Nhà văn Ngô Thảo: Giữ gìn và nâng tầm văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển

17:54 10/01/2024

Nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo là người dành cả cuộc đời nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật. Ở tuổi ngoài 80, ông vừa cho ra mắt 4 cuốn sách: "Bốn nhà văn nhà số 4", "Nghiêng trong bóng chiều", "Lặng lẽ những đời văn", "Văn hóa trong phát triển". 3 cuốn trong số ấy đoạt các giải thưởng lớn. Ông dành cho phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng cuộc trò chuyện vào những ngày đầu năm mới, bắt đầu từ cuốn sách "Văn hóa trong phát triển".

Văn hóa nước nhà còn nhiều nỗi lo

PV: Thưa nhà văn Ngô Thảo, chúng tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện từ cuốn sách mới của ông: "Văn hóa trong phát triển, văn hóa của phát triển, từ thực tiễn hoạt động sân khấu". Trong cuốn sách của mình, nhiều lần ông khẳng định, nông thôn là nơi sản sinh và nuôi dưỡng văn hóa ngàn đời của các dân tộc Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm về nhận định đó?

Nhà văn Ngô Thảo: Tôi chỉ nhắc lại một nhận định đã có từ lâu. Nước ta thuộc nền văn minh lúa nước, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, xã hội cơ bản là nông thôn nên người nông dân là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa của mình. Gần đây, người ta thống kê, có hơn 200 định nghĩa về văn hóa, định nghĩa nào cũng bao gồm nếp sống, lối sống, cái ăn cái mặc, phong tục, tập quán, quan niệm về đạo đức, luân lý... cùng những sáng tạo văn học, nghệ thuật truyền khẩu dân gian và thành văn. Nước ta vốn là đất nước thuần nông, nên những biểu hiện này thấy rõ nhất ở nông thôn. Không chỉ "Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác", mà ngay trong từng dân tộc, cũng có sự biến đổi theo địa - lịch sử, nên kho tàng văn hóa của 54 dân tộc là vô cùng giàu có. Mặt nổi này đặc biệt thấy rõ trong những dịp lễ, Tết: Từ trang phục, ẩm thực, nghi lễ cúng tế tổ tiên, thần thánh, lễ hội, các trò chơi, các hình thức ca hát, nhảy múa, trình diễn sân khấu, nghi thức cưới xin, ma chay. Cho đến thế kỷ XX, nông thôn vẫn là nguồn cội, quê hương của hầu hết người Việt, trí thức, văn nghệ sĩ.

Mỗi dịp lễ, Tết là có hàng triệu người về quê bằng được, bởi đây không chỉ là dịp nghỉ ngơi, mà với nhiều người còn là dịp tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đoàn tụ với gia đình. Hàng vạn người Việt định cư hay làm việc ở nước ngoài cũng về quê trong dịp Tết. Nông thôn vẫn giữ được những nề nếp lễ nghĩa và sự cố kết gia đình, dòng tộc theo nghĩa tích cực. Vì thế, ngày nay không còn nhiều những người làm quan "cả họ được nhờ", nhưng nhiều quan chức, thậm chí lôi theo cả bầu đoàn thê tử rơi vào vòng lao lý, không chỉ làm cả họ thấy nhục, mà quê hương cũng xấu hổ. Câu thơ mới của nhà thơ Từ Kế Tường như thể hiện tâm thế ấy: "Quê nhà buộc thắt lòng nhau/ Để xa ngàn dặm. Biển dâu muôn trùng".

PV: Nông thôn có một vị trí đặc biệt trong văn hóa dân tộc, nhưng hiện nay nhiều người cho rằng, văn hóa nông thôn Việt đang bị đứt gãy. Xin hỏi nhận định của ông về vấn đề này?

Nhà văn Ngô Thảo: Trong quá trình phát triển với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự biến động của nông thôn là khó tránh khỏi. Hình thức và địa bàn cư trú mới, cấu trúc dân số và dân cư biến động theo hướng lớp trẻ bị cuốn hút vào các khu công nghiệp và đô thị, rút rỗng nhân lực có sức sáng tạo của nông thôn. Hầu hết các dân tộc thiểu số, đặc biệt các dân tộc ít người, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan bị rời khỏi môi trường sinh sống nhiều đời, nên việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống, vốn là sản phẩm của hệ sinh thái nguyên sinh là bất khả, nói chi đến việc tiếp tục sáng tạo.

