Linh cảm
Bầu trời bất chợt lặng im như chưa từng như thế. Không biết bây giờ là mấy giờ rồi? Trung úy Hồng nháo nhác mắt nhìn xung quanh. Anh bỗng dưng thấy sợ, một nỗi sợ hãi trong vắng lặng của thời tiết dữ dằn đang vây bủa quanh mình. Lại thêm một lần nữa, Trung úy Hồng cố đứng thẳng lưng, anh dướn mắt nhìn xa, vẫn không thấy gì ngoài sự im ắng đến rợn người.
Không hiểu mình đã trôi đến chỗ nào rồi nhỉ? Nghĩ rồi Trung úy Hồng ngồi thụp xuống: “Chắc anh em đang lo cho mình lắm đây?”. Vẫn là những câu hỏi liên tục vang lên trong đầu của Trung úy Hồng đầy lo âu xen lẫn cảm giác cô đơn như chính anh đang bị bỏ rơi giữa nước lũ ngày một dâng cao mênh mông kia.
Không gian trước mặt Trung úy Hồng chợt hơi sáng lên. Bóng tối bao trùm nhưng chính cái mênh mang của nước lại như một tấm gương phản quang, nó làm ánh lên những hy vọng cho đôi mắt. Trung úy Hồng nhận ra anh cùng chiếc thuyền máy đã trôi đến một xóm nhỏ. Lấp ló những nóc nhà trồi nổi trên mặt nước hệt như những chiếc lá rụng đang dập dình vậy. “Không biết trong xóm có còn ai không nhỉ?” Trung úy Hồng bỗng chuyển trạng thái từ lo sợ sang lo lắng, anh nghiêng đầu với ý định hóng tai về phía xóm nhỏ. “Nếu còn có ai bị sót lại chắc là họ đang mong đợi người đến cứu lắm đây?”.
Minh họa: Tô Chiêm |
Mưa lại trút xuống. Trong tiếng mưa rơi bị gió thổi kêu dàn dạt, Trung úy Hồng thoảng nghe như có tiếng ai đó đang gọi. Tiếng gọi yếu ớt và tuyệt vọng. Trung úy Hồng thu mình trong chiếc áo mưa, anh ngồi yên cho đỡ lạnh, cảm giác mệt mỏi và lo lắng dâng lên khi thuyền anh đã trôi dạt đi xa. Anh thở mạnh hòng lấy lại sức.
Không gian vẫn lạnh tanh, mưa vẫn rơi, Trung úy Hồng nghiêng đầu hóng tai anh đang cố hình dung những âm thanh lẫn trong tiếng mưa rơi là tiếng gọi hay chỉ là ảo tưởng. Chiếc thuyền đã dạt tới đầu xóm, không gian tịch như chìm vào hoang vắng. Mưa chợt tạm ngưng, Trung úy Hồng dõi mắt nhìn kỹ ra xung quanh tìm tiếng kêu cứu yếu ớt giờ đã chìm vào vắng lặng. Anh bắt đầu cảm thấy đói và lạnh hơn.
Hồi chập tối, sau khi cùng anh em trong đồn đưa được mấy chuyến sơ tán bà con ra khỏi vùng ngập nước trở về, tất cả đều mệt nhoài và rã rời chân cẳng. Cả nhóm không ai nói năng câu gì. Kinh nghiệm cho thấy những lúc mệt mỏi thì cố gắng hạn chế nói để tiết kiệm năng lượng. Cả nhóm vẫn lầm lũi đi về phía chốt cứu hộ của Công an huyện mới được thiết lập cách đó chừng nửa cây số. Một cơn gió ào tới mang theo tiếng kêu cứu yếu ớt như vẳng về từ đâu đó.
Linh cảm còn sót ai đó ở phía sau thôn xóm nên Trung úy Hồng gọi với lên phía trước “Báo cáo đồn phó. Tôi xin phép quay lại chỗ neo thuyền xem sao”. “Cậu thấy có gì không ổn à? Này Sơn – thiếu tá Tam, đồn phó, níu vai người đang đi trước mình – Cậu quay lại cùng với Hồng nhé”. “Không cần đâu ạ. Để anh em về nghỉ cho lại sức sáng mai còn làm tiếp nhiệm vụ. Mình tôi quay lại kiểm tra là được rồi”. Nói rồi Trung úy Hồng tất tả quay lui, anh le lé người tránh gió thổi trực diện, cúi thấp lưng và bước nhanh như những bước chạy.
