Cuộc đời sau những tấm huy chương

Kỳ 1: Thầy giáo Lê Bá Khánh Trình: Luôn có một lời giải của Chúa, nhưng...

10:53 11/11/2018
Thầy Lê Bá Khánh Trình - người từng đoạt giải nhất cuộc thi toán quốc tế năm 1979, từng được nhiều lần nhắc tới như một điển hình học tập - điển hình trí tuệ của học sinh Việt Nam. Sau thành tích ấy, Lê Bá Khánh Trình học 9 năm ở Nga rồi về nước để trở thành một giáo viên dạy toán đến tận bây giờ...

Kỳ 1: Thầy giáo Lê Bá Khánh Trình: Luôn có một lời giải của Chúa, nhưng...


Khi tôi đến thực hiện cuộc đối thoại này, thầy Lê Bá Khánh Trình đang dạy học. Thầy vẽ một tam giác nội tiếp (tiếp xúc bên trong) đường tròn, kiểu tiếp xúc mà ngày xưa đi học, tôi rất sợ. Vì nhìn vào một tam giác nằm gọn trong một đường tròn, cậu - học sinh - tôi hồi ấy cứ thấy một cảm giác gì đó như một sự trói buộc, một sự kìm kẹp. 

Ngược lại, tôi rất khoái nhìn vào những tam giác ngoại tiếp (tiếp xúc bên ngoài) đường tròn, bao bọc đường tròn, tạo cảm giác như thể đang chiếm lĩnh, làm chủ đường tròn. 

Và, sau 1 tiếng ngồi đối thoại với thầy Lê Bá Khánh Trình - người từng đoạt giải nhất cuộc thi toán quốc tế năm 1979, từng được nhiều lần nhắc tới như một điển hình học tập - điển hình trí tuệ của học sinh Việt Nam thì tự nhiên tôi lại hỏi mình, sau cái thành tích lấp lánh ấy, Lê Bá Khánh Trình giống như một tam giác nội tiếp hay ngoại tiếp nhỉ? 

Sau thành tích ấy, Lê Bá Khánh Trình học 9 năm ở Nga rồi về nước để trở thành một giáo viên dạy toán đến tận bây giờ. Và, như chính thầy chia sẻ với tôi, cũng có người nói rằng họ từng kỳ vọng và dự đoán thầy sẽ làm được nhiều điều hơn là chuyện đứng lớp, dạy học đơn thuần.

Tôi không dám nói mình hạnh phúc

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa thầy, cuộc thi Olympic toán năm 1979, không chỉ đoạt giải nhất mà thầy còn đoạt cả giải đặc biệt nữa. Nhưng, tôi có nghe dân toán nói loáng thoáng rằng cái giải đặc biệt ấy lại đến từ việc thầy... đọc nhầm đề thi. Gần 40 năm đã qua, thầy có thể tiết lộ cụ thể câu chuyện mà người ngoại đạo như tôi cứ thấy hư hư - thực thực này không?

- Thầy Lê Bá Khánh Trình (cười tủm): 2 giải đó khác nhau. Một giải gọi là giải nhất, chứ hồi đó chưa gọi là huy chương vàng như bây giờ, còn một giải là giải đặc biệt, dành cho những lời giải hay hơn đáp án. Sau này, giải đặc biệt không thấy nữa, có lẽ vì đề thi khó quá, đến mức khó có thể tìm được một lời giải nào khác đáp án.

Trở lại với chuyện tôi đoạt 2 giải này, tôi nghĩ cũng giống như trong bóng đá ấy, khi bị đẩy vào đường cùng, người ta lại bất ngờ vùng lên ghi bàn thắng. 

Trước hôm tôi đi thi, tôi bị cảm nên khá mệt. Và đúng là tôi có đọc nhầm đề, đại loại thay vì phải đọc thuận chiều kim đồng hồ thì tôi lại đọc ngược chiều kim đồng hồ và cứ thế làm bài theo cách "ngược chiều". 

Làm xong ngồi chơi, đến gần hết giờ đọc lại, mới tá hỏa: thôi chết, mình đọc chủ quan, nên nhầm rồi. Lúc ấy giải lại từ đầu đến cuối một cách "thuận chiều" thì không kịp nữa, nên buộc phải tìm một cách giải nào đó để biến tất cả cái "ngược" của mình về cái "thuận". Chính nhờ thế mà cách giải của tôi hóa ra lại ngắn hơn, đơn giản hơn so với cách giải trong đáp án.

