Thiếu tướng Cao Phòng và mối tình với cô gái Tày “cầm đàn lên đỉnh núi”

16:00 14/09/2006

Trong ngành Công an, Thiếu tướng Cao Phòng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an đã trải dài qua 2 cuộc kháng chiến: chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Có một điều mà giờ đây còn ít người biết đến, đó là mối tình của ông với một cô gái dân tộc Tày, Tỉnh Cao Bằng.

Vượt qua hơn 400 Km đèo dốc, trong suốt chuyến đi làm từ thiện  từ Hà Nội đến Cao Bằng, rồi từ thị xã Cao Bằng về huyện Nguyên Bình, nơi ra đời đội tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của quân đội ta), bà Lê Thu, nguyên là chiến sĩ trinh sát của Nha Công an Trung ương ngày ấy và sau này là phó đoàn ca múa nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, phu nhân của tướng Cao Phòng đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thật cảm động và thi vị về mối tình của vợ chồng bà tại chiến khu Việt Bắc vào những năm đất nước còn gian khó.

Từ lời tỏ tình của anh đại đội phó Đại đội bảo vệ ATK

Ngày ấy, theo bà kể thì Tổng hành dinh của Nha Công an Trung ương đóng tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trước khi trở thành một cán bộ của nha Công an, bà đang hoạt động trong phong trào thanh niên xung phong tỉnh Cao Bằng. Tên thật của bà là Đào Thị Đoan, người dân tộc Tày. Đầu năm 1947, do yêu cầu của việc xây dựng và phát triển lực lượng Công an, Nha Công an Trung ương cử người về một số địa phương để tuyển cán bộ.

Là một cô gái tày xinh đẹp, nhanh nhẹn và đặc biệt là có năng khiếu văn nghệ, cô gái Đào Thị Đoan ngày ấy đã nhanh chóng lọt vào mắt người được giao đi tuyển lựa. Trở về Nha Công an, không hiểu vì lý do gì, cái tên Đào Thị Đoan đã đẹp vậy mà ông Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương Lê Giản lại đặt cho bà cái tên mới Lê Thu. Cái tên ấy đã theo sát trong cuộc đời hoạt động cách mạng của bà.

Tại Nha Công an, sau khi trải qua một lớp huấn luyện ngắn, bà được giao nhiệm vụ là thư ký cho ông Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương. Nói là công tác ở Nha Công an Trung ương, nhưng thời điểm đó dường như không một ai được nhận lương hàng tháng. Cuộc sống khó khăn vô cùng. Mọi cái đều phải tự cung tự túc và sống dựa vào dân. Ngoài giờ làm việc, mọi người phải tăng gia để cải thiện bữa ăn đạm bạc hàng ngày; nhưng cuộc sống thì lúc nào cũng lạc quan. Giữa núi rừng Việt Bắc, ai ai cũng giữ được nếp sống hồn nhiên và niềm tin vào ngày chiến thắng.

Do có năng khiếu về văn nghệ, thời đó bà là một trong số những diễn viên nòng cốt trong đội văn nghệ của Nha Công an Trung ương. Tại các đêm lửa trại, nhiều bài hát do bà trình diễn đã làm đắm say bao chàng trai. Nhưng rồi trái tim bà chỉ thuộc về một người, đó là anh đại đội phó đại đội độc lập bảo vệ An toàn khu Cao Phòng. Đó là một chàng trai thông minh, đẹp trai và đầy tố chất đàn ông.

Sau này khi thành vợ, thành chồng, bà chuyển sang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, khi nhạc phẩm “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi” ra đời, bà là ca sĩ đầu tiên được đài lựa chọn thu và phát hài hát này trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Lời ca ấy như một chất xúc tác ngấm vào máu thịt của chồng bà. “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi” đã theo sát ông trong mỗi một chiến công.

Đến đám cưới đầu tiên ở chiến khu

Tình yêu của bà với Tướng Cao Phòng bắt đầu nảy nở ở chiến khu Việt Bắc. Cũng như bao mối tình khác, tình yêu ấy bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên khi bà vừa từ Cao Bằng về chiến khu để học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Và tại lớp bồi dưỡng ấy, người thày giảng dậy không ai khác chính là anh Đại đội phó bảo vệ ATK Cao Phòng. Ông nhìn bà, bà nhìn ông để rồi những ngày tiếp theo là tâm trạng thầm yêu trộm nhớ xuất hiện ở trong tâm trí của 2 người.

