Sân khấu kịch Việt Nam – Dấu ấn trăm năm

10:30 24/10/2021

Kể từ khi vở kịch “Chén thuốc độc” được các nghệ sĩ ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội cách đây đúng 100 năm, kịch Việt Nam đã chuyên nghiệp, bác học, hoàn thiện, hiện đại, dù rằng đang đối mặt với không ít thách thức.

Đó là nhận định chung của đông đảo các nghệ sĩ, nhà quản lý, tác giả, nhà lý luận phê bình sân khấu vào ngày 23/10, tại hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”. Hội thảo do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921 – 2021).

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất khẳng định: Đầu thế kỷ XX, nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam ra đời từ kết quả của cuộc tiếp biến trong văn hóa Việt Nam với văn hóa Pháp và phương Tây. Cuộc tiếp biến này đã làm cho văn học nghệ thuật Việt Nam được lột xác thành “nhân cách mới”, “nghệ sĩ mới” để kết thúc một thời kỳ dài hàng ngàn năm khép kín theo phong cách phương Đông, hướng dần cấu trúc lại văn hóa nhằm gia nhập vào quỹ đạo sáng tạo của thế giới.

Bản dựng kịch “Chén thuốc độc” mới nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, nghệ thuật kịch Việt Nam ra đời bằng công lao trực tiếp của các trí thức Tây học ở Pháp hoặc ở trường Pháp tại Việt Nam, mà điển hình là Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh đã dịch đăng trên báo chí các thể loại thơ, ký, truyện, tiểu thuyết, kịch của Pháp cho độc giả Việt Nam. Sau này, đội ngũ trí thức yêu kịch ngày một đông, đại biểu của họ có thể kể đến Phạm Văn Duyệt, Đoàn Ân, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Hữu Kim, Vũ Đình Long, Hồ Trọng Hiếu… Họ đã khởi xướng xây dựng nền kịch Việt Nam bằng tác giả và nghệ sĩ Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Khai Trí Tiến Đức (25/4/1920), vở kịch “Người bệnh tưởng” của Molie do nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn đã ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội, khiến trí thức và khán giả Việt Nam yêu thích thể loại “chỉ nói, không hát” này, đồng thời tạo động lực cho nhiều vở kịch khác sinh ra ở rạp Quảng Lạc. Ngày 22/10/1921, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long đã được công diễn, là sự kiện lịch sử đánh dấu nghệ thuật kịch Việt Nam ra đời.

Nhờ có phong trào sáng tác và biểu diễn kịch mạnh mẽ, nhiều tổ chức kịch tài tử đã ra đời ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh. Sau này, Ban Kịch Trường Đình Thi, Lại Quang Mậu (1929), Ban Kịch Thế Lữ (1935), Ban Kịch Tinh Hoa (1936), Đoàn Kịch Anh Vũ (1943)... hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, làm nức lòng khán giả.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ở Hà Nội có nhiều ban kịch không chuyên của các tổ chức cách mạng ở nhiều địa phương được thành lập. Đến tháng 8/1951, tại khu rừng già Nông Lâm (Việt Bắc), Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương bao gồm các tổ chèo, ca múa nhạc và kịch chính thức ra đời, do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm Trưởng đoàn, Thế Lữ làm Phó Trưởng đoàn kiêm đạo diễn và Học Phi phụ trách hành chính. Sau hòa bình năm 1954, trên miền Bắc, hầu như tỉnh nào cũng có đoàn kịch và nhà hát của riêng mình theo cơ chế bao cấp, chuyên nghiệp, hiện đại…

Có thể nói, kể từ 22/10/1921 đến nay, lịch sử nghệ thuật kịch Việt Nam đã tròn 100 tuổi và trong đó có 76 năm thuộc về kịch cách mạng. Chủ nhân sáng tạo của kịch cách mạng là cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, nghệ sĩ đi theo cách mạng, với tinh thần phục vụ chính trị, phò chính trừ tà, đánh đổ phong kiến, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Kịch cách mạng, suốt 76 năm qua, Đảng luôn luôn giữ vai trò “chèo lái” cho sự phát triển nghệ thuật Việt Nam và nhờ đó, kịch Việt Nam đã đi từ nghiệp dư, tài tử sang chuyên nghiệp, bác học, hiện đại, hoàn thiện. Đã có hàng ngàn tác phẩm, hàng ngàn nghệ sĩ vừa có trình độ, được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp, có tâm, có tài và được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và danh hiệu NSND, NSƯT. Đặc biệt, đã có không ít nghệ sĩ thành tên của nhiều đường phố ở Hà Nội và ở nhiều thành phố khác…

PGS Nguyễn Tất Thắng nhận định: Ra đời muộn hơn kịch nói nhân loại đến 2.500 năm, song kịch nói Việt Nam lại có cái lợi là được tiếp nhận những tinh hoa thi pháp mà các nền kịch nói từ Cổ đại đến Phục hưng, Khai sáng, Lãng mạn, Hiện thực… tích lũy được. Kịch nói Việt Nam, kể từ vở “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long đã phát triển tiến bộ trong những quy luật vừa mang tính cộng đồng nhân loại, vừa mang bản sắc Việt Nam.

NSND Lê Tiến Thọ cũng nhấn mạnh: Kịch nói ra đời làm phong phú cho nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam phát triển, góp phần hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, tác động lẫn nhau, hình thành một phong cách nghệ thuật sân khấu trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại của kịch Việt Nam hiện nay như vắng khán giả, hình thức và nội dung cũ kỹ, thiếu đề tài của xã hội đương thời. Để kịch Việt phát triển, trong thời gian tới, cần có sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa sân khấu kịch vào học đường, đào tạo khán giả tiềm năng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo tác giả, hỗ trợ văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, giao lưu với sân khấu quốc tế, đặc biệt là các nước theo cơ chế thị trường để học tập. Diễn viên, đạo diễn cần được đào tạo ở các nước có nền sân khấu kịch tiên tiến và có cơ chế đặc thù nghệ thuật sân khấu nói chung, sân khấu kịch nói riêng…

N.Nguyễn

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文