Công an “nằm vùng”...
Nhìn ánh mắt say sưa của em, tôi thấy ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ đang rực cháy, tôi thấy hình ảnh của một thế hệ mới tài trí, năng động, trách nhiệm và nhiệt thành. Hình như ngọn lửa ấy đã truyền lại cho tôi cảm hứng sáng tác mà bấy lâu tôi đang tìm kiếm, thắp lên cho tôi ý tưởng về chủ đề tranh cổ động mà tôi đang ấp ủ. Và chắc chắn tôi sẽ đặt tên triển lãm tranh của tôi là "Công an nằm vùng"!
"Hà Nội mùa này, vắng những cơn mưa. Cái rét đầu đông, khăn em bay, hiu hiu gió lạnh...". Uh, mùa đông thật rồi. Câu hát chầm chậm trên xe như cũng quánh lại cùng cái lạnh tê tái của mùa đông vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc bộ. Tôi mở cửa xe thấp một chút để cái lạnh pha lẫn cùng mùi ngô nếp phả vào mặt. Tôi hít hà hương vị quen thuộc của những năm tháng trẻ thơ nghịch ngợm, áo chẳng đủ mặc mà vẫn không thấy rét vì còn bận chơi trò trốn tìm trong những ruộng ngô nếp cao ngút đầu.
Thực ra, lúc nào tôi cũng nghĩ mình may mắn hơn những bạn sinh ra từ phố bởi lẽ cái sự chật chội và đông đúc của phố phường khiến cho trẻ con ở phố không thể có nhiều trải nghiệm như các bạn ở quê. Ừ thì lấm lem một chút, ngờ nghệch một chút nhưng chúng tôi lại dạn dĩ dám cưỡi lưng trâu lưng bò, lại chẳng xoắn lên vì sợ khi giẫm phải giun phải chuột, lại biết phân biệt con nào cào cào, con nào châu chấu, muồm muỗm. Nói đến mấy con này, cứ tưởng tượng mỗi đứa lôi từ cái giỏ đeo ở thắt lưng ra mấy con muồm muỗm cánh xanh cánh vàng, vơ ít rạ khô nỏ của tiết trời hanh heo, bật diêm lên và thế là đã có ngay món muỗm nướng béo ngậy tuyệt nhất trên trần gian...
Mùa đông còn là mùa của những khoai lang, khoai tây "mót". Chỉ có những đưa trẻ sinh ra từ làng mới biết thuật ngữ này. Cái cảm giác cầm rổ, đi lang thang trên những cánh đồng khoai lang, khoai tây đã được thu hoạch hết để nhặt lại những củ khoai bị sót nằm dưới đất mới sung sướng làm sao. Củ khoai bé xíu nhưng niềm vui mà nó đem lại lớn hơn rất nhiều so với giá trị vật chất thực tế. Sau khi đã được cuộc đời dạy cho nhiều bài học thì tôi nghiệm ra một điều rằng cái mà tôi tìm thấy từ những củ khoai sứt sẹo thực chất là niềm vui có được từ sự cố gắng, sự kiên trì, hy vọng và cả quyết tâm nữa. Ngẫm ra thì mọi việc trên đời này, hình như, cũng đều như thế cả…
Còn đang miên man hồi tưởng thì tôi thấy trước mặt mình dáng người quen quen đi ngược chiều. Chị Liên... Tôi gần như hét lên và kéo kính xe xuống hết cỡ. Chị dừng xe lại, đúng chị Liên rồi. Huệ đấy hả em? Vâng em đây. Tôi dừng xe cạnh lề đường, mở cửa xe bước xuống, nắm lấy ghi đông xe của chị. Hai chị em mừng như bắt được vàng vì không nghĩ sẽ gặp nhau như thế này.
