Công chúa Thái Lan Sirivannavari Nariratana: Mọi công dân đều phải phụng sự tổ quốc mình

10:58 28/11/2023

Truyền thông quốc tế từng ví công chúa Thái Lan Sirivannavari Nariratana là "hoàng thân đa tài nhất thế giới". Bên cạnh công việc của một nhà thiết kế thời trang, cô đã tham dự SEA Games và Á vận hội ở hai môn thể thao khác nhau.

Chia sẻ với phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng về hành trình đến với thể thao thành tích cao trong dịp ASIAD Hàng Châu vừa qua, Sirivannavari cho rằng "thi đấu thể thao thành tích cao là một nghĩa vụ với đất nước".

PV: Từ khi nào, cô bén duyên với thể thao? Tại sao từng giành Huy chương Vàng cầu lông đồng đội ở SEA Games, cô lại chuyển sang đua ngựa trình diễn - môn thể thao có phần kém gần gũi với công chúng?

Công chúa Sirivannavari: Trong Hoàng gia Thái Lan, thể thao không chỉ mang ý nghĩa giải trí đơn thuần. Ông nội tôi (vua Bhumibol Adulyadej) từng giành Huy chương Vàng SEA Games môn đua thuyền từ thời giải đấu còn mang tên SEAP Games. Vì thế, tôi và nhiều thành viên khác trong hoàng tộc có trách nhiệm tiếp nối truyền thống tham gia thể thao thành tích cao.

Công chúa Sirivannavari là người đa tài.

Tôi tiếp xúc với môn thể thao cưỡi ngựa khá sớm, bắt đầu tập cưỡi từ năm 9 tuổi. Chị gái tôi, công chúa Bajrakitiyabha là người cưỡi ngựa rất giỏi. Nhưng, tôi chỉ thật sự rèn luyện cưỡi ngựa với tâm thế chuẩn bị thi đấu chuyên nghiệp sau một chuyến tập huấn vào năm 2012. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã tập luyện các thể thức khác nhau trong môn cưỡi ngựa.

Giống công chúa Bajrakitiyabha, tôi thích nhất phần thi cưỡi ngựa nhảy vượt chướng ngại vật. Nhưng, theo chỉ dẫn của các huấn luyện viên sau đó, tôi quyết định chọn thi đấu thể thức trình diễn. Với tôi, cưỡi ngựa là môn thể thao mang đậm yếu tố thể chất và thẩm mỹ, khi vận động viên (VĐV) cưỡi ngựa cần uyển chuyển như VĐV thể dục nhịp điệu nhưng cần toát ra vẻ mạnh mẽ, quyết đoán sau từng động tác.

Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2018, tôi đã tham gia nhiều giải cưỡi ngựa quốc tế. Tôi là thành viên đội tuyển cưỡi ngựa Thái Lan tham dự các giải đấu cấp độ khu vực và châu lục như SEA Games 2013, SEA Games 2017 và Á vận hội 2014. (Tại SEA Games 2017, công chúa Sirivannavari giành Huy chương Bạc nội dung đồng đội - PV).

Đúng là trước khi đua ngựa, tôi từng tập cầu lông chuyên nghiệp. Dấu ấn là khi tôi đã tham dự các nội dung đồng đội và cá nhân trong môn cầu lông ở SEA Games 2005 và 2007. Tấm Huy chương Vàng trong kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2005 thực sự là một kỷ niệm đẹp.

Năm ấy, tôi mới 18 tuổi. 2 năm sau, tôi giành thêm Huy chương Đồng đồng đội nữ, năm 2007. Tôi yêu thích cầu lông nhưng thực sự cảm thấy bản thân khó tiến xa khi bước lên sân chơi chuyên nghiệp cùng môn thể thao này. Kết quả thi đấu các nội dung cá nhân tại SEA Games của tôi cho thấy điều đó, khi chưa từng vượt qua vòng 2 ở SEA Games.

