Đại sứ Mỹ tại Việt Nam,ông Daniel J. Kritenbrink:

“Ước gì có thể ở Việt Nam mãi mãi...”

11:25 30/10/2020

“Đây có phải là cuộc trả lời phỏng vấn dài nhất của tôi từ trước đến nay không?”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Daniel J. Kritenbrink quay ra hỏi vị tùy viên báo chí sau khi kết thúc gần 2 tiếng đối thoại với chúng tôi tại nhà riêng. Suốt quãng thời gian đó, ông không từ chối bất cứ câu hỏi nào, kể cả những câu hỏi mà có thể trong thâm tâm, ông không chờ đợi...

Quan hệ Việt - Mỹ không phải một phép màu

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa Đại sứ, mới đây tôi có xem và rất ấn tượng với một video mô tả việc ông đã tự tay làm chiếc bánh Trung thu Việt Nam.

- Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Đúng là tôi có làm nhưng phải có sự giúp đỡ rất lớn từ các cộng sự, chứ một mình tôi thì chắc không làm được. Trước khi làm, chúng tôi đã tới khu phố cổ Hà Nội để nhờ một nghệ nhân làm những khuôn bánh bằng gỗ. Chúng tôi thực sự đã có những trải nghiệm rất thú vị. Khoảng 1-2 năm trước, vào dịp tết cổ truyền Việt Nam, tôi cũng từng làm bánh chưng ngay ở cái sân phía sau. Tôi rất thích ẩm thực Việt Nam.

- Ông từng sống và làm việc nhiều năm ở Nhật Bản và Trung Quốc. Trong mắt ông, ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản - Trung Quốc khác nhau thế nào?

- (Cười...). Câu hỏi hay đấy! Tôi nghĩ thế này: ẩm thực Nhật Bản đặc trưng bởi các nguyên liệu tươi, được chế biến đơn giản nhưng tinh tế. Ẩm thực Trung Quốc thường được chế biến bởi rất nhiều nguyên liệu cầu kỳ. Ẩm thực Việt Nam thì đẹp và tinh tế. Khi chế biến, các bạn thường dùng nước mắm, tạo ra hương vị độc đáo riêng. Tôi nghĩ các bạn nên tự hào về ẩm thực của mình. Mà nói về ẩm thực là tôi đã muốn ăn rồi.

- Còn tôi thì đang rất đói!

- (Cười lớn) Ồ! Chắc chắn là sau cuộc nói chuyện này, chúng ta phải ăn tối ngay.

Nhà báo Phan Đăng trò chuyện cùng Đại sứ Daniel J. Kritenbrink.

- Thưa ông, bây giờ thì tôi muốn ông hãy tưởng tượng: Giả dụ trên chiếc bàn của chúng ta đang có cùng lúc 3 chiếc bánh: một chiếc bánh Nhật Bản, một chiếc bánh Trung Quốc, một chiếc bánh Việt Nam. Nếu chỉ được chọn một chiếc, ông sẽ chọn chiếc bánh nào? Tôi muốn ông trả lời câu hỏi này không phải với tư cách một nhà ngoại giao mà đơn giản chỉ là với tư cách của một người yêu ẩm thực.

- Lại một câu hỏi rất hay nhưng khó quá! Có lẽ tôi sẽ chọn cả ba. Tôi trả lời vậy, không biết anh có nghĩ là tôi đang trả lời với tư cách một nhà ngoại giao không?

- Ồ không! Tôi đang nghĩ đến một điều bao quát hơn: Ông chọn cả chiếc bánh Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam vì ông là một người có tình yêu đặc biệt với châu Á. Có đúng không, thưa ông?

- Đúng thế! Tôi đã có tình cảm lớn sau những năm tháng gắn bó đặc biệt với châu lục này.

- Ông từng trải qua rất nhiều vị trí công tác khác nhau liên quan đến châu Á. Ví dụ như Cố vấn cấp cao về chính sách đối với CHDCND Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ hay Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ... Cơ duyên nào khiến ông gắn bó với châu Á bền bỉ đến vậy?

