Quán cô đơn
Tuân khẽ đưa mắt nhìn Nhiên. Cô vẫn ngồi tựa vào gốc keo cổ thụ, gần như bất động. Vắt vẻo trên cái thang đóng bằng thứ tre non không lấy gì làm chắc chắn, anh rón rén chằng tấm bạt che tạm góc chòi đã bị phá dỡ toang hoác, nham nhở, cố gắng không gây tiếng động lớn. Chưa bao giờ anh sợ ánh mắt của Nhiên như lúc này. Bốn năm ở trạm, ngoài mấy câu chào hỏi, xã giao lấy lệ, anh chưa bao giờ dám tiến sâu hơn vào cuộc đời của Nhiên.
Con chim phượng hoàng gục trên bến Âu Lâu
Đất Thái Giao nghìn trùng cách trở
Bao lần hẹn, không một lần gặp gỡ
Họ lặng lẽ chờ, rồi lặng lẽ phụ nhau.
Ấy là quán nước nhỏ, không tên, không bảng hiệu, lại càng không nam thanh nữ tú dập dìu. Bốn vách gỗ mít mốc thít, ọp ẹp, đã sụp mất một góc và được chằng tạm tấm bạt cũ kỹ, quây lấy khoảng không gian vừa đủ kê đôi bàn gỗ. Cả hai đều được đặt cạnh cửa sổ hướng ra lộ. Một cái dùng để đặt tủ kiếng con con, vừa đủ để người qua lại nhận ra một hàng nước. Cái nhỏ hơn kê cách đó dăm bước chân, với độc chiếc ghế đẩu. Khối kiến trúc cũ kỹ, sơ sài, bạc phênh phếch đỡ lấy mái ngói ố đen khươm mươi niên ấy những tưởng một trận Nam lửa xứ này đã đủ đưa ra tận bãi sông Cái cách đó độ vài mươi thước, ấy vậy mà vẫn trơ lì bấu lấy cánh cổng trạm xá của xã suốt hơn hai mươi mấy năm.
Cũng trong ngần ấy năm, người trong thôn hay những kẻ có dịp qua lại chốn này, đã thôi thắc mắc tại sao quán chỉ kê độc mỗi một bàn khách duy nhất. Hay người đàn bà kia đang chờ đợi điều gì ở cái xó xỉnh bụi bặm này, mà ngày qua ngày kiên nhẫn như gốc keo gai già nua vẫn lặng lẽ nghiêng bóng ôm lấy thềm gạch vỡ lỗ chỗ, đăm đăm nhìn ra ô cửa sổ.
Nhìn từ thuở tóc xanh chấm gót, cánh đàn ông tấp nập như mắc cửi, tìm đủ phương cách để lọt mắt xanh cô chủ quán. Nhìn đến lúc khách lai vãng lấy li nước rồi phóng đi chóng vánh, chỉ để lại đằng sau đám bụi mù, và búi tóc buộc kỹ vẫn lòa xòa rũ hờ hững sợi bạc xuống đuôi mắt đã hằn sâu hoắm chân chim. Mặc ô cửa phía bên kia, gương mặt tư lự, chờ đợi mông lung của gã thanh niên năm nào giờ đã đăm chiêu xa vắng khoảng không mịt mùng ngoài con lộ, mỗi khi tháp chuông giáo đường buông vào thinh không chiều muộn từng hồi, như thôi thúc sự trở về của đàn chiên lạc.
Người trong thôn gọi ấy là quán Cô đơn.
*
Tuân tắt máy, dắt bộ qua cánh cổng bê tông đã bong tróc lỗ chỗ, đi sâu vào con đường đất đỏ rải sỏi. Từng đợt gió từ mé sông đánh thốc vào những rặng nem, làm cho khoảng không gian thinh lặng buổi trưa hè rộ lên từng đợt xào xạc. Bóng râm và chút hơi nước ướt át phần nào xoa dịu cái nóng tháng Năm như thiêu như đốt vẫn bám riết lấy Tuân kể từ khi anh rời trạm dừng chân Cầu Móng. Cái nắng trưa hè dội xuống mặt đường, từng lớp nhựa oằn mình chịu trận, chảy xỉn, bám nhớp nháp vào bánh xe, làm từng vòng quay thêm nặng nề.
Rảo bước khắp lượt mấy gian nhà ngói cũ kỹ vẫn không tìm được ai để hỏi thăm, Tuân đành ngồi bệt xuống thềm đá, nhìn bâng quơ cánh thợ xây đóng khung trong những chiếc áo sơ mi bạc phếch, nhẫn nại dưới cái nắng xiên khoai, mà quần thảo với mấy tấm ván, trên cái nền nhà đã thành hình, cập ngay cổng trạm.
- Anh đến khám hả? Ông Tư trưởng trạm vô xóm thăm bệnh rồi, chắc xẩm tối ổng mới ghé lại đây! - Giọng phụ nữ khàn khàn như mới vừa khỏi bệnh cất lên từ căn phòng cuối hành lang.
- Thưa không, cho hỏi chị đây là... - Tuân bỏ lửng, chưa biết nên xưng hô thế nào, nhưng cũng có phần bối rối. Bởi lẽ, trên gương mặt bánh mật, đôi mắt như ra vẻ cố cười nhưng vẫn không thể giấu được vẻ đượm buồn, trống rỗng đến kỳ lạ.
Thấy đàn ông lạ mặt nhìn mình trân trối, người phụ nữ tỏ ý đề phòng:
- Tui mở quán ở đằng kia - Cô ra dấu về phía đám thợ đang xôn xao ngoài cổng.