Sau khi nghĩ về triển vọng tiến xa giữa các môn thể thao mình có thể chơi, tôi quyết định nghỉ thi đấu cầu lông để chuyển sang cưỡi ngựa. May mắn của tôi là dù thi đấu cầu lông hay cưỡi ngựa, tôi luôn có những huấn luyện viên giỏi đồng hành bên mình. Những huấn luyện viên cưỡi ngựa của tôi là Jean Phillipe Siat và Christoph Hess đều là huấn luyện viên đẳng cấp thế giới.

PV: Chơi thể thao từ 9 tuổi và vẫn thành thạo 3 ngoại ngữ, lại có sự nghiệp học vấn cao, đâu là bí quyết giúp cô cân đối quỹ thời gian?

Công chúa Sirivannavari: Trong thời gian tập luyện và thi đấu với cường độ cao, ưu tiên h a  n g đầu của tôi là dành thời gian tham dự những giải đấu quốc tế trong môn cưỡi ngựa. Cá nhân tôi đặt ra chỉ tiêu riêng cho bản thân trong mùa thi đấu là trung bình mỗi tháng, tôi sẽ tham dự ít nhất 2 giải.

Việc tham dự những giải đấu lớn trong quá khứ giúp tôi có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Bên cạnh đó, tôi còn đăng ký tham dự nhiều giải đấu nhỏ khác nhằm duy trì thể trạng. Ngoài thời gian luyện tập và thi đấu, tôi có thể trở lại với công việc thiết kế thời trang. Thường thì tôi tập luyện ban ngày và thiết kế vào buổi tối.

Cưỡi ngựa là môn thể thao mà VĐV chỉ có thể tiến bộ nếu tập luyện liên tục, đều đặn hằng tuần. Đó cũng là những điều tôi làm khi theo đuổi môn thể thao này. Ngày nghỉ của tôi thường diễn ra giữa tuần nên lịch tập luyện cuối tuần càng bận rộn hơn. May mắn là tôi luôn lập thời gian biểu chi tiết để công việc trơn tru.

Trong 3 thể thức thi đấu của môn cưỡi ngựa, nội dung tôi thi đấu mang nhiều tính kỹ thuật nhất. Các VĐV thi đấu nội dung này không chỉ mệt về thể chất, mà còn cảm thấy uể oải về tinh thần nếu tập luyện quá sức. Chúng tôi có cảm giác toàn thân phải căng mình ra tập luyện giống như khi đang ngồi thiền vậy, bởi một động tác sai có thể dẫn đến chấn thương.

Nếu mọi người dành thời gian tìm hiểu về cưỡi ngựa, tất cả sẽ nhận ra đây là môn thể thao thú vị. Xem cưỡi ngựa và đánh giá trình độ của VĐV không quá khó. Cách phân biệt đơn giản nhất là dựa trên chuyển động chân ngựa được VĐV điều khiển ra sao. Các VĐV hàng đầu thế giới có thể điều khiển ngựa như thể chúng lướt qua, chứ không phải đi nước kiệu.

PV: Theo đánh giá của cô, cưỡi ngựa hấp dẫn và thu hút ở những điểm nào? Vì tính nghệ thuật bên trong môn thể thao này hay còn vì những điều khán giả không thể nhìn thấy?

Công chúa Sirivannavari: Nếu bạn từng theo dõi những giải cưỡi ngựa quốc tế, hẳn bạn sẽ để ý đến chi tiết này: Toàn bộ VĐV tham dự đều dùng ngựa của mình. Không ai dùng ngựa của ban tổ chức cả, bởi ban tổ chức không có nghĩa vụ làm thế và họ cũng không cần phải làm như vậy. Ngựa của VĐV cưỡi ngựa cũng giống như cây cơ trong bil_liard, cây vợt trong cầu lông.

Điểm khó khăn trong môn cưỡi ngựa khi VĐV thi đấu quốc tế là vận chuyển ngựa không đơn giản như cơ billiard hay vợt cầu lông. Tại các giải đấu châu Âu, với hành trình ngắn, ngựa được vận chuyển trên xe lửa. Nhưng, với những chuyến đi dài, ngựa phải được di chuyển bằng máy bay và có người chăm sóc, cho chúng ăn và dọn vệ sinh trên hành trình.

