Nhà văn Đỗ Kim Cuông: “Hãy trung thực và dũng cảm”

10:31 18/12/2014
Những hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội Việt Nam đang ngày càng vang lên cấp bách. Và con đường duy nhất để phục hồi những giá trị đạo đức truyền thống, tạo dựng nhân cách con người là con đường của Văn hoá.

An ninh thế giới Cuối tháng thực hiện cuộc trò chuyện về vấn đề này với Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hoá Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn được đông đảo bạn đọc biết đến.

Xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện này tới bạn đọc.

- Phóng viên: Thưa nhà văn Đỗ Kim Cuông, nếu bây giờ vẽ biểu đồ đạo đức xã hội trong 100 năm trở lại đây ông sẽ vẽ nó như thế nào?

- Nhà văn Đỗ Kim Cuông:  Đấy là một biểu đồ nhiều đường hình sin, khúc khuỷu và có thể nói ở thời điểm chúng ta đang nói chuyện thì cái hình sin đang xuống thấp. Bởi vì có nhiều điều cách đây 40 năm trước, cách đây 60 năm chúng ta không thể nào hình dung ra được, không thể tưởng tượng ra được cái gọi là đạo đức, phong hóa của người Việt Nam nó lại biến động, xáo trộn và đổi thay đến kinh ngạc. Tôi không muốn nói rằng trong thời phong kiến 100 năm trước ở xã hội Việt Nam mình không có những điều xấu xa, tệ hại. Cái mà ngày nay gọi là những vấn đề suy đồi của phong hóa, hoặc cách đây 70 năm trước tức là thời kỳ như các nhà văn Tự lực văn đoàn họ nói về sự biến động của xã hội Việt Nam khi văn hóa phương Tây xâm nhập vào.

Nhưng có thể nói trong những năm kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, văn hóa xã hội Việt Nam không có những vấn đề trầm trọng như bây giờ. Dường như cái xấu lúc đó bị lấp đi bởi hào khí của dân tộc, của đất nước này trong thế kỷ 20. Và dường như những khuyết tật, những xấu xa của người Việt Nam bị nhấn chìm bởi các giá trị cao cả hơn, cái ngày xưa chúng ta gọi là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hay nói một cách đúng hơn là chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam được đánh thức bởi lòng tự hào dân tộc, bởi ý chí quyết tâm giữ nước. Nhưng có lẽ trong 40 năm trở lại đây khi tiếng súng chiến tranh kết thúc, chúng ta lại phải đương đầu với những cái xấu không tưởng tượng được. Tôi đảm bảo một điều thế này, 30 năm trước khái niệm ma túy xa lạ với thế hệ chúng ta. Nhưng bây giờ cái đó trở nên bình thường và là tệ nạn khủng khiếp gieo rắc ở khắp hang cùng ngõ hẻm, len sâu vào cuộc sống người dân.

Và ngày xưa người ta chỉ dùng từ tham ô. 30 năm trước tham ô vài chục ký thóc, vài nghìn đồng bạc đã là ghê sợ rồi. Bây giờ là tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, khủng khiếp quá! Tôi nghĩ dù là nhà văn cũng không thể tưởng tượng, hình dung ra được đất nước chúng ta có những sự biến đổi khó mà tưởng tượng ở cả hai chiều, tốt và xấu. Tốt là chúng ta không thể hình dung ra được đất nước có những sự đổi thay nhiều, chắc chắn. Bây giờ không mấy ai còn nghĩ đến cái đói nữa, cũng chẳng ai nghĩ nhiều đến cái rét mướt cùng cực. Chúng ta cũng không thể tưởng tượng được là một ngày Hà Nội có những ngôi nhà cao chọc trời phải ngước mắt. Nhưng chúng ta cũng không thể tưởng tượng được sao xã hội của chúng ta, đạo đức, lối sống lại cũng bắt đầu khủng khiếp đến như vậy.