- Mọi chuyện bắt đầu rất tình cờ. Thực ra ở vạch xuất phát, tôi muốn trở thành một chuyên gia về Liên Xô chứ không phải về châu Á. Tôi nghiên cứu lịch sử Liên Xô. Tôi cũng có cơ hội tới Liên Xô. Nhưng rồi, một hôm, tôi đến văn phòng của giáo sư chủ nhiệm ở trường đại học. Ông ấy hỏi tôi: “Cậu có muốn tới Nhật Bản không?”. Thế rồi ông ấy dành cho tôi cơ hội tới học ở Nhật Bản với tư cách là sinh viên trao đổi, trong 1 năm. Và thực sự, những trải nghiệm đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Nó làm tôi có niềm tin rất lớn về các hoạt động trao đổi giáo dục. Tôi đã sống cùng một gia đình người Nhật, học một ngôn ngữ mới, nhờ vậy đã hiểu hơn về Nhật Bản, về châu Á, về nước Mỹ và cả về chính bản thân tôi. Tất cả những điều này đã thúc đẩy tôi trở thành một nhà ngoại giao, làm việc ở nước ngoài.

- Vậy thì khi đến Việt Nam làm Đại sứ, nhìn nước Mỹ từ điểm nhìn cụ thể Việt Nam, ông có thấy nước Mỹ khác gì so với những điểm nhìn trước đó của mình không?

- Trước hết, tôi muốn chia sẻ rằng, tôi thực sự nhận được đặc ân khi được làm việc ở Việt Nam với tư cách là Đại sứ Mỹ. Tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước đẹp. Con người cũng đẹp, thân thiện. Hai nước chúng ta đã từng trải qua một lịch sử đau thương nhưng khi đến đây thì tôi thấy những con người Việt Nam thật nồng ấm, hồn hậu và sẵn sàng gác lại những vấn đề quá khứ.

- Điều đó có nghĩa trước khi đến Việt Nam, ông cũng không tránh khỏi những phân vân, e ngại?

- Trước khi đến Việt Nam lần đầu tiên, có lẽ cũng giống như nhiều người Mỹ khác, đúng là tôi chưa hình dung hết được điều gì sẽ chờ đợi mình ở đây. Không biết người dân ở đây sẽ đón tiếp, đối xử với mình như thế nào? Khi tới đây, tôi nhận thấy rằng đây là đất nước của những con người nồng hậu, chăm chỉ, thực tiễn. Và, Việt Nam hiện là một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng tôi trên thế giới. Bây giờ thì tôi ước: giá mà mình có thể ở Việt Nam mãi mãi.

- Theo ông, điểm nổi trội nhất sau 25 năm Việt Nam - Mỹ bình thường hóa quan hệ là gì?

- Điều đáng ghi nhận nhất đó là: hiện nay chúng ta là đối tác và bạn bè của nhau. Cách đây gần 3 năm, tôi ăn tối với Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, ngài Pete Peterson ở ngay cái bàn sau lưng chỗ chúng ta đang ngồi đây, tôi có nói rằng mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ giống như một phép màu. Lúc đó, cựu Đại sứ bảo: “Anh nói vậy là sai rồi. Bởi những gì hai nước đạt được không phải là thành quả do thượng đế mang lại mà đến từ rất nhiều nỗ lực, rất nhiều thiện chí của rất nhiều con người ở cả hai phía”. Tôi cảm thấy hết sức xúc động khi nghe những điều như vậy.

Việt Nam là một trong những nước chống COVID-19 tốt nhất

- Có một câu chuyện  vừa diễn ra, đó là Việt Nam và Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với nhau để bắt giữ những nghi phạm lừa đảo trong vụ buôn bán các thiết bị phòng ngừa COVID-19 trên đất Mỹ. Tôi đã đọc được những đánh giá rất tích cực của ông trên một số tờ báo, rằng việc hợp tác này cho thấy hai nước đã sẵn sàng cùng nhau điều tra, xử lý những vụ lừa đảo xuyên quốc gia vốn có nguy cơ gia tăng trong thời đại công nghệ hôm nay.