Trong xóm mọi người đã kịp sơ tán hết chưa nhỉ? Hy vọng là không còn ai. Nghĩ vậy nhưng Trung úy Hồng vẫn thấy không an tâm. Trận mưa dữ dội suốt mấy ngày qua đã làm con sông Kiến Giang vốn thơ mộng lờ lững trôi trở nên ầm ào, chảy xiết. Từng con nước đổ từ trên nguồn xuống đã nhanh chóng làm mực nước trong sông dâng lên nhanh chóng. Nước dâng nhanh đến nỗi có cảm tưởng chỉ vài phút thôi đã ngập tràn mé bờ. Nước dâng cao tràn qua bờ sông đổ ào ạt vào những cánh đồng làng mạc đôi bên. Đồn Công an của Trung úy Hồng được lệnh huy động mọi phương tiện hiện có để giúp dân sơ tán đến những chỗ cao hơn.
Khi Trung úy Hồng vừa quay tới chỗ neo con thuyền cũng là lúc thêm một cơn gió thổi mạnh. Chiếc thuyền máy duy nhất của đồn neo sát bờ đang bị gió làm bung lên giằng giật. Nó đang cố gắng vật lộn với gió. “Phải buộc lại thôi” - Trung úy vừa nghĩ như vậy thì con thuyền đã bị gió làm đứt dây buộc, nó bung lên bung xuống rồi bị gió cuốn phăng ra khỏi bờ. Trung úy Hồng kêu lên, tiếng kêu của anh dù to đến mấy cũng không giữ được con thuyền khỏi bị gió cuốn ra xa. Như một phản xạ tự nhiên, Trung úy Hồng với cả bộ áo mưa nhảy ào vào dòng nước, anh hối hả sải những cánh tay vốn đã rã rời của mình để bơi đuổi theo chiếc thuyền.
Đúng là trời không phụ lòng người, sau những cố gắng sải tay với nước để đuổi theo, cuối cùng Trung úy Hồng cũng bám được vào mạn thuyền, anh dùng hết sức mình níu tay đu lên rồi cả người anh đổ vật vào lòng thuyền. “Tốt rồi”! Trung úy Hồng thở hổn hển, anh lắc lư người theo sự chòng chành của chiếc thuyền mà lần lần đi về cuối thuyền. Anh dùng cả thân mình để kéo mạnh dây khởi động, bàn tay nhớp nước mưa dính bùn đất của anh không đủ chắc, sợi dây khởi động tuột khỏi tay làm anh ngã vật về phía sau. Cú ngã bất ngờ cộng với con thuyền đang chòng chành làm anh đổ ngửa, đầu anh không biết va vào cái gì đó. Cú va rất mạnh khiến Trung úy Hồng ngất đi.
Mơ mơ… Trung úy Hồng thấy mình đang đi bộ dọc triền sông. Sông Kiến Giang yên bình chảy trôi. Thoảng vọng lên câu hò từ những chiếc thuyền đang dong xuôi. Câu hò nghe da diết, nghe dìu dặt.
Trung úy Hồng đứng lại, anh vừa dõi mắt trông theo những chiếc thuyền vừa thầm hát theo câu hò “Hò khoan (hơ) hời khoan (hơ) hô khoan/ Ơ là hô. Thiếp gặp chàng dạ mừng hớn hở. Chàng gặp thiếp như mà hoa nở trên (hơ) bồn/ Hơ hô khoan ơ là hò khoan ơ hò khoan/ Nghiêng tai mà hỏi với trai khôn, thày mẹ ở nhà đã sửa (hơ) chậu. Ơ (hơ) sửa chậu xây bồn mô (hơ) chưa? Ơ là hô/ Anh nỏ thiếu chi nơi màn loan mà chiếu kế. Nỏ thiếu chi nơi mà cao bệ dài (hơ) giường/ Hơ hô khoan ơ là hò khoan ơ hò khoan/ Em đừng chê anh nghèo mà tráo đầu lường thưng. Em chờ nghe thầy ơ (hơ) mẹ/ Là hô/ Ơ hơ với mẹ…..”.