- Biểu đồ mà ông đã dựng lên là một biểu đồ chính xác, chính xác đến sợ hãi.  Thưa ông, cái gì đã làm đạo đức xã hội trong lúc này đi xuống một cách khủng khiếp đến như vậy? Với vai trò của một nhà quản lý văn học nghệ thuật và với cái nhìn của một nhà văn, xin ông thử gọi tên những lý do, nguyên nhân cơ bản nhất đã trực tiếp và gián tiếp làm nên biểu đồ đau đớn ấy?

- Tôi nói thêm một điều này, mười lăm năm trước những người như ông Hữu Thọ, như ông Nguyễn Đức Bình; trên nữa là Ban bí thư, Tổng bí thư Trung ương Đảng lúc ấy và rất nhiều nhà khoa học, các vị  giáo sư, tiến sĩ, nhà văn…Và tôi biết rất rõ, rất nhiều ông nhà văn hiện nay đang làm lãnh đạo với cấp vị cao trong giới văn chương nghệ thuật khác trong đó có cả ông Hữu Thỉnh, ông Ma Văn Kháng, ông Vũ Tú Nam, ông Nguyễn Đình Thi, ông Cù Huy Cận… Rất nhiều người đã từng tham gia các hội nghị lớn, khi đó tôi mới ở miền Nam ra được may mắn làm thư ký cho đề án xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Họ đã báo động cho chúng ta thấy thực trạng xuống cấp của đạo đức, lối sống. Và một trong những điểm mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 đặt ra góp phần khôi phục lại các giá trị văn hóa, đạo đức của người Việt Nam. Cách đây hơn một năm, tôi cũng tham gia rất nhiều các cuộc hội thảo của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, của ban Tuyên giáo Trung ương…

Nhiều người đóng góp xây dựng nghị quyết Trung ương 5 giờ không còn nữa. Chúng ta cũng đã nghe rất nhiều báo cáo tổng kết những việc đã làm được trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong 15 năm qua. Tôi nhớ có ý kiến của một đại biểu đã nói như thế này, cảm giác rất rõ rằng, dường như 15 năm qua chúng ta đã làm được nhiều điều về kinh tế, chính trị làm thay đổi bộ mặt đất nước… Nhưng có một điều người ta vẫn băn khoăn tự hỏi tại sao đạo đức, lối sống vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể mà nhiều mặt xuống dốc. Ngày xưa chúng ta nghe chuyện các vụ án Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn… thì choáng váng. Bây giờ còn có những vụ án gấp hàng trăm lần.

Tôi với tư cách một người viết văn, một người làm báo thì câu hỏi trên cũng đặt ra cho cả xã hội, không phải cho riêng tôi. Chúng ta, đặc biệt là các nhà văn, phải trả lời, phải lý giải vì chúng ta là những người làm văn chương nghệ thuật. Nhà văn không thể dửng dưng với hiện trạng của đời sống xã hội và không thể không xúc cảm, trước hiện trạng đời sống xã hội chúng ta đang trải qua, đang là chứng nhân của những gì đang diễn ra. Nhiều người nghĩ vì những lý do khách quan, nào là thời chiến chuyển sang thời bình. Cái nhu cầu của chiến tranh khác với nhu cầu, đòi hỏi của thời bình.

Trước kia chúng ta khát ăn khát uống thì thèm miếng cơm, manh áo. Bây giờ có hòa bình, chúng ta đâu chỉ cần miếng cơm manh áo mà còn cần tiền bạc, nhà cửa, cái mà trước kia không có. Và tôi đảm bảo rằng nếu như trước kia mà những người sống trong thời chống Mỹ lại sống như bây giờ thì chúng ta không đánh thắng được giặc. Ngày ấy người ta yêu thương nhau nhưng bây giờ dường như những cái gọi là đồng cam cộng khổ, những cái sẻ chia ấy, những cái có thể cùng chết với nhau ấy, cùng sống cùng vui với nhau ấy không còn nữa. Khi mà lòng ích kỷ, khi mà cái tôi, khi lòng tham vô độ của con người trỗi dậy thì thật khủng khiếp, nó sẽ đè bẹp mọi điều tốt đẹp.