Trong hoàn cảnh kháng chiến cả 2 người đều nhận ra rằng, tình yêu gắn liền với Cách mạng. Đến cuối năm 1949,  theo bà kể, “Sau khi kết thúc một chuyên án, trong một lần ngồi bên một bờ suối, anh Cao Phòng ngượng ngịu hỏi tôi: “Em có yêu anh không?”. Giữa lúc tôi còn đang tâm trạng bối dối, thì anh đã đặt tay lên bờ vai của tôi. Không thấy tôi có phản ứng gì, anh hiểu rằng, tôi đã chấp nhận tình yêu của anh”.

Thế rồi, thời gian trôi đi, đám cưới của họ được tổ chức gắn với một sự kiện lịch sử khá đặc biệt. Đó là vào những ngày tháng 1 năm 1950; thời điểm diễn ra hội nghị công an toàn quốc ở căn cứ địa Việt Bắc. Dịp ấy nhân sự kiện quan trọng này với sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo công an các địa phương, mọi người đã gợi ý đôi uyên ương Cao Phòng và Lê Thu nên làm đám cưới để mọi người cùng tham dự.

“Không hẹn mà lên”, bà Lê Thu nhớ lại, ngày 18/1/1950 Hội nghị Công an toàn quốc bế mạc, thì ngay ngày hôm sau (19/1) đám cưới của bà với anh Đại đội phó Cao Phòng được tổ chức. Người chủ hôn đám cưới đáng nhớ ấy là ông Lê Giản, Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương lúc bấy giờ. Đây là một đám cưới đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc, đơn giản mà đông vui.

Trước ngày cưới đồng chí Phạm Hùng, lúc đó là giám đốc Công an Nam Bộ tặng cô dâu, chú rể một tấm vải để may đủ bộ đồ cưới cho 2 người; nhưng vì thời gian quá gấp gáp nên họ không kịp may. Do vậy đến ngày cưới, quần áo của cô dâu, chú rể đều phải đi mượn của vợ chồng ông Gia Nội.

Còn đồ ăn, thức uống, phục vụ đám cưới được hưởng lộc của Hội nghị Công an Toàn quốc. Khách dự đám cưới, ngoài các đại biểu dự hội nghị Công an toàn quốc, vinh dự cho họ còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, quân đội và các ngành đang làm việc ở chiến khu Việt Bắc. Một số đồng chí lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp v.v… do bận công việc không dự được đều gửi quà tặng cho cô dâu, chủ rể.--PageBreak--

Sau ngày cưới, do khó khăn về chỗ ở nên Nha Hậu cần thuộc Nha Công an Trung ương cho vợ chồng bà một chiếc lán nhỏ vài ngày để hưởng tuần trăng mật; còn sau đó tất tần tật đều phải ăn, nghỉ tập thể ở nơi doanh trại dành cho các cán bộ, chiến sĩ công tác ở Nha Công an Trung ương.

Mãi về sau này, thấy thương hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ, Phó Thủ tướng Phan Kế Toại đã có ý kiến chỉ đạo sắp xếp cho vợ chồng bà được ở một phòng nhỏ trong căn nhà gần khu văn phòng Chính phủ. Ổn định chỗ ở được ít ngày, theo chỉ đạo của Nha Công an Trung ương, bà Lê Thu được giao nhiệm vụ đột nhập vào hoạt động ở nội thành Hà Nội. Mỗi chuyến đi là gắn liền với biết bao cực nhọc và nguy hiểm. Có chuyến công tác kéo dài hàng tháng. Để lọt vào vùng địch kiểm soát bà phải làm giả căn cước và đóng giả là người buôn chuyến từ Cao Bằng về Hà Nội, nhờ vậy mà thoát nạn trong vòng vây của địch.

