Hào khí Thăng long ngàn năm sáng

12:00 04/10/2024

Đường Điện Biên Phủ (Ba Đình - Hà Nội) nằm trong tuyến phố mới được quy hoạch tổng thể (năm 1894) chạy suốt từ Quảng trường Ba Đình tới dốc Bác Cổ (Trần Quang Khải - Hoàn Kiếm). Tuy nhiên, hiện nay đường phố Điện Biên Phủ chỉ dài chừng 1.150 mét, rộng 14 mét.

Cuối đường ngã năm nối với đường Độc Lập (dẫn tới Nhà Quốc hội); còn đầu phố ngã năm thẳng phố Tràng Thi về Nhà hát Lớn Hà Nội. Phố có hàng cây xà cừ lớn luôn tỏa bóng bên những tòa biệt thự cổ thơ mộng và trầm tư.

Những dấu tích ngàn năm

Theo bản đồ cổ thời Nguyễn, đường phố Điện Biên Phủ cắt chéo góc phía nam Thành Hà Nội (tại ngã tư Trần Phú). Vì thế công viên Lê Nin (một thời có tên là Chi Lăng) bị xẻ thành hình tam giác. Trước kia công viên là một hồ rộng lớn nằm bên trong tường thành phía nam (chính là đường Trần Phú). Đây là Hồ Voi (tắm cho voi của đội tượng binh trong thành) ở hướng tây nam trước mặt Cột cờ Hà Nội.

Theo quy hoạch lấp hồ để làm đường và xây công viên. Đường Điện Biên Phủ chạy qua đất lấp hồ nối thẳng với phố Tràng Thi. Do đó đoạn còn lại chính là đầu phố Trần Phú theo hướng đông nam cắt đường Phùng Hưng. Đoạn đường này có cổng Đông Nam thành Hà Nội cùng những công sự kiên cố bảo vệ. Nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng của danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800 -1873) đánh quân Pháp.

Ngã năm cuối phố Điện Biên Phủ.

Đây là cuộc tấn công chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất của giặc Pháp (20/11/1873). Tướng Nguyễn Tri Phương đã bị trọng thương và sa vào tay giặc. Ông từ chối uống thuốc điều trị của chúng và tuyệt thực tới khi mất. Người anh hùng thể hiện chí khí quật cường với câu nói: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Ông qua đời ngày 20/12/1873.

Phần đầu đường Điện Biên Phủ đi qua phần đất máu lửa này kết nối với đường Tôn Thất Thiệp đi tiếp vào cổng thành xưa. Hình ảnh con phố tráng lệ luôn ẩn giấu những công sự huyền tích hai bên đường: “Từng viên gạch cổ lên hương/ Thời gian chôn lấp con đường ta đi/ Tường rêu thành quách xanh rì/ Giật mình cát bụi gọi về ngàn năm” (thơ Phồn Xương).

Gần cuối đường Điện Biên Phủ còn có huyền tích di sản Võ Miếu, nằm trong khu vực đất tây nam kinh thành. Võ Miếu thờ phụng các bậc anh hùng dân tộc đại võ công, các vị võ tướng, tiến sĩ võ có công to lớn đánh đuổi ngoại xâm. Nơi đây, đã xảy ra sự kiện Tổng đốc Hoàng Diệu (1829-1882) tự vẫn sau khi không duy trì được cuộc chiến chống giặc Pháp tấn công chiếm thành Hà Nội lần thứ hai (25/4/1882). Ông quyết không bị sa vào tay giặc trong thế bất lực.

Trước khi chết ông đã cắn tay lấy máu viết di biểu tạ tội với nhà vua: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ thẹn với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thần chết có quản gì, nguyện theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng…”. Ai tới đây cho dù Võ Miếu có thể lưu dấu trong tiềm thức hay vô thức nhưng khí phách quả cảm dũng mãnh của người anh hùng vẫn hiển hiện: “Đi mỗi bước kim châm tê buốt/ Âm vọng xưa/ Tiếng thét gầm vang/ Võ Miếu/ Chiếc dây thừng anh hùng/ Hoàng Diệu/ Ngạo nghễ gió cười” ("Ghi ở thành cổ Hà Nội" - Lê Quân).

