Hướng tiếp cận mới trong bảo tồn, phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long

07:35 10/09/2022

Sau 20 năm kể từ lần khai quật khảo cổ đầu tiên tại di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề trong nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Vẫn "nóng" việc khôi phục điện Kính Thiên

Thu hút hàng trăm đại biểu Việt Nam và quốc tế tham gia liên tiếp trong 2 ngày 8-9/9, Hội thảo khoa học quốc tế "20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội" cho thấy, sau khi được UNESCO ghi danh vào năm 2010, di sản này đã phát huy giá trị trên nhiều mặt. Các đợt khai quật khảo cổ liên tục hé lộ thêm nhiều bí ẩn về kinh thành Thăng Long xưa.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham quan trưng bày di vật Hoàng cung Thăng Long tại di sản Hoàng thành Thăng Long.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, thời gian qua, 8 cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản Thế giới về Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được thực hiện hiệu quả. Trong đó có mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học, nhất là tại khu Thành cổ Hà Nội, tăng cường nghiên cứu làm sáng rõ giá trị các di tích kiến trúc thời Tiền Thăng Long đến thời Nguyễn trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật hàng năm tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội với diện tích khai quật hơn 8.000m2. Từ đây, nhiều di tích, di vật mới đã phát lộ, góp phần củng cố hơn nữa giá trị to lớn của di sản. Kết quả khai quật đã tìm được hệ thống các di tích kiến trúc từ thời Lý đến thời Nguyễn, xác định được không gian trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ và Lê Trung hưng.

Nghiên cứu, khôi phục điện Kính Thiên cũng là một trong những chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV - XVIII). Trải qua thăng trầm lịch sử, kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ, chỉ còn lại khu nền cao hơn 2m và hai bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt Nam và góc Tây Bắc. Các cuộc khảo sát, khai quật tại đây từ năm 2011 đến nay đã mở ra những hiểu biết mới về chính điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên qua hệ thống di tích, di vật. Tuy nhiên, cấu trúc mặt bằng và phân gian kiến trúc điện Kính Thiên vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Chia sẻ kinh nghiệm trong khôi phục các kiến trúc từ di tích khảo cổ học ở Nhật Bản, GS Ueno Kunikazu đến từ Đại học Nữ Nara cho rằng, để phục dựng các công trình kiến trúc đã bị phá hủy chỉ còn lại dấu tích thì phải có được hình dung về diện mạo của các công trình kiến trúc cổ đó dựa vào kết quả của các cuộc khảo cổ học và  nghiên cứu những công trình kiến trúc cổ hiện còn tồn tại đến ngày nay. Tại Nhật Bản vẫn còn giữ được khoảng 60  kiến trúc cổ. Đây là nguồn tư liệu cung cấp nhiều thông tin về niên đại và kết cấu các kiến trúc.

Cũng theo GS Ueno Kunikazu, trong bảo tồn các di tích khảo cổ, công trình được phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ được phá hủy các hiện vật có giá trị nguyên gốc. Như vậy, nếu đối sánh với phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long, đây là vướng mắc khá lớn. Vì tại khu vực này vẫn còn di tích từ thời Nguyễn và thời Pháp. 

Cần thận trọng, tham vấn nhiều ý kiến

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chỉ ra nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Di sản được hình thành và tồn tại trong thời gian dài hơn 13 thế kỷ. Nhiều biến động theo thời gian và thăng trầm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội có tác động trực tiếp đến di sản này.

Về di sản vật thể, các di sản quan trọng của 3 triều đại phong kiến Việt Nam Lý - Trần - Lê hầu như chỉ còn dấu tích trong lòng đất. Hiện trên mặt đất chỉ còn một số di tích thời Nguyễn và một số công trình thời Pháp. Việc phục dựng các di sản trong Hoàng thành, đặc biệt là điện Kính Thiên phải chấp nhận phương án tối ưu, nghĩa là giữ được cái này có thể phải hy sinh cái kia. Vấn đề này đòi hỏi phải nghiên cứu thận trọng và có ý kiến của các nhà khoa học và các cơ quan có thẩm quyền.

Về di sản phi vật thể cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác nghiên cứu cũng như phục dựng do nguồn tư liệu còn hạn chế. Vì vậy, TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có tờ trình UNESCO về phương pháp bảo tồn có chọn lọc, trên cơ sở đó trình việc phục dựng điện Kính Thiên; lập kế hoạch khai quật khảo cổ học dài hạn và ngắn hạn song song với kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ. Bên cạnh đó cần triển khai nghiên cứu giá trị di sản phi vật thể, ứng dụng công nghệ số, học tập kinh nghiệm các nước trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng cung.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cũng cho rằng, bảo tồn di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội cần được xem xét trong bối cảnh địa lý tự nhiên và địa - văn hóa của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo ông Bài, cần quan tâm một số nội dung có liên quan mật thiết tới tính toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này. Đó là việc mở rộng không gian văn hóa của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; vai trò các dòng sông cổ trong việc tạo thành diện mạo của Khu di sản và không gian văn hóa - tâm linh - nét đặc sắc của Hà Nội hôm nay và cả tương lai; bảo tồn di sản thông qua các hoạt động khoa học và diễn giải di sản làm nổi bật giá trị di sản và đưa thông điệp văn hóa hàm chứa trong di sản một cách dễ hiểu, phổ biến trong công chúng.

N.Nguyễn

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Chiều 26/12/2024, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin về xử lý vụ việc liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết: Liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, ngày 25/12, đơn vị đã khởi tố thêm 9 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra.

Chiều 26/12, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng bắt giữ B.V.L (SN 1994), để điều tra, làm rõ các loại hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ trái pháp luật.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 16 đối tượng, trong đó có 12 đối tượng là nhân viên, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Đồng Nai về hành vi môi giới, đưa và nhận hối lộ.

Chiều 26/12, tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác Công an năm 2025 của Bộ Công an, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố thêm 5 bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ liên quan vụ án Phúc Sơn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文