Tình yêu quê hương, đất nước qua những dòng nhật ký của liệt sĩ Cao Xuân Tuất
Sau nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… đến lượt Cao Xuân Tuất - người con của quê hương Hà Tĩnh đã tái hiện lại những năm tháng thanh xuân sôi nổi, tình yêu quê hương, đất nước khi ngày đêm đối mặt với cái chết trên chiến trường nhưng vẫn luôn vui vẻ, lạc quan và yêu đời.
Cuốn nhật ký đã lưu lạc sang bên kia bán cầu, nhưng bằng một sự kỳ diệu nào đó, đã trở về với thân nhân của liệt sĩ sau hơn nửa thế kỷ như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Hơn 2 tháng trôi qua, nhưng mỗi lần nhìn vào cuốn nhật ký của người em trai được cất cẩn thận trong chiếc hộp làm bằng kính đặt trên bàn thờ, bà Cao Thị Nồng (79 tuổi), em gái liệt sĩ Cao Xuân Tuất, trú tại thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhiều lúc vẫn không dám tin đó là sự thật. Đôi lúc, bà Nồng cứ ngỡ chỉ là giấc mơ, chỉ đến khi bà đi đến bàn thờ, sờ tận tay cuốn nhật ký, tận thấy nó hiện hữu thì mới tin rằng, giấc mơ suốt 56 năm qua, nay thực sự trở thành hiện thực.
56 năm và hành trình “về nhà” của cuốn nhật ký chiến tranh
Trên dải đất hình chữ S này, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng thông tin về mộ phần, những kỷ vật chiến tranh của không ít liệt sĩ vẫn mịt mờ. Trong trí nhớ của bà Nồng, liệt sĩ Cao Xuân Tuất sinh năm 1942, năm 19 tuổi thì khoác ba lô ra chiến trường. Đến năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử. Suốt từ đó đến nay, thông tin về người anh trai trong gia đình chỉ có vậy, thậm chí đến cả bức ảnh đặt trên bàn thờ cũng không có để hương khói nên suốt gần 60 năm qua, tất cả người thân trong gia đình vẫn chung một niềm đau đáu, là làm thế nào để có được một kỷ vật, dù nhỏ nhất liên quan đến liệt sĩ để bớt cô quạnh, ngoài cuốn sổ “gia đình liệt sĩ” thay cho di ảnh, xem ra chẳng mấy liên quan, nhưng vẫn được nâng niu, lưu giữ.
Thế rồi, như một phép màu kì diệu đến với gia đình, khi đầu tháng 2/2023, ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, cùng một số đồng chí Công an tỉnh Hà Tĩnh tìm đến tận nhà để xác minh về liệt sĩ Cao Xuân Tuất. Câu chuyện bắt đầu từ việc ngày 27/1/2023, báo NorthJersey của Mỹ đăng tải bài viết về câu chuyện cựu binh Mỹ - ông Peter Mathews (77 tuổi), hiện đang trú tại thành phố Bergenfield, bang New Jersey (Mỹ), hiện đang lưu giữ cuốn nhật ký của một người lính Việt Nam và mong muốn tìm kiếm thông tin tác giả của cuốn nhật ký đó.
Theo chia sẻ của ông Peter Mathews, cuốn nhật ký được ông tìm thấy trong một ba lô dưới chân đồi 724 vào cuối năm 1967 ở chiến trường Đak Tô, Tây Nguyên. Mặc dù không biết những dòng chữ viết tay trong đó có ý nghĩa gì nhưng ông Peter Mathews vẫn cất vào ba lô, đưa về Mỹ cất giữ trên gác mái căn hộ suốt 56 năm qua. Gần đây, thông qua một người bạn có 2 người con nuôi gốc Việt, ông dần hiểu ra ý nghĩa quan trọng của cuốn sổ, nên mong mỏi tìm được tác giả của cuốn sổ hoặc những người thân còn sống của người lính Việt Nam năm đó để trả lại. Sau nhiều nỗ lực kết nối, từ những trang viết trong cuốn nhật ký mà ông Peter Mathews chụp gửi qua email, dần dần đã hé lộ chủ nhân cuốn nhật ký là liệt sĩ Cao Xuân Tuất, trú tại Hà Tĩnh.
Ngày 5/3/2022, vợ chồng ông Peter Mathews đã đáp chuyến bay từ Mỹ sang Việt Nam, mang theo cuốn nhật ký trao trả cho nhân nhân liệt sĩ Cao Xuân Tuất sau 56 năm gìn giữ. Cuốn sổ nhật ký - kỷ vật chiến tranh đã được thân nhân gia đình đón nhận trong niềm xúc động, hạnh phúc. Hành trình tìm chủ nhân của cuốn nhật ký khép lại với niềm vui trọn vẹn, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Ông Hà Huy Mỳ - cháu liệt sĩ Cao Xuân Tuất xúc động cho biết, cuốn nhật ký chiến tranh bất ngờ trở về sau 56 năm lưu lạc từ bên kia nửa vòng trái đất, như một phép màu kì diệu từ cuộc sống. Từ khi tiếp nhận đến nay, ngày nào thân nhân của liệt sĩ cũng lật giở trang nhật ký, đọc đến thuộc lòng từng câu, từng chữ.
