Huyền tích trống cơm
Một tối nọ, mưa như trút nước, sấm vang chớp giật, một lúc sau gió về ầm ầm, trời bỗng dưng chuyển lạnh, cô Hai choàng dậy, thấy lo lắng trong lòng, chờ ngớt mưa rồi cầm đèn đi xem dãy nhà ngang thế nào. Đi ngang qua nhà kho bỗng thấy có ánh sáng le lói, cô Hai nhìn vào, thì ra Trần Khanh đang châm đèn đọc sách, lại còn khe khẽ hát, giọng lên bổng xuống trầm rất vang và ấm.
Trần Khanh nhà nghèo, cha mẹ lại mất sớm, chăm học, mất nhiều năm đèn sách để đi thi ngõ hầu đổi đời, chớ cũng không nghĩ rằng phải kinh bang tế thế hay giúp đời gì cho to tát cả. Bởi vậy chàng cũng không tỏ vẻ có chí lớn hay mơ ước vinh hiển gì, thành thử các nhà giàu trong vùng không để mắt đến. Chỉ có chú tiểu đồng là vẫn luôn ở bên cạnh chàng, hầu hạ sớm hôm. Nhiều khi Trần Khanh thấy cám cảnh, bảo tiểu đồng tìm nhà khác mà nương tựa. Nhưng tiểu đồng bảo, em đi đâu cũng vậy thôi, thà ở với cậu, giờ nghèo khổ biết đâu sau này vinh hoa phú quý, em cũng được hưởng lây.
Ai dè đến kỳ thi, Trần Khanh trượt thẳng cẳng, vì không được thụ giáo các thầy giỏi. Lên kinh thành, chàng mới biết các sĩ tử không thụ giáo thầy này thì thầy khác, ít nhất cũng là quan đốc học về hưu trí. Còn đỗ nhiều nhất cao nhất là môn sinh của quan thái phó, nghe đâu từng nhiều năm vào dạy cho hoàng đế đương triều. Chán nản, Trần Khanh bảo với tiểu đồng, hay là chết quách đi cho rảnh nợ đời, chứ sống lay lắt thế này khác gì địa ngục. Tiểu đồng chỉ vào bụng bảo, cậu có thấy bụng em đang réo ùng ục không, nếu có chết cũng phải kiếm cái gì ăn để khỏi phải làm con ma đói trước đã.
Không còn một cắc bạc nào, Trần Khanh và tiểu đồng đành phải đi xin ăn. Tiểu đồng bảo, đằng nào cũng mất công xin, thầy trò ta cứ đi xin nhà giàu, biết đâu xin được vào dạy học thì cậu cũng ấm cái thân. Trần Khanh bảo, ta là kẻ thi trượt thì dạy ai nổi. Tiểu đồng cười, cậu cứ nghĩ vậy thì bao giờ khá nổi, em thấy nhiều người sở học chẳng bằng cậu mà họ tự tin hơn nhiều. Hai thầy trò vừa nói chuyện vừa tìm kiếm, chẳng mấy chốc đã thấy một trang viên rộng lớn, được bao quanh bằng lớp tường cao vút. Trần Khanh lúc này đói quá rồi, nghĩ lúc này chẳng cần giữ khí khái làm gì, bèn vừa gọi vừa lay cánh cổng. Ngờ đâu cánh cổng mới được gá vào, nên đổ sầm xuống. Trần Khanh ngã lăn kềnh xuống đất.
Nghe tiếng động, cô Hai con gái ông chủ nhà chạy ra, ôn tồn hỏi chuyện. Trần Khanh ấp úng xin lỗi, lại bảo do đói quá nên mắt hoa mày choáng. Nghe vậy, cô Hai thở dài bảo đứa ở, em vào lấy cơm canh ra cho hai người họ ăn. Lại bảo Trần Khanh, hai người cứ ăn cho no, rồi tôi biếu chút tiền lộ phí mà về quê, thi hỏng thì kiếm việc khác mà làm, ở đời thiếu gì việc thiện lương. Cơm canh đưa ra, tiểu đồng tặc lưỡi bảo, cậu ơi sao mà ngon thế này, cứ như ăn tiệc. Trần Khanh chỉ ậm ừ cho qua, vì còn mải nhai. Cơm trắng dẻo thơm, thịt kho hương ngào ngạt, cà pháo muối giòn tan, canh cua đồng nóng hổi, toàn món dân dã mà ngon không bút nào tả xiết.