- Đúng là như vậy. Nhưng, vụ này chỉ là một ví dụ rất là nhỏ trong việc hợp tác an ninh chung giữa hai nước. Thật ra, hợp tác an ninh là một lĩnh vực rất rộng, bao gồm hợp tác của chúng tôi với Bộ Quốc phòng Việt Nam, với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Rồi hợp tác an ninh hết sức chặt chẽ để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội vào năm ngoái. Bộ Công an là một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng tôi tại Việt Nam.

- Thưa ông, thế giới 4.0 với sự lên ngôi của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đặt ra nhiều vấn đề mới, chưa từng có ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Riêng trong lĩnh vực an ninh, Liên Hợp quốc đã chỉ ra 10 nguy cơ về an ninh phi truyền thống, ví dụ như rửa tiền, tin tặc, khủng bố, ma túy, di cư bất hợp pháp, tôn giáo cực đoan... Trong một thế giới biến đổi nhanh chóng như vậy, sự hợp tác giữa hai nước cần phải được chú trọng vào những lĩnh vực trọng điểm nào để đạt được hiệu quả tối đa?

- Về an ninh phi truyền thống, trong bối cảnh đặc thù 4.0, chúng tôi rất chú trọng vào việc thúc đẩy hợp tác an ninh mạng. Hiện giờ thế giới được kết nối với nhau rất chặt chẽ. Việc một người Mỹ có thể mua hàng ở Việt Nam là điều rất bình thường và nó là điều tuyệt vời. Nhưng, nó cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, buộc chúng ta phải hợp tác để xử lý kịp thời. Chúng ta phải đảm bảo cho việc mua bán online giữa hai nước diễn ra thật sự an toàn. Tôi biết là cũng giống như nhiều nước khác, Việt Nam hiện đang gặp khó khăn trong việc giữ cân bằng giữa thúc đẩy phát triển nền kinh tế số với giữ gìn, đảm bảo an ninh mạng. Trong suốt 3 năm qua ở Việt Nam, tôi thường khuyến nghị các đối tác của Mỹ ở Việt Nam là phải tiếp cận vấn đề này một cách hết sức thận trọng. Và tôi nghĩ, các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam phải hết sức chú ý đến việc giữ gìn sự cân bằng này.

- Ông có thể nói sâu hơn về điều này được không?

- Việt Nam giờ được coi là một trong những quốc gia quảng bá mạnh mẽ nhất cho cách mạng 4.0.  Và để thúc đẩy cách mạng 4.0 thì tôi nghĩ Việt Nam phải duy trì được sự cân bằng, tức là vừa đảm bảo được vấn đề an ninh mạng nhưng lại vừa phải có một độ mở đủ cần thiết để phát triển kinh tế số. Việt Nam muốn tăng cường an ninh mạng, đó là điều hợp lý và chúng tôi hoàn toàn hiểu điều đó.

Nhưng, khuyến nghị của chúng tôi là hoạt động đó phải thực hiện để làm sao không làm tổn hại đến những doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, không làm tổn hại đến danh tiếng của Việt Nam với tư cách là một điểm đầu tư được ưa thích trên thế giới và cũng không làm tổn hại đến nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy cách mạng 4.0. Dĩ nhiên Việt Nam không phải là nước duy nhất trên thế giới phải vật lộn với khó khăn trong việc giữ gìn sự cân bằng này.

- Vừa rồi Việt Nam chống đại dịch COVID-19 rất tốt. Trong tư cách của một Đại sứ, một nhà quan sát khách quan, ông có nghĩ rằng, đây là một điểm sáng để các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam mạnh mẽ hơn không?

- Anh vừa nói là Việt Nam chống dịch rất tốt. Còn tôi thì muốn nói: Việt Nam là một trong những nước chống COVID-19 tốt nhất thế giới. Tôi thực sự tin như vậy đấy. Và tôi cũng rất vui mừng về sự hợp tác y tế giữa hai nước chúng ta. Trong hơn 20 năm hợp tác về y tế, chúng tôi đã cung ứng cho Việt Nam hơn 900 triệu USD, riêng trong việc chống COVID-19 lần này, chúng tôi cũng cung ứng cho Việt Nam 13 triệu USD. Qua đại dịch này, nhiều nước trên thế giới nhận ra chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc quá lớn vào một vài nước cụ thể, cho nên bây giờ nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một vài đất nước cụ thể nữa. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng đó.

