liệu, hiện vật cổ, số hóa các dữ liệu về lịch sử các khóa thi cử, hệ thống văn bia tiến sĩ; Điểm du lịch Bát Tràng ứng dụng công nghệ VR 3D (thực tế ảo) giúp du khách như được hòa mình vào lễ hội làng nghề… Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự nỗ lực, cố gắng của đơn vị, doanh nghiệp du lịch, hoạt động du lịch Thủ đô đã từng bước phục hồi. Năm 2022, Hà Nội được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm”.

Hà Nội đang hướng đến mục tiêu năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế (tương đương với mức đạt được của năm 2019 – thời điểm trước đại dịch COVID-19). Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận, mặc dù thời gian qua du lịch Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa thực sự phục hồi như mục tiêu đã đề ra, nhất là về kết quả đón khách quốc tế.

Để thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, cần nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ hệ thống cấp visa điện tử để thuận lợi hơn cho du khách trong việc khai báo, đăng ký cấp visa online, mở rộng thêm đối tượng du khách được đăng ký visa online, tăng thêm số lượng quốc gia được miễn thị thực. Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét cho phép tiếp tục áp dụng mức giá tiền điện đối với các cơ sở lưu trú du lịch bằng mức giá tiền điện sản xuất theo Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, xây dựng triển khai một số cơ chế chính sách phát triển hoạt động du lịch như: Cơ chế cho phép thí điểm triển khai mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư trong lĩnh vực du lịch; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam để thu hút khách quốc tế, thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần sớm có đề án, chương trình, kế hoạch triển khai tổng thể công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể và hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

N.Nguyễn

Ngày 13/11, Cục CSGT cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) đã lập biên bản xử phạt tài xế điều khiển ô tô Land Cruiser có hành vi dán băng dính che biển số đi trên cao tốc.

Các tỉnh thành tại miền Bắc nền nhiệt ban ngày được dự báo ở ngưỡng 29 - 32 độ C, trời nắng hanh khô tuy nhiên về đêm và sáng sớm lạnh trở lại. Bão số 8 trên biển Đông có xu hướng yếu đi.

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng với Chính phủ, cùng các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị, quyết tâm vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sáng 12/11, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và nghiệp vụ công tác Đảng trong CAND. Trung tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu khai mạc.

Sau gần 2 tháng thực hiện tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại, Cơ quan CSĐT 2 cấp Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khởi tố 6 vụ án/31 bị can để điều tra về các tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc”, thu giữ hơn 9,7 tấn Xyanua, 315 kg axit Sulfuric, 105 kg axit Clohidric cùng nhiều tang vật có liên quan; khẩn trương truy xét các đầu mối tiêu thụ Xyanua tại nhiều tỉnh, thành, thu hồi 313,5 kg Xyanua được mua bán trái phép…

Ngày 12/11, TAND tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Thanh Việt (SN 1953, trú tại: ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nơi thường trú trước khi phạm tội: thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) về hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Đây vụ án gây xôn xao dư luận trên 40 năm qua, đối tượng đã cùng đồng bọn gây ra vụ án mạng khiến 6 người tử vong và trốn lệnh truy nã suốt 43 năm.

Chiều 12/11, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết, đã làm việc với ông Trần Hữu Tân (SN 1991) và tiến hành đình chỉ hoạt động của bến thủy không phép cạnh cầu Cửa khẩu Giang Thành (tại ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang).

Xuất phát từ chuyện mâu thuẫn cá nhân, sau giờ chào cờ đầu tuần, 2 nam  sinh cùng 2 nữ học sinh xông vào đánh nhau. Trong lúc xô xát, hai nam  sinh đã dùng vật sắc nhọn (nghi là dao) đâm 2 nữ sinh trọng thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文