Đường Điện Biên Phủ chạy từ hướng tây nam song song với khu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Cột cờ Hà Nội. Chính vì thế đường phố này đã được đặt tên là Phố Cột Cờ từ năm 1954. Mười năm sau, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, phố Cột Cờ được đổi tên đường như ngày nay. Một thuở phố Cột Cờ nhiều anh em văn nghệ sĩ thường nhớ tới số nhà 24. Đây là nơi ở của hai nhà thơ lớn Xuân Diệu (1916-1985) và Huy Cận (1919-2005). Họ ở đây từ đầu hòa bình 1954 cho tới khi mất. Giai thoại được lưu truyền với câu thơ thân thương của Xuân Diệu: “Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì đến hững hờ thì qua”. Ông luôn nhắn nhủ và mời chào những ai yêu thơ thì hãy tới đây.

Kỳ đài 54 bậc lên cao

Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ), Cột cờ Hà Nội (xây năm 1805) được coi là biểu tượng lịch sử hào hùng của người dân Thủ đô. Bên cạnh những di sản như chiếc máy bay, khẩu sơn pháo hoặc những chiếc xe đạp thồ huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ; thì Cột Cờ cũng là nơi đón chào những chiến sĩ Thủ đô sau chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Họ chuẩn bị cùng với Tướng Vương Thừa Vũ làm lễ thượng cờ lên đỉnh kỳ đài Hà Nội.

Chúng tôi có dịp gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy - người có những bức ảnh đặc biệt ghi lại lễ treo cờ ngày 10/10/1954 - khi ông còn sống. Ông kể, ngày đó ai cũng nhớ tiếng nói sang sảng của tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, khi đọc “Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô”. Đúng 15 giờ, ngày 10/10/1954, tại đây diễn ra lễ chào cờ mừng ngày giải phóng Thủ đô. Không khí sôi động ngày đó thật đúng với hồn thơ hiển hiện: “Hào khí Thăng Long ngàn năm sáng/ Điện Biên vang dội khắp muôn nơi/ Cờ đỏ sao vàng bay tỏa rạng/ Đất nước hồn thiêng rợp bóng Người” ("Ghi bên Kỳ đài Hà Nội" - Nhật Tăng).

Cột cờ Hà Nội.

Khi bước lên bậc 54 trên Kỳ đài trăm năm tôi mới thấy không gian Hà Nội thật tươi mới. Ở độ cao hơn 40 mét nhìn về phía xa, những ngôi nhà cao vút cùng năm cây cầu vượt sông Hồng với vẻ đẹp tráng lệ. Hồn thơ của Phan Quế Mai bỗng vang dội trong tôi khi nữ sĩ viết về Hà Nội: “Hà Nội sinh và tự lớn trong tôi/ Một cây yêu thương xum xuê vòm lá/ Cây yêu thương tạc hình Cột cờ Hà Nội/ Thổi vào hồn tôi phấp phới hai từ Tổ quốc/ Rạo rực mỗi lần tôi phóng xe qua”.

Còn trên cao nữa lá cờ tung bay trước cơn gió mùa thu thổi từ sông Hồng cuộn sóng. Hình sao vàng tạo nên ánh sáng huyền ảo như lụa tơ vây quanh tôi trên bậc cao nhất kỳ đài. Một giai điệu hào hùng từ đâu đó vang lên trong câu thơ của Xuân Diệu mà tôi đã thuộc từ khi còn trẻ: “Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt/ Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết/ Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay”. (Ngọn Quốc kỳ).

Biểu tượng Cột Cờ Hà Nội còn tượng trưng cho dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo về Tổ quốc ngàn năm. Tồn tại trong hơn 200 năm qua, hình tượng Cột Cờ luôn tỏa sáng trong nhiều lĩnh vực hoạt động văn hóa và kinh tế đất nước. Theo như cố nghệ sĩ Hữu Cấy nói, hình ảnh Cột Cờ đầu tiên được thể hiện trên những đồng bạc ngân hàng Việt Nam. Đó là các tờ tiền mệnh giá năm hào, một đồng, năm đồng (năm 1985).