Em đi đâu thế? Em về quê, nhà em ở xóm Thượng đây này. Ô vậy à? - chị ngạc nhiên. Thế còn chị? - tôi hỏi. Sao chị lại ở đây? Chị chuyển về làm "Phó Giám đốc" Công an xã này được hơn một năm rồi - chị nói vui. Vậy hả chị? Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Chị Liên hơn tôi ba tuổi, học cùng tôi ở một lớp tại chức ngoại ngữ khi cả hai còn đang là sinh viên. Hồi ấy, tôi ấn tượng khi biết chị là sinh viên Học viện An ninh nhưng lại quyết tâm học thêm ngoại ngữ của Đại học Hà Nội. Tôi thì theo nghiệp mỹ thuật nhưng cũng đam mê ngoại ngữ. Cả hai tranh thủ học lớp buổi tối. Ông trời run rủi thế nào đó nên lại ngồi gần nhau nên biết rồi thân nhau lúc nào không biết.
Hồi ấy tôi rất ngưỡng mộ chị vì là con gái lại dũng cảm theo học một ngành vất vả như vậy. Nhìn chị mảnh mai nhưng từ tư thế, ánh mắt lại toát lên vẻ cứng cỏi, cương nghị và ấm áp. Mỗi khi gặp nhau, tôi hay tò mò hỏi chị về cuộc sống nội trú ở trường chị. Nghe chị kể về những kỷ luật, những khó khăn và cả những niềm vui mà tôi thấy mắt chị lấp lánh tự hào và hạnh phúc. Tôi cứ ước một lần trong đời được có cơ hội trải nghiệm một ngày làm người lính an ninh như chị...
Chị ra trường trước tôi 3 năm và nghe nói được phân về một phòng nghiệp vụ của Thành phố. Sau đó chắc vì bận công việc và gia đình nên chị bảo lưu kết quả học thêm ngoại ngữ. Tôi tốt nghiệp xong thì đi du học ở nước ngoài một thời gian, rồi lấy chồng, sinh con, rồi bộn bề công việc nên mất liên lạc với nhau từ đó đến giờ.
Cũng đã gần 20 năm rồi. Cả tôi và chị đều không còn là những cô sinh viên non nớt thuở nào. Chúng tôi: người đeo lon Trung tá, kẻ đang lang thang rong ruổi khắp nơi để tìm cảm hứng cho dự án tranh sắp tới. Như nhớ ra điều gì chị hỏi: "Thế về thăm Thầy U hay về chơi? Em ở lại có lâu không hay đi luôn?". "Em đi lang thang tìm cảm hứng cho một chủ đề tranh sắp tới của Bảo tàng mà hình như dạo này cảm xúc của em bị cằn cỗi quá hay sao ý. Cả tuần nay em cứ xách xe đi khắp nơi, hy vọng các ý tưởng đâu đó trốn trên những con đường mà em đi. Nhưng xem ra không ăn thua chị ạ. Hôm nay chán đi rồi, về ăn cơm với Thầy U, về với quê mình cho đỡ căng thẳng. May mắn thế nào lại gặp chị ở đây…".
Hay là thế này, chị gợi ý: "Bao lâu chị em mình không gặp, em cứ về chào Thầy U đi rồi xin phép ra thăm quan "cơ quan" chị nhé, chị đích thân chiêu đãi món đặc sản quê em mà chị mới được cho đây này". Nói rồi chị chỉ vào túi ni lông treo ở ghi - đông xe. Là mấy con cá nheo sông béo múp nằm yên cùng ít thì là, răm hành và cà chua. Cá ngạnh sông (hay còn gọi là cá nheo) sở dĩ được coi là đặc sản vì thịt cá càng đun càng chắc chứ không bị bở, nát như cá nước ngọt thông thường.
Hương vị cá đặc biệt thơm ngon, béo ngậy mà không bị ngấy. Vì thế, để thưởng thức vị ngon của cá, người quê tôi thường chỉ chế biến rất đơn giản là chưng ít cà chua lấy màu - không quá nhiều để nước bị chua, không quá ít để nước dùng màu nhợt nhạt - thêm ít nghệ để khử mùi và cân bằng tính hàn của cá, thêm chút mẻ tùy khẩu vị, khi nước sôi thì thả cá vào đun chín vừa sau đó thêm hành, thì là, rau răm thái nhỏ rồi tắt bếp. Vậy là đã hoàn chỉnh cho một bát canh cá ngạnh sông không thể thơm và ngọt hơn.