Thành công của một VĐV cưỡi ngựa, vì thế, mang nhiều công sức thầm lặng của những người làm công tác hậu cần phía sau. Những đội tuyển cưỡi ngựa xuất sắc còn có cả thợ đóng móng chuyên nghiệp trong đội hình. Họ chính là những người "đo ni đóng giày" cho ngựa, giúp ngựa di chuyển một cách thoải mái nhất trong những bài thi dài mà không mất cân bằng.

Trong thời gian tập luyện tại châu Âu, tôi có cơ hội gặp một số chuyên gia trị liệu dành riêng cho ngựa. Họ không chỉ là bác sĩ thú y đơn thuần như nhiều người nghĩ. Những chuyên gia này biết cách chăm sóc ngựa một cách tốt nhất, làm sao để chúng không bị căng thẳng. Trường hợp ngựa bị ốm cũng được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.

Cá nhân tôi cảm thấy cưỡi ngựa có nhiều điểm giống với bóng đá và quần vợt. Trong môn bóng đá, đội bóng chỉ giành chiến thắng khi họ ghi bàn, đồng thời không để đối phương sút tung lưới mình quá nhiều. Mỗi người đều có một nhiệm vụ riêng. Còn với quần vợt, Serena Williams từng nói mỗi danh hiệu cô ấy giành được là thành quả của tập thể.

PV: Có ý kiến cho rằng, phải là người yêu động vật mới chơi được môn thể thao đặc thù này. Cô nghĩ sao về quan điểm ấy?

Công chúa Sirivannavari: Điều đó đúng với cá nhân tôi. Giống cha và nhiều thành viên trong hoàng tộc, tôi là người yêu động vật. Có thời điểm tôi từng nuôi tới 8 chú chó Yorkshire. Chúng là những người bạn đáng quý của tôi, có thể cùng tôi chia sẻ vui buồn.

Tôi thích đặt tên cho những chú chó, cũng như những chú ngựa mình nuôi. Người bạn hiểu tôi nhất là chú ngựa có tên Hoàng Tử Quyến Rũ. Tôi thích cưỡi nó mỗi sáng, nhưng phải hỏi ý kiến của nó trước. Nếu tôi cảm thấy Hoàng Tử Quyến Rũ không sẵn sàng để tôi cưỡi hôm ấy, tôi sẽ tôn trọng quyết định của nó. Tôi không muốn làm nó buồn.

Mọi người có thể nghĩ việc tôi "hỏi ý kiến" thú cưng là điều lạ lùng, thậm chí buồn cười, nhưng tôi đã làm vậy từ thời còn thi đấu. Với VĐV cưỡi ngựa, việc tạo mối liên kết và thấu hiểu ngựa cưỡi là tối quan trọng. Thành bại của VĐV đôi lúc phụ thuộc rất nhiều vào ngựa cưỡi.

Tôi từng chứng kiến những VĐV giỏi gặp kết quả không như ý vì ngựa cưỡi "xuống phong độ" trong ngày thi đấu. Đó là minh chứng cho thấy thể trạng của ngựa cũng quan trọng như VĐV vậy. Khác với học kỹ thuật cưỡi ngựa, việc thấu hiểu những chú ngựa, cộng sự của mình, cần nhiều sự nhạy bén trong cảm nhận.

Đúng như bạn nói, một trong những nhân tố làm nên khác biệt giữa khả năng thấu hiểu ngựa của các VĐV chính là tình yêu động vật. Những người thờ ơ với cảm xúc của người khác, cũng như những sinh vật khác, sẽ khó có cơ hội trở thành một VĐV cưỡi ngựa giỏi. Bạn không thể thành công nếu chỉ quan tâm đến chính mình.