- Thưa ông, có một hình ảnh trong hiện thực rất sống động nhưng rất đau lòng. Trước kia khi một người nông dân, không có học hành gì lắm, rất ít được hưởng thụ những giá trị văn hóa. Nhưng có người chỉ ăn trộm một con gà mà phải bỏ làng ra đi vì thấy xấu hổ, thấy nhục nhã, thấy ân hận. Nhưng ngày nay có lần người ta nhìn thấy trên truyền hình một quan chức tham nhũng bị bắt, ông ta nhìn vào ống kính và nở một nụ cười rất ngạo mạn, rất coi thường. Vậy thưa ông, cái gì đã làm nên nhân cách, kể cả nhân cách còn lại trong lòng một người nông dân ăn trộm gà và cái gì đã làm cho một vị quan chức có bằng cấp, được dạy dỗ, được đào luyện mà lại đánh mất lòng tự trọng và trở nên suy đồi trong hành động ăn cắp của mình?

- Nếu ở đây ta chỉ sử dụng khái niệm lòng tự trọng như của người nông dân thì không thể giải thích nổi với hiện tượng của một vị quan chức vừa mới dẫn giải. Bởi đây không phải là lòng tự trọng nữa mà đây là lòng tham vô độ. Cách đây ít ngày tôi trò chuyện với một người dưới Hải Phòng, là anh ruột của Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chức, ông ấy nhiều tuổi hơn tôi và có nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi. “Em, một khi người nông dân nắm được quyền lực thì lòng tham của họ khủng khiếp, hơn cả tư bản, hơn cả bất kỳ trí thức nào một khi nắm được quyền lực, tham đến mức không có đáy”. Câu ông ấy nói mà tôi cứ nghĩ mãi và tôi nghĩ rằng có lẽ lý giải cho chuyện chúng ta từng thấy hiện nay ở đời sống xã hội nào là tham nhũng, nào là chuyện này chuyện kia. Nó nằm ở một khía cạnh nào đó như câu chuyện của bác dưới Hải Phòng nói chuyện với tôi như thế.

Ảnh: Minh Trí

- Tôi đã nghe người ta nói đến xã hội Việt Nam có ba ngôi nhà cơ bản, ba thành trì quan trọng nhất khởi đầu cho công cuộc xây dựng xã hội tốt đẹp nhưng nó cũng là nơi cuối cùng có thể giữ cho một xã hội niềm hy vọng về sự tốt đẹp. Ngôi nhà thứ nhất là nhà mình, ngôi nhà thứ hai là nhà trường và ngôi nhà thứ ba là nhà chùa. Chỉ xem lại 3 năm trở lại đây thôi, báo chí đã viết về những ngôi nhà ấy đang bị đe dọa, đang bị lung lay. Ông hãy thử gọi ra tình trạng của ba ngôi nhà ấy trong đời sống hiện đại của chúng ta bây giờ như thế nào. Trong ngôi nhà của chúng ta, nhà trường, nhà chùa đang diễn ra điều gì? Ông hãy thử phác thảo ba ngôi nhà ấy.

- Tôi chỉ dùng mỗi một từ: Đang bị nhiễm độc. Ngôi nhà gia đình chưa bao giờ lại tan hoang đến như vậy. Tôi có thấy một gia đình nông dân, nếu tôi không nhầm tôi cũng đã viết trong một cuốn tiểu thuyết, họ hồ hởi bán nhà cho khu công nghiệp. Và người ta đã hứa với con cái họ rằng khi khu công nghiệp mở ra sẽ đưa các cháu vào làm. Gia đình ấy cầm bạc tỷ nhưng có được chút tiền thì người nông dân lập tức xây nhà, lập tức chia số tiền ấy cho những người con trong gia đình. Chỉ 4 năm sau tôi quay lại chính ngôi nhà ấy thì cha mẹ con cái không nhìn đến nhau, không chăm nom, anh em thì đánh nhau giành giật. Và cái gia đình đã từng đầm ấm đông vui sau lũy tre ngày trước chỉ có mái tranh giờ tan hoang dù sống trong ngôi nhà cao tầng.

