Nhớ những ngày bảo vệ Bác Hồ đi kháng chiến

08:04 01/09/2005

Một lần đi công tác từ  Phú Thọ qua Đoan Hùng đến Phố Hiên, Bác cùng anh em bảo vệ vào một căn nhà hoang để nghỉ và ăn cơm nắm cho bữa tối. Thấy một đồng chí bảo vệ định rút phên liếp để nhóm lửa đun nước, Người ngăn lại: “Chú đun nước mà lại phá hoại nhà dân, hơn nữa đêm hôm thế này đốt lửa không tiện”.

Mùa xuân năm 1947, cuộc kháng chiến bước sang tháng thứ 4, quân Pháp đã chiếm được Hải Phòng, Hà Nội và đưa quân ra thị xã Hà Đông, thị trấn Phùng để chuẩn bị chiếm Sơn Tây. Bác vẫn làm việc tại chùa Một Mái. Ngày 2/3, nhận được tin báo xe tăng Pháp đến gần khu vực Sài Sơn, chiều mồng 3, Bác chuyển đến Hoàng Xá nhưng xe tăng giặc đã chiếm bờ đê phía đối diện nên ngày mồng 4 Bác rời Sơn Tây. Qua đường ngã ba Xuân Mai thì chiếc xe ọc ạch không thể đi được nữa, Bác và anh em bảo vệ xuống xe đi tiếp bằng xe ngựa  thuê của dân.

Để đảm bảo bí mật, Bác quàng khăn che kín râu, tay xách nải chuối chín như một người dân tản cư. Thấy có tốp trẻ em chạy theo xe, Bác liền bẻ chuối chia cho các cháu. Tới bến phà Trung Hà vì quá nhiều xe nên anh em mời Bác đi đò rồi xe sang đón Bác đi tiếp đến đồn điền Bà Triệu. Buổi tối, anh em đưa Bác đến nhà cụ Hoàng Văn Nguyên ở Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ). Đêm ấy Bác thức khuya, đi bách bộ quanh vườn. Sáng sớm ngày 6/3, Bác cháu ngồi quây quần trên nền nhà đất, Bác nói: “Bây giờ chiến tranh mở rộng, chúng ta phải sinh hoạt quân sự hóa. Đến ở, giữ bí mật. Chuyển nhanh, không để lại dấu vết. Mỗi chú mang một chiếc balô để đựng những thứ cần thiết, tiện thể mang luôn cho Bác một cái để Bác đeo chiếc máy chữ...”.

Hồ Chủ Tịch với các cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ ở căn cứ địa Việt Bắc.
Để thể hiện quyết tâm kháng chiến của toàn quân và dân ta và cũng là để giữ bí mật, Người đã đổi tên cho cả 8 anh em là; Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi (trong số 8 người được Bác đặt tên thì người trẻ tuổi nhất là đồng chí Chiến, mới 21 tuổi, người nhiều tuổi nhất là đồng chí Kháng ngoài 30). Từ đó, khi ai chuyển đổi công tác, đồng chí khác vào đội cũng được mang tên của người đã ra đi và có ba người kế tiếp nhau mang tên Trường, hai người tên Nhất và hai người tên Thắng. Đồng chí Trường đầu tiên là Võ Chương, quê gốc ở Huế, có thành tích chiến đấu tốt nên được anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) chọn làm  bảo vệ Bác từ tháng 10/1945. Đồng chí Trường thứ hai là Nhất Văn Lâm người dân tộc Tày, đã từng chiến đấu ở Cao Bằng, có tài bắn súng trăm phát trăm trúng. Đồng chí Trường thứ ba là Phạm Văn Nền, lái xe cho Bác từ cuối năm 1946, sau kiêm cả làm liên lạc.

Đồng chí Kỳ còn gọi là Vũ Kỳ tên thật là Vũ Long Chuẩn đã từng tham gia phong trào thanh niên phản đế ở Trường Bưởi, bị bắt giam rồi  vượt ngục, được đồng chí Trần Đăng Ninh giới thiệu làm thư ký cho Bác từ tháng 8/1945. Đồng chí Kháng là Nguyễn Đăng Cao hay còn gọi là Lý, từng theo học một võ sư nổi tiếng ở Thái Bình giỏi côn, quyền, đao thuật và võ Tàu, được chọn bảo vệ Bác từ tháng 10/1945. Đồng chí Chiến là Tạ Quang Chiến đã từng hoạt động trong phong trào Thanh niên cứu quốc Hà Nội và còn được đồng chí Trần Quốc Hoàn giới thiệu bảo vệ Bác từ tháng 10/1945.