Nhưng, những năm gần đây, nhận ra sự đứt gãy đó, ở một số địa phương, vùng miền, đã có những hành động thiết thực xây dựng nền kinh tế xanh, khắc phục những gì chúng ta đã nóng vội tàn phá, khôi phục có chọn lọc những hình thức và loại hình văn hóa bản địa đặc sắc. Việc UNESCO công nhận một số địa danh có cảnh quan đẹp và các loại hình sinh hoạt văn hóa bản địa đặc sắc là một chỉ dấu. Năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế xếp hạng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn du khách hàng đầu với những chỉ dấu nổi trội về văn hóa, di sản, đó là một tín hiệu đáng mừng.

PV: Trong cuốn sách mới xuất bản, ông viết rằng xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều nơi đã làm đứt gãy văn hóa nông thôn. Vậy, theo ông, chúng ta phải xây dựng nông thôn mới như thế nào để nơi đó vẫn tiếp tục là cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra những giá trị văn hóa mới?

Nhà văn Ngô Thảo: Một đáp án chung, cũng như một mô hình chung cho nông thôn cả nước là con đường ngắn nhất triệt tiêu bản sắc văn hóa vùng miền cũng như của các dân tộc. Những chỉ tiêu chung là cần thiết cho một cuộc vận động lớn. Nhưng, nông thôn nước ta với 54 dân tộc, sinh sống trên những địa hình khác nhau. Mỗi dân tộc, màu sắc ngôn ngữ, nếp sống, phong tục, tôn giáo, lễ hội cũng khác nhau ở mỗi nơi cư trú. Thiết kế, cấu trúc một ngôi làng, bản, từng ngôi nhà cũng nhiều nét khác nhau. Cách canh tác, chọn cây trồng, vật nuôi vốn không giống nhau. Nay lấy việc đô thị hóa nông thôn với một hình hài chung, mà không còn giữ được những nét riêng làm nên những khác biệt của trung du, đồng bằng, với miền núi phía Bắc, với Tây nguyên, miền Tây, miền Đông Nam Bộ trong xây dựng nhà cửa, chùa chiền, các cơ sở sinh hoạt cộng đồng, sẽ là một mất mát không dễ khắc phục. Chưa kể, trên cùng một xã, một làng, có mấy dân tộc cùng sinh sống, sẽ đặt ra nhiều câu hỏi khi duy trì nét riêng về văn hóa. Có lẽ, việc xây dựng nông thôn mới nên tôn trọng sự lựa chọn từ cơ sở, của cơ sở hơn là mô hình chung từ trên xuống.

PV: Nghĩa là, làm gì chúng ta cũng phải hướng tới mục tiêu văn hóa?

Nhà văn Ngô Thảo: Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ buổi đầu xây dựng nhà nước kiểu mới đã xác định: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Ngày nay, Đảng ta cũng khẳng định: "Văn hóa còn là dân tộc còn" và nhấn mạnh việc xây dựng "một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", "văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội". Đường lối là vậy, nghị quyết cũng nhiều và khá cụ thể nhưng trong thực tế, văn hóa nước nhà còn nhiều việc phải lo. Văn hóa nền của đảng viên, cán bộ, viên chức các cấp, kể cả cấp cao, thể hiện trong nếp sống, lối sống, đạo đức, nhân cách, tinh thần cống hiến, ý thức gương mẫu, là những điều Đảng luôn dành nhiều công sức, biện pháp chấn chỉnh, nhưng xem ra cuộc chiến vẫn rất gay go. Rồi đạo đức của giáo viên và học sinh, cán bộ, viên chức trong ngành y tế... vẫn luôn là nỗi lo chung của xã hội, dẫu biết, đó chỉ là một bộ phận. Nếu với số đông, càng trong khó khăn, càng bộc lộ những phẩm chất cao quý, thì một bộ phận cán bộ có quyền chức lại tận dụng cơ hội để vun vén cho cá nhân, đáng tiếc là cả với một số người thực tài, quá khứ nhiều thành tích cũng bị gục ngã trước sức cám dỗ của đồng tiền.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói, nền tảng văn hóa giúp con người vượt qua những cám dỗ chính là với những trường hợp này. Văn hóa nền của xã hội với cấu trúc đa thành phần trong nền kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu với một thế giới có quá nhiều khác biệt đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Ngày trước, gặp những trường hợp này, ta tìm nguyên nhân ở tàn dư của đế quốc và phong kiến. Nhưng, chế độ mới của chúng ta sắp tròn 80 năm, đất nước đã 50 năm thống nhất trong hòa bình, xây dựng. Hầu hết cán bộ đương chức hiện nay đều sinh ra trong chế độ mới, lại được học tập, phát hiện, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện qua nhiều vị trí công tác. Đó là nói về con người. Mà trong xây dựng đất nước, cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định.

