Cái mồm
Nghe ông Mịch ban khen, cô Mai tin lắm, mắt hấp háy, chớp chớp như chực khóc, má đỏ ửng lên trên nền da tai tái, hơi thở gấp gáp làm cho cái ngực lép kẹp cũng trồi lên sụt xuống trong chiếc áo ngực màu tro. Chưa có ai khen cô một cách chân tình và chia sẻ như vậy. Mà người đó lại là thần tượng của cả làng, thần tượng của chính cô, một câu khen của người ấy thì chắc chắn là chân lý, đúng là chân lý và phải là chân lý mới được.
Làng yên bình như muôn đời vẫn thế, văn minh đô thị chỉ đến được ngoài lũy tre làng thì quay lại, thỉnh thoảng làng cũng có người đi ra, nhưng hầu như họ đi là để đi mãi, còn nếu trở về thì cũng chỉ là khi thân bại danh liệt, không có nơi nào để ở nữa thì mới quay về. Đi theo kiểu bỏ làng mà đi. Đầu làng có một cây đa to, cây già bám rễ sâu vào đất, lá cành đã chứng kiến bao người làng sinh ra và bao người làng đã mất đi.
Trẻ con khi mới được sinh ra, từ nhà hộ sinh đưa về nhà mình khi đến đầu làng thể nào bố mẹ cũng ngồi nghỉ lại dưới gốc đa đầu làng để “lấy vía”, để hấp thụ cái văn hóa làng, để rồi sau này không ăn không nói có, không đổi trắng thay đen, không mắt la mày lém, không cắp nắp trộm cắp. Người chết khi di quan đi qua đầu làng để ra đồng, thể nào đám đô tùy cũng dừng lại để từ biệt một kiếp người, để được lần cuối nhận sâu cái ân cái nghĩa của người làng.
Dưới tán đa làng rộng cả mấy trăm mét vuông ấy, có khi người đưa tiễn đứng chật cả bóng đa, cũng có khi đám tiễn người quá cố chỉ được lèo tèo vài người. Đám hiếu đông hay ít, người làng biết, trẻ con biết, người già biết và cây đa làng cũng biết. Những chuyện ấy cây biết cả và cây nhân từ bao che cả. Vậy nên làng vẫn chỉ sống theo nếp làng xưa, ăn một miếng sang hơn cũng sợ dân làng biết, nói một tiếng to hơn cũng sợ người làng chê, ăn mặc hở hang một tí cũng sợ có người đàm tiếu. Trẻ con không lễ phép chỉ sợ người làng đánh giá là gia đình không biết dạy con.
Làng cứ yên bình trong tù đọng và tĩnh lặng cho đến một ngày, ngày ông Mịch được nghỉ hưu và về lại làng. Ông có lẽ là người thành đạt nhất khi nghỉ hưu đã trở lại làng. Gần bốn mươi năm nay, ông Mịch luôn là tấm gương chói ngời để người làng răn dạy con cháu. “Muốn sung sướng thì hãy học hành như bác Mịch kia kìa”. “Muốn giàu sang thì cứ phải học hành đỗ đạt như bác Mịch ấy”… có nghĩa là lớp người từ một đến bốn mươi tuổi của làng luôn xem ông Mịch là thần tượng của mình, chưa kể lớp ông bà, cha mẹ chúng cũng thế. Thần tượng Mịch cứ mỗi lần được thêu dệt, tô vẽ thêm một chút trở thành bóng ngời và cao sang vời vợi. Đã không ít lần có người làng ví ông Mịch với cây đa làng.