Đồng chí Nhất đầu tiên là Hồ Văn Trường, người dân tộc Tày, đã bảo vệ Bác từ trước năm 1945. Người thứ hai tên Nhất là Long Văn Nhất, dân tộc Tày ở Ba Bể. Là một thanh niên khỏe, nhanh nhẹn, dũng cảm, bắn giỏi và đặc biệt có tài đi ngựa luồn lách qua rừng rậm và núi cao, được đồng chí Võ Nguyên Giáp giới thiệu bảo vệ Bác từ năm 1948. Đồng chí Định tên là Chu Phương Vương, cũng người dân tộc Tày, có kinh nghiệm chiến đấu ở vùng rừng núi nên được đồng chí Đàm Quang Trung giới thiệu bảo vệ  Bác từ tháng 7/1945. Đồng chí Thắng thứ hai là Triệu Hồng Thắng, người dân tộc Dao ở Thái Nguyên, là người nhanh nhẹn, thông thạo địa hình rừng núi vì nhiều năm là giao liên và đặc biệt có quan hệ rất tốt với đồng bào các dân tộc. Đồng chí Lợi là Trần Đình, dân tộc Nùng, Cao Bằng, từng bảo vệ Bác từ khi Người về nước năm 1941.

Anh em vừa nhận tên Bác đặt xong, chị Thanh cấp dưỡng của đội đi chợ về, vội chạy lại hỏi: “Thưa Bác, thế Bác đặt tên cho cháu là gì ạ?”. Bác nói: “Cháu là người thứ chín trong đội, Bác đặt tên cho cháu là cô Chín”.

Trước thế mạnh của giặc, các cơ quan lãnh đạo và Bác lại trở về vùng Tuyên - Thái. Ở Cổ Tiết mấy hôm, Đội Tuyên truyền xung phong đưa Bác sang Chu Hóa, Lâm Thao, rồi chuyển đến Yên Kiệm, Đoan Hùng. Đột nhiên một buổi trưa đầu tháng 4, máy bay địch kéo đến oanh tạc có mục tiêu rõ ràng, anh em đi nắm tình hình dự đoán có chỉ điểm, thế là ngay rạng sáng hôm sau, anh em đưa Bác đến làng Xảo, Sơn Dương thuộc Tuyên Quang. Nhưng khi thấy địa điểm này không bí mật nên Người đề nghị anh em lui sâu vào rừng Bình Phú, dựng một cái lán dài dưới gốc cây cổ thụ khá kín đáo. Anh em ngăn đôi: một nửa để Bác làm việc, một nửa đội bảo vệ ở, đồng thời dùng làm phòng ăn, phòng họp. Vấn đề giữ bí mật được đề cao nhưng vì nhân dân biết chỗ Bác ở muốn đến thăm lại thành ra khó bí mật được lâu, do đó cứ nửa tháng, mươi ngày lại phải chuyển chỗ.

Công tác bảo vệ lúc này thêm nhiều vấn đề: phòng giặc, phòng gian, phòng cả thú rừng nữa. Đồng chí Hoàng Hữu Nam (Thứ trưởng  Bộ Nội vụ lúc đó) gửi biếu Bác hai con béc-giê để canh nhà nhưng chỉ được một thời gian ngắn đã bị hổ vồ mất. Sau, anh em thiết kế một tầng nữa để Bác ngủ và làm việc ban đêm, còn tầng dưới làm việc ban ngày, như vậy tránh được thú dữ và ẩm thấp của núi rừng. Thế nhưng, có đêm hổ vào sát lán Bác ở nên anh em phải chặt nứa ken làm hàng rào bao quanh cho an toàn.--PageBreak--