- Hóa ra nhầm lẫn đôi khi cũng có giá trị của nó phải không ạ?

- Nó chỉ thật sự có giá trị khi chúng ta đạt được một trạng thái đột biến, thăng hoa nào đó và cũng phải có một sự chuẩn bị, tích luỹ nào từ trước đó rồi. 

Ví dụ trước kỳ thi năm 1979, tôi từng đọc đi đọc lại, đọc ngược đọc xuôi cuốn sách toán của một tác giả người Pháp. Và khi đọc nhầm đề thì tôi thấy cái đề bị đọc nhầm ấy có rất nhiều điểm giống với những gì mình đã đọc được trong sách nên giải quyết được ngay. Chứ nếu mình vừa không có được một phút thăng hoa, lại vừa chẳng có sự tích lũy nào cả thì không thể tạo ra được những nhầm lẫn giá trị như thế.

- Hồi đó thầy bao nhiêu tuổi và mơ ước lớn nhất là gì ạ?

- Hồi đó tôi mới 17 tuổi. Thật ra bạn bè rủ tôi thi vào trường Bách khoa Đà Nẵng vì tôi thích những hoạt động nghiêng về thực tế hơn. Nhưng, sau khi đạt giải toán, tôi có học bổng đi Nga nên cuối cùng lại chọn con đường thứ hai này.

- Sau 9 năm học ở Nga về, thầy chính thức trở thành một thầy giáo toán ở trường Đại học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh. Thưa thầy, liệu có ai đó bảo rằng cuộc đời thầy lẽ ra phải khác không ạ, vì tôi nghĩ, với một giải đặc biệt như thế, thầy hoàn toàn có thể làm nhiều công việc tầm cỡ hơn, thay vì trở thành một thầy giáo đơn thuần? 

- Đôi khi người ta cũng có nói, khiến mình cũng phải để ý. Nhưng, mình nghĩ rồi, để làm được những vai trò to lớn nào đó, con người ta cần một điểm mạnh bẩm sinh nhất định nào đấy, còn bản thân mình lại là mẫu cần cù, siêng năng, do tích lũy lâu năm mà thành.

- Thầy hạnh phúc với công việc dạy học chứ?

- Tôi rất ít khi nói câu "tôi hạnh phúc" vì nghe có vẻ gì hoàn thiện quá.

- Vậy thì tôi xin hỏi ngược lại,  có bao giờ thầy tiếc nuối khi chỉ là một giáo viên thôi?

- Ai cũng muốn có những vị trí này nọ nhưng số lượng những vị trí như thế thì luôn hữu hạn. Ngoài ra, mỗi người đều có một thiên hướng, một bản năng riêng nên phải biết cái gì thuộc về mình nhất.

- Hình như cũng có chừng 2-3 năm gì đó thầy đảm nhiệm vị trí phó khoa?

- Đúng rồi, nhưng tôi dần nhận ra nó không phù hợp với mình, không thuộc về mình. Trong gia đình tôi xưa nay chẳng có ai làm quản lý cả. Gia đình tôi không có truyền thống làm quản lý.

- Và thầy chỉ là mình khi trở lại với công việc đứng trước học trò để phân tích một bất đẳng thức, một phương trình...?

- Khi làm quản lý thật ra tôi vẫn dạy. Sau này chỉ là bỏ hẳn quản lý để chỉ chuyên tâm vào dạy. Và thấy nó có vẻ thuộc về mình hơn.

- Chúng ta sẽ không bàn về mẫu con người quản lý nữa nhưng mẫu con người nghiên cứu thì sao ạ? Sau 9 năm học và lấy bằng tiến sĩ ở Nga, tại sao thầy không nghĩ đến việc tìm cách ở lại để tiếp tục phát triển sự nghiệp học thuật của mình?

- Khi đó tôi không xuất sắc đến mức được người ta mời ở lại. Bản thân nếu muốn ở lại thì phải đề xuất.

- Phải đề xuất!

- Nhưng, tôi là người nhút nhát nên có chỗ nào đề nghị thì tôi làm thôi, chứ tôi không đề xuất. Lúc đó trong đầu tôi không nghĩ đến việc nhất định phải xin ở lại. Cũng không nghĩ một cái gì to tát cả. Tôi chỉ nghĩ đến việc nếu về nước và đi dạy học thì cũng được. Tôi về năm 1991, trường Đại học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh tiếp nhận và tôi làm ở đó đến tận bây giờ.