- Nhưng, theo ông, Việt Nam nên và cần phải làm gì để thực sự đón được chuỗi cung ứng này một cách hiệu quả?

- Câu trả lời của tôi là Việt Nam cần tiếp tục làm những việc mình đang làm để thu hút đầu tư nước ngoài như: nâng cao tính minh bạch nền kinh tế, đảm bảo sự ổn định về chính sách, duy trì sự công bằng, minh bạch các chính sách về thuế khóa, cũng như giảm mọi phiền toái, gánh nặng mà các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt khi họ bắt đầu ở Việt Nam.

- Trong trường hợp có một doanh nghiệp Mỹ nhờ ông tư vấn trước khi họ đầu tư vào Việt Nam, ông sẽ tư vấn họ như thế nào?

- Đây là điều mà tôi đã nói với rất nhiều bạn bè, doanh nghiệp Mỹ. Đó là: Ở đây có những cơ hội rất lớn! Tôi nói với họ rằng cơ hội đó xuất hiện ở rất nhiều ngành nghề, ví dụ như ngành năng lượng, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, giáo dục. Nhưng, họ phải chuẩn bị thật tốt, tìm hiểu thật kỹ về thị trường ở Việt Nam và lựa chọn những đối tác tốt ở Việt Nam.

Tôi nghĩ, các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ bị thu hút bởi sự ổn định và một đội ngũ lao động năng động mà Việt Nam đang có. Sự đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam giờ đang gia tăng. Rất nhiều doanh nghiệp lớn tầm thế giới của chúng tôi đã ở Việt Nam rồi và sẽ còn có những doanh nghiệp khác đến đây. Thật đáng khích lệ khi hợp tác thương mại giữa hai nước chúng ta liên tục tăng. Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của chúng tôi. Nhưng, tất nhiên, giữa  chúng ta cũng có một số thách thức cần phải xử lý

- Thách thức đó là gì, thưa ông?

- Đó là vấn đề tiếp cận thị trường. Chúng tôi đang làm việc rất tích cực với các đối tác của mình ở Việt Nam và đã xử lý vấn đề này khá nhiều, cụ thể là trong lĩnh vực xuất khẩu ô tô hoặc xuất khẩu các nông sản của Mỹ sang Việt Nam hay các vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử. Điều mà cộng đồng doanh nghiệp Mỹ lo ngại nhất khi đầu tư vào Việt Nam, đó là chính sách thuế có minh bạch và công bằng với họ hay không? Và họ phải mất bao nhiêu thời gian để dự án của mình được cấp phép? Tuy nhiên, khi có bất cứ thách thức nào xảy ra thì chúng ta cũng sẽ ngồi xuống hợp tác, xử lý với nhau vì bây giờ chúng ta đã là những đối tác, những người bạn của nhau rồi. 

Các quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế

- Thưa ông, Việt Nam thật sự nằm ở đâu trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ?

- Năm 2017, Tổng thống Donald Trump tới dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng và đã công bố tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quan niệm của chúng tôi là: An ninh và sự thịnh vượng của mình chỉ được đảm bảo khi có được những người bạn cũng vững mạnh và thịnh vượng trên khắp thế giới. Ở khu vực Thái Bình Dương, khi chúng tôi có một đối tác là Việt Nam độc lập, thịnh vượng thì chúng tôi cũng sẽ duy trì được sự thịnh vượng của mình. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có vai trò trung tâm trong tầm nhìn của chúng tôi ở khu vực châu Á. Dĩ nhiên ở đây không chỉ có Việt Nam mà còn có các nước trong khối ASEAN và nhiều đối tác khác nữa. Nguyên lý quan trọng nhất của chúng tôi là: Các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Và chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam cũng chia sẻ với chúng tôi nguyên lý này.

- Thưa ông, chúng ta đã coi nhau là những người bạn. Đã là bạn thì phải chân thành và nên nói ra tất cả những suy nghĩ trong lòng mình. Trong những suy nghĩ đó, cũng không thể tránh khỏi những suy nghĩ không thuận chiều, dễ nghe. Bây giờ, bằng tất cả sự chân thành của mình, tôi đề cập tới một suy nghĩ, một câu hỏi.  Không biết ông có sẵn lòng hay không?