Chính vì nó ngon lại ít nên mấy bà buôn thường ngồi chầu chực ven sông, đợi khi thuyền chài hay bà con chài lưới xách giỏ lên bờ lúc tảng sáng là thu mua bằng hết. Thành thử dù làng tôi ở ngay cạnh sông nhưng muốn ăn cũng khó.
Nghĩ vậy tôi bèn hỏi: "Chị mua đâu được mớ cá ngon vậy?" Chị nháy mắt cười: "Của bà Quế cho chị đấy". "Bà Quế?" - tôi tròn mắt ngạc nhiên. Bà Quế vốn là một bà góa nổi tiếng khó tính sống mãi cuối làng. Chồng mất sớm, lại không con cái, tính khí lại đanh đá chua ngoa nên hầu như chẳng ai dám "dây" vào. Hằng ngày bà lủi thủi đi mò cua bắt ốc, thả lưới chỗ này, đánh rọ chỗ khác. Ngày nọ bù ngày kia cũng đủ sống qua ngày.
"Chị có phép thuật gì mà thu phục được bà "La Sát" của làng em thế?". Chị nhoẻn miệng cười: "Bản tính con người ta vốn dĩ không xấu, chỉ là hoàn cảnh quá éo le khiến người ta hằn học với những người may mắn hơn, người ta phải trở nên nanh nọc để tạo vỏ bọc bảo vệ sự yếu ớt, sự bất lực và yếu đuối của bản thân mình. Họ sợ bị bắt nạt nên cố tình đi bắt nạt người khác trước, họ sợ cô độc nhưng lại cố tỏ ra bất cần và cố tình quay mặt khi người ta chìa tay ra cho họ nắm. Con người là một chỉnh thể đầy mâu thuẫn phải không em?".
"Làm thế nào mà bà Quế lại chìa tay ra cho chị nắm vậy?". Tôi vẫn không hết tò mò. Có lẽ chị may mắn vì không phải người trong làng, bà ấy cũng dễ trải lòng hơn vì chị không bị những định kiến của dân làng, của các dòng họ ảnh hưởng đến những nhận xét, đánh giá của chị đối với bà. Lúc đầu, khi chị được cán bộ xã dẫn đi tìm hiểu tình hình xã, chị cũng bị bà chửi như hát hay. Chị cũng sốc. Sau cứ chai mặt nay đến hỏi chuyện con gà, mai lại đến hỏi thăm con lợn, thi thoảng lại đến mua của bà chục trứng gà... Thế là bà thôi chửi.
Chị nhớ hồi cả nước bước vào chiến dịch cấp đổi thẻ căn cước gắn chíp. Loa của xã đọc ra rả suốt ngày mà hết đợt vẫn thiếu vài chục nhân khẩu cố thủ không chịu đi làm trong đó có bà Quế. Công an cùng chính quyền phải phân nhau đến từng hộ tìm hiểu, thuyết phục, giải thích. Chị đến nhà, cửa không khóa, gọi mãi không thấy mở, ngoài sân, gà vịt chạy nhớn nhác thì biết ngay có chuyện gì đó chẳng lành mới mạnh dạn đẩy cửa bước vào.
Nhìn thấy bà cụ nằm còng queo trên giường, chị sợ quá chạy lại thì thấy bà đang sốt rên hừ hừ. Thế là tức tốc hô hoán hàng xóm đến cùng đưa bà cụ ra Trạm xá. Bác sĩ nghi ruột thừa nên chỉ định chuyển lên Bệnh viện huyện. Phúc nhà bà còn to chứ chậm chút nữa là ổ ruột thừa vỡ em ạ. Sau mổ, nhà lại không có ai nên chị và mấy chị em Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên thay phiên nhau trông bà cụ. Người thì mang cơm mang cháo, Hội phụ nữ cũng quyên góp được ít tiền để biếu bà chữa bệnh. Ơn giời, trông lọm cọm như thế mà hồi phục nhanh.