Đồng thời hình ảnh Cột Cờ sớm xuất hiện trên buổi phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam từ đầu thập niên 1980. Sau đó vào ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội các họa sĩ đã hoàn thành 20 bộ tem chào mừng đại lễ. Bộ tem số đầu tiên in đậm hình ảnh Cột Cờ Hà Nội và Hoàng thành Thăng Long. Một làn gió ào tới từ trên cao. Những hàng cây xao xác cùng lá vàng bay lên lấp lánh ánh bạc lung linh. Một không gian kỳ ảo khác lạ vây quanh lá cờ rộng lớn.

Dấu son hội tụ

Kỳ đài Hà Nội là một dấu ấn nghệ thuật kiến trúc đồng thời là biểu tượng sức mạnh chiến thắng của dân tộc ta. Tọa độ dựng Cột Cờ Hà Nội cách đây hơn 200 năm đã ở vị trí trung tâm trước Đoan Môn. Hiện nay Cột Cờ ở chính giữa đường Điện Biên Phủ. Đồng thời giao cắt giữa phố Hoàng Diệu và Điện Biên Phủ cũng tạo thành nơi hội tụ của Hoàng thành Thăng Long cổ kính ngàn năm. Mới đây có người đã nêu, phải chăng nên lấy vị trí Cột Cờ Hà Nội làm mốc cho cây số không (KM 0) của Thủ đô. Xưa các cụ đã xem kỹ phong thủy nên mới có câu: “Trong sáng muôn nơi dồn cả lại/ Trung tâm thiên hạ đẹp biết bao”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy cũng có lời bàn rằng: “Có lý, bởi lẽ các di tích còn lại hiện nay nằm trên trục chính tâm, trục thần đạo của thành cổ, kể từ Nam lên Bắc. Cột cờ là điểm trung tâm của thành phố”. Quả nhiên khi xem các tầm bản đồ cũ, dường như tất cả con đường đều hướng về Cột Cờ. Tôi đi dạo quanh thềm Kỳ đài mới thấy bao điềm sáng láng gợi mở. Ngọn cờ luôn tung bay trước gió cuồn cuộn sự sống như câu chuyện cổ tích vàng kể mãi không hết lời.

Vương Tâm

Đường Điện Biên Phủ (Ba Đình - Hà Nội) nằm trong tuyến phố mới được quy hoạch tổng thể (năm 1894) chạy suốt từ Quảng trường Ba Đình tới dốc Bác Cổ (Trần Quang Khải - Hoàn Kiếm). Tuy nhiên, hiện nay đường phố Điện Biên Phủ chỉ dài chừng 1.150 mét, rộng 14 mét.

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền tiền do phạm tội mà có chủ yếu để chi trả các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; trả nợ giữa các công ty, cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng khống.

Cùng với việc khởi tố, bắt tạm giam bị can thứ nhất trong vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can thứ hai, nhưng áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.063km. Giai đoạn 1, từ năm 2017 – 2020 đã hoàn thành đưa vào khai thác nâng tổng số km đường bộ cao tốc thuộc tuyến Bắc – Nam phía Đông hiện tại lên 1.206km. Giai đoạn 2 từ 2021 – 2025 đang triển khai thi công 842km. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, thì đến năm 2026 sẽ cơ bản nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Như Báo CAND đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, xảy ra ở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (địa chỉ tại Văn phòng tòa nhà C1 Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Có thể nói, đây là một vụ án gây rúng động dư luận, bởi lần này, cơ quan điều tra đã bóc trần được “lớp lang” phạm tội của cả một tổ chức báo chí, từ người đứng đầu chỉ đạo đến người thực hiện hành vi… 

“Con chính thức quyết định rời khỏi đảng Việt Tân. Kính thưa quý cha, quý ông bà, anh chị em và cộng đồng. Suốt 2 năm qua con là Thái Văn Dung đã dừng tất cả mọi công việc với đảng Việt Tân sau khi con bị hai người trong đảng Việt Tân là anh Trần Minh Nhật và Nguyễn Văn Tráng (tên thường dùng là Sĩ) đã mang thông tin nội bộ từ Việt Tân, rồi thêm thắt và bịa đặt để đưa lên mạng FB Trang Thu Tran để vu khống, đấu tố liên quan đến vụ việc 8/3/2021 tại Thái Lan” - Đây là nội dung trong một bài viết được đăng tải trên trang facebook của Thái Văn Dung (SN 1988, HKTT tại Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Vào hồi 11h40 ngày mùng 2/10/2024, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 78 tuổi, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文