Kia
Mobifone

Chuyện một đời người

Thứ Ba, 13/08/2024, 11:59

Rồi Hàn buồn. Hàn tìm rượu để giải sầu, rượu vào lời ra. Hàn lè nhè, mồm méo xệch… Có lần chúng tôi phải thuê xe xích lô đưa Hàn về nhà. Vợ Hàn nghiêm mặt, đứa con riêng của vợ chạy từ trên gác xuống, nhìn Hàn như nhìn sinh vật lạ, rồi bịt mũi nhổ nước bọt, lắc đầu chạy lên gác… Tôi nhìn Hàn nằm vắt người qua chiếc ghế tựa như cái xác không hồn, hệt như kẻ trẫm mình vừa được vớt lên từ đáy sông…

Hàn là một thanh niên dong dỏng cao, nói năng nhỏ nhẹ. Ngày mới vào cơ quan, Hàn gọi tôi bằng anh, mặc dầu về tuổi tác tôi chỉ hơn Hàn một tuổi.

Công tác ở cơ quan được một năm thì Hàn cưới vợ. Vợ Hàn là một cô gái Hà Nội chính gốc, không thể nói là xinh đẹp nhưng ưa nhìn. Tuy gò má hơi cao nhưng bù lại là nước da trắng hồng, mỗi khi cười thường đỏ mặt. Vợ Hàn có cái tên như con trai: Phong.

Phong - Hàn là cơn gió lạnh, ấy là mọi người thường đùa vậy, chứ đôi ấy sống với nhau rất hạnh phúc.

1247211b9b533f0d66428.jpg -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Nửa năm hương lửa đang nồng. Mà đâu phải chỉ có nửa năm. Hàn đã kể cho tôi nghe mối tình đầu ấy. Hàn học trước Phong một lớp. Cái lối nhỏ có hàng me Hàn vẫn thường chờ Phong lá xanh ngăn ngắt đến nao lòng… Nụ hôn đầu Phong chủ động trao cho Hàn. Hàn run. Mấy đêm thao thức… Rồi Hàn đi bộ đội. Phong chờ mùa xuân, mùa hạ, mùa thu rồi mùa đông. Khi người ta chờ đợi, ngày tháng thật là dài… Phong đã chờ Hàn cho đến ngày nước nhà thống nhất. Chính Phong đi liên hệ để xin việc cho Hàn.

Năm thứ hai sau ngày cưới, tôi và Hàn được cử đi công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Phong cũng xin nghỉ phép để đi cùng. Họ ở với nhau một phòng tầng hai tại khu tập thể cơ quan. Đó là những ngày khó khăn của đất nước. Bữa cơm tập thể chỉ có bo bo chan với nước rau muống luộc. Vợ chồng Hàn ở tầng hai, tôi ở tầng ba. Một đêm khá khuya, tôi thấy có người gõ cửa. Hàn bảo tôi xuống ăn cháo bo bo. Tôi vùng chăn chạy xuống tầng trệt. Thơm quá. Tôi bảo Hàn. Vợ Hàn múc ra ba bát cháo để giữa sàn nhà lát đá hoa. Những hạt bo bo vẫn chưa nở hết, vẫn chưa quyện được với những hạt đường màu vàng. Chúng tôi húp cháo ngon lành. Phong bảo tôi mang quần áo xuống để khâu túi lại.

Dạo đó tôi và Hàn được cơ quan cử vào đây tham gia chiến dịch cải tạo công thương. Trưởng phòng của chúng tôi là một người cẩn trọng đến kỳ quặc. Ông bắt chúng tôi khâu tất cả túi áo, túi quần vì sợ đi xuống cơ sở vận động mấy vị tư sản… họ vô tình hay cố ý bỏ vàng hay bỏ tiền vào túi áo, túi quần chúng tôi…

Phải nói là Phong rất khéo tay. Đường kim mũi chỉ không chê vào đâu được. Khâu xong, Phong còn là phẳng phiu. “Sếp của các anh kỳ quặc thật… Họ có hối lộ vàng, các anh nuốt vào bụng nhé”. Phong cười, đôi mắt lá răm đen láy.

