Hai chứng nhân lịch sử của Báo CAND
Gần 80 năm trước, ngày 1/11/1946, Báo Công an mới – tiền thân của Báo Công an nhân dân, phát hành số đầu tiên trong bối cảnh sắp bùng nổ Toàn quốc kháng chiến. Hai trong số những người giữ vai trò chủ chốt “khai sinh” Báo Công an mới là cặp cha con nổi tiếng: Nhà văn Nguyễn Công Hoan và Anh hùng LLVTND, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an) Nguyễn Tài...
Những vị tiên chỉ của báo chí CAND
Sau này, như một căn duyên, trụ sở Báo CAND có 15 năm (1997 – 2012) đóng tại địa chỉ 66 phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm Hà Nội). Căn biệt thự cổ này cũng từng là nơi ở của một số gia đình, nhân chứng gắn bó với lịch sử báo chí CAND như nhà văn Nguyễn Công Hoan, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, Thiếu tướng Hoàng Mai (nguyên Giám đốc Công an khu 12, Chủ bút Báo Bạn dân, chính là người được Bác Hồ gửi thư nhận xét, chỉ bảo cách làm báo và nêu Sáu điều tư cách người Công an cách mạng).
Khoảng giữa năm 1946, Việt Nam Công an vụ (tổ chức tiền thân của Bộ Công an, khi đó thuộc Bộ Nội vụ) chủ trương ra một tờ báo, lấy tên là Báo Công an mới nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ cho anh em công an; giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Chỉ sau 3 tháng chuẩn bị, ngày 1/11/1946, tờ Công an mới chính thức ra mắt bạn đọc, bán rộng rãi trên toàn quốc. Báo Công an mới ra mỗi tháng 2 số, vào ngày 1 và 15. Số 1 dày 16 trang, từ số 2 tăng lên 20 trang; lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ. Số 4 in 5.000 bản nhưng chưa kịp phát hành thì Toàn quốc kháng chiến bùng nổ vào đêm 19/12/1946.
Tòa soạn Báo Công an mới đặt tại số 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội. Ngay số 1, ở phần Lời nói đầu, tờ báo đã nêu rõ tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ: “Để phổ cập trong quần chúng tinh thần mới của Công an, để thắt chặt tình liên lạc giữa anh em cùng một ngành hoạt động trong toàn quốc, Việt Nam Công an vụ cho xuất bản tờ Công an mới. Đứng về phương diện Báo, Công an mới sẽ có những mục điều tra, phóng sự, tường thuật viết theo tài liệu xác thực và đầy đủ, những sản phẩm đặc biệt của Công an mà chỉ Công an mới có. Gây một tinh thần vui vẻ, gợi khiếu tò mò, nhận xét của độc giả, phổ cập những thường thức về những vấn đề xã hội, luật pháp, chuyên nghiệp của Công an... Đó cũng là một phần chính của tờ Công an mới”.
Việc chỉ đạo ra báo và tổ chức bộ máy của tờ Công an mới lúc này rất gọn nhẹ, gồm: Chỉ đạo xuất bản báo là đồng chí Lê Giản, Giám đốc Việt Nam Công an vụ; xin giấy phép xuất bản: Nguyễn Tài, Bí thư Đoàn Công an cứu quốc; Chủ nhiệm báo: Nguyễn Tuấn Thức; Chủ bút: Phan Mạnh Hân (tức Đào Văn Bảo); ủy viên Trị sự: Phùng Duy Tiếu… Theo sự phân công, với danh nghĩa là Bí thư tổ chức Đoàn Công an cứu quốc, đồng chí Nguyễn Tài đứng ra xin giấy phép hoạt động cho tờ báo có tên là Công an mới. Người cấp giấy phép chính là thân phụ của ông, nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan, khi đó giữ cương vị Giám đốc Kiểm duyệt Bắc Bộ. Do vậy sau này, các tư liệu, tài liệu lịch sử báo chí CAND đều trân trọng ghi nhận hai ông là những “Chứng nhân lịch sử” đã giữ vai trò chủ chốt khai sinh Báo CAND. Trụ sở Báo CAND tại 66 Thợ Nhuộm trước đây và phòng truyền thống Báo CAND hiện nay tại số 2A Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều đặt trang trọng bức tượng nhà văn Nguyễn Công Hoan, cùng một số tư liệu về Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài.
