Hoàn thành thủ tục vinh danh Cửu đỉnh là Di sản Tư liệu thế giới

10:10 21/10/2021

Cửu đỉnh tại Hoàng cung Huế là bộ sưu tập độc bản, độc đáo, duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Mới đây, Hội đồng khoa học cơ sở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông qua hồ sơ Di sản Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế trước khi trình Bộ VH-TT&DL xem xét phê duyệt để đăng ký danh mục trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Tư liệu thế giới (hay Di sản Ký ức thế giới).

Cửu đỉnh tại Hoàng cung Huế gồm 9 đỉnh đồng với tên gọi lần lượt: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ miếu (Thế miếu), Hoàng cung Huế từ đó đến nay. Vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại nhà Nguyễn, sự giàu đẹp và thống nhất đất nước. Giá trị của Cửu đỉnh được thể hiện ở trình độ đúc đồng tinh xảo của thợ thủ công Việt Nam.

Theo đó, 9 chiếc đỉnh đồng này có kích thước lớn với chiều cao trung bình 2,3m, trọng lượng từ hơn 1,9 tấn đến 2,6 tấn, trên thân mỗi đỉnh đều khắc nổi tên gọi, năm đúc, trọng lượng cùng 17 hình ảnh mang tính biểu tượng về núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm tiêu biểu do con người làm ra. Và tất cả 9 chiếc đỉnh đồng đều có dáng chung bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Đặc biệt, ở phần cổ đỉnh, bên phải đều ghi năm đúc là “Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi” (1835), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh.

Cửu đỉnh được đánh giá đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về Di sản Tư liệu thế giới.

Các nhà nghiên cứu Huế khẳng định, tất cả 162 hình trên Cửu đỉnh là 162 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hoá dân gian và văn hoá bác học. Đây là là “bách khoa toàn thư” về cuộc sống con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX và là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc khi những hoạt tiết chạm khắc trên Cửu đỉnh có nhiều chủ đề khác nhau, tổng hợp của nhiều lĩnh vực kiến trúc, hội họa, lịch sử, địa lý, văn hóa. Qua đó khẳng định, Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế là bộ sưu tập độc đáo, độc bản, duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới.

Các nghệ nhân vào thời nhà Nguyễn với kỹ thuật khắc nổi độc đáo đã khắc họa nên các hình trên thân đỉnh để trang trí mặt ngoài bầu đỉnh và mỗi hình là một tác phẩm điêu khắc độc lập, thể hiện tư duy sáng tạo của nghệ nhân đúc đồng thời bấy giờ. Vua Minh Mạng từng đánh giá khi khánh thành bộ Cửu đỉnh, rằng “Cả thảy đều to lớn sừng sững, đứng cao, không vết nứt nẻ chút nào”, chứng tỏ trình độ đúc đồng của nghệ nhân thời bấy giờ đã phát triển đến độ hoàn mỹ.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế nói rằng, Cửu đỉnh hàm chứa quyền lực của vương triều bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ của đất nước, kể cả vùng trời và biển, cùng với sức mạnh bảo vệ chủ quyền sở hữu ấy. Có thể xem các hình tượng trên Cửu đỉnh là một bộ “Địa dư chí” được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta ở thế kỷ XIX, tuy không nhiều nhưng điển hình và bao hàm rất đầy đủ.

Cũng theo ông Phan Thanh Hải, qua so sánh và đối chiếu với các tiêu chí của UNESCO về Di sản Tư liệu thế giới, Cửu đỉnh hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về ý nghĩa lịch sử, hình thức và kiểu dáng, ý nghĩa xã hội, tính cộng đồng và tinh thần, tính độc đáo, hiếm có, tình trạng toàn vẹn, đầy đủ. Có thể khẳng định, Cửu đỉnh là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, Cửu đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 1, năm 2012) và tỉnh Thừa Thiên-Huế rất tự tin khi chọn Cửu đỉnh để xây dựng hồ sơ trình Ủy ban Di sản Ký ức thế giới của UNESCO.

“Tại cuộc họp Hội đồng khoa học cơ sở tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức vào đầu tháng 10/2021, tất cả các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao và nhất trí thông qua hồ sơ Di sản Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế. Đồng thời đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để trình Bộ VH-TT&DL và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia xem xét, từ đó tham mưu để Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Di sản Ký ức thế giới của UNESCO đánh giá và vinh danh di sản này”, ông Hải khẳng định.

Di sản Tư liệu thế giới hay còn gọi là Di sản Ký ức thế giới của UNESCO ra đời từ năm 1994 nhằm để ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), hay là bút tích...

Tại Việt Nam hiện có 3 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới, gồm: Mộc bản triều Nguyễn (được UNESCO công nhận vào năm 2009); Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long (năm 2010) và Châu bản triều Nguyễn (năm 2017). Ngoài ra, còn có 4 di sản được công nhận là Di sản Tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang (năm 2012); Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (năm 2016); Mộc bản trường Phúc Giang, tỉnh Hà Tĩnh (năm 2016) và Hoàng hoa sứ trình đồ, tỉnh Hà Tĩnh (năm 2018).

Anh Khoa

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…

Bằng chiêu trò ủy quyền qua nhiều đầu mối trung gian, các đối tượng đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư mua những mảnh đất giá rẻ, sau đó âm thầm khởi kiện hoặc đưa ra kịch bản đang tranh chấp để lấy lại đất từ chính người được ủy quyền mà không hề thông báo cho người mua cuối cùng được biết.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文