Hai người Trần Khanh đang say sưa ăn thì ông Trùm Chuế, bố cô Hai cùng mấy tên gia nhân ra. Ông Trùm Chuế chỉ tay vào mặt Trần Khanh mà mắng xối xả, chúng bay làm hỏng cổng nhà ông giờ tính thế nào, có đền không để ông đưa lên quan. Cô Hai ôn tồn bảo cha mình, cha ơi có gì mà phải làm ầm lên vậy, lẽ ra cha chưa nên cài cổng khi chưa xong thì người ta đâu có làm ra vậy. Ông Trùm Chuế nghiêm mặt bảo, con nhân từ thì cha biết, nhưng giờ cánh cổng đã hư hỏng, cha không để yên cho hai tên này được.
Nhìn thấy cô Hai xinh đẹp, lại có vẻ hiền thục, Trần Khanh nảy ra một ý, bèn bảo ông Trùm Chuế rằng giờ chàng cũng chẳng có tiền, chỉ còn cách là ở lại làm công để bù lại tổn thất, không dám đòi tiền chỉ cần được nuôi ăn là đủ rồi. Nghe đến đó, thấy có lợi, ông Trùm Chuế hài lòng lắm, nhưng nghĩ nếu chấp thuận ngay thì đối phương lại tưởng được giá, nên làm ra vẻ thông cảm mà rằng, lẽ ra ta phải bắt bồi thường không thì giải lên quan, nhưng thầy trò ngươi cũng biết điều, nên cho ở lại làm công mà đền, làm tốt ta còn có thưởng.
Thế là từ đó, Trần Khanh ngày thì làm việc nhà như xay lúa, bổ củi, gặp vụ mùa thì ra đồng, không nề hà việc gì khó nhọc. Tối đến thì chong đèn đọc sách, quyết chí đỗ cao ở kỳ thi sau, tự nhủ giờ gian khổ sau này hiển vinh thì mới là khổ tận cam lai, chứ mọi việc dễ dàng quá thì hậu vận e rằng lại không tốt.
Một tối nọ, mưa như trút nước, sấm vang chớp giật, một lúc sau gió về ầm ầm, trời bỗng dưng chuyển lạnh, cô Hai choàng dậy, thấy lo lắng trong lòng, chờ ngớt mưa rồi cầm đèn đi xem dãy nhà ngang thế nào. Đi ngang qua nhà kho bỗng thấy có ánh sáng le lói, cô Hai nhìn vào, thì ra Trần Khanh đang châm đèn đọc sách, lại còn khe khẽ hát, giọng lên bổng xuống trầm rất vang và ấm. Bất giác Trần Khanh nhìn thấy cô Hai, luống cuống bảo, thưa cô tôi không dùng dầu của nhà mình thắp đâu, đây là tôi tự ép lạc hẩm bỏ đi thành dầu, cô chớ có nói với ông Trùm để rồi tôi lại mắc nợ thêm.
Cô Hai cảm thấy bùi ngùi, người có chí thế này gặp lúc sa cơ nhìn thật tội. Lại trong ánh đèn nhá nhem, thấy Trần Khanh cũng ra dáng tu mi nam tử, lòng cũng thấy cảm mến, bèn ngồi bên cạnh mà hỏi chuyện. Trần Khanh thở dài mà rằng, tôi cố khoa thi này đỗ đạt, cũng để sau này bớt khổ. Cô Hai đăm chiêu rồi bảo, tôi thấy anh có giọng hát réo rắt mê đắm lòng người, sao không tìm thầy học nhạc có khi lại thành tài, chứ đâu cần phải đắm chìm vào khoa cử, rồi sau quan trường hiểm ác, chắc gì đã được tốt đẹp. Trần Khanh cười, tôi ngại tiếng xướng ca. Cô Hai tủm tỉm, tôi không ngại thì thôi anh ngại làm gì, mình cứ luyện cho thành tài giúp ích cho đời là được. Lại nói thêm, nếu anh mà thành tài, sau này tôi sẽ bảo cha tôi cho tôi và anh nên duyên. Trần Khanh nghe đến câu đó, vừa sửng sốt vừa vui mừng quá đỗi, lắp bắp bảo nếu là vậy thì khó khăn mấy tôi cũng quyết không từ nan.