Họ sống với nhau hạnh phúc như vậy cho đến năm thứ bảy.

Tai họa đến với Hàn bắt đầu từ chuyện vô sinh. Hàn không có khả năng. Sau nhiều lần chạy chữa Hàn vẫn hoàn toàn bất lực. Hàn buồn lắm. Tôi vẫn thường động viên Hàn, kể ra một câu chuyện có thật ở làng tôi. Câu chuyện một đôi vợ chồng sống với nhau mười năm mới có con, sau đó thì sòn sòn năm một. “Họ có chạy chữa gì không”. Hàn hỏi, một tia hy vọng nhỏ nhoi ánh lên trong đôi mắt nâu của Hàn.

Không biết vì tình yêu, vì câu chuyện của tôi, hay vì một niềm tin vào đó, mấy tuần sau Hàn báo tin cho tôi rồi cả cơ quan ai cũng biết vợ Hàn có thai. Tôi bảo Hàn: Làm một chầu bia ăn mừng đi. Hàn gật. Chúng tôi vào một quán bia gần cơ quan. Bia hơi và lạc rang. Lần đầu tiên tôi thấy Hàn say. Hàn hoa chân múa tay, miệng méo đi, rồi khóc nức như trẻ con. Mấy tuần sau Hàn báo tin với mọi người là vợ Hàn bị sẩy thai… Đó là những ngày tôi cùng Hàn đi hết hiệu thuốc này đến hiệu thuốc khác để kê đơn cắt thuốc. Thôi thì ai bảo đi đâu, chúng tôi cũng mò đến…

Lần thứ hai, Hàn báo tin vợ mình có thai rồi lại sảy thai. Đến lần thứ ba, tôi lờ mờ hiểu rằng có lẽ Phong đã an ủi Hàn mà làm nên những chuyện thất thiệt đó. Lần đầu thì Hàn tin, nhưng những lần sau Hàn đã hiểu. Rồi chính Hàn cũng muốn vậy để tự an ủi mình và dối mọi người. Để cho cái sĩ trong người mình lớn lên, lấn át cái con người vốn thật thà, chất phác trong Hàn.

Bệnh sĩ, mầm mống của những tai họa cứ lớn dần lên trong Hàn. Đến nỗi có lúc tôi cũng không nhận ra cái anh Hàn ngày xưa nữa. Sự đời, cái gì cũng có điểm kết thúc của nó, kể cả sự dối mình. Khi mọi chuyện đã vỡ lở, Hàn đã kể cho tôi nghe câu chuyện họ đã bàn nhau đẻ một đứa con như thế nào.

Hàn định nhận một đứa con nuôi, nhưng Phong đã gạt đi. Đã đến thời đại văn minh rồi. Người ta nuôi cấy cái giống “cung quăng” ấy dễ ợt. Phong vừa qua tuổi ba mươi, lại nở nang, đôi mắt lại lúng liếng hơn xưa… Họ bàn nhau đi bệnh viện… Mấy ngày đầu Hàn có vẻ trầm ngâm. Không biết cái giống “cung quăng” ấy họ lấy ở người nào? Đích thị không phải của Hàn rồi! Thôi thì giỏ nhà ai quai nhà mình! Hàn tự an ủi như vậy.

Lần này Phong có bầu thật. Cái bụng đã lùm lùm mà sao Phong vẫn vào bệnh viện. Dưỡng thai, ừ nhỉ. Mỗi lần ở bệnh viện về đôi mắt lúng liếng của Phong như ngây dại… Như người đang yêu. Cái hạnh phúc lớn thế cơ mà. Bảy năm chờ đợi làm mẹ, giờ Phong đã toại nguyện…

Nhưng mọi việc không phải chỉ có vậy. Có vậy mà không phải vậy, ấy mới là sự oái oăm của lẽ đời! Khi phát hiện ra cái con “cung quăng” ấy là của chính vị bác sĩ mà Hàn đã nhờ vả thì Hàn sôi máu lên. Thì ra là chúng nó với nhau! Hàn đã cố nén nhịn để có một đứa con bằng cái biện pháp khuất mắt ấy… Nó lại hiện hữu cái con người bằng xương bằng thịt trước mắt Hàn.

