Hòa vào dòng thác cách mạng

08:00 26/09/2006

Cơ sở của ta báo cho đồng chí Trần Quốc Hoàn biết: “Nhật đã đảo chính Pháp”. Sau khi thương lượng, bọn Pháp chấp nhận di chuyển trại giam tù chính trị xuống chợ Sơn La và đồng ý thành lập 2 tiểu đội, mỗi tiểu đội 15 người.

Quãng tháng 8, tháng 9/1943, qua tin tức báo chí, anh em ta ở nhà tù Sơn La đã biết Hồng quân Liên Xô thắng lớn ở Lêningrát và ở Thái Bình Dương. Liên quân Anh - Mỹ cũng đã phản công giành thắng lợi ở Tân Gia Ba và ở quần đảo Thái Bình Dương, do đó các binh sĩ Pháp và lính khố xanh, khố đỏ càng thấy rõ những người của người tù chính trị nói với họ trước đây rất đúng, càng thêm nể trọng. Anh Trần Quốc Hoàn đề xuất nên tổ chức đấu tranh đòi lại những quyền lợi trước kia như nhận thư tín và tiếp tế. Và các anh em bị giam dưới hầm phải được thả ngay!

Ngày 20/8/1943 anh em tù chính trị tuyên bố tuyệt thực và đến ngày 26/8 thì các tù thường phạm cũng hưởng ứng. Đến ngày 26/8 bọn Pháp phải chấp nhận thả các đồng chí ra khỏi nhà hầm và chấp nhận mọi yêu cầu của ta.

Sau đấy không khí trong nhà giam bình thường trở lại: Anh em được học tập văn hóa, chính trị, phong trào văn hóa văn nghệ lại lên. Những dịp anh em đi lao động xe nước hay lấy củi là dịp tốt để ta làm công tác binh vận. Tôi nhớ, trong bài “Gửi người lính gác” đăng báo “Suối reo” năm 1943, có đoạn:

Chưa hiểu sao nên còn gác chí

Vợ chờ, con đợi, chẳng về đi?

Chiến binh há có đâu đây nhỉ

Mà dại thân sao, đứng gác gì?

Sau lưng là giặc, sao không đánh?

Có súng trong tay, chẳng bóp đi?

Anh hãy cùng tôi ta đứng lên

Ngoài công, trong kích vững gan bền

Ta hai nhăm triệu, ba thằng giặc

Lấp biển, dời non, há chẳng nên!

Lúc này anh em tù đã xây dựng được các chi hội người Thái. Đồng chí Nguyễn Văn Trân sáng tác được những bài thơ vận động nhân dân Thái. Trong binh lính đã tạo ra được những người có cảm tình với tù cách mạng như: Quản Mười, đội Hầu, đội Thát, đội Thê, đội Chinh, cai Chiêm, cai Piềng, cai Dọn.

Hồi này chi bộ đã quyết định anh em tù phải học tiếng Thái và tiếng Mèo. Anh Trân nói tiếng Thái rất tốt và còn làm được thơ tiếng Thái để tuyên truyền. Do công tác binh vận tốt nên việc học quân sự của anh em được thuận lợi, có binh lính của Pháp vào rừng đi với tù nhân kiếm củi còn cho anh em mượn súng để tập.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn (thứ 5 từ trái sang) cùng lãnh đạo Bộ trước khi lên máy bay vào Sài Gòn chỉ đạo công tác tiếp quản.

Trong nhà tù đã vận động cho nhau để tạo vũ khí. Mỗi người phải có một con dao găm, lựu đạn tự chế. Suốt năm 1944, hoạt động của anh em rất sôi nổi. Sang năm 1945, chi bộ quyết định phải tổ chức một cái tết thật rôm rả. Tết đến tổ chức diễn vở kịch “Lôi Vũ” và một số bài hát Pháp - Việt. Trong nhà tù mời sĩ quan, công chức Pháp và nhiều thanh niên Thái ở các phố, các bản quanh Sơn La đến dự. Trước sân khấu dán đôi câu đối viết bằng mực đỏ.

- Hẹn với non sông đem mới lại

Mở toang cửa ngục đón xuân vào

Anh em còn vào rừng lấy cây đào về trồng quanh khu vực, trước sân khấu xung quanh sân bãi người xem. Đàn, sáo, nhị và quần áo nhờ các thanh niên mượn bà con ở dưới phố lên. Tối biểu diễn thành công, tạo một không khí phấn khởi trong anh em tù và binh sĩ Pháp, cùng nhân dân.