Nhà văn Ngô Thảo nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

Cần kiến tạo và nuôi dưỡng một nền văn nghệ

PV: Xin được nói đến văn hóa ở một nghĩa hẹp hơn là các sáng tạo văn học nghệ thuật. Nhiều người cho rằng,  chúng ta đang thiếu những tác phẩm lớn, đặc sắc về nông thôn - nông dân cũng như về con người và cuộc sống hiện đại? Nhưng, trước khi đi vào câu chuyện này, tôi muốn chúng ta cùng nhìn lại một chút nền văn học nghệ thuật giai đoạn 1945-1975. Dường như, văn học nghệ thuật giai đoạn này đã đáp ứng thành công những yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử đặc biệt thời đó?

Nhà văn Ngô Thảo: Hai cuộc kháng chiến lớn kết thúc sắp được nửa thế kỷ rồi, nhưng ngoài một số tác phẩm, nhìn lại từng mặt, chúng ta vẫn chưa có những công trình nghiên cứu đầy đủ có tính chất tổng kết về hoạt động văn học nghệ thuật trong giai đoạn lịch sử rất đặc biệt này. Nền tảng lịch sử bi thương mà hào hùng của thời kỳ này đã sản sinh ra một đội ngũ văn nghệ sĩ tài hoa, đông đảo, dễ thường chưa bao giờ có trong quá khứ, và chính họ, bằng tác phẩm nhiều thể loại, đã góp phần phát dương hào khí của mọi người dân. Hôm nay, chính những tác phẩm xuất sắc trong số đó còn lại không chỉ như những chứng nhân của lịch sử mà còn mang lại hơi ấm và ánh sáng lý tưởng cho công chúng hiện thời.

Nhìn lại thời kỳ kháng chiến, phần nhiều văn nghệ sĩ học vấn không cao, điều kiện làm việc vô cùng thiếu thốn, quỹ thời gian suy nghĩ và học tập chính là để có vũ khí tiêu diệt kẻ thù, rồi lý luận và chỉ đạo văn nghệ cũng còn hạn chế, không khó để nhận ra những thiếu khuyết của từng tác phẩm, nhưng những sáng tác văn nghệ trong 30 năm ấy đã làm tròn sứ mệnh động viên tinh thần chiến đấu của dân tộc, ghi dấu lịch sử những chiến công, những con người và địa danh lẫy lừng. Hào khí của dân tộc tiếp sức cho mọi sáng tạo của nghệ sĩ. Đó là thời kỳ mà số tác giả và tác phẩm có ảnh hưởng xã hội là một con số lớn. Tổng kết, không chỉ  có nghĩa là vinh danh, vì việc này, lâu nay Đảng và Nhà nước đã làm qua các kỳ tặng các giải thưởng cao quý, mà quan trọng hơn là rút ra những bài học về tổ chức, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, con người và tác phẩm, để ngay trong chiến tranh, nền văn hóa mới vẫn ra đời và trưởng thành nhanh chóng. Đồng thời, cũng nhận ra những thay đổi từ nền tảng tổ chức xã hội, để tìm ra những phương thức lãnh đạo và tổ chức cho hoạt động văn hóa, văn nghệ. Ở một đất nước đã hòa bình, với quy mô dân số trăm triệu, trong thế giới mở rộng giao lưu, giữa thời kỳ khoa học - kỹ thuật phát triển vũ bão, những hình thức truyền thông truyền thống của văn học nghệ thuật đã không còn là lựa chọn của số đông công chúng.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra một hệ thống tổ chức xã hội đa thành phần, đa trung tâm nên nền văn nghệ đề tài xem ra không còn phù hợp. Không chỉ nông dân và nông thôn, nơi sản sinh và nuôi dưỡng nền văn hóa lâu đời, mà giai cấp công nhân, anh bộ đội Cụ Hồ, vốn là một nhân vật mới xuất hiện trong văn học nghệ thuật hiện đại cũng thiếu vắng những tác phẩm đặc sắc, mặc dầu vẫn thường xuyên có các cuộc vận động và cuộc thi sáng tác về các đề tài đó.