Tại Hà Nội, do có mối quan hệ sẵn với một số gia đình giàu có gốc Cao Bằng và được cơ sở của ta cài cắm từ trước trong nội thành giúp đỡ sau mỗi chuyến công tác, bà đều thu thập được khá nhiều tin tức và gom góp được một số tài sản như thuốc tân dược, đồ ăn, thức uống v.v... phục vụ cho cuộc sống; chiến đấu và sinh hoạt ở chiến khu. Cứ như thế, mỗi chuyến đi là mỗi lần giúp bà có thêm kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ trinh  sát.

Đó là chuyện của bà, còn người chồng, sau ngày cưới, theo yêu cầu của công tác an ninh, ông cũng thường xuyên phải xa nhà để đến với nhiều địa phương điều tra các vụ án góp phần vào thắng lợi cho các chiến dịch, đảm bảo an ninh - trật tự ở các địa phương. Cuộc sống của vợ chồng bà cứ thế kéo dài cho đến khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc.

Tài sản để lại của vị tướng là một sổ tiết kiệm 65.000 đồng

Theo bà Lê Thu thì sau ngày miền Bắc được giải phóng, do có năng khiếu về văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam đã xin bà về công tác tại đoàn ca múa nhạc của Đài. Từ một cán bộ công an trở thành một nghệ sĩ, sự nghiệp ấy đã theo sát bà từ năm 1955 đến thời điểm bà nghỉ hưu (1990).

Về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, bà có niềm vinh dự là được cùng các nghệ sĩ của đoàn ca nhạc thường xuyên được vào phủ Chủ tịch phục vụ Bác Hồ vào các ngày lễ, Tết hoặc lúc Bác tiếp các đoàn khách quốc tế và được nghe Bác nói chuyện. Cũng trong thời gian công tác ở đây, bà và các nghệ sĩ trong đoàn đã có hàng trăm chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ ở mọi miền đất nước. Mỗi chuyến đi là gắn liền với biết bao kỷ niệm về tên đất, tên làng.

Đặc biệt là thời kỳ Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, không quản sự hy sinh gian khổ, những nghệ sĩ của Đài tiếng nói Việt Nam, trong đó có bà Lê Thu đã vượt qua biết bao thử thách, giữa tiếng gầm xé của máy bay và đạn bom, những lời ca, tiếng hát do các nghệ sĩ thực hiện đã trở thành món ăn tinh thần, vũ khí sắc bén để động viên đồng bào, chiến sĩ ra ngoài mặt trận đánh thắng kẻ thù.

Cũng như bà, thời đất nước có chiến tranh, người chồng của bà - ông Cao Phòng cũng luôn bận rộn với biết bao công việc của người chiến sĩ công an. Khi đã giữ cương vị Cục trưởng Cục chấp pháp, rồi Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Nhân dân, công việc hàng ngày của ông nhiều thêm. Giờ đây tại Cục hồ sơ cảnh sát và an ninh của Bộ Công an; người ta vẫn còn lưu giữ khá nhiều vụ án lớn có bút tích của ông. Đó là những trang hỏi cung các đối tượng sừng sỏ, trong các vụ án lớn, những công văn, ý kiến chỉ đạo của ông. Niềm đam mê công việc khiến ông quên đi tất cả, ngay cả căn bệnh ung thư quái ác dày vò.

Biết mình bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, nhưng ông vẫn lạc quan. Ông dấu người vợ và các con thân yêu của mình dường như đến giờ phút cuối cùng. Chỉ đến khi, sức khoẻ của ông không còn chống lại được nỗi đau của số phận, ông mới chịu đầu hàng. Ông mất đi trong niềm thương tiếc vô hạn của những người đồng chí, đồng nghiệp, những người thân trong gia đình và bà con nơi ông từng gắn bó và hoạt động, trong số đó có cả những người mà khi còn đương nhiệm ông đã giải oan cho họ. Một điều khiến nhiều người ngạc nhiên hơn cả là ngày ông mất, người ta thấy tài sản riêng của ông để lại cho vợ con ông, ngoài mấy bộ quần áo, cái tủ gỗ cũ kỹ và một sổ tiết kiệm mang tên ông với số tiền : 65 nghìn đồng. Chứng kiến sự việc đó, nhiều người đã phải thốt lên rằng, ông là một vị tướng công an tài ba, đức độ và liêm khiết

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文