Từ đầu năm 1945, tin tức về nạn đói ở Bắc bộ dội vào trong tù, anh em lo lắng, gây nên một không khí đấu tranh càng sôi sục. Tin tức chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trên mặt trận Nga - Đức càng làm anh em nức lòng. Khoảng nửa đêm 9/3/1945 tiếng chuông điện thoại vang lên trên các nhà công chức Pháp. Tiếp sau, cơ sở của ta báo cho đồng chí Trần Quốc Hoàn biết: “Nhật đã đảo chính Pháp”. Các bộ máy cao cấp của Pháp bị bắt. Chính quyền Nhật đã thay thế chính quyền Pháp hầu hết ở các tỉnh.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn suy nghĩ: “Nếu bọn Nhật đến đánh Sơn La, trong nhà tù Sơn La có hai khả năng diễn ra. Bọn Pháp sẽ thủ tiêu hết tù chính trị rồi đổ cho Nhật tàn sát. Hai là chúng sẽ lấy một số anh em khỏe mạnh trang bị vũ khí và bắt đi làm bia đỡ đạn cho chúng”.

Anh Hoàn thấy các anh Khuất Duy Tiến và Hoàng Tùng nói tiếng Pháp tốt, liền giao nhiệm vụ đại diện cho tù, giao thiệp với Pháp. Lúc này bọn công sứ cũng cần giao thiệp với ta, phải có đại diện của tù để trao đổi.

Anh Hoàn đưa ra mấy điều kiện để anh Tùng và anh Tiến nêu ra: một là phải chuyển ngay anh em ra khỏi nhà tù Sơn La để tránh bọn Nhật ném bom. Hai là thành lập hai đại đội chiến đấu. Các anh tù chính trị được trang bị vũ khí do Pháp chỉ huy. Khi quân Nhật đến thì hai đại đội tù chiến đấu ở phía trước, quân Pháp ở sau. Nếu không thì thả tù nhân về các địa phương cùng nhân dân chiến đấu.

Các anh Khuất Duy Tiến và Hoàng Tùng đi thương lượng. Bọn Pháp chấp nhận di chuyển trại giam tù chính trị xuống chợ Sơn La và đồng ý thành lập 2 tiểu đội, mỗi tiểu đội 15 người. Những người này phải biết tiếng Pháp.

Tiểu đội 1 anh Trần Quốc Hoàn thành lập chỉ định Khuất Duy Tiến phụ trách. Anh Mai Vi làm liên lạc giữa anh Khuất Duy Tiến và anh Trần Quốc Hoàn. Tiểu đội 2 do anh Lê Trung Toản cùng 15 đồng chí nữa đi về phía Thuận Châu, đề phòng Nhật từ Lai Châu đánh xuống. Anh Hoàn đã dặn thêm, khả năng có thể bọn Nhật khó đánh xuống nên phải cố bảo toàn lực lượng và vũ khí để xây dựng lực lượng sau này. Bọn Pháp khó có khả năng chiến đấu, tới mức nào đó thì tách khỏi bọn Pháp, đưa lực lượng về với cách mạng.

Sau khi 2 tiểu đội được võ trang đi rồi thì số anh em tù ở lại, được nhân dân Thái đến bán các thứ hàng cần mua. Số tù nhân Sơn La vẫn còn trên 4 vạn đồng tiền quỹ. Anh em đề xuất nên chia đều. Anh Hoàn không đồng ý và đề ra cách chia tiền theo yêu cầu, anh nào ở xa được chia nhiều, anh nào về nhà gần được chia ít hơn. Và đây là một dịp bồi dưỡng sức khỏe, để anh em thêm sức vào công việc tiếp theo.--PageBreak--

Ngày 13/3/1945 bọn Pháp quyết định chuyển tù chính trị về Nghĩa Lộ. Chúng không dám quyết định thả. Sáng 13/3, sau khi ăn sáng thì quản Mười báo cho biết đưa anh em về Nghĩa Lộ, nhưng sẽ thả ở dọc đường!

Đồng chí Trần Quốc Hoàn dự kiến có khả năng chúng tàn sát ở dọc đường. Nếu chúng tàn sát thì quản Mười, đội Thát, cai Trinh sẽ báo ngay cho anh em biết và vận động binh lính không bắn tù chính trị, anh nào dũng cảm thì bắn lại bọn chỉ huy địch. Anh em tù cứ 3 người một địch dùng dao găm đánh địch. Dự kiến đoạn địch có thể tàn sát là ở chân Cổng Trời, hoặc bờ sông Đà.

Sáng 13/3 đoàn tù lên đường. Nhân dân Thái nhìn theo rất quyến luyến, thương mến, một số cơ sở đến chào tạm biệt. Anh Hoàn dặn dò Chu Văn Thịnh và Tòng Lanh cần xây dựng cơ sở ở Mường Chanh làm căn cứ để khi có thời cơ đến, chuẩn bị khởi nghĩa kịp thời.

Sáng sớm ra, Lơ Bông - Trung úy Pháp dẫn một trung đội lê dương cùng quản Mười chỉ huy lính khố xanh, đưa các tù nhân lên đường, rời thị xã Sơn La trong sương mù đến bản Phiêng Ngùa.