Dấu ấn của hai cha con nhà văn nổi tiếng
Một ngày hạ tuần tháng 10/2023, chúng tôi đến thăm gia đình Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, tại một căn hộ khu đô thị mới Nghĩa Đô (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chị Nguyễn Ngọc Đoan, thứ nữ của đồng chí Nguyễn Tài xuống tận sảnh tòa nhà đón chúng tôi lên căn hộ ở tầng 4. Đây là một căn hộ rộng đẹp, có nhiều phòng, trong đó có 2 phòng lưu niệm nhà văn Nguyễn Công Hoan và Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài.
Tại phòng lưu niệm nhà văn Nguyễn Công Hoan, chúng tôi bồi hồi ngắm bức tượng đồng bán thân của ông, y chang bức tượng hiện đang trưng bày ở phòng truyền thống Báo CAND. Trong phòng, có nhiều hiện vật mà lúc sinh thời, nhà văn lớn thường sử dụng, như bút viết, máy ghi âm, chiếc áo rét đã sờn cổ… Chỉ vào chiếc bàn gỗ, chị Đoan kể: “Chiếc bàn gỗ lim này được ông nội tôi sử dụng từ những năm 1930, khi cụ dạy học Nam Định, Thái Bình. Chiếc bàn hình chữ nhật, mặt có kích thước 140cm x 75cm; hộc bàn có 5 ngăn kéo để đựng tài liệu, sách vở. Ban đầu, chân bàn khá cao, nhưng sau phải cưa bớt để phù hợp với chiều cao của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Chiếc bàn rất gắn bó với nhà văn, mỗi khi gia đình di chuyển, nó đều được mang theo. Trên chiếc bàn đó, ông nội tôi đã viết các tác phẩm nổi tiếng như “Bước đường cùng”, “Đống rác cũ”,… Sau khi ông mất, bố tôi lại dùng chiếc bàn này để làm việc ở nhà” …
Số phận chiếc bàn cũng rất gắn bó với Báo CAND, bởi theo lời chị Đoan, sau khi gia đình chị chuyển khỏi địa chỉ 66 Thợ Nhuộm, Tòa soạn Báo CAND về đóng tại đây. Một thời gian sau, lãnh đạo Báo CAND xin cái bàn đó, đặt tại Tòa soạn để làm kỷ niệm. Sau này khi đại tá Đặng Đình Thành, Phó Tổng Biên tập (là người cùng quê làng Xuân Cầu với nhà văn Nguyễn Công Hoan) nghỉ hưu, đã xin cái bàn đó mang về quê… Chị Đoan xúc động kể tiếp về hành trình của chiếc bàn: “Cuối 2019, anh Đặng Đình Thành gọi điện, nói là muốn giao lại cái bàn cho gia đình cụ Hoan. Mừng quá, tôi và em Đại về quê anh để nhận lại ngay. Vậy là sau bao nhiêu năm lưu lạc, chiếc bàn kỷ vật của gia đình đã được trở về đúng nơi nó cần hiện diện”.
Tại phòng lưu niệm Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, chị Ngọc Đoan kể: “Bố tôi có tên khai sinh là Nguyễn Tài Đông. Lúc sinh thời, bố tôi lý giải: Nguyễn là họ; Tài là tên đệm được đặt theo quy ước của dòng họ để phân biệt thế hệ; Đông là lấy theo nơi sinh, vì ông được sinh ra ở thị xã Hải Dương, khi đó gọi là phố Đông. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông lấy bí danh là Nguyễn Tài. Về sau ông dùng luôn tên này trong công tác, và dần dần hầu như mọi người quên mất tên thật của ông” …
Tháng 3 năm 1964, khi đang là Cục trưởng một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, đồng chí Nguyễn Tài xung phong đi B chi viện An ninh miền Nam và giữ cương vị Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, Trưởng Ban an ninh T4. Trong một chuyến công tác cuối tháng 12/1970, ông bị địch bắt và giam cầm cho đến ngày 30/4/1975.
