Nữ cựu tù nặng lòng với Côn Đảo

08:15 23/07/2015
Vết sẹo lành nhưng nỗi đau còn đó, biết bao con người đã hòa trộn máu xương ở hòn đảo này. Nước mắt không rửa sạch câu chuyện ngày hôm qua. Vì thế, hơn 30 năm qua, người cựu tù ấy vẫn âm thầm gánh trách nhiệm hương khói cho những đồng đội đang yên nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương.

 Trở về từ "địa ngục trần gian"

Chiều buông, nắng vàng rủ xuống Nghĩa trang Hàng Dương, tán phi lao xào xạc rợp trời, người cựu tù lê từng bước chân nặng nhọc, khẽ khàng cắm nén nhang lên những phần mộ. Với những người tù Côn Đảo, ký ức "địa ngục trần gian" luôn là một phần không thể thiếu trong lẽ sống cuộc đời của họ. Vì tình thương quá lớn với đồng đội đã hy sinh, bà Nguyễn Thị Ni (76 tuổi) đã trở thành nữ cựu tù Côn Đảo duy nhất sau giải phóng tình nguyện quay về "bám đảo".

Bà Ni sinh ra và lớn lên tại xã Tân Trung (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Những năm 1959 - 1960, bà tham gia phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre và Tiền Giang. Thời gian sau, bà thoát ly lên Sài Gòn làm biệt động thành. Năm 1971, trong một trận càn lớn của địch, bà bị chỉ điểm. Địch bắt bà ở Gò Công, lần lượt giam bà ở các trại Thủ Đức, Tam Hiệp. Trước sau như một, bà không hé răng nửa lời về cơ sở cách mạng. Cha bà bán hết gia tài lấy tiền mua chuộc cai ngục để đưa bà ra. Bà nói với cha rằng: "Con không bao giờ hối tiếc những việc đã làm. Cha mang tiền về lo cho các em khôn lớn. Con sống hay chết thì cha mẹ cũng không phải hổ thẹn đâu". Mọi đòn roi không thể khai thác được điều gì ở người tù Nguyễn Thị Ni, chúng đưa bà ra Côn Đảo hòng đè bẹp ý chí, bản lĩnh của người tù bằng đòi roi, tra tấn. 

Bà Ni (chống gậy) cùng các đồng đội viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương.

Bà Ni bị giam ở trại 2 (còn được gọi trại Phú Hải) cùng với nhiều chị em tù chính trị khác. Bà Ni nhớ lại: "Các ngón đòn tra tấn của các chúa ngục rất phong phú, đa dạng. Chúng thẳng tay đàn áp, đấm, đá vào bất cứ đâu trên thân thể, thậm chí vào cả vùng kín của chị em. Chúng tuyên bố: "Đánh cho chúng mày tiệt nòi". Những trận đòn và những cơn đau dường như cũng chai sạn đi. Chúng càng đánh, chị em càng đấu tranh phản đối dữ dội. Mỗi cuộc đấu tranh là một cuộc đàn áp đẫm máu. Buổi tối còn nằm chung chiếu, còn bới tóc cho nhau, nhường nhau miếng nước uống, chia nhau từng hột muối. Rồi có chị kiệt sức quá lịm đi trong đêm, chị em chúng tôi chỉ biết ôm chặt thi thể đồng chí mình mà khóc", gạt vội giọt nước mắt chực trào, bà Ni kể.

Chúng đổ vôi bột từ trên sàn xuống, dội nước nóng vào. Vôi trắng gặp nước sôi sùng sục trên khắp thân thể người tù, vệt cháy nham nhở trên da. Vết thương không được băng bó, không được gội rửa, lâu ngày mưng mủ, nhiễm trùng, nhiều chị em đã không qua khỏi. Là thế hệ tù ra sau, bà Ni được các chị ra trước truyền dạy kinh nghiệm chống lựu đạn cay bằng nước tiểu. Mỗi người có sẵn một chén nhựa nước tiểu, khi địch ném lựu đạn cay vào buồng giam đàn áp, lấy nước tiểu uống sẽ hết ngạt, dùng nước tiểu xoa đều lên hai mắt sẽ hết cay. Bằng cách này, chị em đã hạn chế được thương vong, tinh thần đấu tranh càng sôi động.