Làng còn đổi thay hơn khi dưới tán đa làng được dựng thêm cái cổng làm bằng xi măng, phía trên cổng làng ghi năm chữ “CỔNG LÀNG LA VĂN MỊCH” chân phương chạy ngang từ bên này sang bên kia. Chả là ngày ông hồi hưu cũng là ngày nhà máy gỗ khánh thành thêm cái xưởng mới, còn thừa một ít cát, đá, xi măng, bán chả ai mua, mà cũng chả đáng gì mà bán, thế là ông xin về cho làng xây cổng. Để nhớ ơn ông, làng ghi tên ông lên cổng để truyền đến muôn đời sau. Cũng có ý kiến rằng để chữ trên cổng như thế thì hàng ngày người làng đi qua đi lại phải chui dưới háng ông Mịch à? Cũng có người vặc lại, cổng là cổng, người là người, mà được chui qua háng người cao sang như ông Mịch thì cũng là niềm hạnh phúc chứ sao.
Thực chất chức tước cao nhất của ông Mịch là Chủ tịch công đoàn của một nhà máy sản xuất đồ gỗ, nhưng người làng chỉ gọi ông là ông Chủ tịch. Quá đúng đi chứ, làng người ta có Chủ tịch thì làng mình cũng có Chủ tịch, có thua kém gì nhau. Ngày trước thỉnh thoảng ông Chủ tịch mới về làng, xe ông chạy đến đâu là có cả một bầy trẻ con rồng rắn chạy theo, phần để… ngửi khói xe, phần để được xem mặt ông Mịch, xem mặt người thành phố. Cưỡi ô tô về làng, có ai hỏi thì ông nói là đi công tác tiện thể ghé về thăm quê. Mà cũng đúng, những chuyến công tác của ông thường là đi về các huyện ngoại thành thu mua lương thực về bán cho anh em công nhân, đến mùa còn gom rau, củ, quả về nhập cho nhà bếp… Nói chung ông luôn được bầu là Chủ tịch công đoàn cũng nhờ cái tính tận tình và tháo vát đó.
Giờ đây thì ông về quê ở hẳn, ông không còn chiếc xe đít vuông nữa nên chẳng còn bọn trẻ vây quanh. Nhưng dù về quê nhưng con người ông vẫn đang tỏa ra ánh hào quang của một thời làm Chủ tịch, một thời là người của thành phố, vậy nên cả xóm vẫn rôm rả lắm, hệt như ông vừa mới từ phương Tây trở về quê hương vậy. Làng vui như mở hội, ngày trước thần tượng ở tít mãi Trung ương, giờ thần tượng đã “được di lí” về hẳn làng. Sướng thế là sướng chứ còn sướng thế nào nữa cơ?
Về hưu nhàn nhã, chiều ông thường phe phẩy cái quạt nan thong dong đi ra cây đa đầu làng ngồi hóng mát. Từ ngày có ông ngồi gốc đa, hình như ngõ làng cũng tấp nập hẳn người qua lại. Người đầu tiên được ông “ban khen” là anh cu Kều con ông bà Kịch. Hôm ấy khi ông đang dõi mắt ngóng theo con trâu đực cồ hít hít ngửi ngửi đuôi con trâu cái tơ rồi ngửa cổ lên trời mà cười thì anh cu Kều ôm cây đàn ghita chỉ còn ba dây hai khóa đi tới sau lưng ông gẩy phừng phừng. Bỏ cả thói quen dân dã ngắm trâu cười, ông sửa lại mái tóc hơi điểm bạc của mình rồi ông nghiêng nghiêng cái đầu, mắt ông long lanh lên, mặt ông rạng ngời cơi nới. Ông nhìn sâu vào trong mắt anh cu Kều, rồi lấy tay vuốt má anh cu Kều, lấy cái đầu quạt gạt đi một ít tóc anh cu Kều đang xõa trước trán. Khi cao trào của cảm xúc đã đến đỉnh điểm, ông buông lời:
- Ô là trời, là đất, là cha là mẹ ơi! Tôi đã ra đi gần hết cả đời người rồi, đã gặp biết bao nghệ sĩ tài danh trong và ngoài nước mà chưa thấy ai có mái tóc đẹp thế, đẹp một cách lạ lùng. Đừng cắt đi, cứ để dài, trông rất nghệ sĩ, rất nghệ sĩ đấy, quý lắm đấy, còn thăng tiến đấy, đừng dại mà cắt đi nhé.