Từ hôm ấy như biến thành con người khác em ạ. Chị nhớ lúc đưa bà về, nhìn thấy nhà cửa sạch sẽ vì nhờ mấy cháu đoàn viên dọn dẹp, lại thấy hàng xóm đứng kín cả nhà hỏi thăm, bà cụ cảm động khóc tu tu. Bây giờ thì chính bà cụ lại trở thành một hạt nhân gương mẫu trong mọi phong trào của xã đấy em ạ. Cứ phải vận động gì là nhờ bà cụ đi tuyên truyền nhiệt tình luôn. Đấy, phàm là con người ai chẳng có lòng trắc ẩn, ai chẳng yếu mềm, ai chẳng muốn được quan tâm và yêu thương? Có điều, nếu mình không cố tìm hiểu, cũng chẳng cho người khác cơ hội tìm hiểu thì suốt đời mình chẳng thoát khỏi vòng sân si phải không em?".
Tôi chợt sững người trước những lời chị nói vì nó giống với những lời tâm sự mà ông nội hay nói với tôi thuở bé. Trong giây lát, hình ảnh của ông ùa về. Hồi ấy, tôi chưa được sinh ra, sau này chỉ được nghe kể lại, ông là một cán bộ phụ trách an ninh trật tự của một xã phức tạp. Ông trở thành Công an "nằm vùng" với phương châm "ba cùng". Không biết bằng cách gì mà sau một thời gian ông ở cùng dân, tình hình xã từ chỗ phức tạp về ANTT đã trở thành một tập thể gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Thành phần chống đối chính quyền vẫn còn rơi rớt nhưng đã trở nên lạc lõng khi đối mặt với cả tập thể yêu nước và giác ngộ cách mạng. Nhiệm vụ hoàn thành, ông tôi lại nhận nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn rồi công tác luôn ở đó đến khi về hưu.
Mỗi lần về thăm quê, thế nào ông cũng bảo các con cháu chở ông đi thăm lại cơ sở "nằm vùng" của ông thuở trước. Lần nào cũng thế, những câu chuyện thuở cấy lúa "đổi công" hay chuyện tát ao bắt cá, chuyện học chữ dưới trăng... lại được các ông các bà kể lại rôm rả. Tôi đã nghe bao lần, nhưng lần nào những câu chuyện ấy vẫn được các cụ ôn lại với tất cả niềm vui, sự say mê và biết bao tình cảm quân dân như thể ông tôi là một phần của cái làng nơi ông không sinh ra. Và lần nào cũng thế, mỗi khi ra về, ông cháu tôi lại được những người dân quê mộc mạc ấy biếu túi lớn túi nhỏ: người thì trứng gà trứng vịt, người thì mớ rau, con cá.
Lần nào chia tay cũng biết bao bịn rịn. Xúc động nhất là ngày ông tôi mất, các cụ tổ chức một đoàn đến viếng ông tôi, còn có cả thơ tiễn bạn hiền về đất Phật. Giờ thì các cụ cùng lứa với ông tôi hồi đó người còn người mất, nhưng gia đình tôi vẫn giữ nếp cũ, năm ít nhất một lần đến thăm các gia đình đã cưu mang ông tôi thuở trước. Chúng tôi lại có thêm những người "họ hàng" mới dù không cùng huyết thống. Và tình cảm chân thành ấy truyền từ đời ông tôi, đến thời bố mẹ tôi và đến cả đời tôi nữa...
"Trụ sở" Công an xã vẻn vẹn 3 phòng làm việc cùng dãy với khu vực làm việc của UBND xã được gắn biển bên ngoài cửa phòng. Xã tôi nghèo nên trụ sở Ủy ban cũng nhỏ nhắn trong khuôn viên nhiều cây cối nhìn ra cánh đồng lúa bát ngát. Lúc tôi đến có bao nhiêu là người chờ sẵn trong khu vực phòng họp của Ủy ban. Thấy tôi lưỡng lự, chị Liên ra tận nơi dắt tay tôi vào giới thiệu.