Ngôi nhà thứ hai là nhà trường tôi xin miễn bàn. Nhiều khi bây giờ tôi cũng còn không dạy được con tôi nữa. Cũng là việc nhà trường ngày xưa tôi vẫn nhớ có được đồng xu nào mẹ cho tích cóp để mua những cuốn sách có giá trị. Trẻ con bây giờ có tiền hình như đâu có làm những việc ta làm ngày trước, chúng đi chơi điện tử và những trò nhảm nhí. Chính cách thức giáo dục như thế đã phá vỡ đi cả một lớp trẻ. May mà trước kia chúng ta có một lớp trẻ nghèo đói như tôi nhưng lại được cả xã hội yêu thương và dạy dỗ nghiêm túc. Ngày ấy, có khi buổi sáng chỉ được củ khoai lang, nhịn ăn để mà mua sách, đến trường cũng chỉ học mà ngấm năm ba chữ thầy cô dạy mà cũng vẫn thành người. Tất nhiên tôi không bao giờ tin lòng yêu nước của người Việt Nam bị mất đi, bởi nó luôn luôn âm ỉ cháy giữa một đống than. Nhưng muốn vậy phải có sự đánh thức, trong khi cuộc sống đang xô bồ của thời kinh tế thị trường, tranh giành nhau để kiếm chác, đấu đá nhau để làm việc này việc khác. Để đánh thức được lòng yêu nước kia thật không phải dễ.

Tôi là người theo đạo Phật, cả gia đình cũng theo đạo Phật. Tôi nghĩ chùa cũng có năm ba bảy chùa, tôi đã đến những ngôi chùa, tôi xin đảm bảo không có một thùng phước sương nào để yêu cầu Phật tử. Còn nếu có lòng hảo tâm thì gặp nhà sư trụ trì đóng góp. Nhưng cũng có hàng nghìn ngôi chùa với những thùng phước sương, thùng công quả rải khắp từ nhà thượng sang nhà hạ, mọi chỗ mọi nơi. Chúng ta chứng kiến cả rồi, và thấy rằng lòng tốt của chúng ta, lòng tốt của những người dân đến nhà chùa đều rất tốt, họ không tiếc nhưng những điều đó khiến ta có cảm giác thấy như cửa chùa không còn cao đạo linh thiêng nữa.

Cũng có thời kỳ tôi làm công tác quản lý văn hóa văn nghệ, tôi đi hàng trăm ngôi chùa của đất nước này, vào các lễ hội tôi biết tất cả cái gì tốt, cái gì chưa tốt. Nhưng không lại được với trào lưu hiện nay. Tôi nhớ có lần đến một ngôi chùa, vị sư khoe với tôi người ta cúng tế cả nghìn bộ quần áo cho bà. Ai mà mặc hết được cả nghìn bộ quần áo trong khi người dân An Giang, Châu Đốc nghèo khổ ở đó.

- Trong cái nhìn đầy logic, đầy hiện thực, đầy suy ngẫm của ông thấy hiện lên một xã hội với lời cảnh báo lớn nhất đang treo trên đầu chúng ta. Chưa bao giờ trong xã hội vốn thuần nông, lấy đạo thờ cha mẹ làm chính, chưa bao giờ cộng đồng này thiết lập được một đời sống xã hội bền vững, đức hạnh như dân tộc Việt Nam. Giờ nó đang bị phá vỡ từng mảng, những nơi chốn thâm nghiêm nhất, cả nơi tình cảm nhất, cả nơi uy nghiêm nhất về giáo dục như nhà trường, nơi tôn nghiêm nhất mà nghĩ rằng đến đó không ai có thể được phép nói dối như là nhà chùa, nơi mà ở đó không thể mất đi những lề luật đầy gia giáo của các thế hệ trên dưới như gia đình… Thế mà giờ những nơi đó như ông nói đang bị nhiễm độc, hay có thể nói cách khác là những thành trì cuối cùng của chúng ta đang bị bắn thủng và điều đó ai cũng có thể nhận ra. Và trong phác thảo của ông cũng đã cho thấy điều đó, nếu những người không đủ bình tĩnh, không đủ lý trí, không đủ niềm tin, không đủ cơ sở để hiểu dân tộc này trong quá khứ đều có thể rơi vào tuyệt vọng bởi những gì đang diễn ra trước mắt. Nhưng thưa ông, làm thế nào để chúng ta phục sinh những môi trường thiên nhiên đã chết, phục sinh môi trường văn hóa đã nhiễm độc, phục sinh tâm hồn Việt đẹp đẽ. Người ta đã nói đến văn học, người ta thường nói nhà văn là những kỹ sư xây dựng tâm hồn. Chúng ta thường nói về sứ mệnh của văn học như cái đẹp cứu rỗi con người. Nhưng cũng có không ít người đã kêu lên không ít tác phẩm văn học hiện nay còn có nguy cơ đẩy con người vào sự hư hỏng chứ nói gì đến sự cứu rỗi. Là nhà văn, ông có phản biện lại nhận xét đó không?