Nghe ông Mịch khen, anh Kều cười nhỏn nhẻn làm cho khuôn mặt gãy trông lại càng gãy hơn, cái mũi hếch, mắt một mí chẳng ăn nhập gì với cái thân hình cao lêu nghêu mà gầy trơ xương của anh ta hình như cũng bừng sáng lên như mặt ông Chủ tịch. Kều được thừa hưởng cái gien nghệ thuật của bố mình - ông Kịch - vốn là một “nghệ sĩ” chuyên thổi kèn đám ma. Nhưng khốn thay, cái gien đó ứng vào anh Kều lại nửa đực nửa cái, nửa tỉnh nửa mê, nửa khôn nửa dại.
Đi đâu anh cũng vác cây đàn ghita cũ kỹ và cái kèn của ông bố quá cố của mình, thỉnh thoảng cao hứng anh lại gẩy phừng phừng như người ta bật bông, nó chẳng ra giai điệu gì cả. Làng vui nếu thiếu anh cu Kều. Từ cái ngày nghe ông Chủ tịch khen tóc đẹp, anh Kều nghệ sĩ có thêm một tổ quạ trên đầu. Làng vẫn vui và anh thợ cắt tóc đầu làng mất đi một mối làm ăn chuyên ghi nợ đến mùa trả bằng khoai.
Vốn là Chủ tịch công đoàn, người luôn đem đến sự công bằng và nhân văn cho mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi, ngày hôm trước đã khen đàn ông rồi, nhất quyết hôm sau ông phải khen đàn bà, hôm trước khen nghệ sĩ, hôm sau thì là đến nông dân. Hôm ấy cũng vào độ cuối chiều, gió nồm Nam đang hây hẩy thổi, ông Mịch lại nhàn nhã ra đứng gốc đa ngắm thôn xóm thanh bình thì chị Mai cắp chiếc nón lá mới mua đi từ ngoài đồng về. Trời ạ, trên cánh đồng xanh gió nồm Nam đang hây hẩy thổi, phía xa xa ánh chiều đang rụng xuống, tiến về phía ông là cô thôn nữ cắp nón lá thướt tha, hỏi còn cảnh nào đẹp mà nên thơ bằng cảnh này đây. Đẹp đến thế là cùng chứ còn đẹp thế nào nữa cơ?
Khi chị Mai đến gần gốc đa, thấy ông Mịch đang đứng đấy, thấy thần tượng của làng đang nhìn mình, đang ngắm mình với cặp mắt nheo nheo, cái đầu nghiêng nghiêng, e thẹn và thướt tha, chị Mai cất tiếng chào:
- Cháu chào ông Chủ tịch ạ.
- Chẳng hay… bạn tên gì nhỉ, con ai trong làng… thông cảm mình thoát li lâu quá, không thể nhớ được.
-Dạ cháu là Mai, con mẹ Mận… mẹ cháu bảo ngày xưa mẹ học mẫu giáo với ông đấy.
- Ồ thế à, quý hóa quá, quý hóa quá, con bạn học đồng môn đấy. Thế mẹ cháu còn khỏe không? Hôm nào bác đến chơi.
- Dạ… mẹ cháu mất được tháng nay à…
- Ồ thế à, tốt quá, tốt quá…
- Dạ…
- Thế hôm nay cháu Mai đi đâu đấy? Hôm nay diện thế. Nào, để bác xem lại nào, chết chết chết… ai lại ăn mặc thế, cái cổ người đã cao thì phải để cái cổ áo trễ xuống chứ…đẹp, thôn nữ như Mai là tuyệt đẹp đấy, hiếm lắm đấy, quý lắm đấy… nhớ nhé, cái cổ áo trễ xuống tí nữa thì đẹp lắm. Chà! Như gái hai mươi ấy, trên thành phố bói cũng không ra một cô gái có nhan sắc mặn mà tha thướt thế này.