Trong phòng lưu niệm Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, có nhiều đồ dùng cá nhân, vật dụng kỉ niệm được gia đình giữ gìn như bộ quần áo kiểu ký giả ông thường mặc trong những dịp lễ trọng; tài liệu, radio, máy cassete hay chiếc máy ảnh từ những năm trước khi đi B. Trong một tủ kính, trên nền cờ đỏ sao vàng, có hình nhân một người tù và con chó được ông bện từ vải, giấy và vỏ khoai lang trong thời gian bị địch bắt, giam tại số 3 Bạch Đằng (Sài Gòn) từ năm 1971… Ngoài ra, có tấm bản đồ Việt Nam được xếp từ bộ quân cờ tướng do ông tự mày mò chế ra, cũng là hình tượng bài thơ “Ngọn lửa” ông sáng tác trong tù. Trên chiếc bàn gỗ lim mà nhà văn Nguyễn Công Hoan đã dùng từ những năm 1930, có một chiếc máy chữ đồng chí Nguyễn Tài sử dụng lúc sinh thời; một bộ computer có cả máy in… Chị Đoan cho biết: “Sau này, bố tôi học và sử dụng thành thạo máy tính để cập nhật thông tin và soạn thảo văn bản, tài liệu”.
Một kỷ niệm sâu sắc về ông nội Nguyễn Công Hoan khiến chị Đoan bồi hồi mỗi khi nhắc lại: “Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Lúc 9 giờ tối ngày 4/5/1975, ở nhà nhận được tin bố còn sống, ông đi bộ ngay trong buổi tối ấy sang nhà cô Minh, là em ruột bố tôi, nhà ở số 72 Lý thường Kiệt. Đến nơi, ông không vào nhà, chỉ đứng ở cửa nói với cô Minh: “Anh Tài còn sống!”. Rồi ông tôi quay gót, xuống cầu thang đi về luôn. Bao nhiêu buồn lo được trút bỏ; ông bà tôi mong ngày được gặp mặt con trai để thỏa lòng thương nhớ xen lẫn cảm xúc tự hào”.
Nội dung Chế phong vua Bảo Đại ban cho giáo học Nguyễn Công Hoan
Đáng chú ý, trong số các kỷ vật của nhà văn Nguyễn Công Hoan, có bản chế phong của vua Bảo Đại ban khen giáo học Nguyễn Công Hoan ngày 2/5/1944 (năm Bảo Đại thứ 19). Theo chị Ngọc Đoan cho biết, ngày 5/3/2023 gia đình tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Công Hoan (6/3/1903 - 6/3/2023). Trước đó 3 ngày, người em họ là Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, PGS.TS Vũ Hùng Cường, tìm thấy trong kho tư liệu của Viện bản sắc phong vua Bảo Đại ban cho giáo học Nguyễn Công Hoan. PGS.TS Vũ Hùng Cường đã scan và in ra theo kích thước thật (140 x 70) và mang tặng gia đình đúng ngày tổ chức lễ kỷ niệm.
Nội dung chế viết:
“Nhận mệnh trời, vận số hưng thịnh Chế của Hoàng đế, rằng: Trẫm lập nền chính trị, dùng người theo chế độ luận công, xét tài mà đặt chức vị khiến công việc phù hợp với năng lực.
Nghĩ khanh, giáo học Nguyễn Công Hoan, có tài năng văn học, tài khí đáng trọng, có tác dụng bồi dưỡng danh giá, tiếp tục tiến lên, làm quan thận trọng, trong sạch chuyên cần, không lúc nào quên. Thật đáng khen khanh ở triều đình.
Nay thăng (cho khanh làm) chức Phụng nghị Đại phu, Hàn lâm viện thị độc, ban cho chế này. Mong khanh xứng đáng là bậc mô phạm, giáo dục người, làm nòng cốt cho đất nước để xứng đáng với sự trọng văn (của trẫm).
Kính thay!”
Cuối chế có đóng dấu “Sắc mệnh chi bảo”, tức dấu báu ban sắc của mệnh vua.