Tất cả đều "luyện gà"

- Không chỉ từng đi thi quốc tế mà trong khoảng 6 năm trở lại đây, thầy còn dẫn đội tuyển toán của chúng ta đi thi quốc tế. Theo thầy, điều kiện quan trọng nhất để một học sinh đoạt huy chương Olympic là gì?

- Nước mình, rất nhiều em có trình độ đoạt giải. Cỡ huy chương đồng, mình chọn bất cứ ai trong số vài chục em đều được cả, nhưng theo quy định quốc tế chỉ được chọn 6 em vào đội tuyển thôi, nên 6 em đã đi thì gần như đảm bảo có huy chương đồng. Thế nên với chúng tôi, nếu chỉ có huy chương đồng là chúng tôi buồn lắm. Vấn đề phải là huy chương bạc, huy chương vàng. 

Theo tôi, để có thể đạt được huy chương vàng thì ngoài việc trước đó có sự rèn luyện, đầu tư nghiêm túc, bắt buộc phải có một trạng thái đột biến nhất định trong phòng thi.

- Lâu nay, chúng ta vẫn nghe những nhận xét rằng mình luyện học sinh giỏi theo kiểu "luyện gà", quá thiên về lý thuyết. Thế nên, sau này các em cũng chỉ là những người giỏi lý thuyết, lại là những lý thuyết rất khuôn mẫu, thiếu hẳn tư duy sáng tạo. Mà nếu thiếu tư duy sáng tạo thì rất khó thoát khỏi cái tháp ngà lý thuyết mà mình từng gắn bó để thực sự làm nên một vẻ đẹp mới mẻ nào đó cho cuộc đời này. Từ chính những trải nghiệm của cá nhân mình, thầy có thể nói gì ạ?

- Chẳng phải bây giờ, từ thời ông cha mình ngày xưa, đã có truyền thống học hành theo kiểu tầm chương trích cú rồi. Nhìn ở khía cạnh văn hóa, nó thành một cái nếp rồi. Nên đòi hỏi phải thay đổi ngay thì rất khó. 

Khi luyện thi, tôi thấy nhiều em giỏi vì đơn giản là biết nhiều bài quá. Ra bài gì, kiểu gì, các em ấy cũng thuộc làu. Sau tôi phải tìm những bài khác hẳn trong sách thì mới "trị" được. 

Khi thi quốc tế, những em như thế sẽ rất khó khăn khi phải đối diện với các bài thi nằm ngoài khuôn mẫu, đòi hỏi tính sáng tạo cao. Mà đề thi ngày càng đòi hỏi điều này. Đã từng có những bài mà hôm nay được cho vào đề rồi nhưng sau một ngày nghĩ lại, người ta lại bỏ ra ngoài vì thấy nó đã ít nhiều xuất hiện ở chỗ này, chỗ khác và thay vào một dạng hoàn toàn mới.

Nghĩa là trong bản thân việc thi cử chứ chưa nói gì tới việc ra ngoài cuộc sống, chúng tôi cũng rất chú ý tuyển chọn những em có tư duy sáng tạo. Nhưng, riêng về chuyện luyện kiểu "gà nòi" thì tôi nói thật, đã tham gia thi Olympic rồi thì gần như đoàn nào cũng luyện "gà nòi" cả thôi.

- Ý thầy là đoàn Mỹ cũng thế, đoàn Nga cũng thế?

- Bảo đội học sinh giỏi của họ vừa học vừa chơi là không phải đâu. Ở Mỹ chẳng hạn, họ còn luyện quanh năm, căng thẳng hơn mình nhiều. Đội tuyển toán của Mỹ được giao cho một thầy rất giỏi, ngày xưa cũng từng đoạt huy chương vàng và thầy trò họ còn mở ra những trại học tập, mời các đội của Canada, Australia... tới giao lưu quanh năm suốt tháng. 

Chứ mình thì mãi đến tháng 5 mới thành lập đội tuyển, luyện vài tháng rồi đi thi luôn. Đừng nói chuyện đi thi Olympic mà không "luyện gà", nếu không "luyện gà" thì đừng mơ huy chương.

- Tức là nếu chúng ta nói đến và đề cao yếu tố "giáo dục thoải mái" nào đó thì đấy là sự thoải mái nhìn trên diện rộng của các nền giáo dục, chứ nếu co hẹp vào chuyện thi cử học sinh giỏi thì thực tế ai cũng "luyện gà", cũng máu thắng - thua như ai cả?