PV: Có phải văn nghệ sĩ đang xa rời tinh thần văn hóa dân tộc mình?

Nhà văn Ngô Thảo: Thật ra, xưa nay, văn nghệ sĩ vẫn sống cuộc sống của cộng đồng, họ chẳng đi đâu để xa rời được cuộc sống xã hội. Có điều, cảm hứng sáng tạo của họ đã thay đổi. Bạn có quan sát thấy, lâu nay không còn ai sáng tác những bài hát cho các tập thể đồng ca như trong các cuộc sinh hoạt thời chiến? Các lý thuyết văn nghệ hiện đại của thế giới qua nhiều thời kỳ được du nhập và quảng bá, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo không còn mặn mà với quan niệm "văn dĩ tải đạo". Lý thuyết trò chơi đang được hồi sinh.

Lớp trẻ hiện nay được trang bị vốn tri thức cao hơn trên một mặt bằng dân trí cao, điều kiện sống và làm việc tốt hơn, không khí dân chủ cởi mở cho phép được phổ biến tác phẩm thoáng, rộng hơn xưa rất nhiều nhưng những người có thể sống bằng nghề là không nhiều, sáng tác càng nghiêm túc, càng khó phổ biến rộng rãi... Số người trẻ đa tài cũng không mấy người chọn văn chương làm nghề suốt đời, đơn giản là không thể sống bằng nghề. Vì thế, Nhà nước cần có những quyết sách cụ thể để tổ chức, bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ văn nghệ sĩ có đủ tài trí, tâm huyết, như một loại trí thức đặc biệt. Đầu tư xứng đáng, nhưng chấp nhận đầu tư mạo hiểm, bởi sáng tạo văn học nghệ thuật rất khó theo những kế hoạch định sẵn.

PV: Tôi nhớ, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, nhiều người giật mình bởi khoảng trống quá lớn mà nhạc sĩ và thế hệ Văn Cao để lại cho đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà. Ông nghĩ gì về khoảng trống đó, khi bây giờ chúng ta thiếu vắng những văn nghệ sĩ lớn, những nhà văn hóa lớn?

Nhà văn Ngô Thảo: Ở đây phải nhắc lại một nhận định cũ: Sự xuất hiện những thiên tài, những tác giả lớn là một bất ngờ của vũ trụ, phần nhiều không liên quan đến thể chế chính trị, dân tộc, quốc gia lớn hay nhỏ, tuổi già hay trẻ, học vấn cao hay thấp, đất nước giàu hay nghèo

Ông Hoàng Ngọc Hiến từng nói: "Người ta sinh ra đã là nhà văn hoặc không phải nhà văn. Cho nên, số lượng những văn nghệ sĩ xuất sắc của mỗi thời kỳ luôn là một ân sủng của lịch sử". Trong chiến tranh và cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức về trách nhiệm công dân, nhiều phẩm chất cao thượng được thường xuyên bộc lộ, là những cơ sở tạo nên niềm cảm hứng thường trực cho văn nghệ sĩ sáng tạo. Những tác phẩm đó đã góp phần động viên tinh thần cho cả dân tộc. Niềm vinh quang đó không dễ có trong thời bình.

Nhưng, điều tôi muốn chia sẻ ở đây là chế độ chính trị nào cũng cần kiến tạo và nuôi dưỡng một nền văn nghệ, không chỉ là trung tâm cho nền tảng tinh thần xã hội, mà còn lưu giữ cho muôn đời những ký ức đẹp đẽ của mỗi thời.

Ông luôn dành tình yêu lớn cho văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

PV: Vậy, theo ông, có hay không sự đứt gãy về văn hóa giữa các thế hệ? Nguyên nhân vì sao? Có phải cốt lõi từ vấn đề giáo dục nền tảng?