PV: Công chúng thường nhìn nhận cưỡi ngựa như thú chơi quý tộc nhưng không biết đây là môn thể thao gian khổ và dễ chấn thương. Với một công chúa như cô, điều đó có đúng không?

Công chúa Sirivannavari: Khi còn duy trì tập luyện và thi đấu cưỡi ngựa, tôi rèn luyện trung bình 6 ngày mỗi tuần. Trong mỗi ngày tập, tôi sẽ dùng 3 chú ngựa khác nhau, vì mỗi "chiến mã" chỉ có thể hoạt động liên tục trong 1 giờ đồng hồ. Đây là giáo án tập được các huấn luyện viên cưỡi ngựa tại Pháp đặt ra cho VĐV. Tôi phải tuân theo, không có ngoại lệ.

Cưỡi ngựa là môn thể thao tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây chấn thương, thậm chí bị thương rất nặng. Tôi cũng gặp nhiều chấn thương trong khoảng thời gian tập luyện môn thể thao này. Gãy chân, giập xương bàn chân là những vết thương nặng nhất của tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn còn một chiếc đinh vít bên trong bàn chân trái.

Công chúa Sirivannavari từng có nhiều năm tập luyện, thi đấu bộ môn cưỡi ngựa.

Các VĐV cưỡi ngựa đều gặp phải những chấn thương tương tự. Tôi không bao giờ mang trong mình suy nghĩ sớm dừng cuộc chơi một khi đã bước lên lưng ngựa. Thay vì nghĩ đến những công việc khác, tôi đặt mọi nỗ lực của bản thân để hướng đến những mục tiêu lớn cùng môn thể thao này. Tôi không muốn bản thân được nhìn nhận như một nàng công chúa sống trong nhung lụa, chỉ biết hưởng thụ mà không làm việc. Thay vào đó, tôi muốn làm những việc mà một con người có thể làm. Đây không chỉ là nghĩa vụ của một hoàng thân, mà còn là điều mọi công dân cần làm để phụng sự tổ quốc của mình.

PV: Và, cô vẫn cưỡi ngựa thường xuyên, ngay cả khi không còn tranh tài ở môn thể thao này như báo chí Thái Lan đăng tải sau ASIAD Hàng Châu?

Công chúa Sirivannavari: Sau ASIAD Hàng Châu, tôi không còn thi đấu đỉnh cao nữa. Nhưng, cưỡi ngựa vẫn là thói quen không thể bỏ. Một ngày bình thường của tôi luôn bao gồm hai công việc là cưỡi ngựa và thiết kế thời trang tại studio riêng, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ của một hoàng thân như gặp gỡ công chúng. Nhưng, tôi không phủ nhận là mình muốn dành thời gian cho bản thân nhiều hơn và cuộc sống này không chỉ có cưỡi ngựa hay thiết kế (cười...).

Khi buồn, tôi thường đến chùa tụng kinh hoặc ra biển ngồi một góc. Tôi thích những chuyến đi, nơi bản thân tôi có thể tự khám phá những điều mới lạ. Tôi từng đến Philippines và yêu thích cảm giác lặn biển bên cạnh những đàn cá voi. Trong trường hợp không tiện xuất ngoại, tôi sẽ đến những bãi biển tại miền Nam Thái Lan.

Thời du học châu Âu, tôi chọn Pháp vì đây là kinh đô của thời trang. Nhưng, nơi tôi yêu thích nhất, cảm thấy bản thân phù hợp nhất lại là miền Nam Italy. Đó là vùng đất giàu nghệ thuật, văn hóa và lịch sử.

Thực ra, tôi thích hương vị của đồng quê. Nói nghe buồn cười, nhiều người sẽ bảo là sáo rỗng, nhưng tôi thấy rõ mình là một số phận đậm đặc các đặc tính văn hóa của Thái Lan. Đi ra thế giới, vừa là học hỏi nhưng cũng vừa là lời nhắc nhở bản thân về sứ mệnh của mình.