- Tôi nhớ một năm thi ở Thái Lan, đoàn Nga thậm chí còn xếp sau đoàn Việt Nam. Thế là khi gặp chúng tôi, họ cũng tâm trạng này nọ lắm. Họ bảo: "Việt Nam ghê quá nhỉ!", rồi họ bảo chẳng qua học trò của mình nhầm chiến thuật, lẽ ra phải giải câu 2 trước thì lại mất thời gian giải câu 3 trước, nên thua thôi, chứ không phải là họ kém. 

Sau đó, tôi nhớ báo Nga phân tích, mổ xẻ đủ kiểu. Và từ đó họ thay đổi lại cách tuyển chọn, ôn tập, mấy năm gần đây đạt thành tích rất cao, họ lại hả hê ra mặt.

- Nhìn một cách tổng thể, đội tuyển toán chúng ta đứng trong tốp mấy ạ?

- Nằm trong khoảng tốp 10-15. Và, nhiệm vụ của chúng ta là phải làm thế nào đó để người ta công nhận hơn nữa, chứ đừng để người ta nói: "Việt Nam trong tốp 10 đã là tốt lắm rồi!".

- Đội tuyển toán của chúng ta luôn đứng trong tốp 10-15 nhưng khả năng sáng chế, phát minh của chúng ta thì ai cũng biết là rất thấp. Như thế có nghĩa, với chúng ta, khoảng cách từ một chiếc huy chương vàng kiến thức đến một sáng chế, phát minh là xa vời vợi?

- Hiểu như thế đã là khập khiễng ngay từ đầu rồi. Bởi chuyện đoạt huy chương vàng một kỳ thì Olympic với chuyện trở thành một nhà sáng chế lại là hai câu chuyện khác nhau. Đánh đồng hai cái đó là không hiểu đúng vấn đề.

- Tôi xin lấy ví dụ cụ thể về một người từng đoạt giải toán quốc tế như giáo sư Ngô Bảo Châu đi, có những người trong ngành toán nói với tôi rằng, phải sang Pháp, phải có một môi trường, một điều kiện xứng tầm thì giáo sư Ngô Bảo Châu sau này mới có thể đạt giải Fields. Vẫn biết là so sánh kiểu này thì vô cùng lắm, nhưng thử tưởng tượng vui thôi: theo thầy, nếu ông Ngô Bao Châu ở lại Việt Nam thì sao ạ?

- Tôi cũng không dám chắc, nhưng tôi nhớ là ở Brazil chẳng hạn, cũng từng có một người đoạt huy chương vàng toán quốc tế, sau đó vẫn làm việc ở Brazil mà vẫn đạt được giải Fields như Ngô Bảo Châu. Năm thi Olympic toán ở Brazil, cậu ấy lên trao giải, tôi có gặp và thấy rất giản dị. Thế cho nên cũng khó nói lắm.

- (Cười...). Vâng, tôi đã nói so sánh kiểu này thì rất là vô cùng. Nhưng, nói gì thì nói, có tài năng mới chỉ là một chuyện, điều quan trọng là phải có môi trường chắp cánh cho tài năng nữa.

- (Gật đầu).

Cuộc đời là bài toán mù mịt

- Thưa thầy, vẻ đẹp của toán học nằm ở đâu?

- Bất cứ một bài toán nào cũng có một lời giải nằm đâu đó mà mình không biết. Tôi gọi đấy là lời giải của Chúa. Có những bài, học sinh của mình giải, rồi mình cũng giải nhưng vẫn cứ thấy mắc mớ một cái gì đó. Đến khi có một em nào đó bỗng nhiên tìm ra một cách giải quyết rất hay thì cảm giác như chính mình - người thầy cũng được khai sáng. Mình chợt thấy, à, hóa ra lúc này đã tìm ra lời giải của Chúa rồi. 

Với tôi, vẻ đẹp  toán học nằm ở đấy. Nhưng, có những khi tưởng là đã tìm ra lời giải của Chúa, thế mà vài năm sau đọc lại, chợt nhận ra không phải thế. Mãi sau đó, tìm ra một cách giải khác và thốt lên: Đây! Đây mới đúng là Thiên chúa!

- Thế còn những bài toán cuộc đời thì sao ạ?

- Cái này thì khác đấy. Với toán, bạn có thể đau đầu nhưng nếu bạn sắp xếp mọi thứ rõ ràng, logic, lại cộng thêm những khoảnh khắc thăng hoa thì trước sau gì bạn cũng sẽ tìm ra lời giải. 