Nghe ông Mịch ban khen, cô Mai tin lắm, mắt hấp háy, chớp chớp như chực khóc, má đỏ ửng lên trên nền da tai tái, hơi thở gấp gáp làm cho cái ngực lép kẹp cũng trồi lên sụt xuống trong chiếc áo ngực màu tro. Chưa có ai khen cô một cách chân tình và chia sẻ như vậy. Mà người đó lại là thần tượng của cả làng, thần tượng của chính cô, một câu khen của người ấy thì chắc chắn là chân lý, đúng là chân lý và phải là chân lý mới được.
Trước đây, cô vốn dĩ là người kín kẽ, đứng đắn, ít nói, bỗng phút chốc trở nên mát mẻ và lả lướt với những chiếc áo để lộ bộ ngực lép kẹp, còn cái cổ nổi đầy gân xanh. Những lời nói vào ra to tát, như thể mình là trung tâm của cái xóm ngoại ô bé tí ti này. Có hôm, cô diện một chiếc váy ngắn bằng giả da, đi một lượt các nhà hàng xóm. Đám thanh niên chưa rời vòng tay cha mẹ, cứ đứng nhìn mà rúc rích: “Cô Mai ơi! Ngắn thêm tí nữa thì đẹp lắm ạ!”.
*
Như đã nói, ông Mịch là Chủ tịch công đoàn nên ông tôn thờ sự công bằng.
Một hôm, khi ông đang mơ màng với hai tờ tiền trên tay, liếc nhìn vợ trong bộ đồ ngủ màu thẫm:
- Này, bà. Cái ông Thân kia buồn cười nhỉ. Chiều nay khen đểu ông ta chơi cờ hay. Thế mà tin thật. Đúng là già lẩm cẩm, không biết mình biết ta.
Mắt bà ta liếc xéo ông Chủ tịch:
- Cái đồ lẻo mép. Vào đây nhanh lên.
Hôm sau nữa, ông Chủ tịch sang nhà ông Xóm trưởng. Ông Xóm trưởng đi vắng. Chỉ có cô con gái vừa lên mười sáu tuổi đang quét sân và tưới cây. Trong đầu ông Mịch chợt nhớ, hôm qua mới khen người già, hôm nay phải khen sang người trẻ, ừ thì “ban khen” mất gì nào:
- Dạo này lớn phổng phao thế này rồi à. Xinh thế này thì học làm gì nhiều hả con. Mày ăn diện, trau chuốt vào nhé, rồi hôm nào bác giới thiệu các bác ở trên cho mà đi thi hoa hậu. Chỉ cần váy áo đẹp, trang điểm tí là mày ăn đứt mấy con bé hoa hậu thành thị bây giờ. Chà! Càng nhìn càng xinh quá. Da trắng mịn thế này mấy hoa hậu có được, lại đôi mắt bồ câu - là bà hoàng của mọi đôi mắt đấy. Mày biết không hả con? Mày đi thi, chắc chắn thành hoa hậu. Lúc đó, tha hồ nổi tiếng. Có khi lại quên luôn cái ông Chủ tịch này ấy chứ, phải không con?
- Quên sao được ạ. Mà ông Chủ tịch nói thật chứ ạ?
Nghe con bé hỏi thế, ông Mịch làm bộ mặt giận, so vai rất điệu và lại cười, cái nụ cười đúng là chết người, ông cười thì miệng cười, mắt cười và cái mũi ông cũng cười, cái mũi ông cười trông rất giống cái mũi con trâu đực hôm ở ngoài ruộng ngửi đuôi con trâu cái ấy. Ai cũng bảo ông có tướng quý, có quý tướng nên mới được làm ông Chủ tịch công đoàn. Cười xong ông đến vỗ vai cháu bé rất thân tình và nói.
- Ơ, sao cháu lại hỏi thế. Ông thương mày như con ấy ông mới nói thật đấy, ở đời không ai muốn người khác hơn mình đâu, cả đời ông chỉ mong sao có được một đứa cháu gái như mày là ông mãn nguyện lắm rồi, chết nhắm mắt được rồi. Ấy, đừng để phí đi cháu nhé. Cứ ăn diện vào nhé. Thôi, bác về đây.
