Câu chuyện về người lính Cảnh vệ
Giọng ấm, dõng dạc và nhiệt tình. Đó là những cảm nhận đầu tiên khi tôi được trò chuyện với Trung tá Vũ Thanh Khương, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc nhiệm (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an). Trải qua quá trình công tác, cống hiến cho ngành, anh đã đạt được nhiều thành tích, được lãnh đạo cấp trên tin tưởng, được đồng nghiệp và cấp dưới yêu mến.
Cái duyên với lực lượng Cảnh vệ
Nếu không mặc trang phục Công an nhân dân, nhìn anh Khương không khác một diễn viên. Song, ở anh, đôi mắt sâu thẳm có cái gì đó rất "nhà nghề" - tháo vát, tinh tường. Anh - một người có duyên và khát vọng với ngành Công an, đã và đang tích cực phấn đấu cho khát vọng ấy. Lật ngược thời gian, vào tháng 12/1999 anh Khương xin đi lính nghĩa vụ và may mắn được đứng trong lực lượng Cảnh vệ. Sau ba tháng huấn luyện tân binh (tại ngõ 1B Bách Thảo, quận Ba Đình) anh được về làm việc tại Trung đoàn 600.
Ở đó, anh Khương có hai năm đứng tiêu binh danh dự tại Khu di tích nhà sàn Bác Hồ, bảo vệ Khu di tích Phủ Chủ tịch. Các chiến sĩ được chọn đều là những người có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, sức khỏe dẻo dai, quân dung, hình thể cân đối, đủ chiều cao theo quy định… Hồi tưởng quãng thời gian này, mắt anh Khương đăm đắm: "Đó là những năm tháng đầu tiên bước vào làm công việc, như một cái duyên và cũng là khát vọng đứng trong lực lượng Công an nhân dân. Lúc đó, tuy mới là lính nghĩa vụ, nhưng tôi đã luôn thấy sự thôi thúc về lý tưởng phục vụ trong ngành".
Hết thời gian nghĩa vụ, tháng 10/2002 anh được chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp, và vẫn may mắn được làm việc tại Trung đoàn 600. Đây là trung đoàn gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những trang sử chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước của Đảng và nhân dân ta. Song, những nấc thang của người chiến sĩ yêu nghề chưa dừng ở đó. Đến tháng 10/2003 anh được cấp trên tạo điều kiện cho đi học Trường Trung cấp An ninh nhân dân 1.
Thời gian học tập tại đây anh được học kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ Công an và rèn giũa phẩm chất chính trị, đạo đức. Sau hai năm học tập, anh tiếp tục được về công tác tại Trung đoàn 600 và đến ngày 1/1/2007 được điều động về công tác tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh vệ (Bộ Tư lệnh cảnh vệ) vì có năng khiếu bắn súng. Sau hai năm công tác, giành được nhiều thành tựu trong công việc, anh được bổ nhiệm làm Phó đội trưởng Đội huấn luyện và năm 2010 được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội huấn luyện.
Trong quá trình dạy kỹ thuật bắn súng, thì trình độ, kỹ năng của anh Khương cũng được nâng cao. Bắn súng trong các điều kiện thiếu ánh sáng hay khi có các vật cản ở cự ly gần là những bài bắn thường xuyên được luyện tập. Rồi phải dạy cho chiến sĩ lực lượng Cảnh vệ tập bắn súng ở các cự ly, tư thế, điều kiện khác nhau.
Với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập", anh Khương cũng đã từng trải qua quá trình tập luyện gian khổ để có thể đạt được kỹ năng điêu luyện tại trường bắn Bắc Ninh, trường bắn Xuân La (Tây Hồ - Hà Nội)... Đồng thời phải rèn luyện võ, nhằm nâng cao khả năng chịu đựng cho mỗi người trước các đòn đánh của đối tượng tác động vào các bộ phận trên cơ thể của con người. Đồng thời, nâng cao sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, nhằm tạo hiệu quả cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Để trở thành một sĩ quan Cảnh vệ tinh thông võ thuật, bắn súng điêu luyện, chính xác cả hai tay, dũng cảm, bản lĩnh, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ yếu nhân, đòi hỏi cả một quá trình rèn luyện vô cùng gian khổ, vượt qua thử thách, có năng khiếu, có niềm đam mê. Ngoài huấn luyện bằng những giáo trình đặc biệt riêng của lực lượng Cảnh vệ, các sĩ quan còn thường xuyên được cử đi học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác Cảnh vệ tại nước ngoài, được mời thầy ở nước ngoài về đào tạo. "Sĩ quan Cảnh vệ phải thông thạo ngoại ngữ, am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, tôn giáo của từng quốc gia, từng nguyên thủ mình trực tiếp bảo vệ để có ứng xử phù hợp. Để đạt được những tiêu chuẩn này, các sĩ quan Cảnh vệ phải trải qua quá trình đào tạo, khổ luyện công phu, bài bản", anh Khương nhấn mạnh.
Ghi nhận những đóng góp của Khương, ngày 24/6/2015 cấp trên bổ nhiệm anh làm Phó giám đốc Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh vệ, phụ trách công tác huấn luyện. Đến tháng 9/2021 anh được điều động làm Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc nhiệm, đây cũng là môi trường tốt để anh tiếp tục được rèn luyện trong những thử thách mới. Nói về đồng nghiệp, Đại tá Nguyễn Văn Tiệc, Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc nhiệm (Bộ Tư lệ Cảnh vệ) chia sẻ: "Đồng chí Khương là cán bộ trẻ, có kỹ thuật, có chuyên môn bắn súng, được cấp trên trưng dụng đi tập huấn cho các chiến sĩ ở nhiều địa phương trên cả nước. Anh cũng là người trách nhiệm, yêu nghề".
