Du lịch tìm hướng đi mới

16:23 25/01/2022

Trong gần 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch. Thiệt hại của ngành du lịch được đánh giá là đã “chạm đáy”. Tại TP Hồ Chí Minh có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound tạm ngưng hoạt động; 190 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành rút giấy phép kinh doanh... Do vậy, việc xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Tiềm năng du lịch rất lớn

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh. Trong nhiều năm qua, trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tỷ lệ đóng góp du lịch vào GRDP của thành phố từ 10-12%.

Các y, bác sĩ tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 tham quan Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác ở huyện Cần Giờ.

Tại Tọa đàm giữa lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh với đoàn các viên chức ngoại giao văn hóa, báo chí và phóng viên nước ngoài tại Việt Nam ngày 3/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Dương Anh Đức cho biết, TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – khu vực được đánh giá là năng động nhất cả nước. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, sự phục hồi của du lịch sẽ kích thích và tạo động lực mạnh mẽ cho sự “hồi sinh” của các ngành dịch vụ khác.

Thành phố có 366 điểm đến có sức hấp dẫn được đánh giá có khả năng khai thác và thu hút khách du lịch, tập trung chủ yếu ở 4 nhóm chính: Tài nguyên du lịch tự nhiên (13 điểm đến), tài nguyên du lịch văn hóa vật thể (255 điểm đến), tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể (8 hoạt động) và tài nguyên du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn (120 điểm đến). Từ tài nguyên du lịch này, các doanh nghiệp đã khai thác và đưa vào chương trình tour nội thành, liên tỉnh, liên vùng và liên khu vực. 

TP Hồ Chí Minh có gần 5.000 cơ sở lưu trú, khoảng 1.300 doanh nghiệp lữ hành và gần 150.000 nhân sự hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Khách du lịch có thể đến thành phố bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. TP Hồ Chí Minh có vị trí thuận lợi kết nối với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới nên cũng thuận lợi cho phát triển du lịch. 

TP Hồ Chí Minh không chỉ là một trung tâm du lịch của cả nước, với quy mô dân số khoảng 10 triệu người, chiếm tỷ trọng 9,35% dân số cả nước, thành phố còn là thị trường khách du lịch lớn nhất cả nước. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đang có những bước đi vững chắc chuyển trạng thái từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Quan điểm phục hồi du lịch của thành phố là "An toàn tới đâu, mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Đồng thời, xác định thị trường du lịch nội địa giữ vai trò chủ lực. Do đó, thành phố tập trung xây dựng nguồn nhân lực, điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn; kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng. Thành phố cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả và thích ứng an toàn với COVID-19. Trong đó điểm mới là việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến trên địa bàn thành phố với các sàn thương mại điện tử.

Sự phối hợp này thúc đẩy phát triển du lịch “không chạm” và các chiến dịch giới thiệu sản phẩm du lịch đến với khách du lịch trong, ngoài nước. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cũng để nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động trong tình hình dịch bệnh.

Thích ứng để phát triển du lịch

Ngay sau khi dịch được kiểm soát, đầu tháng 10/2021, thành phố đã tổ chức 20 chương trình du lịch thí điểm “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp” và “Hành trình xanh về Vùng đất thép” với sự tham gia của gần 2.000 y, bác sỹ và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19. Việc tổ chức này đã thể hiện được tình cảm, sự trân trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với lực lượng tuyến đầu và đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh trong trạng thái bình thường mới.

Những chuyến du lịch an toàn với sự tham gia của những vị khách đặc biệt đã tạo được hiệu ứng tích cực, khẳng định hướng đi đúng trong giai đoạn đầu mở cửa.  Song song đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và ngành du lịch thành phố đã đến làm việc với nhiều tỉnh, thành trong cả nước để liên kết du lịch trong tình hình mới. Từ đó đã có nhiều tour an toàn với các tỉnh như: Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An,…

Du khách khám phá điểm du lịch đảo Thiềng Liềng ở huyện Cần Giờ.

