Người “giữ lửa” cho cồng chiêng Tây Nguyên

16:20 19/06/2022

Ngày bước sang tuổi 12, Cil Ju (ngụ dưới chân núi Langbiang, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) chính thức được dòng tộc trao cho bộ chiêng quý 6 chiếc để tập đánh cùng lời căn dặn nghiêm túc của người cha: Con phải trở thành người đàn ông thật mạnh mẽ với tiếng chiêng vang vọng, trầm hùng, ngân xa hơn cả đỉnh núi Mẹ!..

Linh thiêng tiếng cồng chiêng

Người K’ho dưới chân núi Langbiang này thường quan niệm, điều kiện để trở thành một người đàn ông bản lĩnh, quyền uy, được người khác phục tùng, ngưỡng mộ, có sức hấp dẫn lớn đối với các cô gái sinh ra trong những gia đình quyền quý không thể không biết đánh chiêng, chơi cồng, mà còn phải chơi thật giỏi, thật hay.

Ngay cả những người đã sống ngót trăm tuổi dưới chân núi Langbiang cũng không ai biết từ khi nào, tiếng cồng chiêng đã trở thành một dạng “quyền lực mềm” của tộc người K’ho (Lạch, Cil) sinh sống dưới chân núi Mẹ. Tiếng cồng chiêng còn là biểu tượng sinh động của người giàu có và tài hoa, là cầu nối, giao tiếp giữa con người với con người, con người với tổ tiên và thần linh, vạn vật. Tiếng chiêng còn là sự kết nối giữa hiện tại với quá khứ, từ quá khứ trở về hiện tại và đến tương lai.

Qua tiếng cồng chiêng, những gì khó nói nhất trong đời sống hằng ngày cũng sẽ được người ta giãi bày một cách rõ ràng, cởi mở trong một không gian đậm chất sử thi. Tùy vào nội dung, bối cảnh mà những người đàn ông K’ho có thể chơi điệu bàr n’dơn (điệu chào mừng), rò dà (điệu buồn), hay pep tốr jun (điệu đi săn)… trong hơn 30 giai điệu được chế tác, truyền đời qua những tiếng cồng chiêng hình thành từ đời sống tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng và lao động sản xuất của các tộc người cộng sinh trên vùng đất Tây Nguyên. Chính vì lẽ đó, trong những sự kiện trọng đại của đời người như lễ thôi nôi, cưới hỏi, bỏ mả, hay cúng lúa mới, đâm trâu, tế thần… tùy vào điều kiện thực tế của gia chủ, cộng đồng bộ tộc mà người ta có thể thêm thứ này, bỏ bớt thứ kia cho phù hợp với hoàn cảnh nhưng cồng chiêng thì tuyệt nhiên không thể thiếu.

Thật khó có thể chơi thành thạo cùng lúc hơn 30 giai điệu cồng chiêng đã tồn tại tới ngày nay dưới chân núi Langbiang này. Ngay như ông Kră Jăn Nôk, một người vẫn thường được chính quyền địa phương mời đi truyền dạy cồng chiêng cho giới trẻ trên địa bàn cũng thừa nhận, hầu như không có ai chơi được đầy đủ hơn 30 điệu cồng chiêng mà các dòng tộc ở Tây Nguyên truyền khẩu để lại. Phổ biến nhất là 6 điệu chiêng cơ bản, thường được sử dụng trong những dịp lễ hội, sự kiện quan trọng gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng và cuộc sống lao động sản xuất của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.

Anh Cil Ju mở cơ sở biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch.

Với người K’ho ở Lâm Đồng, trong lễ ma chay, bỏ mả, để thể hiện sự tiếc nuối, thương nhớ khôn nguôi người đã mất, người ta dùng tiếng chiêng để giãi bày tâm sự với giai điệu rò dà. Tiếng chiêng từ từ vang lên, khi nức nở kể lể, khi da diết khóc thương người đã khuất, lúc bồi hồi tưởng nhớ, khi lại xót xa, tiếc nuối như đứt từng khúc ruột… Tất cả đều được thể hiện với giọng điệu đượm buồn khiến người nghe sâu lắng, rưng rưng. Trong lễ mừng thọ, cưới hỏi, đâm trâu… để thể hiện sự nhộn nhịp, vui mừng dưới một không gian rộn ràng đầy ắp tiếng cười và nối dài niềm vui, người K’ho chơi chiêng với giai điệu bàr n’dơn dồn dập, kích thích, làm hưng phấn lòng người. Tiếng chiêng vang lên, giai điệu bàr n’dơn thường khiến cho ngay cả những người ngày thường vốn e dè, nhút nhát nhất cũng chẳng mấy lúc mà cởi bỏ được sự e thẹn, ngại ngùng trong chếnh choáng hơi men rượu cần để hòa mình vào một không gian đầy ắp niềm vui, lan tỏa tiếng cười.