Có nghĩa là chúng ta luôn biết chắc rằng, bài toán chắc chắn có lời giải. Nhưng, trong cuộc đời, những bài toán cuộc đời lắm khi cứ rối rắm, mù mịt, chẳng biết có thể tìm ra lời giải được không. Mà cũng chẳng biết nó có lời giải thật không.

- Cụ thể, một bài toán cuộc đời nào mà thầy đã trải qua ạ?

- Nhiều chứ! Ví dụ chuyện con gái tôi, cháu cũng là người thông minh, học hành được. Suốt những năm cháu học cấp 2, khi giảng bài cho cháu, tôi đều giảng rất rõ ràng, logic, thậm chí còn chủ động đưa ra những lời giải hay để cháu cảm nhận. Mà hồi ấy cháu cũng hỏi bố rất chăm, đi thi toán về không được điểm cao còn thắc mắc. 

Nhưng, năm vừa rồi, lên lớp 12 thì cháu bỗng quay ngoắt, chẳng thèm ngó ngàng gì đến môn toán. Khi tôi kiểm tra thì cháu cứ tìm cách trốn, thậm chí làm ngược lại ý bố. Không chịu quan tâm, học hành gì cả. Tại sao cháu lại thay đổi lớn đến như thế? Đấy, đấy là bài toán mà tôi không thể nào hiểu được.

Ảnh trong bài: Mỹ Linh.

- Kết quả năm vừa rồi, cháu được mấy điểm toán ạ?

- Thi tốt nghiệp, môn toán cháu được 6,6 điểm. Nhưng, tổng các môn thì cháu được trường khen vì có tổng điểm cao nhất trường. Sau đó cháu thi và đỗ trường Kiến trúc.

- Có khi lời giải đối với hai cha con thầy đơn giản thôi ạ: “Dao sắc không gọt được chuôi” (cười lớn...).

- Tôi không thể nào hiểu được. Nhiều khi tôi tự hỏi, hay là cháu nghĩ môn toán là một môn rất "dở hơi", cần tránh càng xa càng tốt. Mà cậu con trai tôi, hiện đang học lớp 7, hình như cũng kiểu đó luôn. Cũng ngó lơ môn toán này luôn.

Đoàn Việt Nam đã nói là phải có lý

- Điểm ưu việt và không ưu việt của người giỏi toán là gì, theo thầy?

- Người giỏi toán thì khả năng chia trường hợp, suy xét, sắp xếp các chi tiết có vẻ tốt. Và cách hiểu một vấn đề, một sự vật có bề dày logic. Cái đẹp trong mắt người giỏi toán thường không phải là cái đẹp kiểu hời hợt, mơ hồ. Còn điểm không ưu việt là cái gì cũng cố đi tìm lời giải nhưng trong thực tế nhiều khi không có lời giải. Không có nhưng cứ cố đi tìm, đâm ra bị máy móc, rập khuôn.

- Một tập hợp những con người không giỏi toán, thiếu tư duy logic cũng sẽ là một tập hợp những con người cảm tính, dễ bị sống theo kiểu bầy đàn, đám đông, phải không ạ?

- Tôi không dám nói cái này đâu. Bắt tôi phải mở rộng, nói cái này thì khó quá!

- Có ai nhận xét thầy quá thu mình, thậm chí luôn sợ hãi những biến động của cuộc sống không?

- Tôi cũng hơi ngài ngại với bên ngoài một chút.

- Thậm chí nhiều lúc là thiếu cá tính và sợ trách nhiệm nữa?

- Có những lúc dẫn đoàn đi thi quốc tế cũng mệt chứ. Vợ tôi nói "thôi anh làm 2-3 năm thế là được rồi, giờ nghỉ đi". Nhưng, tôi vẫn tiếp tục làm, như thế chứng tỏ mình cũng không đến nỗi nào chứ nhỉ? (cười...).

- Thầy có thể kể một kỷ niệm căng thẳng nào đó trong những lần dẫn đoàn được không?

- Năm thi ở Nam Phi, có 2 em Việt Nam làm một bài hình theo phương pháp tính toán. Hình mà đi làm theo phương pháp này là rất nguy hiểm, rất dễ mất điểm. Thế nên, nhóm chấm thi quyết định không cho điểm, dù cách này vẫn cho ra kết quả cuối cùng. Sau đó, bọn tôi kiến nghị lên trưởng nhóm, ông trưởng nhóm nói vẫn không được, thế là chúng tôi lại kiến nghị lên một cấp cao hơn. 