- Tôi xin kể hai chuyện. Cách đây ít ngày tôi với nhà văn Tùng Điền có tổ chức trại sáng tác ở Ninh Thuận, tôi rất thân ông giám đốc khách sạn lại là một kỹ sư thủy nông giỏi của Việt Nam. Ông tên là Năm Bướm, là người đã góp công xây dựng hệ thống hồ chứa nước và góp công lớn cho thủy lợi của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Ông nguyên là một cán bộ thủy lợi giỏi ở ngoài Bắc, sau vào Nam từ những năm 80. Ông đã xin với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Bình lúc ấy bằng được viện nghiên cứu thủy lợi cho Nam Trung Bộ đặt ở một vùng gió cát như vậy. Sau suốt mấy chục năm làm rất nhiều công trình thủy lợi, ông nổi tiếng đến mức nhắc đến ông thì bí thư, chủ tịch ở các tỉnh Nam Bộ đều biết. Và ông này cũng rất giàu, hiện là chủ một khách sạn có hàng trăm phòng nhưng đồng thời ông cũng xây một cái nhà cho yến về. Tôi cũng đã từng đưa nhận vật này vào tiểu thuyết.

Việc thứ hai nói về tư cách người viết văn. Nhà văn sống với cuộc đời này, họ nói chưa bao giờ đạo đức xã hội chúng ta lại bi quan như thế. Họ nhìn thấy tận mắt hàng ngày bao cái xấu đang diễn ra. Nhìn hiện thực như thế, có ai dám phản ánh một cách sâu sắc và chân thật không? Hay lại sợ hãi, né tránh nó. Lắm ông bây giờ viết mà vẫn còn sợ. Đấy là một cái, cái thứ hai trung thực với những điều chúng ta đang viết, trung thực với chính chúng ta trong cuộc sống. Tất cả những cái đó tưởng là nhỏ nhưng đang chi phối đạo đức, lối sống xã hội. Bây giờ con người chúng ta không dám nói thật với nhau, có hai người thân nhau còn dám nói thật. Nhưng có mặt người thứ ba ta lại phải nói khác đi hoặc chúng ta không dám nói điều chân thực. Trung thực và nói dối là điều khác biệt giữa con người hôm qua và con người hôm nay.

- Ông Hữu Thỉnh nói một câu rất hay rằng nếu chúng ta bớt một đồng đầu tư vào văn hóa thì chúng ta sẽ thêm 100 đồng để xây nhà tù. Theo cách nhìn nhận của tôi, chính sách đầu tư của nhà nước là đúng nhưng những người thực hiện lại có vấn đề. Chúng ta đầu tư rất lớn cho văn hóa nhưng chúng ta thu lại rất ít. Cách đây ít tháng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có một hội nghị tổng kết về các chính sách văn hóa, những vấn đề văn hóa để tạo dựng con người Việt Nam. Một điều hiển nhiên rằng việc thực thi những chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước phải thể hiện bằng sản phẩm người. Nhưng bằng sản phẩm người như ông đã phác thảo thì ông lý giải như thế nào về việc thực thi chính sách văn hoá của chúng ta? Tại sao chính sách thì đúng mà lại ra sản phẩm người như vậy? Một sản phẩm mà chính chúng ta đang phải kêu lên lời cảnh báo cao nhất rằng chúng ta đã đứng ở biên giới cho phép cuối cùng của sự suy đồi đạo đức?

