Ông tướng và chiếc ôtô "Made in Vietnam" trong chiến tranh

08:11 01/09/2005

Khi tôi đến, ông đang đứng trầm ngâm trên lan can tầng hai, nhìn xuống đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) ùn ùn xe cộ. Mắt sáng, tóc bạc, đôi tay vẫn săn chắc phần nào nói lên thời trai trẻ sôi nổi của ông.

“Thủa ấy chúng tôi đã sống bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết cách mạng và đã làm được những chiếc ôtô Việt Nam,” ông nói đầy vẻ tự hào.

Chiếc xe đầu tiên mang tên Quốc tế

“Tôi không hề có ý niệm phấn đấu trở thành một vị tướng, mà chỉ làm việc hết mình vì một niềm đam mê và thấy hạnh phúc khi đóng góp được một phần nào đó cho đất nước” - Thiếu tướng Vũ Văn Đôn mở đầu cuộc trò chuyện. Đã ngoài 80 tuổi nhưng ông không hề khó chịu với tiếng ồn thành thị và thỉnh thoảng vẫn đứng ở ban công, ngắm dòng xe qua lại tấp nập trên đường. Những đồng đội cùng thời với ông lý giải điều này vì gần cả cuộc đời ông gắn liền với công việc quản lý những chiếc xe và đặc biệt là ông đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt nghiên cứu chỉ đạo các xưởng sửa chữa, nhà máy ngành xe của quân đội làm được cả xe tải, xe 4 chỗ và xe máy có thể gọi là “made in Việt Nam” từ năm 1958.

Vào khoảng tháng 4/1949, là giai đoạn đầu tiên của ngành chế tạo xe Việt Nam và sự nghiệp của ông. Ông được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu gọi đến giao cho làm Giám đốc Nha Sự vụ Cục Quân giới. Vừa tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành (một trường dạy về cơ khí, kỹ thuật của Pháp) mới hơn 20 tuổi được chuyển sang làm đúng nghề, lại dưới quyền trực tiếp của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa là một cơ may không dễ có được đối với ông.

Bác Hồ đến xem chiếc xe chiến thắng mới chế tạo.

Ngày đó, bộ đội ta còn thiếu thốn trăm bề. Thường sau mỗi trận thắng, giày dép, quần áo... thu được của quân địch sẽ được trang bị lại cho quân ta. Nên nhiều chiến sĩ chỉ mong “vớ” được cái giày Pháp đi cho đỡ bị gai đâm vào chân. Mong muốn một cái giày đã khó nên chưa ai dám nghĩ sẽ được đi ôtô vì có vẻ giấc mơ ấy... xa vời quá. Ông là dân kỹ thuật, nhìn thấy quân ta sau cả tuần đi bộ mang vác, ai cũng mỏi mệt, hốc hác, ông “đau” lắm. Và từ nỗi đau đó, ông đã có ý định phải làm bằng được xe ôtô để tăng khả năng cơ động và tác chiến của quân đội.

“Lính tráng” nghĩ là làm, chẳng bao lâu, cơ hội đến và ông bắt tay ngay vào việc. Trong các chiến dịch, quân Pháp thua trận. “Lúc đó ra quốc lộ thấy xe ôtô Pháp hỏng vứt đầy đường”. Chẳng ai quan tâm đến những “đống sắt vụn” ấy. Riêng Vũ Văn Đôn thì khác. Ông tập hợp các cán bộ trong cơ quan đưa ra ý định sản xuất ôtô trong tương lai của mình. Ông nói: “Trước mắt ta chưa có phương tiện để chế tạo ôtô thì “lọc” các bộ phận còn tốt của những chiếc xe hỏng ra, lắp ráp lại”. Tính toán thì dễ nhưng bắt đầu công việc mới thấy khó. Ông Đôn cùng đồng đội phải vừa nghiên cứu vừa thực hành tháo các bộ phận xe lắp thành xe mới.

Xe bị bỏ lại vừa hỏng, vừa thuộc nhiều chủng loại của cả Pháp lẫn Anh, Mỹ. Để bình thường thì có vẻ còn tốt, song tháo ra lắp vào bộ phận khác thì lại không hợp. Mất mấy tháng “đánh vật” với bulông, pittông, bộ chế hòa khí,... cuối cùng, khi kiếm được xăng đổ vào, chiếc xe “tạp pí lù” khục khặc rồi... nổ giòn. Mọi người ồ lên. Và khi chiếc xe lăn bánh thì niềm vui vỡ òa. Dân bên đường chạy theo xe hò hét hàng cây số mới dừng. Thế là, Chính phủ kháng chiến có chiếc ôtô đầu tiên. Do được lắp ráp từ nhiều phụ tùng khác nhau nên chiếc xe được đặt tên là: Quốc tế. Và gần như ngay lập tức, nó được khai thác tối đa. Quốc tế đã đưa Hồ Chủ tịch đi thăm bộ đội tham gia chiến dịch Biên giới, chở vũ khí, đi đón đại diện Đảng Cộng sản Pháp sang thăm...