Tại địa điểm này, Bác giao cho anh em bảo vệ một nhiệm vụ đặc biệt là đào một cái hầm ngay dưới lán ở, lấy đất cho vào bao mang đổ hẳn nơi xa. Từ hôm rời Hà Nội, anh em bảo vệ phải mang theo 3 cái hòm sắt, phải hai người khỏe mới khiêng được, còn tài sản của Đội chỉ có mấy cái xe đạp cũ, xoong nồi và các thứ phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Kiểm tra hầm xong. Bác cho tìm ba hòm sắt có đánh dấu chữ thập bằng sơn trắng, giao cho hai đồng chí Định và Kháng đưa xuống cất ở hầm và Bác giao cho đồng chí Nhất trực tiếp trông coi cái lán ấy. Khi địch ném bom Tuyên Quang, anh em bảo vệ đưa Bác về Tân Trào nhưng đồng chí Nhất vẫn ở lại giữ cái lán này (mãi 4 năm sau, đồng chí Kháng đưa anh Cả và một số anh em khác quay lại đào mấy thùng sắt lên, thì ra đó là số tài sản quốc gia của nhân dân cả nước quyên góp được trong tuần lễ vàng để ủng hộ cách mạng kháng chiến kiến quốc. Bấy giờ, anh Nhất mới vỡ lẽ mình đã được Bác tin tưởng giao một nhiệm vụ quan trọng đến thế mà không biết.

Việc giao liên, cấp dưỡng đều do anh em bảo vệ chia nhau đảm đương. Có một trạm giao liên đón khách cách lán của Bác khoảng mấy trăm mét nhưng mỗi lần khách đến anh em đều tùy người mà dẫn đi theo các con đường khác nhau, lúc nhanh, lúc chậm cả tiếng để đề phòng địch theo dõi. Tháng 5, tình hình chiến sự bắt đầu phức tạp, anh em bảo vệ đưa Bác đến Điềm Mạch (Định Hóa, Thái Nguyên). Giai đoạn này, địch đang tập trung đánh phá cầu đường, oanh tạc khu vực có cơ quan kháng chiến, nhằm bao vây cô lập ta, chuẩn bị cho một chiến dịch tổng lực lớn, vì thế các đồng chí Trần Đăng Ninh và Nguyễn Lương Bằng đề nghị một trung đội Vệ quốc đoàn khoảng 30 người sang tăng cường bảo vệ vòng ngoài.

Sang năm 1949, cuộc kháng chiến của ta dần phát triển tốt, bộ phận bảo vệ Bác lại được bổ sung hai đồng chí nữa đều đã từng là Việt kiều ở Thái Lan, trong đó có một bác sĩ. Vẫn theo nguyên tắc bí mật và dân vận nên Bác lần lượt chuyển qua vài địa điểm khác nhau như Khâu Lấu - Yên Sơn - Lũng Tẩu an toàn, không có bất ngờ nào xảy ra. Anh em bảo vệ có đủ lực lượng để làm lán trại khang trang bố trí nơi ăn ở nhanh chóng và ổn định, các sinh hoạt hàng ngày của Bác đều đặn hơn.

Những lúc rỗi rãi, Người còn tập quyền, chơi bóng chuyền với anh em trong đội bảo vệ. Đến giữa năm thì đồng chí Chiến thay đồng chí Kháng phụ trách đội bảo vệ Bác, còn đồng chí Kỳ nhận công tác đặc biệt. Bác ở Khâu Lấu khoảng 3 tháng, cuối năm thì chuyển vào hang Bòng ngay gần đấy.

Đầu năm 1950, Bác chuẩn bị một chuyến đi sang thăm Liên Xô, Trung Quốc nhằm phát triển quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế giúp ta đẩy nhanh cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Ngày 1/1, theo chỉ thị của Bác, đồng chí Lâm Cẩm Như và hai cán bộ Lê Phát (cảnh vệ kiêm phiên dịch) cùng Ngô Vi Thiên (điện đài viên) lên đường trước để tiền trạm. Ngày 2/1, phái đoàn tập trung tại châu Tự Do và buổi chiều cùng ngày bắt đầu lên đường, bảo vệ tiếp cận Người có đồng chí Nhất. Chuyến hành trình hết sức nguy hiểm vì quân Pháp, Tưởng và các lực lượng ô hợp vẫn xuất hiện cướp bóc ở hai bên đường biên. Phái đoàn đi bộ, dắt ngựa vượt qua rừng từ Phục Hòa (Cao Bằng) sang chợ Thủy Khẩu (Trung Quốc) mới gặp bộ phận tiền trạm của đồng chí Lâm Cẩm Như. Ngày 19/1, đoàn đến Long Châu thuộc Quân khu Quảng Tây thì Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc phái một trung đội vũ trang đến nghênh đón và hộ tống Người đến tận Nam Ninh.