Đến cấp này, chúng tôi nhận được phản hồi rằng: Tôi lạ gì các ông! Học trò nào giải được. Khi mang bài về, toàn mấy ông ngồi giải với nhau rồi lên kiến nghị. Nghe thế, anh trưởng đoàn của chúng ta nổi nóng, cho rằng nói như thế là xúc phạm đoàn Việt Nam.

- Nhưng, bài đã xong rồi, nộp đi chấm rồi, sao lại có chuyện mấy thầy trong đoàn giải với nhau?

- À. Nguyên tắc là thi xong bao giờ cũng photo bài của học sinh, họ giữ bản photo, mình giữ bản chính, hai bên cùng chấm độc lập, sau đó mới ráp lại với nhau.

- À... Và câu chuyện kiện tụng của chúng ta thế nào ạ?

- Trưởng đoàn của chúng ta chuẩn bị phương án đưa ra hội đồng, mà đưa ra hội đồng thì rất phức tạp, bởi đấy là cuộc tranh luận giữa các trưởng đoàn với nhau, mỗi người một ý. 

Để chuẩn bị cho việc đưa ra hội đồng, đêm ấy anh trưởng đoàn viết sẵn một quyết tâm thư, với nội dung đại loại Việt Nam mấy chục năm tham dự, chưa bao giờ phải kiến nghị lên hội đồng, luôn ổn định trong tốp đầu, thế mà vị giám khảo kia lại nói những câu xúc phạm đoàn Việt Nam..., còn tôi thì có nhiệm vụ xem lại bài của 2 em.

Xem đi xem lại, tôi chợt nhìn ra một điểm quan trọng để có thể bảo vệ lời giải của 2 em. Rồi tôi đi ngủ nhưng cứ thấp thỏm. 1 giờ sáng, tôi dậy kiểm tra thêm lần nữa. 2 giờ sáng lại dậy, kiểm tra một lần nữa cho chắc chắn. Tôi nhớ đêm ấy mùa đông, lạnh ngắt và chúng tôi căng thẳng lắm. 

Sáng hôm sau, cả tôi và vị trưởng đoàn đều mệt. Tôi thông báo với vị trưởng đoàn rằng mình đã tìm ra cơ sở để thuyết phục vị giám khảo. Sau đó, chúng tôi quyết định gặp vị này lần cuối trước khi đưa vấn đề lên hội đồng.

Rất vui là sau khi bình tĩnh nghe chúng tôi trình bày, vị giám khảo này xin lỗi vì hôm qua đã nói những câu có thể làm ảnh hưởng tới danh dự của đoàn Việt Nam. Sau đó, ông ấy đề nghị cho chấm lại bài từ vòng 1. 

Kết quả chấm lại, cuối cùng, mỗi học sinh của chúng ta được lên 1 điểm và nhờ thế năm đó chúng ta đoạt tất cả là 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Những năm sau này, gặp lại chúng tôi, các vị giám khảo đều tỏ ra hết sức vui vẻ, thân thiện. 

- Mất 1 điểm, mất huy chương thì tụt hạng lắm, thầy nhỉ?

- Đúng rồi. Nhưng, vấn đề không phải là chuyện thành tích mà là chúng ta đã cho họ thấy đoàn Việt Nam mình đã nói là nói có lý, có cơ sở rõ ràng. Chứng tỏ mình rất hiểu vấn đề và họ bị thuyết phục. Chứ mình không đi xin họ, cũng không nói theo kiểu nói bừa, nói ẩu.

- Xin chân thành cảm ơn thầy!

Ảnh trong bài: Mĩ Linh

Họ là những học sinh Việt Nam từng đoạt những huy chương cao nhất tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Họ là tấm gương lớn của rất nhiều thế hệ học sinh, là niềm hy vọng lớn của đất nước. Sau những tấm huy chương, cuộc đời họ thay đổi, vận động như thế nào? 

Ai lẫy lừng vinh hiển, ai cô đơn gặm nhắm quá khứ như gặm nhắm bữa tiệc ngon một đi không trở lại bao giờ? ANTG CT - GT gặp lại họ, tâm tình cùng họ không chỉ để chia sẻ với độc giả những cuộc đời sau những tấm huy chương, mà còn để cùng chiêm nghiệm về những sự được - mất trong một hành trình số phận mà không ai có thể nói trước điều gì.

Phan Đăng (thực hiện)

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文