- Ồ! Tất nhiên rồi. Xin mời anh!

- Tôi có đọc được nhận định của một số nhà bình luận chính trị quốc tế về nước Mỹ. Họ nhận định rằng khi cần bạn bè đồng minh để đảm bảo lợi ích và duy trì vai trò số 1 của mình trên thế giới, nước Mỹ luôn sẵn sàng chìa tay ra. Nhưng, khi không cần nữa thì nước Mỹ sẵn sàng thỏa thuận trên lưng bạn bè, đồng minh, khiến những nước nhỏ phải trả giá đắt. Ông nghĩ gì về nhận định này?

- Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm đó. Cũng dễ hiểu khi các nhà lãnh đạo Mỹ phải ưu tiên lợi ích quốc gia Mỹ. Tổng thống Donald Trump từng có khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” nhưng “Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa là nước Mỹ đứng một mình. Tôi nghĩ là đất nước và người dân chúng tôi cũng đã học được rất nhiều bài học từ lịch sử của chính mình, trong đó có bài học là không thể đứng một mình. Điều cốt lõi trong chính sách ngoại giao của chúng tôi, như tôi đã nói, đó là chúng tôi có lợi ích trong việc có được những đồng minh, đối tác và bạn bè tự chủ, thịnh vượng.

Anh biết đấy, có lẽ trên thế giới không có quốc gia nào có sự đầu tư và đem tới sự thịnh vượng tới nhiều vùng khác nhau trên thế giới như nước Mỹ. Hoặc, anh có thể nhìn về các đối tác hiện có của chúng tôi trên khắp thế giới, sẽ thấy chúng tôi có sự hỗ trợ họ về an ninh, quốc phòng như thế nào. Cho nên, tôi hoàn toàn không đồng ý về quan điểm mà anh vừa dẫn ra. Tôi muốn nói rằng: Các bạn hoàn toàn có thể tin tưởng nước Mỹ!

- Hiện nay lực lượng an ninh Việt Nam đã và sẽ tiếp tục tham gia gìn giữ hòa bình cùng Liên Hợp quốc. Ông có nghĩ rằng điều này thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế hay không? Và, ông có lời khuyên gì với chúng tôi trong câu chuyện này?

- Xin chúc mừng khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng và chứng tỏ vai trò của mình trên trường quốc tế. Chúng tôi biết là Việt Nam rất quan tâm và rất muốn thúc đẩy việc tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Chúng tôi rất hoan nghênh điều này. Thực tế là chúng tôi cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong các nhiệm vụ này. Tôi thấy là Việt Nam đã chọn những lĩnh vực rất cụ thể để tham gia, qua đó đã nâng cao trình độ chuyên môn, kĩ thuật của mình và hoạt động rất thành công.

Tôi cũng theo dõi và thấy Việt Nam đã giữ vai trò Chủ tịch ASEAN một cách xuất sắc, ví dụ như điều phối việc ứng phó với đại dịch COVID-19, kết nối nội khối và đảm bảo an ninh ở Biển Đông.

Nếu một ngày phải xa Việt Nam…

- Ông đã ở Việt Nam 3 năm rồi. Bây giờ nhìn lại, ông thấy sứ mệnh lớn nhất của mình trong 3 năm đó là gì?

- Tôi đã trình bày trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào tháng 9-2017 rằng, trong nhiệm kỳ Đại sứ của mình, tôi đặt ra 5 ưu tiên. Đó là hợp tác an ninh, hợp tác kinh tế thương mại, xử lý các vấn đề chiến tranh để lại, giao lưu nhân dân và cuối cùng là các vấn đề nhân quyền. Tôi rất tự hào khi nói rằng Mỹ và Việt Nam đã có những bước tiến trong cả 5 lĩnh vực này. Nhưng tôi không thể nói đó là thành tựu của riêng tôi mà là kết quả của gần 1.000 cộng sự trong phái đoàn ngoại giao của chúng tôi ở Việt Nam cùng sự hỗ trợ, chỉ đạo sát sao từ Washington DC. Trong 3 năm qua, Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam 2 lần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam 3 lần. Và, chúng tôi cũng có những đối tác, những người bạn Việt Nam tuyệt vời ở tất cả các bộ, ngành, từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đến Bộ Ngoại giao, Bộ tài chính, Bộ Công thương...