Tài năng bắn súng
Quan sát cách anh dạy, đào tạo chiến sĩ, tập huấn càng thấy để đào tạo được một chiến sĩ tinh nhuệ, mình đồng da sắt phải trải qua nhiều thời gian, công phu, đồng thời phải truyền được cảm hứng cho các học viên. Trong quá trình công tác, Trung tá Vũ Thanh Khương luôn hết mình với công việc. Nhớ lại quãng thời gian được đào tạo, dạy chuyên môn, anh Khương chia sẻ: "Bắn súng là một môn học khó cần đến thể lực, sự khéo léo và mạnh mẽ. Trong các buổi học tại thao trường, học viên sẽ có cơ hội thực hiện thao tác lắp đạn vào súng và bắn súng. Môn bắn súng ngắn cũng góp phần rèn luyện tinh thần, ý chí, lòng quyết tâm, dũng cảm cho cán bộ, chiến sĩ".
Còn nhớ, một lần tập huấn ở nước ngoài với bài bắn là bắn vào lưỡi dao. Người ta sử dụng lưỡi dao bằng thép cứng đến mức phải chém được thép. Anh Khương đã bắn và đầu đạn chẻ đôi, xuyên qua tờ giấy A4 đặt sau dao, để lại hai lỗ trên tờ giấy. Đây là một bài bắn khó, nhiều người tưởng đó chỉ là chuyện hư cấu trên phim ảnh. Nhưng đây là sự thật mà với sự tập luyện tốt người chiến sĩ Cảnh vệ có thể đạt được.
Một lần tập huấn đáng nhớ khác, vào năm 2010, một đoàn gồm những xạ thủ giỏi bắn súng của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đi tập huấn tại Nga. Một đơn vị bảo vệ Tổng thống của Nga trao đổi nghiệp vụ với Cảnh vệ Việt Nam. Nước bạn giới thiệu một người được đánh giá là người bắn súng giỏi nhất tại Nga, có bốn lần vô địch châu Âu. Anh Khương nhớ lại, hôm đó, xạ thủ nước bạn biểu diễn bài bắn ở cự ly hơn 10m, bắn vào bao thuốc lá. Xạ thủ nước bạn giỏi đến mức từ lúc nghe đồng hồ, mở khóa, rút súng, mở chốt và bắn, tất cả thời gian chỉ là 1,2 giây. Tức là chỉ trong nháy mắt. Nhiều người có mặt tại đó toát mồ hôi. Cũng xạ thủ này thực hiện một bài khác, là bắn liên tiếp năm viên cũng chỉ hết 3,7 giây. Anh Khương kể: "Bản thân tôi lúc đó cũng thấy sợ toát mồ hôi. Sao người ta có thể có kỹ năng tuyệt vời đến vậy!".
Thế rồi, anh Khương tự nhủ, mình phải tập ngay tại Nga. Tập đi tập lại, sao cho khẩu súng-cánh tay-bộ óc người trở thành một thể thống nhất. Khẩu súng không chỉ còn là một thứ vũ khí nữa, mà trở thành một giác quan của con người. Thành một thứ có mắt. Chỉ cần giơ súng lên, viên đạn ra khỏi nòng và trúng đích. Sau ít ngày, anh thực hiện thành công bài bắn ở cự ly hơn 10m với thời gian là 1,4 giây. Có được kinh nghiệm, anh lại xây dựng giáo trình, bài giảng dạy học trò, chiến sĩ Cảnh vệ theo đúng với yêu cầu của Cảnh vệ Việt Nam.
"Để bắn giỏi phải rèn bản lĩnh, tập bắn mười phát mà như một. Với thời gian ngắn như thế, để bắn liên tiếp là không đơn giản. Với bài bắn năm viên, chỉ thực hiện một phát đầu thôi là súng đã giật mạnh. Nếu không có kỹ năng thì lại phải ngắm lại từ đầu, như thế thì mất rất nhiều thời gian. Muốn bắn được thì phải rèn được phản xạ, sự thống nhất từ đầu, vai, khuỷu tay, cổ tay", anh Khương chia sẻ.
Không chỉ công tác tốt, anh Khương còn tham gia các cuộc thi bắn súng trong các kỳ Đại hội thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", Đại hội thi đua yêu nước và đạt giải cao. Năm 2010, tham dự Đại hội thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" lần VI, anh Khương giành huy chương vàng huy chương đồng môn bắn súng. Năm 2015, với quân hàm Đại úy, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh vệ, anh Khương tham dự Đại hội thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" lần VII và đã đạt Huy chương vàng (đồng đội), huy chương đồng (bắn nhanh), huy chương đồng (phối hợp). Tại Hội thi Điều lệnh, bắn súng, võ thuật Công an nhân dân, về bắn súng cả nước có 10 bộ huy chương thì các chiến sĩ Cảnh vệ giành 6 bộ.
Về công tác tại Trung đoàn Đặc nhiệm, anh Khương luôn mong muốn có những cống hiến cho lực lượng, đạt được những thành tích tốt nhất.