Quá căm phẫn với hành động tra tấn, bà Ni gào vào mặt một tên lính ngục: "Cùng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, cùng chung một giống nòi mà sao các anh tàn ác thế. Các anh đánh chúng tôi khác nào đánh cha mẹ, anh em của mình…". Vừa dứt lời, hai tên lính xông cửa vào đạp giữa ngực khiến bà ngã đập vào tường. Một tên kéo hai chân, một kéo hai tay lôi bà đi chụp hình vân tay, xét hỏi. Sau cuộc xét hỏi, chúng quẳng bà trở về buồng giam với thân xác không thể nhận ra. Quần áo rách tả tơi, máu  bê bết khắp người, hai bàn tay sưng vù vì bị chích điện.

31 tuổi, chưa một lần hò hẹn, ước duyên, nếu phải chết vì cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thì Nguyễn Thị Ni cũng không hề hối tiếc. Bà chỉ thấy thương và tiếc cho các chị đã có chồng con hoặc có người yêu đã hẹn thề mà không kịp trở về. Như chị Hương, chị Thanh, chị Cúc, chị Xuân… những người tù kiên trung đã hóa thân vào lòng đất Côn Đảo. Nhắc đến mấy chị ấy, bà Ni ôm mặt khóc òa lên như một đứa trẻ. Thương nhất là chị Xuân, chiến tranh vừa kết thúc, chị chưa kịp mỉm cười đã lặng lẽ về với cát bụi. Chị Xuân ra đi vì cơ thể không chống cự được với những vết thương do tra tấn, đánh đập.

Nặng lòng với đảo

Năm 1974, người tù Nguyễn Thị Ni được trao trả về Lộc Ninh (Bình Phước). Bà quay về quê hương Gò Công Đông mới biết tin ba người em đã là liệt sĩ. Sau giải phóng, bà Ni được phân công làm công tác công đoàn, hội phụ nữ ở quê nhà. Tuổi thanh xuân gửi vào cuộc chiến, chuyện chồng con lỡ làng, Nguyễn Thị Ni trở thành người đàn bà côi cút sau chiến tranh. Ngoài 40 tuổi, bà đã nghĩ đến việc sống an phận với đời, không chồng không con. Thế rồi trong một lần gặp mặt đồng hương, nhờ bạn bè hùn hạp vô, bà phải lòng ông Đỗ Nam Hoàn. Ông Hoàn lúc này đang là cán bộ nguồn ở đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được đưa đi học bồi dưỡng chính trị. Ông thương bà vì là người tù chịu nhiều mất mát. Tranh thủ thời gian nghỉ phép ông đưa bà về lại Côn Đảo thăm chiến trường xưa. Tròn 10 năm quay lại, Côn Đảo chưa có nhiều thay đổi. Chỉ có điều, Côn Đảo hôm nay đã không còn xiềng xích ngục tù, "địa ngục trần gian" giờ là hòn đảo hòa bình, yên ả. Việc đầu tiên bà nhớ và làm ngay đó là đến nghĩa trang Hàng Dương thắp hương cho các chị.

Bà đã ngồi hàng giờ bên bia mộ và khóc. Hạnh phúc, nhớ thương, đau đớn cứ hòa vào nhau. Bà tâm sự với chồng: "Em muốn ở lại Côn Đảo". Chồng đồng ý, bà về đất liền làm đơn xin chuyển công tác ra Côn Đảo ngay. Bà được phân công làm Phó thư ký Công đoàn huyện Côn Đảo (tương đương với chức Phó chủ tịch Công đoàn bây giờ). Chồng bà, ông Đỗ Nam Hoàn được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Huyện ủy Côn Đảo.

Bà Ni (giữa) thắp hương tri ân đồng đội.