Sự hứng khởi với sức lan tỏa mạnh của âm hưởng cồng chiêng dồn dập vang lên, lúc trầm, khi bổng, đánh thức những bản năng biểu diễn âm nhạc tài tình vốn thường ẩn khuất trong mỗi con người K’ho bất kể nam hay nữ, già hay trẻ.

Tiếng chiêng chào bạn hiền

Điểm biểu diễn cồng chiêng của Cil Ju khiêm tốn nép mình dưới chân núi Langbiang. So với những nghệ nhân gạo cội sinh sống bằng nghề biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch thì Cil Ju là người trẻ tuổi nhất. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là tuổi nghề của chàng trai người Cil này ít. Ngược lại, Cil Ju là một trong số những người tiên phong, “bắt” cồng chiêng phải “đẻ” ra tiền. Sau những năm 2000, du khách trong và ngoài nước tìm tới khám phá không gian văn hóa, con người bản địa ở Langbiang ngày càng nhiều. Ban đầu, những nghệ nhân người Cil chỉ ngẫu hứng biểu diễn một số giai điệu cồng chiêng như một thú vui để khoe với những anh em du khách miền xuôi về một kiệt tác truyền khẩu của đồng bào mình. Thế rồi, năm 2005, cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh là kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì cũng là lúc khách du lịch đến với Langbiang có nhu cầu tìm hiểu về loại nhạc cụ đặc biệt này ngày càng nhiều.

Cồng chiêng Tây Nguyên vốn ăn đời ở kiếp với bà con các dân tộc nơi đây, không chỉ được thổi vào một luồng sinh khí mới mà còn hứa hẹn trở thành một sản phẩm du lịch điển hình, hấp dẫn trên cao nguyên Langbiang. Nắm bắt được thời cơ, ngay trong năm 2005, vợ chồng Cil Ju đã liên kết với một số doanh nghiệp du lịch mở cơ sở biểu diễn cồng chiêng tại nhà mình. Vào mùa du lịch, hằng ngày doanh nghiệp đưa khách tới cơ sở của Cil Ju giao lưu, tìm hiểu không gian văn hóa và xem biểu diễn cồng chiêng. Trước khi bùng phát dịch COVID-19, có thời điểm mỗi ngày Cil Ju biểu diễn tới 3 ca (sáng, chiều và tối) để phục vụ du khách đến từ Mỹ, Úc và Ba Lan.

Thiếu nữ người Lạch biểu diễn múa cồng chiêng phục vụ du khách.

Bẵng đi gần hai năm vắng bóng du khách do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, những ngày tháng 6/2022, thị tứ Lạc Dương nép mình dưới chân núi Langbiang hùng vĩ khắp nơi lại vang vọng tiếng cồng chiêng, hối hả chào đón những người bạn từ miền xuôi lên thăm. 19h tối, Cil Ju bước ra “không gian văn hóa” trong bộ trang phục truyền thống. Anh cầm chiếc tù và được làm bằng sừng trâu đực già, đứng uy nghi bên đống lửa cháy bập bùng, ngước mặt lên trời thổi 3 tiếng dài. Đó là nghi thức thông báo trang trọng của người K’ho dành để chào đón những du khách gần xa đến xem biểu diễn cồng chiêng tối nay.

Đêm hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, bắt đầu từ việc cầu gọi Yàng (thần linh) phù hộ cho bà con người thượng, anh em miền xuôi có một cuộc sống an lành, bình yên bằng tiếng mẹ đẻ của người Lạch. Những vũ điệu trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Lạch được các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống lần lượt tái hiện sinh động quanh đống lửa. Thanh âm cồng chiêng lúc nghe trầm hùng trong tiếng reo hò của cộng đồng khi những chàng trai tái hiện lễ đâm trâu để hiến tế thần linh ngày mùa màng bội thu, đón mừng năm mới. Khi lại nghe như là thổn thức trong lễ cầu sức khỏe. Lúc như da diết ước mong trong ngày lễ phát rẫy trỉa bắp. Phấn khởi, mừng vui trong ngày lễ mừng lúa mới ở các buôn làng Tây Nguyên. Tiếng cồng, tiếng chiêng cứ thế vang lên theo từng giai điệu, cung bậc cảm xúc của những nghi thức truyền thống khiến du khách không thể nào ngồi yên.

Chẳng mấy lúc, cả khách và chủ, tất cả ranh giới đã xóa nhòa, cùng nắm tay nhau nhảy múa, gắn kết giữa những con người ở hai miền xuôi ngược!..

Khắc Lịch

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Trước ngày khởi công Dự án đường Vành đai 3 (18/6/2023) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng thực tế việc giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu diễn ra rất chậm…

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Ngày 17/11, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ 14 đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 6kg ma túy, 1 khẩu súng và nhiều phương tiện pha trộn, đóng gói ma túy.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文