Giờ đây, khi trở lại Thái Lan sinh sống, tôi thường chọn nơi ở tách biệt khỏi công chúng. Chỉ có rất ít hoàng thân, cũng như một vài khách du lịch tò mò vô tình phát hiện ra nơi tôi ở. Bản thân tôi chọn cách sống như vậy vì không muốn làm phiền quá nhiều người, khi họ phải nhận trách nhiệm bảo vệ và giữ an toàn cho một thành viên hoàng tộc như tôi.

PV: Là hoàng thân Thái Lan, cuộc sống ngoài trường đua của cô có gì khác so với những VĐV thông thường, những người thường lựa chọn các công việc liên quan tới chuyên môn thể thao?

Công chúa Sirivannavari: Sau khoảng thời gian thi đấu quốc tế với tư cách một VĐV cưỡi ngựa, tôi trở về làm công việc của nhà thiết kế thời trang. Đây là nghề nghiệp tôi đã theo đuổi từ thời đi học và có may mắn được thực tập ở những hãng thời trang hàng đầu thế giới như Dior, Armani hay Ferragamo. Công việc ấy giúp tôi có thêm sự tự tin và quyết đoán.

Tôi mong mọi người không nhìn nhận tôi như một công chúa chỉ hiện diện theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Tôi luôn làm việc thật tâm, nghiêm túc. Bản thân tôi luôn quan sát để nhìn nhận những điểm mạnh từ người khác. Nếu có điểm nào không bằng họ, tôi sẽ cố gắng làm để bắt kịp. Đó là cách tôi có thể tồn tại trong ngành thời trang.

Vào thời điểm được nhận làm nhân viên thực tập tại các hãng thời trang lớn, tôi không phải trợ lý số 1 cho nhà thiết kế. Thực ra, tôi chỉ được xếp làm trợ lý số 4, số 5. Cách duy nhất để tiếp tục ở lại làm việc trong thời gian dài là phải học thật nhanh. Tôi luôn nghiêm khắc với bản thân để có thể theo kịp mọi người và không làm vướng chân họ.

Những thần tượng của tôi trong ngành thời trang là Grace Coddington, biên tập viên của Vogue và bà tôi, hoàng hậu Sirikit. Cả hai đều là những gương mặt mang tính biểu tượng. Tôi ngưỡng mộ họ và được họ truyền cảm hứng bởi vẻ đẹp và nhân cách mỗi người mang trong mình. Phong cách thời trang của họ là một sự khác biệt: Đẹp, chiều sâu nhưng không màu mè, phô trương.

PV: Chơi thể thao giúp gì cô trong công việc thường nhật, chẳng hạn một số bài học rút ra hoặc đức tính rèn luyện thông qua việc tập thể thao chuyên nghiệp?

Công chúa Sirivannavari: Khi còn thi đấu, tôi cố gắng hòa đồng với mọi người như một VĐV bình thường. Tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế, tôi luôn ở trong làng VĐV chứ không ở riêng biệt. Tôi chính là thành viên hoàng tộc Thái Lan đầu tiên làm điều này. Việc đó giúp tôi cảm thấy bản thân không có quá nhiều khác biệt và phải nỗ lực hơn nữa.

Khi tôi dành nhiều thời gian hơn cho công việc thiết kế thời trang, có những thời điểm tôi muốn đến Paris dài ngày để tạo nguồn cảm hứng. Nhưng, ở vị trí của mình, tôi không thể đi lại tùy ý muốn như thế. Là một thành viên của hoàng tộc, tôi ý thức rằng bản thân cần độc lập, không đưa vị thế hoàng gia vào các quyết định công việc. Đi Paris thích lắm chứ, nhưng có bao nhiêu nhà thiết kế trong nước có thể bay tới một thành phố khác ở Thái Lan và sống vài tháng mà chẳng cần bận tâm chuyện khác? Trước khi đi, tôi nghĩ tới hoàn cảnh ấy.