Tôi đã đi khá nhiều nơi ở Việt Nam, từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam. Đi tới đâu tôi cũng hết sức ấn tượng bởi vẻ đẹp Việt Nam. Khi nói chuyện với những người bạn Mỹ của mình, tôi thường nói rằng: Khi tôi đi lại ở Hà Nội, tôi thấy người dân ở đây rất thích giao tiếp. Họ ngồi trên những chiếc ghế nhựa trên các vỉa hè, nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Đó sẽ là những hình ảnh tôi không bao giờ quên được.

- Và cả bánh Trung thu nữa chứ?

- (Cười lớn) Nhiều người bạn Mỹ của tôi giờ yêu cầu tôi làm bánh Trung thu Việt Nam cho họ. Điều lo lắng của tôi bây giờ là một lúc nào đó tôi rời Việt Nam thì không biết phải tìm món ăn Việt Nam ở đâu nữa. Tôi rất thích bún chả và phở bò. Có một hàng phở ngay gần đây, tôi rất thích vì nó rất phù hợp với tôi.

- Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc đối thoại cởi mở này và hy vọng là hình ảnh một Việt Nam hòa bình, mến khách sẽ còn lại mãi mãi trong ông!

Phan Đăng – Huyền Chi (trích đăng)

Ngày 20/11, sau gần 40 tiếng đồng hồ nỗ lực tìm kiếm xuyên đêm, không quản khó khăn, lực lượng cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Phú Thọ và các đơn vị chức năng đã tìm thấy thi thể của 5 nạn nhân trong vụ đuối nước thương tâm xảy ra vào ngày 18/11 tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhìn nhận mọi việc ở góc độ lãng phí thì "nhìn đâu cũng thấy", hiện hữu và yêu cầu xác định, nhận diện các nhóm nội dung về phòng, chống lãng phí để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả.

Sáng 20/11, tại Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân (ANND) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024). Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND chủ trì buổi lễ. Nhân dịp này, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Từ ngày 15/11 - 31/12/2024, THACO AUTO triển khai chương trình “Cùng Kia đón Tết tại Hàn Quốc”. Theo đó, khi mua xe Kia K5 hoặc Kia Sorento, khách hàng sẽ có cơ hội tham gia rút thăm trúng thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên đến 490 triệu đồng.

Khi tòa tuyên tử hình, bị cáo Mển hối hận và xin được khoan hồng vì còn nuôi 2 con nhỏ. Tuy nhiên với 2 lần vận chuyển hàng chục kg ma túy, sau khi xem xét HĐXX nhận định các tình tiết không đủ làm giảm nhẹ tội cho bị cáo Mển…

Ngày 20/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết chuyên án A724p chống tội phạm ma túy. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo hội nghị.

Ngày 19/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 2 bị can để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến hành vi vi phạm trong công tác quản lý đất đai tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Ngày 20/11, Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết đã cùng chính quyền phường Mỹ Xuân phối hợp với Xí nghiệp Phân phối khí thấp áp Vũng Tàu tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty TNHH phát triển Quốc tế Formosa....

Cùng với các địa phương trong cả nước, chính quyền các xã, thị trấn cùng với phụ huynh, học sinh và lực lượng làm nhiệm vụ ở huyện Trường Sa (Khánh Hòa) đã tổ chức buổi gặp mặt thầy, cô giáo tại các trường học trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 20/11, Công an TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho biết, vừa truy tìm thành công Trần Thành Long (SN 1967, trú xã Trung Hoà, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) khi đối tượng vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là đối tượng liên quan vụ án lừa xin vào làm việc trong ngành Công an cách đây gần 10 năm.

Không chỉ hưởng lợi từ bất ổn chính trị, giá vàng còn tăng do tâm lý kỳ vọng khi Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào năm 2025.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文