Tối hôm đó, dưới ngăn kéo bàn học của con gái ông Xóm trưởng là một thỏi son môi mới cứng. Cô bé đang loay hoay với chiếc gương soi và giấc mơ hoa hậu.
*
Hôm sau ông Chủ tịch sang nhà ông Hoan. Trần nhà ông Hoan vừa được sơn sửa một màu vàng chanh. Ông Chủ tịch đứng ngắm như ngắm một kiệt tác và xuýt xoa:
- Không ngờ hoa tay ông nhiều thế. Khéo thế. Đẹp thế. Trần nhà tôi hỏng, mà chẳng có ai làm được. Thật chán.
- Hỏng thế nào? Bác để em qua xem.
Và tuần sau đó, trần nhà ông Chủ tịch công đoàn được thay chiếc áo mới với màu hồng mơ mơ. Bà Chủ tịch nũng nịu lả lướt:
- Giỏi thế, chả mất đồng tiền công nào. Không ngờ ông cũng còn được việc đấy. Cứ tưởng là đồ bỏ đi, ai dè… cái đồ lẻo mép này! - Bà ta nhéo tai ông Chủ tịch công đoàn rồi lôi ông ta vào phòng ngủ. Ông ta cười hề hề. Mãn nguyện.
*
Ông Chủ tịch công đoàn có hai đứa con, một trai, một gái. Sống tít trên thành phố. Đôi tháng mới về một lần. Nghe đâu, cũng làm ăn được, nên tậu nhà trên đó cả.
Đôi lần, ông bà Chủ tịch thay phiên nhau lên ở với anh con trai. Những ngày ông đi, xóm làng chợt vắng vẻ, buồn buồn như mất đi sinh khí. Hình như có nhiều người ngóng chờ ông Chủ tịch.
Anh Kều vẫn cứ lang thang hết nơi này sang nơi khác với mái tóc dài bê bết, vai vẫn vác cây đàn ghita, ngực vẫn đeo cái kèn cha truyền con nối ngày trước. Cây đàn giờ chỉ còn hai dây, cũ kỹ, bị thủng mất một góc thùng. Anh ta vừa đi, vừa nghêu ngao hát. Bà Kịch nhìn đứa con trai duy nhất dấn thân sâu thành “nghệ sĩ” mà khổ, mà đau rồi bị tai biến mà cấm khẩu, chỉ còn có thể tồn tại với sự hảo tâm của xóm làng mà thôi.
Cô Mai sau đó bị chồng bỏ. Anh chồng của cô không chịu được sự hở hang đến ngu ngốc của vợ mình nên càng chì chiết, chửi bới; thì cô Mai càng nghĩ, chồng cô ta ghen tuông. Càng thấy đắc ý về sự xinh đẹp của mình, cô Mai càng lẳng lơ. Rồi cô ngoại tình với một ông hàng xóm. Vợ ông ta biết chuyện, nổi cơn, đánh ghen. Mặt mày tím bầm, tóc tai bị cắt trọc. Sợ hãi, xấu hổ, cô bỏ đi biệt xứ. Không ai nghe tin gì của cô kể từ đó.
Con gái của ông Xóm trưởng vẫn ôm mộng trở thành hoa hậu. Không còn là cô bé học trò ngoan ngoãn, chăm chỉ. Những lời đường mật và dụ dỗ của một đám người đã khiến cho cô bé tin rằng cô đã rất nổi tiếng với vẻ đẹp của mình. Rồi những lần trốn cha mẹ bỏ học, chơi bời cùng đám người vô nghề vô nghiệp, cô có thai. Mãi đến năm tháng sau, cha mẹ cô mới biết cũng là lúc cô hiểu được, cô sắp phải làm mẹ. Và kẻ gây ra tai họa cho cô mất tích không để lại một dấu vết. Cô sinh con năm tròn mười tám. Cô vẫn chưa kịp tốt nghiệp phổ thông. Giấc mơ hoa hậu của cô vẫn chập chờn trong tiếng khóc ngằn ngặt của đứa trẻ đỏ hỏn mà cô đang bế trên tay.
