Sớm tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong chính sách đãi ngộ nghệ sĩ

08:20 14/09/2023

Những vấn đề bất cập tồn tại rất nhiều năm về cơ chế, chính sách đãi ngộ nghệ sĩ biểu diễn, nhất là nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở các đơn vị nghệ thuật công lập đang được kỳ vọng sẽ sớm khắc phục khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) hoàn chỉnh dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Nghệ sĩ đang cống hiến không được biên chế, nghệ sĩ trong biên chế hết… tuổi biểu diễn

“Chúng tôi chán, không muốn nói nữa!”, đây là chia sẻ của NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam khi mới đây chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về thực trạng nhân lực của Nhà hát Tuồng Việt Nam nói riêng, nhân lực biểu diễn trong nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống nói chung. Câu chuyện về đời sống nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn, phải bươn chải bằng nhiều công việc khác để kiếm sống, kể cả chạy xe ôm, bán hàng online từng được báo chí phản ánh nhưng chưa có giải pháp hợp lý.

Vở ballet Giselle do các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam biểu diễn. Ảnh: Phong Sơn

Nghệ sĩ lớn tuổi, nằm trong biên chế, vẫn nhận lương, nhưng khả năng biểu diễn hạn chế hoặc không còn khả năng biểu diễn. Nghệ sĩ trẻ đang cống hiến nhưng không được tuyển vì số lượng biên chế có hạn. Chế độ đãi ngộ nghệ sĩ quá thấp, kể cả với nghệ sĩ trong biên chế. Lý do là phần lớn nghệ sĩ đào tạo ở trình độ trung cấp, nhiều bộ môn không có đào tạo bậc đại học nên bậc lương thấp. Hệ lụy, sau nhiều năm, người trẻ không mặn mà với nghề. Số lượng người theo học tại nhiều trường đào tạo nghệ thuật mỗi năm một giảm, thậm chí không tuyển được người.

Với nghệ thuật xiếc cũng tương tự. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng không ít lần than thở vì “có người nhưng không sử dụng được” trong khi nhân lực biểu diễn vẫn thiếu. Lý do là nghệ sĩ xiếc được đào tạo đặc thù, phải có năng khiếu, học từ nhỏ, thời gian đào tạo dài nhưng thời gian hoạt động biểu diễn rất ngắn. Thế hệ trước đã qua tuổi biểu diễn nhưng vẫn trong độ tuổi chưa được nghỉ hưu theo quy định nên mặc nhiên vẫn là một biên chế trong đơn vị. Người trẻ, đang có khả năng cống hiến nhưng thiếu biên chế nên không tuyển được. Chế độ đãi ngộ thấp, có những nghệ sĩ xin nghỉ việc, lãnh đạo tiếc tài năng nhưng đành chịu.

Thống kê của Bộ VHTTDL cho thấy, hiện nay, cả nước có 99 đơn vị sự nghiệp công lập về nghệ thuật biểu diễn, trong đó ở trung ương có 12 đơn vị, ở địa phương có 87 đơn vị (bao gồm 14 trung tâm văn hóa nghệ thuật). Tổng số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập về nghệ thuật biểu diễn có gần 5.000 người. Trong đó, khoảng 3.200 người hoạt động chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn, còn lại là viên chức quản lý, viên chức với chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung như hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính… Tại các đơn vị nghệ thuật công lập, số lượng diễn viên trong biên chế có độ tuổi từ 18-25 hầu như không có, từ 25-30 tuổi chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 30-40 tuổi chiếm tỷ lệ 40%, còn lại đều trên 40 tuổi.

Kiến nghị có chế độ đãi ngộ phù hợp

Theo Bộ VHTTDL, diễn viên phải có năng khiếu, nhiều bộ môn phải được đào tạo công phu, từ 7-12 năm, một số bộ môn từ 15-16 năm, tuổi đào tạo nghề thường từ 10 tuổi trở lên, nhưng thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất ngắn, bình quân từ 15-20 năm. Đến độ tuổi từ 35-40 đối với nữ và từ 40-45 đối với nam, khả năng biểu diễn bị suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động chuyên môn của nghề biểu diễn như xiếc đế trụ, uốn dẻo, múa ballet... Hiện nay có khoảng 200 người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật này. Theo các văn bản quy định của pháp luật thì tuổi nghỉ hưu đối với viên chức là viên chức, người lao động chuyên môn trong danh mục ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và ngành, nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể thấp hơn mức trung bình là 5 năm, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập nghệ thuật biểu diễn tồn tại nhiều diễn viên nam từ trên 45 tuổi đến dưới 55 tuổi, nữ trên 40 tuổi đến dưới 50 tuổi trong biên chế, tuổi nghề đã hết nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu, vẫn ở lại đơn vị từ 10-15 năm hưởng lương và các chế độ khác để chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, các đơn vị rất khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tuyển viên chức trong độ tuổi làm nghề để nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật.

Mặt khác, mức lương và phụ cấp ưu đãi nghề dành cho nghệ sĩ thấp, thậm chí còn thấp hơn mức lương tối thiểu được áp dụng cho vùng I đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Cụ thể, chế độ tiền lương được tính cho phần lớn viên chức có chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06; diễn viên hạng III (số lượng này không nhiều) được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. Nhiều bộ môn nghệ thuật chưa đào tạo ở bậc đại học nên số viên chức đáp ứng tốt về chuyên môn, chuyên ngành nhưng khả năng thăng hạng lên hạng III rất ít và hạng II gần như không có.

Qua khảo sát, đánh giá, hiện nay, viên chức có thâm niên công tác, đã cống hiến 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) được hưởng mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng; phụ cấp ưu đãi nghề 15% - 20%; hệ số lương trung cấp của viên chức loại B bậc 5 sẽ là 2,66; trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương mà người viên chức được nhận là 4.928.049 đồng. Mức lương này cũng chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu 4.680.000 đồng/tháng được áp dụng cho vùng I đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động là 248.049 đồng. Người lao động vừa được bổ nhiệm vào viên chức, ngạch diễn viên (trung bình ở độ tuổi 25), hệ số lương trung cấp của viên chức loại B bậc 1 sẽ là 1,86; trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương mà người viên chức được nhận sẽ rất khó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại đối với người diễn viên.

Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn đối với viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Viên chức trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.

Hoa Nguyễn

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文