- Nhiều vấn đề văn hóa hiện nay đang trở thành nỗi bức xúc của người dân vì vấn đề yếu kém trong quản lý văn hóa, trong cơ chế đầu tư chính sách văn hóa. Dường như cái gọi là đầu tư cho văn hóa và sự phát triển văn hóa không đồng nhất với nhau, phát triển văn hóa khác mà đầu tư cho phát triển văn hóa khác. Họ vừa đầu tư cho bộ phim là hàng chục tỷ. Nhưng cho một tiểu thuyết, một trường ca chỉ có cho 30, 35 triệu. Đấu tranh mãi giờ họ mới trả cho được 100 triệu cho một tập trường ca, 120 triệu cho một cuốn tiểu thuyết.

- Thế thì đây có phải do nhận thức sai lệch của nhà quản lý không?

- Cái chuyện sai lầm về nhận thức người ta nói nhiều rồi, nói chán ra rồi, nói gì thì nói nhưng mà chuyển đổi chậm lắm.

- Thế thì làm sao mà hy vọng được rằng văn học là một trong những phương thuốc chữa trị tâm hồn đang mỗi ngày một hư hại, bị nhiễm độc như ông nói khi mà văn hóa nói chung và văn học nói riêng lại bị nhìn nhận, đánh giá như thế?

- Chữa chạy tâm hồn con người bằng văn chương nghệ thuật là khát vọng của nhà văn, của người nghệ sĩ. Nhưng mà giới làm quản lý văn hóa hoặc những người cầm tiền họ không nghĩ như chúng ta. Và đôi khi họ nghĩ một bài thơ không đáng giá một xu với xã hội, với cuộc sống, họ cần các thứ khác cơ… Những khiếm khuyết trong nhận thức về giá trị văn hóa nằm trong cả một hệ thống chứ không chỉ trong một vài người nào đó, cái này không phải tôi nói, cái này Nghị quyết của Đảng cũng đã nói. Nó khiếm khuyết trong cả nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Bây giờ đầu tư cho công trình kinh tế người ta thích hơn nhiều so với đầu tư cho công trình văn hóa.

- Với nguyên nhân vậy thì niềm hy vọng xoá đi sự nhiễm độc về văn hóa trong ngôi nhà của mình, trong nhà trường, nhà chùa sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt là công cuộc phục hồi một xã hội kiêu hãnh của chúng ta trước kia, kiêu hãnh ngay cả khi chúng ta mặc tấm áo rách, ăn bát cơm vơi, ở trong một ngôi nhà còn chật hẹp và khi đứng trước cái chết nhưng tâm hồn thì rộng lớn và hành động thì nhân văn. Xin ông và các nhà văn hãy cho chúng tôi một niềm hy vọng nào đó?

- Tôi còn sống được ngày hôm nay cũng như còn viết được chính là tôi luôn có một niềm tin vào cuộc sống của con người. Nhiều nhà văn khác cũng như tôi. Nếu mình không có một niềm tin vào cuộc sống của con người thì cũng không viết được, không sống được. Bởi cuộc đời này đôi khi đẩy mình vào thế bĩ cực và nhiều khi thất vọng, nhiều khi bàng hoàng trước những gì đang diễn ra. Nhưng hãy tin ở con người, tin ở các nhà văn. Trong số hàng nghìn tác phẩm chúng tôi đọc, vẫn thấy lóe lên cái đẹp cứu rỗi trong tác phẩm của các nhà văn.

- Trên danh nghĩa một đồng nghiệp và trên hiện trạng của văn học ngày nay, hiện trạng đạo đức con người Việt Nam ngày nay, ông hãy nói điều gì ông cho là quan trọng nhất với các nhà văn đồng nghiệp của mình.

- Hãy trung thực với chính mình và hãy dũng cảm. Để phơi bày hiện trạng ấy bằng trang sách của mình, bằng lòng chân thực nhất và sâu sắc với nhân dân và đất nước.

- Xin cảm ơn ông.

Lan Hương (thực hiện)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文