*
Hôm nay, xóm chợt ồn ào, như chợ phiên kẻ bán người mua. Cái tin ông Chủ tịch chết rồi và xác ông được đưa từ bệnh viện đã về đến đầu làng.
Số là chiều hôm qua, sau khi nhàn nhã dạo một vòng quanh làng để “ban khen”, ông Mịch dừng lại ở sân nhà văn hóa thôn xem mấy đứa thanh niên xóm chơi bóng chuyền để chuẩn bị cho giải đấu của huyện sắp tới. Hôm ấy có rất nhiều cô gái trong làng cũng ra đứng xem, đặc biệt còn có con gái của ông Xóm trưởng không biết đã gửi con cho ai trông mà cũng mặc cái váy ngắn cũn cỡn, phô phang cặp đùi trắng nõn nà với bầu ngực đang thì cho con bú cứ thây lẩy nẩy lên nẩy xuống. Đúng là gái một con - ông Mịch liếc nhìn cặp ngực của “hoa hậu xóm” mà nuốt nước miếng khan.
Khi ông Mịch đứng xem một lúc thì đúng lúc bọn thanh niên nghỉ giữa hiệp, có ai đó nói:
- Nghe đồn ngày trước ông Chủ tịch công đoàn là tay công số một của làng mình đấy.
- Thật á?
- Thật chứ đùa à. Ông Chủ tịch ơi, nhờ ông vào đi mấy đường cơ bản cho bọn cháu học tập với ạ.
- Thôi cho mình xin, mình già rồi, lại còn cao huyết áp.
- Ông còn lâu mới già nhé - Con gái ông Xóm trưởng liếc ngang ông Chủ tịch – Cháu thật, cháu mà không dở dang cháu cũng yêu ông Chủ tịch. Ông còn phong độ lắm đấy.
- Ơ cái con này.
- Chứ còn gì nữa - Con gái Xóm trưởng vừa nói vừa lắc tay ông, còn cặp ngực thây lẩy thì cứ nô tì vào bả vai ông, hích hích ông ra sân. Không thể từ chối, ông nói:
- Ờ thì thử lại tay nghề tí nào.
Ông Mịch ra sân, tiếng vỗ tay hò hét vang dội như có hội làng. Rất nhiều cổ động viên nữ đủ các lứa tuổi cùng quên hết tuổi của mình mà nhảy lên cổ vũ. Đặc biệt là con gái ông Xóm trưởng thì cứ nhảy tưng lên khi mỗi lần ông Chủ tịch có bóng, cô nhảy và bộ ngực gái một con cũng nhảy, và rồi cô hét lên: “Ôi! Ông Mịch chơi hay quá, phong độ quá! Hay quá! Mạnh nữa lên ông Mịch ơi! Cố lên! Cố lên! Em yêu ông, Mịch ơi… ông là thần tượng của em, của mẹ em, của bà em và của cả làng này…ôi em yêu ông, em yêu ông…”. Và ông Chủ tịch càng đánh, càng hăng; càng khen, càng hứng… và rồi….Tạch!!!
Mọi người gọi xe cấp cứu chỉ là gọi cho có mà thôi, ông đã tắt thở ngay khi hoàn thành cú nhảy cuối cùng và tai khi ấy vẫn còn nghe tiếng cổ vũ rất tình của con gái Xóm trưởng.
Đám tang ông Chủ tịch công đoàn trước khi đi ra đồng cũng dừng lại dưới gốc đa đầu làng. Một đám tang được tổ chức bài bản, to tát ghê lắm, người đi viếng kéo dài cả cây số. Xóm cũ, làng mới đều khóc thương ông Chủ tịch. Từng tiếng khóc thảm thiết đủ loại xen lẫn nước mắt, mồ hôi của người đi dự đám tang. Những người làng khác đi qua thấy thế đều “ban khen”: “Ôi một đám ma đông vui quá”.
Hẳn dưới suối vàng, ông Chủ tịch đang mỉm cười mãn nguyện.