Thay vì suy nghĩ phải đến Paris sinh sống và làm việc bằng mọi giá, tôi quyết định ở lại Thái Lan. Bù lại, tôi phải làm việc nhiều hơn. Có thời điểm tôi cảm thấy mình hoạt động với công suất của một VĐV đang chuẩn bị tham dự Olympic. Mọi thứ diễn ra hối hả trước mắt và thời gian không bao giờ dừng lại chờ đợi ai cả.

Tất nhiên, tôi vẫn đến Paris, nhưng chỉ trong khuôn khổ một vài tuần lễ thời trang nhất định. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi bản thân có thể làm việc tốt ngay cả khi ở Thái Lan. Việc được sống và cảm nhận văn hóa Thái Lan cũng giúp tôi có nhiều mẫu thiết kế độc đáo. Tôi thích thực hiện những bộ quần áo trên chất liệu lụa tơ tằm truyền thống của đất nước mình.

Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ trở thành một nhà thiết kế thành công, có thể mang sản phẩm của mình đến mọi người. Từ sâu thẳm, tôi muốn mọi người thừa nhận và sử dụng mẫu thiết kế của tôi vì nó đẹp, tiện dụng và bắt mắt, chứ không phải vì người thiết kế ra chúng là công chúa Sirivannavari. Công chúa cũng phải lao động, trải qua những cung bậc, hành trình khác nhau trong cuộc sống, và cuối cùng, công chúa cũng có thể tạo ra giá trị hiện hữu với xã hội.

Sirivannavari muốn mọi người ghi nhận những sản phẩm thời trang của cô không phải vì danh hiệu công chúa.

PV: Ngoài thể thao và thời trang, cô có công việc yêu thích nào khác không?

Công chúa Sirivannavari: Nhiều năm trước, tôi từng thử sáng tác thơ. Đó là câu chuyện tình về một chàng lính trẻ và cô thôn nữ. Chàng lính trẻ bị thương trong một trận chiến khốc liệt. Anh đến tá túc tại một trang trại nọ và được cô thôn nữ chăm sóc. Tình cảm giữa họ nảy sinh từ đó. Một bộ sưu tập thời trang của tôi cũng dựa trên niềm cảm hứng từ bài thơ này.

Một thú vui khác của tôi là chăm sóc thú cưng. Nhưng, giống mọi người, tôi có những niềm vui nhỏ muốn giữ cho riêng mình. Câu chuyện sẽ thiếu phần riêng tư và khách quan khi công chúng làm theo những thứ chỉ vì một thành viên hoàng gia thích thế. Mọi chuyện có thể bị hiểu nhầm và tôi không muốn việc ấy xảy ra chút nào.

Tôi luôn nghĩ văn hóa thần tượng là một thứ gì đó lớn lao và kinh khủng. Nó có thể mang lại tiếng cười nhưng cũng có thể tạo ra hệ lụy không mong muốn với xã hội. Tôi không muốn trở thành "tấm gương" cho ai cả. Tôi chỉ muốn là chính mình. Đó là lý do trong các cuộc phỏng vấn trước giờ, tôi luôn nói: "Có những chuyện, tôi sẽ giữ kín cho bản thân".

PV: Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này và chúc cô có nhiều thành công trong lĩnh vực thời trang.

Công chúa Sirivannavari Nariratana sinh năm 1987, là con gái của đương kim Quốc vương Thái Lan Vajiralongkorn và người vợ thứ hai, cựu công nương Sujarinee Vivacharawongse. Khi hai người quyết định ly dị, Vajiralongkorn (khi đó là Hoàng Thái tử) đồng ý để vợ cũ đưa những người con trai sang Mỹ sinh sống, còn ông đưa Sirivannavari về Thái Lan. Sirivannavari được xem là một trong những hoàng thân đa tài nhất của Hoàng gia Thái Lan trong nhiều thập niên qua. Cô có tài năng về thể thao giống cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, đồng thời được các nhà tạo mẫu quốc tế đánh giá cao về gu thẩm mỹ khi theo đuổi sự nghiệp thiết kế thời trang.

Trần Thành (Thực hiện)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文