Vừa hay đến đó thì Trùm Chuế bước vào quát, lão đã nghe hết câu chuyện rồi, lớn gan lớn mật quá đó. Cô Hai e thẹn bảo, cha ơi con thấy anh ấy cũng là người tốt. Trùm Chuế thở dài, con ơi nhưng cha không bán con rẻ vậy. Trần Khanh vội bảo, thưa ông, giờ ông muốn gì con cũng xin nghe. Trùm Chuế lẩm nhẩm, nghĩ bụng thằng này tứ cố vô thân, từ ngày đến đây cũng chăm chỉ làm ăn, lại biết chữ biết tính toán, nhận nó làm rể thì cũng coi như có thêm tay tổng quản, cũng không thiệt gì lắm.
Nghĩ xong bèn nghiêm mặt bảo Trần Khanh, lão có một mụn con gái nên thương yêu lắm, nhưng anh chưa xứng với con gái lão, nên cho hẹn ba năm học thành tài hoặc lập được công trạng gì thì cho cưới. Trần Khanh vui mừng khôn xiết, thưa ông con sẽ thành tài. Trùm Chuế xua tay, nhưng nếu anh không thành tài thì con gái lão thiệt thòi lại lỡ dở, vậy thì ta phải giao kèo là nếu vậy anh phải làm người ở không công cho nhà lão đến suốt đời. Trần Khanh hít một hơi dài, lão nói vậy con xin nghe.
Hôm sau, đúng vào lúc chuẩn bị làm giao kèo, thì mẹ con Ấm Hỷ mang lễ vật đến xin hỏi cô Hai. Mẹ Ấm Hỷ vốn là kỹ nữ giải nghệ, cậy vào nhan sắc và miệng lưỡi nên lấy được bố Ấm Hỷ trước kia cũng có chức tước. Cưới được mấy năm thì bố Ấm Hỷ do phóng đãng quá độ trước những tuyệt kỹ của mẹ Ấm Hỷ nên về với ông bà ngay trong một đêm đầy xuân tình. Mẹ Ấm Hỷ cũng tháo vát nên tạo dựng thêm được cơ đồ, ruộng đất nhà cửa tuy chưa đến mức vô số nhưng đủ để sống phong lưu khoái hoạt. Chính thế nên Ấm Hỷ trở nên lười biếng, ngày ngày chỉ kết giao với lũ du đãng bàn chuyện ăn chơi hưởng lạc.
Trùm Chuế nhìn mâm lễ vật của mẹ con Ấm Hỷ rồi trầm ngâm, phải chi bà và cháu đến sớm vài hôm thì tôi đỡ phải băn khoăn, vừa tối qua trót hứa sẽ gả con gái cho cậu Trần Khanh này. Mẹ Ấm Hỷ sau khi nghe chuyện thì bảo, ông Trùm ơi ông mới hứa miệng thì đã có gì làm bằng. Ông Trùm Chuế nghĩ, giờ mà từ chối thẳng thừng cũng không hay, phải làm cách nào vẹn toàn cả đôi đường, bởi thực lòng ông cũng không ưa gì mẹ con Ấm Hỷ, thừa biết họ xin cưới cô Hai là mong sau này ông mất đi, gia sản sẽ về tay cậu ấm này. Tất nhiên chuyện đó rất khó xảy ra, vì năm trước ông đã lập văn tự thừa kế cho cô Hai, lại dặn con gái mình sau này rể chỉ được cùng cai quản cơ ngơi.
Đang lúc nghĩ ngợi nát óc thì cô Hai bảo, cha ơi nếu vậy cứ để cho hai chàng thi tài với nhau, cùng thời hạn ấy mỗi người học lấy một nghề, ai thành tài thì con xin được nâng khăn sửa túi cho người ấy. Nghe đến đó, mẹ Ấm Hỷ cằn nhằn với con mình, thế là từ chối mình rồi con ạ, cái ngữ con chỉ lêu lổng chứ ham gì học hành như người ta. Ẩm Hỷ cười, mẹ chớ khá âu lo, con đã không học thì thôi một khi học thì sẽ thành tài. Mẹ Ấm Hỷ hài lòng lắm, lập tức bảo ông Trùm Chuế lập giao kèo.