“Đến nay, Quốc tế vẫn còn đấy, được trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần. Để lâu ngày rồi nhưng nếu sửa qua, đổ xăng vào chắc nó vẫn chạy” - nét mặt Thiếu tướng Vũ Văn Đôn giãn ra khi nói xong một phần câu chuyện.

Gian khó và niềm vui xe ôtô "made in Việt Nam"

Sau 1954, ông Vũ Văn Đôn được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quản lý xe (Bộ Quốc phòng). Ông lập tức bắt tay vào thành lập những xí nghiệp sản xuất phụ tùng. Tiếng là để làm thiết bị thay thế khi xe viện trợ bị hỏng nhưng “tâm” của ông Đôn vẫn muốn “liều” tự làm một chiếc ôtô. Qua những trục trặc của lần làm xe Quốc tế, ông và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đã nắm rõ hơn cấu tạo, cơ chế hoạt động của xe. Lần này, ông muốn làm một chiếc ôtô 4 chỗ. Giao cho mỗi xí nghiệp một vài chi tiết, trong đó Nhà máy Chiến Thắng làm chủ công.

Đúng ngày 22/12/1958, tại nhà máy này, chiếc ôtô đầu tiên (4 chỗ ngồi) do người Việt Nam sản xuất, dù chưa phải 100%, đã ra đời. Nó trông “xịn” không kém loại Matxcơvic của Liên Xô lúc bấy giờ. Bác Hồ hay tin đã đến xem. Và chiếc xe đã vinh dự được mang biển số: QS - 0001 (Quân sự, số 1).

Chế tạo được ôtô rồi, tướng Vũ Văn Đôn đã nghĩ ngay đến việc thử làm một chiếc xe máy. “Nghĩ được là làm được”, ông quan niệm như vậy, tất nhiên là phải biết vượt qua những gian khó bước đầu. “Thế hệ chúng tôi chỉ biết làm việc mà không nghĩ đến các thứ khác, nên không lâu sau, chiếc xe máy có tên Ấp Bắc đã “ra lò”. Ấp Bắc có tốc độ trung bình đạt 50-60km/giờ, tiếng nổ giòn và rất khỏe, chạy đường gồ ghề rất tốt”. Thành công tạo ra niềm vui và niềm tin mới càng thôi thúc tướng Đôn và đồng đội quyết tâm làm một chiếc xe ôtô “thực sự của Việt Nam”.

Chiếc xe máy đầu tiên của Việt Nam mang tên Ấp Bắc.

Được cấp trên ủng hộ, tướng Đôn giao cho Nhà máy Z159 làm pittông, vòng bi, cần số; Nhà máy Z179 làm sắt xi, gầm xe. Nhà máy nào có vướng mắc, ông Đôn trực tiếp xuống giải quyết, bàn cách làm mới. Các bộ phận bên trong tạo động lực cho xe chạy đã xong. Thử thách còn nhiều. Phần lốc xe, có nhiều chi tiết gồ ghề, rất khó chế tạo. Sau gần 500 ngày gia công không thành, có người đã muốn lắp đại phụ tùng của xe Liên Xô vào. “Phải tìm mọi cách để chiến thắng”, ý chí sắt đá đó giúp ông Đôn đủ kiên nhẫn để lặn lội tìm những thợ thủ công giỏi nhất về hướng dẫn rồi cùng họ làm. Đạt hình thức thì khả năng chịu áp lực kém. Lại nghiên cứu khắc phục, cuối cùng, chỉ còn một chi tiết: trục khuỷu chưa làm được. Trong một chuyến sang thăm Rumani, tướng Vũ Văn Đôn mày mò hỏi han, ngắm nghía. Trở về nước, ông đã chỉ đạo cán bộ, công nhân lắp ráp thành công chiếc xe.

Một ngày cuối năm 1971, gần như toàn thể cán bộ trong Cục Quản lý xe tập hợp ở Văn Điển để xem xe chạy thử. Kết quả ngoài mong đợi, xe không hề có trục trặc gì xảy ra. Đó là chiếc xe hoàn hảo nhất với phần lớn thiết bị do Việt Nam chế tạo. “Lúc đó, mừng quá, tôi và một số cán bộ đã khóc” - Tướng Vũ Văn Đôn xúc động nói. Mấy hôm sau, chiếc xe được điều “đi B” và được mang tên Trường Sơn.

Không phụ lòng kỳ vọng, Trường Sơn đã hoạt động tốt cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đã hơn 30 năm kể từ ngày chiếc Trường Sơn ra đời, mỗi lần nhắc đến nó ông lại nhớ về một thời không thể nào quên. Ông mong muốn rằng trong một tương lai không xa, nước ta sẽ sản xuất được hàng loạt ôtô và các loại xe máy khác phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và nâng cao đời sống nhân dân

Cẩm Văn Kình

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Do lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình quan tâm chăm sóc nhưng đồng chí Đặng Thị Cẩm Thúy đã từ trần hồi 15h 20 ngày 01/5/2024 (nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an.

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文