Các tour tổ chức thời gian qua đều được thực hiện an toàn. An toàn không chỉ phương thức, cách thức tổ chức mà còn là từ khâu sản phẩm, các doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi thích ứng với xu hướng hiện nay. Bởi vì yêu cầu của du khách hiện nay đã có sự thay đổi. Hầu hết tâm lý du khách hiện nay là đi theo nhóm nhỏ, nhóm bạn, nhóm gia đình hoặc du khách tự thiết kế, còn doanh nghiệp du lịch chỉ cung cấp dịch vụ. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cũng có những gói sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách trong tình hình mới.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, khai thác các điểm du lịch làm sao cho tươi mới hơn, đi vào chiều sâu hơn để du lịch TP Hồ Chí Minh có điểm nhấn đáp ứng nhu cầu tốt hơn cho du khách. Không chỉ đơn thuần là khai thác các điểm đến trước nay, các doanh nghiệp phát triển các điểm đến mới đẹp hơn cho du khách có thể đi xe đạp, những điểm check-in đẹp như vườn cao su Phạm Văn Cội (Củ Chi), các nhà vườn sinh thái đã đạt giải các cuộc thi cũng sẽ được các doanh nghiệp đưa vào tour, tuyến để giới thiệu cho du khách. Tuyến Hóc Môn, Bình Chánh cũng sẽ có các tour chuyên đề đặc trưng để thích hợp với xu hướng du lịch hiện nay. Ngành du lịch thành phố cũng đang làm việc để có tour phục hồi sức khỏe…

Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà cho biết, ngay khi thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đơn vị tổ chức nhiều tour đến các điểm an toàn ở Cần Giờ, Củ Chi… Hy vọng các tour liên kết vùng ở một số địa phương khác sẽ mở ra tương lai sáng hơn cho ngành du lịch nội địa sau thời gian dài bị ngưng trệ do dịch bệnh COVID-19.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Trần Đoàn Thế Duy, nếu chỉ phát triển du lịch nội bộ sẽ rất khó để sớm khôi phục ngành du lịch. Khi ngành hàng không khai thác trở lại, những tour dạng khép kín có thể triển khai giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Nhưng các tỉnh, thành phải thống nhất đưa ra bộ tiêu chí an toàn, nhất là những nơi đã có liên kết hợp tác phát triển du lịch.

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã mở các tour mới đến các vùng quê hoang sơ, các tour đảo và vùng sâu, vùng xa, ít dân cư, thoáng đãng. Như đảo Thiềng Liềng ở Cần Giờ do Công ty Du lịch VietMark mở ngay đầu tháng 10/2021 đã thu hút nhiều khách đặt tour. “Khi giới thiệu tour đảo Thiềng Liềng cũng ở Cần Giờ thì khách quan tâm và đặt tour liền. Vì đây là điểm mới, hoang sơ, chưa đơn vị nào mở tour và đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh”, Giám đốc Công ty du lịch VietMark Đỗ Anh Tuấn cho biết. Cũng là khám phá rừng núi, ngay sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis Co., Ltd) đã đón những du khách đầu tiên từ TP Hồ Chí Minh đến Quảng Bình để khám phá Phong Nha – Kẻ Bàng, thám hiểm hệ thống hang Sơn Đoòng, hang Tú Làn…

Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa chia sẻ, với vai trò là trung tâm du lịch của cả nước, thuận lợi về địa lý, các doanh nghiệp lớn đồng hành của cả nước, thì trách nhiệm của TP Hồ Chí Minh phải liên kết để đáp ứng nhu cầu các sản phẩm nội địa mới cho du khách. “Du lịch bền vững thì không thể nào không liên kết, mình xem tài nguyên của các địa phương khác cũng là tài sản của mình để có trách nhiệm tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn và phát huy thì các địa phương khác cũng được nâng tầm điểm đến, doanh nghiệp cũng có sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách…”, bà Ánh Hoa khẳng định.

Nguyễn Cảnh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文