Thời thanh niên sôi nổi trên chiến trường
Cuốn nhật ký chỉ vỏn vẹn 93 trang giấy kẻ caro học trò, song mỗi trang viết, mỗi dòng chữ, nét vẽ bên trong lại chứa đựng nỗi xúc động, nhớ thương, được trang trí bằng những hình vẽ hoa, phong cảnh rất công phu, đẹp mắt. Từng câu chữ, nét vẽ trong cuốn nhật ký đều tái hiện ký ức của một thời thanh niên sôi nổi, yêu đời của chàng trai trẻ ở độ tuổi 20. Cuốn sổ lưu bút được chia thành từng phần, mỗi phần thể hiện một quyết tâm, khẩu hiệu, phương châm sống và ước ao của chàng trai trẻ trong bối cảnh mưa bom, bão đạn bủa vây.
Đó là những những dòng viết thể hiện quyết tâm, chí khí của người lính bước vào chiến trận: “Sống như những người cộng sản, làm việc đưa hết thân mình phục vụ cho cách mạng”; “Đảng là mẹ hiền, tổ quốc trên hết, thanh niên anh dũng tiến lên”; “Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc”. Bên cạnh những trang viết thể hiện lí tưởng, chép nhiều bài thơ, bài hát mang khát vọng về chủ đề quê hương đất nước… liệt sĩ Cao Xuân Tuất cũng thể hiện nỗi nhớ khắc khoải đến người thân ở quê nhà qua những trang viết gửi mẹ, gửi em, gửi đất và người Hoài Nhơn (Bình Định) - nơi anh đóng quân và chiến đấu. “Anh biết rồi sẽ phải xa em/ Vì một lẽ giản đơn em nhỉ/ Tổ quốc cần anh người chiến sĩ/ Giải phóng quân chiến đấu vì dân/ Lúc này Đảng, Tổ quốc đang cần/ Thì em ơi, tình riêng đành đôi ngả”. Những dòng cảm xúc nhớ thương “gửi em” tình cảm thân thương như vậy, song lồng vào đó, người chiến sĩ trẻ vẫn tự hứa với lòng “Anh sẽ luôn trau dồi công tác, luyện tập cầm chắc tay súng”, và “Ngày mai hết chuyện chiến tranh/ Bắc Nam thống nhất thì anh trở về”.
Xúc động hơn cả vẫn là những trang nhật ký viết về mẹ, với những dòng cảm xúc như tuôn trào: “Mẹ ơi lòng con như sóng dâng cao, như dòng phi lao góp gió, vì quê mình đấu tranh cho 2 miền thống nhất yên vui mẹ ơi... Mẹ ơi miền Nam sóng gió hôm nay, như ngày mai đây mây đan trời trong sáng, như hai miền với nhịp cầu Hiền Lương, mẹ con sẽ đoàn viên xóa hết buồn và thương”. Trên mỗi chặng đường hành quân, chiến đấu khi nhớ mẹ, nhớ nhà không biết cất giấu vào đâu, Cao Xuân Tuất lại dùng bút và sổ để tâm sự, nhắn nhủ đến mẹ hiền: “Đêm giao thừa lòng con nhớ mẹ/ Trời đã khuya gió nhẹ từng cơn...”. Những lời tâm sự này được viết vào ngày 24/11/1966, cũng là những lời khép lại dòng nhật ký trong cuốn sổ bỏ ngỏ. Và lời hứa Bắc Nam thống nhất, khi hai miền nối nhịp Hiền Lương thì sẽ trở về, cũng đành dang dở từ đó…
Cuốn sổ nhật ký của liệt sĩ Cao Xuân Tuất là kỷ vật chiến tranh đáng quý, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc. Kỷ vật được trao trả đã làm đẹp thêm thông điệp “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” của Đảng và Nhà nước ta trong mối quan hệ Việt Nam - Mỹ. Việc cựu binh Mỹ Peter Mathews trả lại cuốn nhật ký cho thân nhân liệt sĩ cũng mở ra những hi vọng, mong mỏi của hàng vạn thân nhân liệt sĩ khác đã hi sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc nhưng đến nay vẫn chưa tìm được mộ phần, không có kỉ vật, di ảnh nào còn lưu giữ để thờ tự. Hi vọng về một ngày nào đó, có thể bất kì ai đang lưu giữ một phần kí ức, kỉ vật chiến tranh ấy, sẽ mang trả lại cho thân nhân liệt sĩ như một cái kết có hậu giữa đời thường.