Nhiễu loạn thông tin vì nhận định tác phẩm bằng cảm tính
Bộ phim "Đất rừng phương Nam" gây tranh cãi nên trước khi có ý kiến, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái vẫn buộc bản thân phải đi xem, mặc dù bà đã đọc rất nhiều bài viết quanh bộ phim này.
Đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Minh Thái tại một diễn đàn mang tính chất học thuật về văn học nghệ thuật - Hội thảo "Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước" do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức. Thế nhưng, thực tế, không khó để nhận thấy, không phải những người đã, đang tranh luận về "Đất rừng phương Nam" đều có được thái độ ứng xử cần thiết như PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, khi tham gia bàn thảo về bộ phim này.
Những tranh cãi bùng nổ, thậm chí khen, chê bất chấp lý lẽ quanh bộ phim "Đất rừng phương Nam" không phải là hiện tượng cá biệt của điện ảnh Việt nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung, trong nhiều năm trở lại đây. Việc nhiều người lên tiếng chê hoặc khen một tác phẩm nào đó khi chưa từng xem tác phẩm đó là câu chuyện không hiếm, ngay cả với những người trong nghề. Trên các trang mạng xã hội đầy rẫy ý kiến tranh cãi, thậm chí mạt sát nhau khi quan điểm trái chiều, khen chỉ vì người khác khen, chê chỉ vì người khác chê và những kêu gọi tẩy chay tác phẩm chỉ vì cảm thấy không ưa diễn viên đóng phim.
Sự lấn lướt của những ý kiến khen, chê chỉ dựa vào cảm tính, không dựa trên cơ sở học thuật nào là những ứng xử bất thường đang được nhiều người coi là bình thường ít nhiều cho thấy sự bất lực của người làm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật những năm gần đây. Nguyên nhân của tình trạng này đã từng được không ít người làm lý luận phê bình chỉ ra rằng, người làm lý luận, phê bình không sống được bằng nghề. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho hay, nhiều nhà lý luận, phê bình, kể cả điện ảnh, âm nhạc, sân khấu đã không còn trụ lại với nghề.
Chung quan điểm nói trên, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, hiện nay, có rất nhiều nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp nhưng họ không muốn tham gia nữa. Lý do là bài viết chỉ cho 600 - 800 chữ/bài cho một bộ phim trên báo chí. Đây không phải là "đất" cho các nhà lý luận, phê bình làm việc. "Đấy chỉ là nơi dành cho giới thiệu nội dung phim và điểm tin. Trên các báo có tính chất nghiên cứu, có thể đăng bài viết có 2.000 chữ nhưng kén người đọc và không phải ai cũng tiếp cận với các tờ báo này. Báo mạng nhanh hơn, phổ cập hơn nhưng sự xuất hiện của truyền thông bẩn khiến chúng ta sẽ rất khó khăn, có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau khi thẩm định một tác phẩm", ông Tú nói.
Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, trước phim "Đất rừng phương Nam" đã từng có khá nhiều tranh cãi tương tự với các tác phẩm điện ảnh khác. Cụ thể và gần nhất phải kể đến phim "Em và Trịnh". Khi bộ phim này phát hành cũng đã có không ít ý kiến phản ứng, cho rằng chi tiết này hay chi tiết khác không giống với Trịnh Công Sơn ngoài đời. Theo ông Tú, nhiều khi, các quan điểm trái chiều còn giúp cho doanh thu từ bộ phim lớn hơn.
Có ý kiến còn nghi ngại, những tranh cãi quanh cãi bùng nổ với một số phim chiếu rạp là những ngón đòn PR của một số nhà truyền thông lão luyện để tạo sự khác biệt, chú ý của dư luận, qua đó thu hút người xem. Việc một bộ phim ra đời, có người này thích, người khác không thích là chuyện bình thường. Trong diễn đàn của các nhà lý luận, phê bình, có thể bộ phim A không có nhiều giá trị lắm nhưng ở diễn đàn của những người xem phim thì những phim đó thực sự có giá trị vì ít nhất nó thu được 450 tỷ, vì có số lượng suất chiếu, người xem lớn.
Những bộ phim đông khách không hẳn là những bộ phim hay, không hẳn là những bộ phim nghệ thuật nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà có số lượng người xem lớn đến như vậy. Phim thu hút rất đông người xem, doanh thu hàng trăm tỷ, chạm đến rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội đương đại. Có những khán giả mua vé cho cả nhà, cả hàng xóm đi xem, khi về hoan hỉ bàn tán vì họ thấy đời sống của họ trên phim. Trong khi đó có những phim được tôn vinh tại nhiều Liên hoan phim quốc tế nhưng không có khán giả.
Đây là điều mà người làm điện ảnh cần trăn trở và câu chuyện chúng ta tranh luận về phim hay, phim xứng tầm là câu chuyện dài chưa thể có sự thống nhất. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ điện ảnh các nước phát triển, các tác phẩm đạt giải thưởng điện ảnh uy tín cho thấy, những tác phẩm thành công không chỉ đáp ứng yêu cầu về nghệ thuật mà còn lấy được sự xúc động của khán giả, thu hút người xem.
Thực tế, cũng cho thấy, những tranh luận về tác phẩm hay, tác phẩm xứng tầm là câu chuyện dài, chưa có sự thống nhất là vấn đề không chỉ với riêng điện ảnh mà còn là với các tác phẩm văn học, nghệ thuật nói chung. Nhưng chắc chắn, một tác phẩm hay sẽ chạm tới trái tim người đọc, người xem, giúp con người hướng thượng, sống đẹp hơn và sẽ không có sự nhiễu loạn thông tin trong đánh giá tác phẩm nếu không có việc khen, chê bất chấp lý lẽ. Đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật cần được quan tâm phát triển và phát huy tốt hơn trong thời gian tới.