Dường như những người đang hò trên thuyền biết có anh đang hò theo nên câu hò từ dưới sông lại vọng lên những tiếng hò nghe thân ái hơn. Mỉm cười với chính mình, Trung úy Hồng rảo nhanh bước chân. Đường về làng anh không còn bao xa, từ ngày đi học Công an rồi được phân công về huyện nhà Lệ Thủy công tác cứ mỗi lần được về thăm nhà là đến đoạn sông này là Trung úy Hồng chào tạm biệt người lái xe ôm. Anh xuống đi bộ, cảm giác đi bộ dọc triền sông quê bao giờ cũng cho anh sự khoái cảm đến lâng lâng.
Trung úy Hồng bước nhanh, tiếng đất dưới chân kêu lên những thanh âm ấm áp. Đi bộ về làng đã cho anh một điều gì đó không sao giải thích được. Có lần Nga, cô bạn gái cùng xóm, đã hỏi “Sao anh lại thích đi bộ dọc triền sông để về làng?”. Trung úy Hồng cười trừ, anh thấy cũng kho khó có câu trả lời nhưng trong lòng anh lúc đó đang dấy lên niềm cảm xúc lạ kỳ. Nhưng có một điều anh không nói ra, đó là những lần như thế nó cho anh thấy yêu dòng Kiến Giang, yêu làng mình đến vô cùng.
Đã tới đầu làng, Trung úy Hồng tự nhiên chững lại. Đã mấy lần về thăm nhà và cũng đã không biết đã mấy lần Trung úy Hồng sang nhà Nga chơi. Nhưng hôm như thể bố Nga lại nhay nháy mắt ý bảo Hồng hãy mạnh dạn lên. Hồng biết là hai bác không chỉ ủng hộ anh mà là rất ủng hộ. Vậy mà Hồng vẫn lúng túng, chơi với nhau từ bé, cãi nhau chí chóe có, giận nhau có nhưng để nói cái điều thầm kín thì Hồng lại thấy khó thế.
Nga ngồi đối diện với Hồng, cô nắm nắm đuôi tóc, đầu hơi cúi cúi, thỉnh thoáng đôi mắt của cô mới ngước lên rất nhanh nhìn Hồng. Những lúc thấy ánh mắt của Nga là tim Hồng rạo rực, anh ấp úng rồi mãi cũng không nói được câu nói cần nói. “Lần này chắc chắn mình sẽ nói với Nga câu nói mà mình muốn nói”.
Nghĩ vậy nên Trung úy Hồng hít một hơi thở sâu để lấy tinh thần như anh đang ngồi đối diện với Nga vậy: “Nga à. Chúng mình… chúng mình lấy nhau nhé”. Rồi Trung úy Hồng run run, anh chờ đợi câu trả lời của Nga. Lạ quá, Nga không nói gì, cô ấy ngước đôi mắt sáng lên nhìn anh lâu lâu.
Nước mưa thấm lạnh làm Trung úy Hồng tỉnh lại, anh ngơ ngác vài giây không hiểu chuyện gì đã xẩy ra và mình đang ở đâu. Một cơn gió thổi qua tạt mạnh những giọt nước mưa vào mặt. Bấy giờ Trung úy Hồng mới thực sự tỉnh táo, anh đã hiểu ra là mình cùng con thuyền đang tự do trôi dạt. Cảm giác hốt hoảng chợt đến, Trung úy Hồng bàng hoàng giữa không gian mênh mông của nước. Tiếng mưa dàn dạt, tiếng nước chảy ầm ào. “Không biết mình đã trôi đến đâu rồi? Đây là đâu?”.
Khom khom người cho đỡ lạnh và cho gió khỏi xô ngã, Trung úy Hồng lần về cuối thuyền. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này Trung úy Hồng cẩn thận hơn. Anh nắm chắc sợi dây khởi động rồi mới kéo mạnh, tiếng máy khùng khục mấy nhịp rồi tắt. Lại dùng cả thân mình để kéo dây khởi động, tiếng máy vang lên giòn giã. Lòng thấy yên yên, Trung úy Hồng dùng cả hai tay để nắm cần điều khiển cho chiếc thuyền máy chạy về khoảng đầm đậm ở phía bên trái. Anh nghĩ: “Có lẽ là làng nào đó, cứ về phía đậm đậm ấy đã rồi tính sau”.