Buổi tiễn đưa, cô Hai cầm tay Trần Khanh lưu luyến, bùi ngùi bảo, anh cố gắng lên, tôi sẽ chờ đợi anh dù núi kia có mòn. Trần Khanh rưng rưng, tôi nhớ ơn cô Hai từ lúc cô đưa cho tôi bát cơm, nay lại có cơ hội này, sẽ dốc toàn tâm toàn ý mà thành tài. Đúng lúc đó, hai người nhìn thấy mẹ con Ấm Hỷ tiễn nhau lên đò, rình rang như thể đám tiễn quan viên.
Trần Khanh và tiểu đồng đi mải miết, chẳng mấy mà đã đến kinh thành. Tiểu đồng bảo, cậu lần này có động lực thảo nào đi nhanh như tên bắn. Trần Khanh cười, là do cô Hai chuẩn bị đồ ăn thức uống chu đáo quá, nên thầy trò ta mới đủ sức. Lại bảo tiểu đồng, lần này ta đã dò hỏi được nơi ở của quan Thái nhạc, nghe nói ông ấy đang tuyển thêm người, nên sẽ liều một phen. Tiểu đồng gật gù, lại thở dài, hồi trước em bảo cậu tìm nghề khác mà học thì không chịu, cứ chi hồ giả dã ngâm nga mãi, nghe lê thê bồi không bút nào tả xiết. Trần Khanh bật cười, thấy tiểu đồng nói cũng đúng phần nào.
Quan Thái nhạc được đức vua giao cho việc lập một đội lễ nhạc, là việc trọng đại nên đích thân tuyển lựa từng người. Đến lượt Trần Khanh, khi nghe chàng xưng là học trò thi hỏng, bất giác lấy làm tò mò, bèn hỏi ý nghĩa của lễ nhạc là gì. Trần Khanh lúng túng, toát mồ hôi rồi đáp, bẩm quan, kẻ thi hỏng này không biết rõ, nhưng thiển ý thì nghĩ rằng lễ nhạc không chỉ là diễn tấu, mà tiên dùng lễ hậu dùng nhạc để hướng con người ta vào lễ vào phép thông qua nhạc điệu. Quan Thái nhạc phá lên cười, ngươi nói vậy chính hợp ý ta. Lại bảo, từ nay đích thân ta sẽ chỉ dạy cho ngươi thành tài. Trần Khanh lạy tạ, vui mừng khôn xiết, từ hôm đó chuyên tâm học nhạc, không dám trễ nải.
Ấm Hỷ lên kinh, thuê ngay một căn nhà rộng rãi, tìm một vài ca kỹ đến để đàn đúm cho hết ngày. Các ca kỹ ở kinh thành nhiều ngón nghề, biết hắn có tiền, nên ra sức trưng trổ các ngón nghề ra mà phục vụ. Mãi rồi cũng chán, hắn đuổi hết, chỉ giữ lại một ả tên là Tuyết Trinh. Ấm Hỷ bảo, công nhận tên nàng hay đó, làm ca kỹ mà tên là Trinh khác gì ta nghe truyện cổ kể có ông quan tên là Liêm. Tuyết Trinh làm bộ nghiêm mặt bảo, em chỉ bán nghệ không bán thân. Ấm Hỷ bảo, thế nàng bán một vài bộ phận của thân thể à. Tuyết Trinh cười ré lên, bảo Ấm Hỷ, chàng quả là tay phóng đãng có hạng.
Ít lâu sau, mẹ Ấm Hỷ lên chơi, cũng là để xem con mình học hành đến đâu rồi. Ấm Hỷ đón mẹ vào nhà, cười bảo mẹ an tâm đi, con đã học được nghề chiêm bốc. Mẹ Ấm Hỷ ngạc nhiên hỏi lại, là nghề bốc lúa chiêm à. Ấm Hỷ cười, không ạ, là nghề nhìn trăng nhìn sao mà đoán thời tiết, luận số phận con người, do một ông quan ở Khâm thiên giám chỉ dạy cho con. Mẹ Ấm Hỷ ngạc nhiên lắm, nhưng sau khi nghe con mình ngâm nga mấy câu hát xằng cuội, cũng thấy tin tưởng phần nào. Bèn bảo Ấm Hỷ, nhanh nhanh mà thành tài con nhé, chớ để thằng khố rách áo ôm kia làm rể nhà lão Trùm Chuế, mẹ nhìn cơ nghiệp ấy về tay kẻ khác là mẹ uất nghẹn vì tức. Ấm Hỷ cười, con cũng vậy mẹ tưởng con khác ạ.