Bác Phó Chủ tịch nhìn chị Liên tếu táo: "tưởng khách quý nào hóa ra cháu tôi. Xin giới thiệu với bác Chủ tịch, đây là cô cháu họ nhà tôi, gái làng này, làm họa sĩ - cháu nhỉ?" - bác nhìn tôi xác nhận. Tôi đỏ ửng mặt vì xấu hổ, chào một lượt rồi theo chân mọi người bước vào phòng của bác Chủ tịch xã. Bác Chất - cái tên cũng rất hợp với vẻ chất phác của bác- bắt đầu câu chuyện sau khi nhấp ngụm trà và rít một hơi thuốc lào giòn tan.
Tay vừa lấy một miếng cau bánh tẻ đặt vào lá trầu không, quệt ít vôi vào đuôi lá, quấn tròn lại rồi bỏ vào miệng vừa nhai bỏm bẻm vừa kể: Bác người xã khác, cũng mới được điều động về xã ta được hai năm. Lúc đầu cũng lo lắm vì chưa quen thông thổ, lại e cảnh "phép vua thua lệ làng". Nhưng may là được cả tập thể Đảng ủy đoàn kết, lại thêm đội ngũ Công an xã chính quy làm trợ thủ đắc lực nên mọi chủ trương của Đảng ủy các cấp đưa xuống đều được triển khai ngay và thành công.
Cháu đi xa lâu ngày nên chắc không biết, trước đây quê mình cũng có một vài thành phần anh hùng hảo hán, tóc xanh tóc đỏ, xăm trổ đầy người chuyên cho vay nặng lãi khắp làng trên xóm dưới. Dạo chưa có Công an xã chính quy, Công an xã là người địa phương muốn làm mạnh tay để xóa sổ đám này cũng khó vì động đến bà con họ hàng. Nhiều lúc muốn "tẩn" cho một trận nhưng xét về vai vế trong họ, mấy ông xã còn phải gọi mấy ông oắt con ý là "ông trẻ". Vai cao thế ai dám nói? Vớ vẩn lại bị mấy "ông trẻ" ấy khai trừ ra khỏi họ chứ chẳng đùa đâu. Cả phòng cười vang.
Nhưng từ khi có chủ trương đưa Công an chính quy về cơ sở thì vai trò Công an ở cơ sở mới được phát huy đúng nghĩa. Mấy "bố trẻ" ấy chỉ anh hùng rơm trước mặt các bác "an ninh xã" người nhà thôi, chứ đứng trước mặt các anh các chị sắc phục oai nghiêm là run từ lúc bước chân vào cổng trụ sở đến lúc được cho về. Cả phòng lại cười rôm rả. Lại thêm mấy "bố" trộm cắp vặt, hôm rồi cũng vừa bị anh Thắng - tên của em Trưởng Công an xã - gọi vào trụ sở giao nhiệm vụ "trông" bưởi và "trông" gà vịt cho làng đấy.
Thấy tôi ngơ ngác, chị Liên giải thích. Chả là qua điều tra cơ bản, bọn chị xác định được mấy ông "dặt dẹo" hay trộm cắp vặt, khi thì quả bưởi, khi thì con gà con vịt... Với người nông dân, cả năm chăm bón rồi lại bị đứa khác nẫng mất thành quả lao động quả rất đau xót nên ra Công an xã "báo án". Sau khi bàn bạc, bọn chị thống nhất gọi mấy ông trộm vặt ra gọi hỏi, răn đe sau đó "khoán" luôn cho nhiệm vụ trông chừng tài sản của làng kèm theo lời đe là nếu làng mất cái gì là cứ lôi cổ mấy ông ý ra mà đổ tại.
