Những ký ức chân thực về tiếp quản Thủ đô qua tài liệu lưu trữ

22:31 24/09/2024

Toàn cảnh quá trình giải phóng, tiếp quản Thủ đô Hà Nội 70 năm trước được tái hiện thông qua gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ gốc đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, trong sự kiện “Giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia về Tiếp quản Thủ đô” vào ngày 23/9 tại Hà Nội.

Đây là hoạt động do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Cung cấp bức tranh toàn cảnh về tiếp quản Thủ đô

Về khối tài liệu tiếp quản Thủ đô, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga cho biết, các tài liệu được giới thiệu lần này được lựa chọn từ các phông lưu trữ Quốc hội, Phủ Thủ tướng, Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông Lâm, Bộ Giao thông Công chính, Bộ Canh nông và một số phông tài liệu của các cá nhân tiêu biểu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Các tài liệu chứa đựng những thông tin tin cậy về quá trình quân dân ta giải phóng, tiếp quản Thủ đô, khẳng định sự chỉ đạo sâu sát, bám sát nhân dân, dựa vào nhân dân để hoạt động và tinh thần kiên cường, bất khuất của quân dân Hà Nội.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa cũng tiết lộ, gần 200 tài liệu, hình ảnh được giới thiệu mới là một phần nhỏ trong khối tư liệu đang về Tiếp quản Thủ đô đang được bảo quản tại trung tâm. Nhiều tài liệu cho thấy, mặc dù năm 1954 chúng ta mới tiếp quản Thủ đô nhưng đã chuẩn bị rất tốt cho việc tiếp quản từ nhiều năm trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ra mắt quốc dân đồng bào sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng tại Quảng trường Ba Đình, ngày 1/1/1955.

Cụ thể, ngày 1/2/1951, Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội đã xây dựng đề án tiếp quản Thủ đô trình Bộ Nội vụ để xin ý kiến. Nội dung đề án nhận định: TP Hà Nội chiếm vị trí quan trọng bậc nhất trong cả nước về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội. Khi chuyển sang “Tổng phản công” và “Tổng động viên”, Hà Nội sẽ là địa bàn phòng ngự quyết liệt nhất của địch. Từ đó, Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội đánh giá tình hình và nghiên cứu tỉ mỉ về chiến lược và sách lược, đề ra kế hoạch, nhiệm vụ tổng thể chung và của từng ngành nhằm biến Hà Nội thành chiến trường, với khẩu hiệu “Giải phóng Thủ đô”.

Ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, tháng 8-9/1954, Chính phủ đã có nhiều phiên họp về thực thi Hiệp định, trong đó có nội dung tiếp quản Thủ đô. Ngày 12/9/1954, Hội đồng Chính phủ đã quyết nghị về vấn đề tổ chức tiếp quản Thủ đô, 8 chính sách và 10 điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố tiếp quản; thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội bên cạnh Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội.

Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự, an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đề ra, phải nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của kẻ địch.

Nhiều tài liệu lần đầu được công bố

Tại sự kiện, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cũng đã giới thiệu nhiều tài liệu tiêu biểu về tiếp quản Thủ đô: Chương trình, kế hoạch và nhân sự cho việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội như tài liệu về việc thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội; Công văn số 236-TTg ngày 27/7/1954 của Phủ Thủ tướng về việc kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo phục hồi các thị xã và thành phố cũ (trước đây đã tiêu thổ kháng chiến), Công văn số 1678 ZYO/3 ngày 20/8/1954 của Bộ Y tế về việc cử Thanh niên xung phong đi tiếp quản; kế hoạch của Bộ Tài chính về tiếp quản thành phố Hà Nội năm 1954…

Về tình hình tiếp quản Hà Nội, sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội do Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ-Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội đã chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô. Báo cáo ngày 24/10/1954 về tình hình của Đoàn cán bộ tiếp quản Thủ đô nêu: Tổng số cán bộ và nhân viên tiếp quản vào Thủ đô chia làm 3 đợt từ 2 - 24/10 là 4.803 người; từ ngày 2 - 8/10 là thời gian đấu tranh với đối phương để bàn giao các cơ sở; từ ngày 9 - 24/10 trở đi, bộ mặt của Hà Nội đã khác, cán bộ và nhân dân đón mừng bộ đội kháng chiến vào giải phóng Thủ đô, tuy nhiên do công việc mới mẻ nên đoàn cán bộ tiếp quản còn một số thiếu sót và gặp những khó khăn…

Trung tâm đang lưu trữ nhiều tài liệu về tình hình tiếp quản: Báo cáo về cuộc đón tiếp bộ đội, chính quyền ta vào ngày 10/10/1954, ảnh lính Pháp rút ở các tuyến đường ở Thủ đô; bộ đội về tiếp quản cột cờ Hà Nội, phụ nữ Thủ đô rạng ngời đón quân giải phóng, lễ chào cờ thiêng liêng vào chiều ngày 10/10/1954, báo cáo tình hình tiếp quản sau một ngày, một tháng và báo cáo của các ngành; tình hình đổi tiền Đông Dương và tiền liên bang trong tháng 10/1954, việc tiếp quản các cơ quan công sở của chính quyền cũ, chế độ công chức lưu dung và tổ chức hoạt động của chính quyền sau tiếp quản.

Trong khối tài liệu được giới thiệu còn có nhiều tư liệu, hình ảnh về cuộc mít tinh chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô của nhân dân Hà Nội ngày 1/1/1955; Chỉ thị số 8025/QTHC ngày 29/12/1954 của Phòng Quản trị Hành chính, Ủy ban hành chính Khu Tả Ngạn về việc tổ chức “ngày mừng Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Thủ đô”; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trên lễ đài ngày 1/1/1955, một số tài liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ, về Hiệp định Geneve quy định về việc quân Pháp sẽ rút khỏi Hà Nội trong 80 ngày và sự chuẩn bị của Chính phủ đối với việc thi hành Hiệp định.

Dịp này, Ban tổ chức còn giới thiệu những tài liệu của các nhạc sĩ có hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III như Nhạc sĩ Văn Cao, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn với những ca khúc về Hà Nội gồm “Tiến về Hà Nội”, “Sẽ về Thủ đô”, “Hà Nội, trái tim hồng”… trong đó chúng ta có thể thấy một Hà Nội vừa nên thơ, vừa hào hùng. Sự hiện diện của những nhân chứng lịch sử cùng một số tư liệu quý về tiếp quản Thủ đô cũng đã được trao tặng lại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, góp phần làm phong phú thêm khối tư liệu đặc biệt về một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước nói chung, Hà Nội nói riêng.

Ban tổ chức cho biết, các tài liệu, hình ảnh được giới thiệu ngày 24/9 sẽ tiếp tục được trưng bày tại Triển lãm “Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản” dự kiến khai mạc vào ngày 2/10 tại Nhà Triển lãm 61 Tràng Tiền, Hà Nội, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Trung tâm Thông tin, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức.

Hoa Nguyễn

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân của vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Theo đánh giá lúc nhập viện, cả 4 nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.

Ngày 20/12,  ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thông tin về vụ việc thu hồi 238 sổ đỏ xuất phát từ một vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của của Nhà nước. Qua đó, Đà Nẵng đã có phương án xử lý có lợi nhất cho người dân.

Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi nhận được trình báo vụ cướp tài sản xảy ra tại khu vực nghĩa trang trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lập chiến công xuất sắc, nhanh chóng xác định và bắt giữ được thủ phạm gây án.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文