Hỡi ôi là cái giống…! Có một giờ gặp gỡ mà sự tình đã quay ngoắt 180 độ. Phong kể hết, chẳng giấu điều gì. Họ đã ân ái với nhau không phải chỉ một lần.

Không cần Hàn tra khảo, Phong đã viết đơn xin ly dị.

Phong lên xe hoa với vị bác sĩ “cung quăn” ấy tháng trước, tháng sau Hàn cũng tuyên bố cưới vợ. Vợ Hàn lần này là một người đàn bà đã có con. Hàn nghiễm nhiên có người gọi bằng bố. Có hôm Hàn đi làm về muộn, ngửi thấy mùi rượu từ Hàn, cô ta đóng sập cửa không cho Hàn vào, Hàn phải lò dò lên cơ quan ngủ…

Rồi Hàn buồn. Hàn tìm rượu để giải sầu, rượu vào lời ra. Hàn lè nhè, mồm méo xệch… Có lần chúng tôi phải thuê xe xích lô đưa Hàn về nhà. Vợ Hàn nghiêm mặt, đứa con riêng của vợ chạy từ trên gác xuống, nhìn Hàn như nhìn sinh vật lạ, rồi bịt mũi nhổ nước bọt, lắc đầu chạy lên gác… Tôi nhìn Hàn nằm vắt người qua chiếc ghế tựa như cái xác không hồn, hệt như kẻ trẫm mình vừa được vớt lên từ đáy sông…

Từ đó Hàn say triền miên. Khi miệng đã méo xệch, chân nam đá chân chiêu, Hàn bắt đầu khóc hu hu rồi gọi tên Phong nức nở… Buổi đầu nhiều người trong cơ quan thương Hàn lắm. Nhưng rồi cảnh đó cứ kéo dài mãi khiến người ta chán. Thôi thì kệ Hàn. Còn Hàn, Hàn cứ say, mặc kệ đời…

- A, thằng méo mồm, lại đi nốc ở đâu về hả?

- Kệ thây tao, chúng bay thối mồm vừa vừa chứ…

Người ta gọi Hàn là thằng say. Anh Chí…

Nhưng Hàn không thể trở thành anh Chí. Hàn đâu có gan vác dao đi tìm cái tay bác sĩ “cung quăng” ấy. Hàn không còn là Hàn ngày xưa nữa để cho người ta thương. Hàn cũng không thể trở thành cái anh Chí Phèo cho người ta sợ…

Những cơn say triền miên không còn là chuyện lạ đối với Hàn. Cô vợ mới của Hàn cũng chán cảnh này lắm. Nhiều hôm cô ả đóng cửa không cho Hàn vào. Hàn nằm khóc như kẻ dở hơi ngay bên bậc cửa. Rồi Hàn nôn ọe, đập cửa rầm rầm như một kẻ điên làm hàng xóm phát hoảng. Nằm chán ngoài thềm nhà mình cho đến khi tỉnh rượu Hàn lại lò dò tìm nhà người quen ngủ nhờ.

Một buổi sáng, cơ quan tôi náo loạn hẳn lên. Người ta hối nhau phóng xe vào bệnh viện. Nghe nói chị công nhân vệ sinh khu phố gần nhà Hàn phát hiện ra một cái xác ngay gần đống rác khu tập thể. Khi lưỡi xẻng của chị đụng vào cái đống đã mềm nhũn mờ mờ trong đêm, chị mới cúi xuống nhìn kỹ. Phát hiện ra xác người, chị hoảng hồn vứt cả xẻng chạy một mạch về đồn Công an. Ngỡ là một vụ án mạng, sợ liên lụy đến mình, chị mếu máo khóc…

Khi mọi người vào đến bệnh viện thì Hàn đã tắt thở. Một cái chết hãi hùng. Hàn nằm ngửa trên giường, hai tay nắm chặt, miệng cũng nín chặt, còn hai mắt thì mở trừng trừng…

Người ta phải dùng rượu mạnh cạy răng đổ vào miệng Hàn, đôi mắt đau đớn ấy mới vĩnh viễn khép lại…

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn

Truyện ngắn của Dương Kỳ Anh

.
.