Qua Cổng trời đã nhìn thấy cánh đồng Tạ Bú và dòng sông Đà. Từ trên lũng trời, con đường xuống dốc rất hiểm trở. Nhưng chưa thấy bọn Pháp có dấu hiệu gì. Đoàn tù xuống dốc. Buổi trưa đến Tạ Bú. Khi ăn cơm xong tên Gabông mời các đại diện tù, anh Hoàn và anh Tùng đến trao đổi.

Tên Gabông nói: “Các ông từng nhận định, nếu Nhật đánh Pháp, Pháp thua. Điều các ông nói là đúng! Giờ chúng tôi tạm rút sang Trung Quốc. Các ông về với nhân dân, xây dựng lực lượng mạnh đánh Nhật, chờ chúng tôi trở về cùng các ông đánh Nhật. Người Pháp không thể bỏ Đông Dương được”.

Anh Hoàng Tùng luôn có giọng đùa giỡn: “Cũng có khả năng các ông về Đông Dương thì chúng tôi phải đón và tiễn các ông bằng cách khác. Nhưng bằng cách nào các ông cũng nên cho chúng tôi một số súng đạn để cùng đánh Nhật”.

Gabông đồng ý chuyển cho tù chính trị 5 khẩu súng và ít đạn dược. Quản Mười gọi thuyền đưa anh em qua sông Đà. Tối đó tới thị trấn ít Ong. Quản Mười cho anh em nghỉ lại. Như vậy nỗi lo bị sát hại đã hết. Anh Hoàn và anh Tùng liền trao đổi đoạn đi tới như thế nào, quản Mười nói chúng định đưa anh em đến Nghĩa Lộ. Nhưng nhà tù Nghĩa Lộ đã tan rồi, vì ở đấy ta khởi nghĩa sớm. Bọn chúng tôi sẽ phải quay về Sơn La nhanh. Nhưng về tới Sơn La chắc bọn Pháp sẽ rút rồi, và Nhật đã chiếm Sơn La. Không rõ số phận của chúng tôi sẽ ra sao?” - quản Mười than thở.

Anh Hoàn an ủi: “Các anh về không nên thả tù thường phạm, vì chúng xổng sẽ làm hại dân. Đối với bọn tù thân Nhật phải khéo léo vì bọn Nhật sẽ sử dụng chúng. Đối với bọn tỉnh trưởng Châu, Mường, tất nhiên bọn Nhật sẽ sử dụng. Các anh lính khố xanh, tất nhiên phải theo lệnh tỉnh trưởng. Bọn tỉnh trưởng theo Nhật để giữ lấy đồng lương nuôi vợ con. Mặt khác phải kín đáo liên lạc với anh em Thái yêu nước như Chu Văn Thịnh, Tòng Lanh. Chúng tôi về xuôi gặp được Trung ương thế nào cũng phái người trở lại gặp các anh. Lúc ấy ta sẽ phải phối hợp hành động”.

Tối hôm ấy anh em mua lợn liên hoan và chuẩn bị lương khô cho chuyến đi đường dài những ngày sau.

Đêm nay các tù chính trị mới thấy ngày giải phóng thực sự đã tới gần. Những ám ảnh bị sát hại gần như chấm dứt. Các nhóm tù rầm rì tâm sự, hát, ngâm thơ đến khuya. Anh Hoàn phải yêu cầu anh em đi nghỉ vì ngày mai còn phải vượt ngọn núi Pu Sắm Síp (mười ngọn núi lớn) cũng là đường bọn phỉ Mèo hay hoạt động.

Sớm hôm sau anh em được dân Thái đưa ra suối tắm nước nóng từ dòng suối Pu Săm Síp chảy qua bản Dốc ra sông Đà và ăn bữa cơm thịnh soạn. Ngoài ra, mỗi người còn được nắm xôi, kèm theo mấy miếng thịt lợn to để ăn dọc đường. Và lần đầu tiên đoàn tù được ăn rau cải xoong mát ngọt. Anh Trần Quốc Hoàn tổ chức biên chế lại từng tiểu đội. Anh chỉ huy chung. Anh Lê Trung Toản Tiểu đội trưởng được trang bị đầy đủ hơn và được phân công đi đầu. Cờ đỏ sao vàng may sẵn được giương lên. Bài ca du kích được hát vang: Anh em trong đoàn quân du kích, cùng vác súng lên nào!…

Tiểu đội anh Hoàng Tùng bố trí đi sau cũng giương cờ và hát vang Bài ca cách mạng.

Trước lúc lên đường, anh em tập hợp có hàng ngũ để chào cờ. Lần đầu được tự do chào cờ đỏ sao vàng, một không khí hào hứng phấn khởi lạ thường. Nhân dân Ngọc Chiến lần đầu tiên tiếp xúc với tù chính trị, thấy cờ đỏ sao vàng cũng lạ lùng, rồi hào hứng chào theo!

Ngọc Châu

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文