Ngoài mặt cười vậy, nhưng trong lòng Ấm Hỷ bắt đầu lo lắng, bởi hắn nghe nói Trần Khanh đã được quan Thái nhạc nhận vào đội lễ nhạc, lại còn được trình tấu cho đức Hoàng thượng nghe. Bây giờ có học thì cũng chẳng kịp, trò mèo này chỉ bịp được mẹ hắn cho qua cơn này. Chỉ còn cách là thuê mấy tên du đãng đến ngày về, đón đường giết Trần Khanh là xong. Lúc ấy, Trùm Chuế không gả con cho hắn thì cho ai. Nghĩ đến đó, Ấm Hỷ vui sướng trong lòng, hào hứng bảo mẹ hắn, giờ mẹ thích đi đâu trong kinh thành con dẫn mẹ đi chơi thỏa thích, kiểu gì sau này cô Hai chả là của con.
Chẳng mấy chốc đã đến ngày hẹn ước, Trần Khanh thưa chuyện với quan Thái nhạc để về quê. Quan Thái nhạc lúc này đã nhậm chức cao hơn, bèn bảo học trò yêu của mình, cứ về lo việc đi rồi thầy sẽ về để thay cha mẹ con xin hỏi cưới con gái người ta cho đàng hoàng. Trần Khanh vui mừng khôn xiết, quỳ xuống lạy tạ. Quan Thái nhạc cười bảo, con chớ phải xúc động vậy, ta có con bên mình cũng khác gì hổ mọc thêm cánh. Tiếng đàn của con vừa đĩnh đạc nhịp phách lại sâu sắc tình đời, khi hòa tấu lại biết chìm xuống để nâng các nhạc công khác lên, quả là vạn người có một, tới đây thôi con sẽ thay ta chứ không phải là ai khác. Trần Khanh nhớ lại ngày trước, tự nhủ đời không khác gì giấc kim kê, tuy nhiên sướng khổ đôi khi cũng do mình tự chọn.
Về đến đầu làng, Trần Khanh bảo tiểu đồng về trước, còn chàng đứng lại nghỉ ngơi một chút, ngắm cảnh nơi đây, bởi trước kia không thấy thân quen, nhưng từ ngày ra đi lại nhớ đến cồn cào. Một lúc sau, cô Hai tất tả đi ra, mừng mừng tủi tủi. Trần Khanh ngồi bên cô Hai bảo, giờ tôi đã thành tài, cũng đền đáp được công ơn của cô phần nào. Cô Hai dịu dàng, chàng ơi sao vẫn xưng hô khách sáo đến vậy. Trần Khanh lúng túng rồi cười, cũng là do chưa quen miệng. Cô Hai nhìn chiếc áo thêu khoác ngoài của Trần Khanh, khen đẹp. Trần Khanh bảo, đây là áo gấm của ban lễ nhạc do đích thân quan Thái nhạc đặt may, rồi khoác lên người cô Hai vì thấy gió lạnh bắt đầu tràn về. Cô Hai bảo, thôi em về trước còn cơm nước, vả lại chưa dạm hỏi gì, nhỡ có người đi qua trông thấy lại buông lời đàm tiếu.
Ngồi nghĩ vẩn vơ một lúc, nhận ra là trời đã tối, Trần Khanh đứng dậy bước về. Đi được một đoạn bỗng chàng giật mình khi thấy một người nằm dưới đất, trên mình khoác chiếc áo gấm. Trần Khanh hoảng hốt, lật người ấy lên, thét lớn khi nhận ra đó chính là cô Hai. Trần Khanh bủn rủn chân tay, mắt hoa đi, không tin vào chuyện xảy ra trước mắt. Đang lúc bấn loạn tinh thần thì một đám người chạy đến. Trần Khanh lịm đi, chỉ nhận biết là họ đang tra gông vào cổ mình.
Lúc tỉnh dậy, Trần Khanh thấy mình đang nằm trong ngục tối, ẩm thấp lạnh lẽo. Cổ và chân tay chàng đều đeo gông, cạnh đó là một bát cơm gạo hẩm và một âu nước. Trần Khanh toàn thân lạnh toát, nhìn bát cơm gạo hẩm mà nhớ bát cơm ngày đầu gặp cô Hai, òa lên khóc nức nở. Nghe tiếng khóc, một tên cai ngục đi tới gằn giọng, ngươi sắp làm ma không đầu rồi còn khóc lóc nỗi gì. Trần Khanh gào lên, ông ơi sao lại như vậy, tôi làm sao có thể đang tâm giết người con gái tôi yêu. Tên cai ngục bình thản bảo, tang chứng vật chứng đủ rồi, đợi tháng sau quan sẽ đem ngươi ra xử chém. Trần Khanh uất nghẹn dâng lên tận đỉnh đầu, chỉ biết ôm lấy mặt để ngăn mình không đập đầu vào tường.