Nhưng chưa xong vòng cua tiếng máy của chiếc thuyền kêu khật khật rồi tắt lịm. Trung úy Hồng thêm vài lần kéo dây nữa nhưng máy không nổ. “Hết xăng rồi”! anh buông thõng hai tay, lòng đầy ngao ngán. Lại ngồi thụp xuống lòng thuyền, sự thất vọng ùa đến lạnh người. “Bây giờ biết làm cách nào để đưa con thuyền đến ngôi làng đằng kia đây?”. Vô vọng. Trời mỗi lúc một mưa, gió mỗi lúc một mạnh. Con thuyền bây giờ giống như một vật vô tri mà tự do trôi theo dòng nước.
Mơ mơ. Trung úy Hồng ngồi như đang ngủ. Thực ra làm sao mà ngủ được, đấy là anh đang nghĩ. Chiếc điện thoại di động, vật hy vọng cuối cùng anh vừa sực nhớ ra thì nó đã sũng nước. Thất vọng nên anh đành ngồi im mà nghe tiếng nước vỗ ràn rạt vào mạn thuyền mà thổn thức. Đúng rồi, lần này về làng mình sẽ sang nhà Nga chơi như mọi bữa nhưng nhất định mình sẽ nói. Chắc Nga cũng đang chờ mình ngõ lời yêu. Con gái là vậy, bao giờ họ cũng nhường phần chủ động cho con trai. Hồng đu đưa, người anh đu đưa theo câu hát: “Anh đưa em về thăm quê anh xứ Lệ/ Nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ/ Sông nước chan hòa ôm ấp tình quê/ Bởi Kiến Giang xanh ôm mái tóc thề…”. Đúng rồi, gặp Nga lần này mình sẽ hát câu hát đó, câu hát sẽ nói hộ lòng mình.
Bất chợt con thuyền đang trôi va vào vật gì đó rất mạnh. Cú va làm con thuyền nghiêng đi, nước ào vào lòng thuyền. Cú va cũng làm Hồng chợt tỉnh giấc mộng, anh cuống quýt nhào sang mé thuyền bên kia để giữ thăng bằng. Hú hồn, con thuyền thôi chao nghiêng nhưng nước vào khá nhiều. Trung úy Hồng vội vã bưng hai tay lại làm gầu, anh hối hả tát nước. “Nó mà chìm thì có lẽ mình cũng sẽ bị dòng nước cuốn đi”. Tự nhiên câu hát bừng tới, nó cho anh những sức lực để tát nước và để hy vọng. Mình sẽ sống sót để đi bộ dọc triền sông Kiến Giang, để về làng và để nói với Nga điều mình ao ước.
Thừ người ngồi bất động, Trung úy Hồng bỗng nghe văng vẳng bên tai những tiếng động là lạ. Tiếng động rất thúc bách dường như đó là những âm thanh đang cố vượt qua nỗi tuyệt vọng. Lắng tai vài giây, anh mang máng nhận ra đó là những tiếng động phát ra từ một ngôi nhà gần đó. Một ngôi nhà qua ánh sáng chợt ánh lên giữa mênh mang nước cho thấy nó đang lẻ loi, đang như chìm dần dưới làn nước hung dữ. Lại lắng tai để định hình rõ hơn, Anh Hồng nhận thấy đó là tiếng thúc thúc từ bên trong nhà, nó phát ra dưới mái tôn. Có ai đó bị mắc kẹt trong nhà và đang tìm cách đẩy tung tấm tôn lợp để chui lên. Anh Hồng khẳng định rất nhanh, anh với với tay xoài cả người ra khỏi mạn thuyền để cố đưa con thuyền về sát mái nhà. “Có ai ở đó phải không? Có ai ở trong nhà phải không?”. Anh vừa gọi to vừa hối hả khua nước.
Kịp vớt một cành cây gẫy trôi mắc vào mạn thuyền, Hồng hít một hơi thở thật dài, anh lấy sức để đưa con thuyền về phía nóc nhà. Lần này không phải xoài người với tay để điều khiển con thuyền nữa. Chính cành cây anh vừa vớt được đã trở thành một mái chèo.
Bám được vào một góc của nóc nhà, Trung úy Hồng dùng cây chèo vốn là một cành cây thúc mạnh vào mái tôn. Âm thanh như một tiếng gọi to cùng những cú thúc mạnh mẽ đã làm một mảnh tôn tuột ra lộ một khoảng trống dọi vào bên trong nhà. Trung úy Hồng chụm tay gọi hỏi vọng vào khoảng trống đó: “Có ai ở nhà không? Có ai ở nhà không? Có ai ở nhà không?”.