Từ nước bạn trở về, Bác lại làm việc tại khu vực hang Bòng. Thời gian ấy, Bác vẫn nằm chõng tre, không chịu nằm đệm, chỉ đắp chiếc chăn nhuộm nâu mặc gió rừng rét mướt, nhà cửa chỉ có vách nứa quây xung quanh, đêm hôm cũng chẳng có ai gác. Đồng chí Leophigiê, người của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp sang thăm, Bác nói với đội bảo vệ: “Ai lại để ông Cụ ngủ ở rừng gần thú dữ mà không có người canh gác”. Anh em báo cáo với Bác để tổ chức canh gác nơi ở, Bác nói: “Làm thế không được. Ai lại bắt người thức canh cho người ngủ”. Anh em bảo vệ bí mật tiến hành công việc nhưng Bác phát hiện ra và phê bình, anh em phải cầu cứu anh Cả để Thường vụ ra quyết nghị Bác mới chịu.

Tháng 9/1950, Đội Bảo vệ gồm 6 người chuẩn bị súng đạn, quân trang, gạo, thực phẩm để đưa Bác đi Chiến dịch Biên giới. Anh em chuẩn bị một con ngựa để Bác đi nhưng Người bảo: “Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một Bác cưỡi sao tiện!”. Anh em cố nài thì Bác quyết: “Thôi được, các chú mang theo ngựa để nó đỡ hộ balô, gạo. Trên đường đi ai mệt thì cưỡi”. Thế là Bác cháu bắt đầu vượt suối băng rừng tiến quân. Mấy ngày đi liên tục, Bác luôn động viên anh em bảo vệ bằng cách dạy học bài "Chinh phụ ngâm", kể những chuyện hoạt động cách mạng của Người. Qua thị xã Bắc Kạn mấy cây số thì gặp các đồng chí bảo vệ căn cứ địa chờ đón sẵn, mời Bác và anh em lên chiếc ôtô cổ lỗ chạy bằng than đỡ được rất nhiều sức. Đến đoạn đường tắt từ Lam Sơn sang Quảng Uyên, đột nhiên có một tiếng nổ, đạn rít ngay trên đầu, đồng chí Định thét to, ra lệnh tác chiến: “Trung đội 1 đánh vòng bên phải, Trung đội 2 đánh vòng bên trái, Trung đội 3 theo tôi! Xung  phong!”. Tất cả anh em cùng hét theo và xông lên nhưng phía trên đèo có tiếng kêu rối rít: “Đừng bắn, anh em nhà cả thôi!”. Hóa ra anh chị em du kích đi gác đêm bị cướp cò súng. Anh em bảo vệ đưa Bác về Nà Lạn, gần Đông Khê ở trong một hang đá. Đúng 6 giờ ngày 16/9, Bác lên đài quan sát Chiến dịch Biên giới mở màn.

Năm 1951, CQ41 (bí danh tên Cơ quan Phủ Chủ tịch) chuyển về  làng Mạ (chợ Đồn, Bắc Kạn). Dự Đại hội Đảng toàn quốc xong thì Bác quay lại Khâu Lẩu. Giai đoạn này, thế của ta đã mạnh, khu ATK mở rộng và tương đối vững vàng nên Bác đi thăm và làm việc nhiều địa phương thuộc chiến khu dễ dàng hơn. Sau Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 7, Nha Công an lại cử thêm người bổ sung vào Đội Bảo vệ Bác và đề phòng địch thất bại trên các chiến trường sẽ tìm cách đánh trộm, nên anh em bảo vệ đưa Bác về Hội đồng Chính phủ ATK Yên Sơn (cách thị xã Tuyên Quang hơn 40 km), nơi đây có nhiều hang đá rộng, núi cao, rừng rậm... khá an toàn. Lúc này chúng ta đã chuyển sang thế tổng phản công địch, những trận đánh quyết định đang diễn ra, ngày thắng lợi đưa Bác trở về Thủ đô không còn xa nữa...

Đỗ Hoàng Linh

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文