Nhà văn Ngô Thảo: Thời đại nào có văn hóa của thời đại đó. Sau gần nửa thế kỷ đất nước sống trong thời bình, vào một thời điểm khoa học kỹ thuật phát triển vũ bão, nhiều thành tựu kỹ thuật sớm được đưa vào thực tiễn, đúng vào lúc nước ta có những thay đổi tận bề sâu khi bước vào nền kinh tế thị trường, dù là có định hướng xã hội chủ nghĩa, thì sự phân tầng trong xã hội, tạo nên những nhu cầu khác nhau trong sáng tạo cũng như hưởng thụ các giá trị tinh thần. Cung cấp cho nhu cầu đó không chỉ là những sáng tác nội địa. Sự phát triển nhanh chóng của cơ sở vật chất kỹ thuật vượt xa sức sáng tạo của văn hóa nội địa, nên theo nguyên lý bình thông nhau, văn hóa ngoại lai tràn ngập hầu hết các kênh thông tin, dồn ép văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật nội địa, mà chất lượng thường chưa cao, lại có hạn về số lượng, cả về không gian và thời lượng. Có rất nhiều lý do để trong cuộc cạnh tranh không ngang sức, lại không có những hàng rào tự vệ từ phía Nhà nước, số người tham gia sáng tác văn học nghệ thuật có thể đông, nhưng thiếu một đội ngũ chuyên nghiệp làm nòng cốt. Đơn giản vì nó không thể thành một nghề có thể kiếm sống. Những cây bút như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư với số lượng tác phẩm và số bản in cao thực sự là rất hiếm...

Điều này có nhiều nguyên nhân, tất nhiên có trách nhiệm của giáo dục, việc biến các môn khoa học xã hội, trong đó có văn học vốn để dạy LÀM NGƯỜI thành một môn khoa học về ngôn ngữ - ngữ văn. Nhưng, sự thay đổi cấu trúc xã hội hiện đại cũng buộc chúng ta phải có tư duy khác khi nhìn nhận vị trí từng môn học để đào tạo ra con người hiện đại. Bên cạnh nhân lực thực hiện có chất lượng cao, vẫn cần đầu tư - dù là mạo hiểm - cho những lực lượng sáng tạo trong mọi ngành nghề, trong đó có văn học nghệ thuật.

PV: Ông từng chia sẻ rằng, dù khoa học phát triển đến đâu cũng không thể thay thế được tâm hồn con người, vì thế mà sân khấu, nghệ thuật sẽ tồn tại. Nhưng, nhìn vào thực trạng đời sống văn học nghệ thuật hôm nay chưa đáp ứng được sứ mệnh đó. Điều ông lo lắng nhất lúc này là gì?

Nhà văn Ngô Thảo: Như mở đầu câu chuyện, chúng ta đã nói, đó là sự quan tâm đến vị trí văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển. Không lâu nữa, nước ta sẽ đứng vào hàng các nước phát triển, với thu nhập cao, không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng, ngay từ bây giờ, chúng ta đã nhìn thấy trong lòng xã hội những mầm mống nhiều hiện tượng mà các nước phát triển đang phải đối diện. Trước hết là dân số. Trong vòng 50 năm qua, nhất là sau chiến tranh, dù kinh tế rất khó khăn, dân số nước ta đã tăng hơn gấp đôi, hiện đứng thứ 13/hơn 200 quốc gia trên thế giới. Tiếng Việt không chỉ phát triển toàn diện, mà ở nhiều quốc gia cũng được phổ biến. Hiện nay, tiếng Việt đứng thứ 5 ở Mỹ và thứ 3 ở Australia.

Tuy vậy, sự phát triển hiện đại đang tác động rất rõ đến việc thay đổi hình thức và quy mô tổ chức nông thôn, sự cố kết dòng tộc và đặc biệt gia đình đang lỏng dần. Những nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống cá nhân buộc lớp trẻ tính toán nhiều hơn trong việc lập gia đình và nuôi con cái. Mấy năm gần đây, ở Nhật, có hàng nghìn trường học phải đóng cửa vì không còn trẻ em đi học. Ở Hàn Quốc, thanh niên nam nữ không muốn lập gia đình cũng đáng báo động. Xu hướng dân số già và sút giảm xuất hiện ở nhiều quốc gia phát triển, hiện tượng thừa nữ thiếu nam khá phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt là châu Âu. Chưa kể hiện tượng thiếu lý tưởng sống ở lớp trẻ đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy khó lường. Cho nên, tôi nghĩ rằng ngay từ bây giờ, Nhà nước cần có những chủ trương, quyết sách gìn giữ và bảo tồn những nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp của từ này, tránh những hiện tượng không hay đang xảy ra khá phổ biến ở các nước phát triển.