Một tiếng thét vang lên hay chính xác hơn là một tiếng kêu thất thanh phát ra. Tiếng thét nửa như mừng rỡ nửa như hờn tủi. Trung úy Hồng cũng gọi rất to: “Nếu có ai thì chui lên qua lỗ trống trên nóc nhà. Tôi đến đây rồi. Có tôi đến đây rồi”. Trung úy Hồng cuống quýt thúc mạnh hơn vào mái tôn, anh đang cố gắng để làm lộ thêm khoảng trống trên mái nhà. “Có ai thì chui lên mau lên. Tôi không vào được vì còn phải giữ cho thuyền khỏi trôi mất. Chui lên mau lên. Có tôi đến đây rồi”.
Lần này thì không phải là tiếng thét hay tiếng kêu thất thanh nữa. Khi Hồng vừa nhận thấy hình dáng một đầu người ló lên là lúc anh nghe thấy tiếng khóc nức nở. Tiếng khóc của một người phụ nữ. Trung úy Hồng cũng cảm thấy nghèn nghẹn. Anh vội gọi to: “Có tôi đến đây rồi. Chị cố gắng chui lên đi”.
Người phụ nữ bị bỏ lại sau cùng với cơn lũ cuối cùng cũng đã chui được lên. Chị đã thoát ra được khỏi ngôi nhà đang sắp bị nước nhấn chìm. Tiếng khóc vẫn tức tưởi vang lên nhưng bây giờ là tiếng khóc của mừng rỡ. Trung úy Hồng nhoài người chìa tay ra đỡ. Hóa ra người phụ nữ này còn bế một bé trai chừng ba tuổi. Khác hẳn với mẹ nó, thằng bé không khóc mà nó nín thít khi Trung úy Hồng ôm nó vào lòng. Người phụ nữ bấy giờ mới thôi sụt sùi, chị nói bằng giọng khản lạc đi vì đói, vì rét, vì mừng rỡ và xúc động: “Không có anh thì mẹ con em chắc chết mất”. Trung úy Hồng an ủi “Không sao! Bây giờ ổn rồi. Chị và cháu sao kẹt lại đây mà không được đi sơ tán cùng mọi người từ lúc chiều?”. Người phụ nữ giọng ân hận: “Hồi chiều em thấy cháu ngủ ngon quá nên nấn ná thành ra không kịp sơ tán cùng mọi người. Nhưng em có linh cảm rằng mẹ con em nhất định sẽ được các anh Công an tới cứu. Không ngờ linh cảm lại đúng. Cám ơn anh nhiều lắm. Đúng là ông Trời đã dẫn đường cho anh đến tìm mẹ con em đấy?”.
Trung úy Hồng mỉm cười, anh không biết nói gì, đúng là những linh cảm luôn cho người ta kịp làm được những gì tưởng như không thể làm được. Linh cảm đã giúp anh quay trở lại thuyền, đã giúp anh vượt qua vô vọng để tìm được mẹ con người phụ nữ. Linh cảm đã giúp người phụ nữ tưởng như từ tuyệt vọng có được niềm hy vọng.
“May quá. Trên thuyền vẫn còn chút nước uống và mấy bịch sữa. Chị và cháu uống đi rồi chợp mắt cho khỏe lại. Cũng sắp sáng rồi, sáng ra mọi người sẽ tìm thấy và đưa chúng ta đến nơi chốn an toàn”. Trung úy Hồng thả lỏng người, anh vừa cởi chiếc áo mưa may bằng vải bạt choàng lên hai mẹ con người phụ nữ.
Lần đầu tiên sau gần chục tiếng đồng hồ lênh đênh trôi dạt anh mới thấy nhẹ nhõm. Đâu đây đang vẳng tới câu hát “Kiến Giang ơi dòng Kiến Giang/ Dòng sông thơ như dòng sữa mẹ/ Mà ta yêu nhau năm tháng/ Gạo trắng nước trong cho da em trắng hồng/ Bao nhiêu hạt phù sa quê ta xứ Lệ/ Để Kiến Giang xanh xanh mãi một màu/ Để duyên đôi ta như dải lụa màu”.
24/10/2020