Nguyễn Thị Ni hạnh phúc vì được gắn bó ở nơi một thời bị gông cùm, xiềng xích. Những trận tra tấn thừa chết thiếu sống, đến nỗi, cái thiên chức thiêng liêng nhất của một người phụ nữ, bà đã không bao giờ được nhận. Bà chẳng trách ai, nếu có trách thì chỉ trách chiến tranh gây ra. Là nữ cựu tù duy nhất bám đảo hơn 30 năm sau ngày giải phóng, bà Ni cho đó là một ân huệ với mình. Bà tâm sự: "Người tù Côn Đảo nào cũng có một nỗi nhớ da diết, đó là thăm lại nơi giam cầm và thắp nhang cho đồng đội. Riêng tôi hai nỗi nhớ ấy luôn được hiện thực hóa bằng hành động". Hễ nhớ đồng đội là bà Ni lại xách giỏ trái cây, cầm theo bó nhang đi bộ về Hàng Dương.

Hơn 30 cái Tết, hơn 30 ngày lễ kỷ niệm, chưa một lần nào bà quên cái nghĩa cử mà bà cho đó là trách nhiệm của mình. Có đêm không ngủ được, bà dậy từ lúc 4 giờ sáng cầm bó hương đi thẳng ra Hàng Dương. Trời đổ mưa tầm tã, bà đứng dưới hàng phi lao co ro trú ẩn. Tán phi lao không che mưa được cho bà, bà bị ướt từ đầu xuống chân, người run bần bật. Nhưng bà cố lần mò đến mộ các chị, quét dọn, thắp hương xong mới trở về. Lần đó, bà đổ bệnh, ốm mất mấy tuần. Chồng bà biết tính của vợ, thường hay đùa: "Đi đâu thì chậm chứ ra nghĩa trang thì không ai nhanh bằng bà ấy cả".

Dịp lễ năm ngoái, bà theo Đ­oàn thanh niên đi thắp hương ở nghĩa trang Hàng Dương. Vì thời gian có hạn nên đoàn chỉ làm lễ tại bia tưởng niệm. Sẵn thói quen, bà Ni cầm bó hương lao thẳng đến phần mộ những người đồng đội của bà. Bà đi mải miết, say sưa ngồi "nói chuyện" với mộ. Cả đoàn điểm danh thấy vắng bà thì tá hỏa đi tìm. Các bạn thanh niên thấy bà đang lọ mọ nhổ cỏ, nhặt lá quanh các ngôi mộ nữ tù đã thở phào nhẹ nhõm. Với bà, không có nỗi nhớ mà chỉ có tình thương nơi Hàng Dương xanh ngắt. Bà luôn miệng nhắc: "Thương các chị lắm".

Năm nào Ban liên lạc cựu tù Côn Đảo cũng tổ chức về nguồn, là dịp để mọi người gặp nhau, mừng vui khôn xiết. Hỏi bà có vui khi năm nào cũng được gặp lại đồng đội ở Côn Đảo? Bà trầm ngâm, xua tay: "Gặp nhau vui lắm nhưng lại nhớ thương nhiều hơn. Người còn sống thì có thể đi bất cứ đâu để gặp nhau. Còn người hy sinh thì mãi mãi nằm ngoài kia, gió sương buốt lạnh".

Đồng đội thương bà sống cô đơn trên đảo, hai thân già còm cõi tuổi xế chiều. Hễ gặp bà là ôm nhau khóc. Người cho vải, người cho quà động viên, an ủi bà. Bà Ni kể: "Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, một cựu tù Côn Đảo hay đến nhà thăm tôi lắm, bà ấy hỏi han động viên rất thắm tình. Ngoài ra còn các chị em khác không có điều kiện về đều gửi quà nhờ tôi thắp hương cho đồng đội".

Ngọc Thiện

Kyiv Independent ngày 21/11 (giờ Việt Nam) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng John Healey từ chối xác nhận các báo cáo về việc Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nhưng ông John Healey đồng thời nêu rõ các hành động của Ukraine trên chiến trường nói lên tất cả.

Sau khi đạt được thỏa thuận, Vũ cung cấp địa chỉ nhận vợt từ nạn nhân nhưng không gửi lại vợt như đã cam kết. Để tạo lòng tin, Vũ còn tạo các hóa đơn vận chuyển giả nhằm đánh lừa nạn nhân rằng mình đã gửi hàng. Sau khi chiếm đoạt được tài sản, Vũ nhanh chóng bán lại trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) khác để thu lợi bất chính.

Ông Lê Đình Thuần (SN 1972), Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Minh Rồng và Nguyễn Hữu Giảng (SN 1962), Phó Giám đốc công ty này đã bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam để làm rõ hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文