Ngày hôm sau, tiểu đồng vào tới ngục, nhìn Trần Khanh mà thì thầm, cậu ạ, em phải đút tiền cho bọn cai ngục mới vào được đây. Nhìn thấy tiểu đồng, Trần Khanh cố nén khóc bảo, ta đã muốn chết theo cô Hai, nhưng cứ nghĩ đến cảnh hung thủ nhởn nhơ sống là không thể chịu được. Tiểu đồng bảo, em đã dò la tin tức, biết được chính Ấm Hỷ thuê đám du đãng giết cậu, ai dè cô Hai khoác áo của cậu, đêm tối nên chúng ra tay nhầm.
Trần Khanh bảo, vậy em tìm cách lên kinh gặp quan Thái nhạc thầy ta, kiểu gì ta cũng được cứu. Tiểu đồng sụt sùi mà rằng, chỉ cần cứu được cậu, em dẫu có nhảy vào búi đao biển lửa cũng không từ nan. Nói dứt câu bèn chào từ biệt, vì sợ không kịp thời gian. Trong lúc chờ đợi, Trần Khanh lấy cái trống con, đắp cơm hẩm vào hai mặt trống, để nhớ ngày gặp cô Hai. Tiếng trống kêu nhẹ nhàng, vang vọng, nỉ non, như tiếng tim chàng đứt từng đoạn.
Vào đúng ngày đầu tháng mới, tri huyện đem Trần Khanh ra xử. Dân chúng quanh huyện kéo đến xem rất đông. Khi đi ngang qua Trùm Chuế, Trần Khanh thét lên, ông ơi con vô tội. Trùm Chuế mắt sưng húp, gầy đi trông thấy, chỉ gật gật đầu. Vừa lúc tri huyện đập bàn ra oai thì lính lệ vào bẩm, có quan nhị phẩm từ kinh thành về. Tri huyện tái mặt đi, rồi ra nghênh đón.
Quan Thái nhạc bước vào, thét lớn, ta đến đây vì vụ án học trò của ta. Tri huyện lúng túng rồi bảo, bẩm quan lớn, hạ quan chỉ biết xử theo phép nước. Quan Thái nhạc cười, vậy ta cho ông người chứng để dễ xử. Tức thì tiểu đồng dắt Tuyết Trinh vào. Vừa nhìn thấy quan Thái nhạc, Tuyết Trinh đã khai, bẩm quan lớn chính con đã nghe Ấm Hỷ bàn với đám du đãng là phải giết cô Hai. Ấm Hỷ quát, này con ca kỹ kia, ta chỉ bàn giết Trần Khanh chứ đời nào lại giết cô Hai, chẳng qua đêm tối chúng nhận nhầm người. Nghe đến đó, quan Thái nhạc hất hàm bảo tri huyện, vậy giờ ông biết phải xử thế nào rồi đó. Ấm Hỷ vội kêu lên, này tri huyện, ông nhận tiền của tôi giờ lại xử tôi à.
Quan Thái nhạc khẽ cười, rồi cho lính trói Ấm Hỷ và mẹ cùng tri huyện lại. Ấm Hỷ và đám du đãng nhận tội chết, tri huyện bị lột áo mũ. Lôi đám người đó ra, quan Thái nhạc hỏi Trần Khanh, giờ con định thế nào. Trần Khanh thở dài bẩm, thưa thầy, từ khi cô Hai mất, con cũng không thiết tha gì nữa, chỉ muốn lập gánh hát đi đây đó cho khuây khỏa. Lại đến gần Trùm Chuế bảo, cho phép con gọi ông là cha, cả đời này sẽ chăm sóc ông thay cô Hai.
Từ đó, người ta thấy gánh hát do Trần Khanh làm chủ đi lang thang khắp nơi. Lại có cả Tuyết Trinh đi theo múa hát. Ai cũng thích nghe tiếng trống cơm của Trần Khanh, vì thanh âm vừa vang vọng vừa nỉ non như tiếng lòng.