Thôi thì ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, tùy loại đối tượng mà có đối sách phù hợp. Nói thì nói vui vậy thôi chứ gốc rễ của công tác Công an vẫn phải là tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, là cảm hóa giáo dục, là kéo người lầm đường lạc lối về với chính nghĩa thông qua vận động, tuyên truyền, giải thích rồi mới đến răn đe, xử lý. Không cương quyết thì từ con gà sẽ ra cái tivi, cái xe máy... Ấy thế mà cái cách của bọn chị lại phát huy tác dụng đấy. Cơ sở dạy cho mình nhiều cách làm hay mà chẳng có sách vở kinh điển nào có đâu em ạ. Mà có khi nhìn cậu Thắng như hộ pháp thế kia nên mấy "ông" dặt dẹo sợ không dám ho he gì nữa cũng nên. Bà con được yên tâm ngủ ngon, Công an xã đỡ phải lập "chuyên án" trộm gà, trộm bưởi. Cả phòng lại được dịp cười vang.
Bác Chủ tịch lại được dịp tếu táo - "cũng tại mấy cô chú Công an xã làm việc hiệu quả quá mà bây giờ cán bộ xã không được nghe tiếng chửi của cụ Quế nữa đấy. Quái lạ, không hiểu ngày xưa cụ ấy học văn chửi trộm ở đâu mà vần điệu hơn thơ lục bát. Mà hay nhất là mỗi lần cụ ấy chửi là bao giờ cũng đi một vòng quanh làng rồi dừng lại đúng cổng trụ sở xã mà chửi. Ý như thể: đấy, dân đóng tiền thuế để nuôi cán bộ, thế mà cán bộ không trông nom được tài sản của dân, đến con gà còn bị mất. Từ dạo trộm gà "bỏ nghề", từ dạo cụ ấy được cô Liên chăm ở bệnh viện về là cũng bỏ luôn nghề chửi. Anh em bọn mình đâm lại thấy nhơ nhớ các anh nhỉ" - tiếng cười vang rộn khắp căn phòng đơn sơ, ấm áp.
Như nhớ ra điều gì bác bảo tôi: "Mấy cô chú Công an làm dân vận khéo đáo để nhá. Bà con ở làng có gì ngon ngon là thế nào cũng mang sang ủng hộ "cơm bếp" của Công an. Nên thành thử như hôm nay đấy, bác cháu mình lại được ăn ké". Tôi thầm khâm phục tài năng lãnh đạo và khiếu hài hước của bác. Ẩn sau vẻ chất phác, đôn hậu là một tư duy lớn và một "nhạc trưởng" tài ba - người biết cách để tất cả các nhạc cụ trong dàn nhạc đều được khoe vẻ đẹp rực rỡ của nó trong một bản hợp âm, lúc trầm để khoe nốt thấp, lúc bổng để nâng nốt cao; người luôn tự hạ thấp mình nhưng trong câu chuyện đầy tiếng cười ấy. Tôi hiểu rằng nếu không có sự hậu thuẫn của chính quyền thì dù Công an xã có ba đầu sáu tay cũng không thể làm tốt và phát huy được cái tầm của mình.
Vừa với tay lấy cái ống nhổ - dụng cụ nhổ nước trầu - bác vừa quay sang hỏi: "Mấy anh em đã đưa họa sĩ đi thăm quan trụ sở Công an xã chưa?". "Dạ chưa chú ạ!" - chị Liên nói. "Vậy tranh thủ dẫn nhau đi thăm quan một vòng rồi về ăn là vừa nhé".
Nói là trụ sở Công xã cho oai chứ thực ra khu vực làm việc chỉ vẻn vẹn có 3 phòng nằm ngay cạnh phòng của Chủ tịch xã, được bố trí ngăn nắp, gọn gàng. Em trai Trưởng Công an xã đi bên cạnh tôi cao lớn và chững chạc hơn tuổi rất nhiều,vừa đi vừa kể: Lúc mới đến nhận nhiệm vụ em cũng "choáng" lắm chị ạ. Phần vì em sinh ra và lớn lên ở phố, giờ "về quê" mọi thứ đều bỡ ngỡ từ lời ăn tiếng nói đến cơ sở vật chất. Lúc đầu triển khai, mới có em và chị Liên cùng một cán bộ nữa. Phòng làm việc, nơi ăn chốn ở đều chưa có, tóm lại tất cả đều là con số 0. May được sự quan tâm của các cấp, bọn em được xã nhường hẳn cho 3 phòng rộng nhất để làm trụ sở làm việc. Anh em cũng tranh thủ được xã cấp cho bàn ghế, ấm chén và máy tính để làm việc.