Chủ trương, định hướng của Đảng là rất rõ, thể hiện trong các nghị quyết về chấn hưng và phát triển văn học nghệ thuật. Vấn đề quan trọng lúc này là làm sao đưa nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống mà thôi.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

* Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Hạnh Thủy - Việt Hà (thực hiện)

Đang còn trong khoảng thời gian mà nhiều người dân TP Hồ Chí Minh vẫn háo hức được trải nghiệm cảm giác được đi lại trên các đoàn tàu ngược xuôi trên tuyến Metro số 1, nên số lượng khách đi tàu hàng ngày được Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 - đơn vị vận hành, khai thác tuyến đưa ra đã cho thấy những tín hiệu đáng kỳ vọng. Nhưng xung quanh chuyện làm sao để thu hút khách đi tàu vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm…

Ngày 26/12, kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội bị cáo Vũ Hoàng Oanh (Oanh “Hà”) và 34 đồng phạm trong vụ án “Mua bán; Vận chuyển; Tàng trữ  trái phép chất ma túy” với số lượng lớn, 626 kg ma túy.

Cận Tết, tình trạng học sinh tàng trữ, sử dụng và tự chế tạo pháo nổ tại tỉnh Đắk Nông gia tăng, gây tổn thất với gia đình và để lại hậu quả nặng nề với xã hội. Nạn nhân mới đây là một nam sinh ở xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp, vì sử dụng pháo em đã mất cả bàn tay.

Ngày 26/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ phát triển bất động sản An Lạc Tân (Công ty An Lạc Tân; địa chỉ tại số 12 đường số 1, phường An Lạc, quận Bình Tân) do ông Quách Mộc Tân làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Ngày 26/12, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Anh (SN 1995, ngụ thành phố Vĩnh Long) để điều tra về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, đồng thời giám định khẩu súng cùng 15 viên đạn do đối tượng tàng trữ.

Võ Nguyễn Hoàng Nguyên đưa ra thông tin gian dối với nhiều người rằng, bản thân có mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên có khả năng giải quyết các thủ tục hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi những thông tin trên GCNQSDĐ, tách thửa và cấp GCNQSDĐ mới...

Sự phổ biến của pickleball không chỉ là một xu hướng nhất thời; nó là minh chứng cho sự đơn giản, dễ tiếp cận và khả năng kết nối mọi người ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh. Sau khi trở thành môn thể thao phát triển nhanh nhất nước Mỹ trong vòng 3 năm qua, pickleball tiếp tục phủ sóng toàn cầu, đặc biệt ở khu vực châu Á.

Chỉ còn 5 ngày nữa, nếu các chủ tài khoản không xác thực sinh trắc học, các giao dịch điện tử trực tuyến thanh toán ngân hàng sẽ bị “treo”. Trước quy định này, hàng loạt cá nhân, ngân hàng cùng nhau “chạy đua” để thực hiện.

Thời gian gần đây, các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram và TikTok tràn ngập những quảng cáo về một loại sản phẩm lạ: bút giảm cân. Loại bút này được giới thiệu là phép màu cho những người muốn giảm cân nhưng ngại đến phòng gym hay thay đổi chế độ ăn uống. Sự xuất hiện tràn lan của sản phẩm này đang dấy lên nhiều lo ngại về sự an toàn và minh bạch.

Khoảng 10h50 phút ngày 15/5/2024, Đội CSGT số 2 thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước nhận được hình ảnh do người dân cung cấp về xe ôtô khách BKS 61B-011.50 của nhà xe Chín Tèo chạy trên đường ĐT741, đoạn qua địa bàn xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài, có hành vi lấn làn, vượt ẩu. Người dân cho biết, tài xế này thường xuyên có hành vi uy hiếp sự an toàn khiến người đi đường bức xúc. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文