Du lịch golf có nhiều thuận lợi để phục hồi, phát triển
Thuộc loại hình du lịch cao cấp, mang lại doanh thu cao, tạo cơ hội việc làm và cơ hội cho các điểm đến, du lịch golf đang được kỳ vọng có nhiều cơ hội phục hồi, phát triển sau đại dịch.
Sau đại dịch, thậm chí là ngay trong thời điểm dịch bệnh còn căng thẳng, du lịch golf vẫn có nhiều cơ hội phát triển hơn so với nhiều loại hình du lịch khác. Năm 2021, Giải thưởng Du lịch thế giới tiếp tục vinh danh Việt Nam là “Điểm đến golf tốt nhất châu Á” và “Điểm đến golf tốt nhất thế giới”. Trao đổi về xu hướng du lịch sau đại dịch, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch thể thao, trong đó có du lịch golf có nhiều lợi thế phát triển, là một trong những xu hướng nhằm khai thác sự quan tâm nâng cao sức khỏe của người dân trong giai đoạn hiện tại.
Nhận định du lịch golf là loại hình du lịch cao cấp, kết hợp chơi golf cùng tham quan điểm đến và nghỉ dưỡng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu còn cho rằng, du lịch golf là lợi thế mới để Việt Nam thu hút khách quốc tế. Hiện nước ta có khoảng 100.000 người chơi golf và 100 sân golf đang hoạt động. Trong đó, 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế dọc đường biển dài 6.000km, liền các khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Đồng quan điểm nói trên, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương, còn cho hay, Việt Nam đang là điểm đến du lịch golf rất tốt, trở thành thương hiệu được thế giới ghi nhận qua nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Du lịch thế giới. Thực tế, Việt Nam đang là điểm đến yêu thích của khách quốc tế. Mới đây nhất, trong chuyến bay đầu tiên đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào ngày 20/11 có hơn 200 khách đến Phú Quốc thì trên băng chuyền có gần trăm bộ chơi golf.
Du lịch golf ở Việt Nam có nhiều tiềm năng. Bên cạnh vị trí địa lý lý tưởng để thu hút người chơi golf khắp thế giới, đặc biệt là các quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận đang có số người chơi golf tăng cao trong nhiều năm trở lại đây như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…, Việt Nam có nhiều tài nguyên khác để thu hút khách. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, hoạt động golf có thể tổ chức ở các vùng miền ở cả 4 mùa trong năm. Golf là môn thể thao giàu tính trải nghiệm và đến Việt Nam khá muộn so với nhiều quốc gia nhưng được đầu tư bài bản ngay từ đầu. Các sân golf Việt Nam đều có điểm độc đáo riêng và có sức hấp dẫn đặc biệt. Chúng ta có nguồn nhân lực trẻ, rất thuận lợi cho phát triển du lịch golf… Đó là nhận định chung của nhiều nhà quản lý, nghiên cứu và người làm du lịch golf Việt Nam.
Ông Vũ Duy Thành, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam cho biết, thị trường quốc tế và thị trường nội địa của du lịch golf đều tăng trưởng mạnh. Mặc dù đại dịch COVID-19 phức tạp nhưng lượng người chơi golf ở Việt Nam trong 2 năm vừa qua vẫn tăng cao. Bên cạnh gần 100 sân golf đi vào hoạt động, hiện nay, nhiều sân golf mới đang được quy hoạch, xây dựng. Bên cạnh các sân golf được chăm chút đầu tư bài bản, chúng ta có nền văn hoá đặc sắc, có nhiều nội dung mới mà người du lịch golf muốn tìm hiểu. Với 2 thị trường lớn nhất ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta có mối quan hệ kinh tế và văn hoá, kết nối chặt chẽ. Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch golf Hàn Quốc đến Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn. Có thể nói, trong 10 người Hàn Quốc đến Việt Nam thì có 8 người ít nhất 1 lần ra sân golf Việt Nam.
Ông Thành còn nhận định: COVID-19 còn tác động nặng nề đến du lịch toàn cầu theo hướng du lịch thể thao phát triển. Golf là một trong những môn thể thao được đánh giá là an toàn nhất trong đại dịch. Trên 1 diện tích 80ha đến 100ha, quy định của golf tối đa chỉ có 144 người chơi. Trong thời điểm chống dịch căng thẳng nhất, các quy định chặt chẽ về chống dịch của Nhà nước, các không gian khép kín trong sân golf phải tạm dừng như khu vực thay đồ, buồng tắm, còn lại tất cả các khu vực khác vẫn bảo đảm an toàn cho mọi người phòng chống dịch. Hạ tầng cơ sở đang ngày càng phát triển, cả về giao thông, sân bay, các hãng hàng không, vận tải hành khách nên hoàn toàn có cơ sở để khẳng định, đây là cơ hội để thúc đẩy du lịch golf. Đây có thể là một trong những chìa khoá quan trọng mở ra hướng thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam…
Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, phát triển du lịch golf cũng còn có nhiều nút thắt. Golf vẫn đang chịu mức thuế rất cao, bao gồm 20% thuế tiêu thụ đặc biệt và 10% thuế VAT, dẫn đến giá thành sản phẩm du lịch golf Việt Nam thiếu tính cạnh tranh với các nước trong khu vực như Malaisia, Thái Lan… Du lịch golf còn mới mẻ với đa số các công ty lữ hành nên còn hạn chế về hướng dẫn viên, những người thiết kế sản phẩm, thiếu công cụ liên kết giữa khách sạn, resort, các hãng vận tải…
Để tháo gỡ các nút thắt nói trên, các cấp quản lý xem xét giảm thuế để tạo sản phẩm cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, cần có sự quan tâm kết nối với lữ hành, công ty vận tải hành khách để sản phẩm du lịch golf có được các công cụ thuận tiện, nhanh chóng tiếp cận khách quốc tế và trong nước. Các sân golf cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong các hoạt động như đặt giờ chơi, thiết kế sản phẩm, quảng bá hình ảnh sân golf, marketting số… Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch nên kiến nghị và đề ra những chính sách thúc đẩy, tạo cơ chế đón khách quốc tế đến chơi golf tại Việt Nam, gần nhất là trong giai đoạn 2 thí điểm đón khách quốc tế sắp tới.