Vừa làm vừa tìm tòi và đề xuất, cái khó lại ló cái khôn nên sau khoảng thời gian hụt hẫng ban đầu thì mọi việc bắt đầu đi vào nề nếp. Sau khi được tăng cường thì hiện giờ quân số của bọn em cũng chỉ có 5 người cả chỉ huy và cán bộ, mà 4 trong số 5 người đều từ xa về nên chỗ ăn ở đều phải tự khắc phục đấy chị ạ. Có xuống cơ sở mới thấy ý nghĩa lời dạy của Bác "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Nhất là ở trong môi trường thuần nông, tính chất làng xã, nhận thức của người dân lại nhiều hạn chế… thì mỗi phong trào lại phải có một cách làm khác nhau mới thành công chị ạ.
Như dạo bọn em đồng loạt triển khai cấp căn cước công dân mới, một số hộ dân không đi làm vì lý do họ cả đời không đi đâu, chẳng cần đến căn cước làm gì thì cần gì phải đổi cho mất thời gian? Bọn em ngoài việc phối hợp với chính quyền phát trên loa chủ trương của Đảng và Nhà nước phải kết hợp với tìm đến những người có uy tín trong từng dòng họ để nhờ vận động các trường hợp khó thuyết phục.
Em kể chị nghe, lúc đi thu thập dữ liệu dân cư mới phát hiện bao vấn đề: nào là họ tên không khớp, nào là ngày tháng năm sinh không khớp, nào là mất giấy khai sinh, nào là mất sổ hộ khẩu... Cũng tại một thời gian dài, bà con mình đã quen với tác phong làm việc kiểu gia đình, nhận thức của cán bộ lại hạn chế nên cũng hơi "tùy tiện". Có trường hợp bản chính giấy khai sinh thì đệm là Thị, bản sao thì lại đệm thành "Thanh", xong vào sổ hộ khẩu lại thành "Hồng"... Những "ca khó" như vậy làm bọn em đau cả đầu chị ạ. Các anh em lại phải tập hợp xin hướng dẫn từ cấp trên để giải quyết từng trường hợp. Sau đó phải quán triệt lại với bà con về việc thống nhất thông tin cá nhân.
Giờ thì bà con mình "thông" rồi chị ạ, không thích thế nào làm thế ấy nữa vì đã được thông báo tất cả các thông tin cá nhân của bà con sẽ được thể hiện trong mã định danh điện tử. Cứ nghe nói đến việc bây giờ đi giao dịch các thủ tục hành chính không cần đem theo giấy tờ mà chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chip là ai cũng mừng chị ạ. Bọn em cũng mong có một hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông toàn quốc để tiến tới xây dựng chính uyền điện tử, có như vậy mới giảm bớt các thủ tục hành chính, mới hạn chế được nạn nhũng nhiễu, hạn chế tiêu cực lãng phí và tất nhiên mới tinh giản bộ máy công chức cồng kềnh.
Cứ nghĩ đến những lợi ích ấy là bọn em động viên nhau làm ngày làm đêm, cố gắng khắc phục khó khăn của người "mở đường" chị ạ. Không thể có trái ngọt như ngày hôm nay nếu Bộ Công an không quyết tâm đưa ra những quyết sách táo bạo mà không kém phần mạo hiểm tại thời điểm ban đầu…. Nhìn ánh mắt say sưa của em, tôi thấy ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ đang rực cháy, tôi thấy hình ảnh của một thế hệ mới tài trí, năng động, trách nhiệm và nhiệt thành. Hình như ngọn lửa ấy đã truyền lại cho tôi cảm hứng sáng tác mà bấy lâu tôi đang tìm kiếm, thắp lên cho tôi ý tưởng về chủ đề tranh cổ động mà tôi đang ấp ủ. Và chắc chắn tôi sẽ đặt tên triển lãm tranh của tôi là "Công an nằm vùng"!