- À không, tui là bác sĩ được phân công về đây hỗ trợ trạm. Đầu tuần tới mới bắt đầu làm việc, nhưng tiện đi ngang ghé vô coi trước ra sao - Tuân phân bua, nhận thấy sự phật ý trong cái nhướng mày có phần nghiêm nghị.
Người phụ nữ vẫn bước về phía trước, mang theo khay chất đầy ly, tách, bước xuống sân, đi về phía con lộ:
- Tui có việc đi trước nhen - Cô khẽ ngoảnh mặt về phía Tuân, giọng nói có phần dịu đi. Trong khoảnh khắc, anh mơ hồ nhận thấy tia sáng vụt lóe lên trong đôi mắt ẩn hiện sau mớ tóc mai lòa xòa.
Đó là lần đầu tiên Tuân chạm mặt Nhiên, và cũng là khởi đầu cho chuỗi ngày của ông khách quen vẫn hay ngồi đồng hàng giờ ở cái quán nhỏ trông ra con lộ mỗi chiều tan ca trực. "Dăm cây số quanh đây chẳng có quán xá chi mà lội bộ cho mất công" - Câu phân bua cửa miệng của Tuân mỗi khi đồng nghiệp bóng gió chuyện cây si đội đất dưới gốc keo cổ thụ ở cổng trạm xá.
Bởi lẽ, không chỉ Tuân, đây còn là chốn tụ họp hay đơn giản là tránh nóng duy nhất giữa chốn đồng không mông quạnh này. Chẳng ai muốn vào cái nơi sặc mùi clo để tránh nóng, mặc dù là hàng ghế dưới những tán nem xanh mát, cách khu khám bệnh, nội trú cả chục thước, mà đôi khi gió lùa từ cửa trước ra cửa sau không tìm nổi cái bóng bệnh nhân. "Đó là chỗ ở của người ta" - Dân xứ này nói tránh "người ta" để không phải nhắc đến trực tiếp những sự tồn tại mang yếu tố tâm linh, ma mị, mà đến bọn con nít cũng rành sáu câu.
Thời điểm bà chủ quán luôn tay luôn chân là từ đầu canh năm, rồi ngơi tay dần khi mặt trời đã đủng đỉnh trên giàn táo. Cánh chạy đồng xứ này tranh thủ chuyện năm chuyện ba mỗi khi ra rẫy sớm để tránh cái nắng cháy da cháy thịt. Giữa cái chốn khỉ ho cò gáy, ba giờ sáng đều đặn mỗi ngày, ánh đèn sáng choang gốc keo cổ thụ, mùi cà phê, trà đặc sực nức, bàn ghế tử tế, không lo kiến chui cạp quần. Chẳng vậy, mà mùa nông nhàn, họ vẫn kéo ra như một thói quen, rồi lục đục kéo về khi đằng đông bắt đầu tờ mờ.
Thành thử, cả ngày dài chỉ thi thoảng dân chạy đồng mới vào mua nước giải khát, hoặc người có việc đi ngang, ghé nghỉ chân tránh nóng. Người trong trạm ra ra, vào vào hổng đếm hết ngón một bàn tay. Tuân về chưa đầy tháng, lại thêm hai người sang chào từ biệt vì đã chạy được một chỗ tuyến trên. Thành thử, trạm chỉ còn mỗi Tuân và ông Tư trưởng trạm sắp hưu trí.
"Giúp thì giúp cho trót, bỏ con giữa chợ, bỏ gánh giữa đàng là không nên nghe" - Ông Tư cười rổn rảng, nhét chùm chìa khóa vào tay Tuân rồi với tay lấy cái nón lưỡi trai màu áo lính đã sờn, xách cần đi về hướng rặng tre lao xao. Đời hưu trí bắt đầu như gió thoảng qua mặt sông xứ này. Nhẹ tênh vậy đó. Nhưng Tuân thì không. Chỉ còn hơn tháng nữa là Tuân phải quay về thành phố nhận công tác mới. Làm sao để cho cái trạm xứ khỉ ho cò gáy này trói chân chớ. Thế nhưng thế sự nào có cho ai nghĩ ngợi thế này thế nọ.
"Hoặc cái quán Cô đơn, hoặc bà chủ quán Cô đơn ám thằng chả rồi" - Anh y sĩ trẻ nhìn chằm chằm vào chữ ký chưa ráo mực bên dưới tờ quyết định bổ nhiệm, khẳng định chắc nịch với anh bạn vừa được phân công về trạm cùng đợt, đoạn dõi ánh mắt đầy vẻ dò xét qua đến cửa sổ của căn phòng cách chừng dăm bước chân. Tuân ngả lưng vào cái ghế mốc thít của ông Tư, trầm ngâm đọc mớ hồ sơ bệnh án, lịch tiêm ngừa cho đám con nít trong xóm. Ngày nhân sự mới được điều về bổ sung, cũng là ngày Tuân chính thức ngồi vào cái bàn làm việc cũng hom hem như cái trạm xá này của ông Tư.
*
"Người trên ủy ban xuống rồi, giờ tính sao chị Tư?" - Gã đàn ông cầm ca nước cáu bẩn, tu ừng ực, nhìn về hướng cổng trạm xá, thở hổn hển.
Bà Đảm không trả lời, lặng lẽ nhìn dải đất trải dài thẳng tắp từ con lộ đất đỏ đến tận mé sông. Thảng hoặc, ánh mắt bà quét đến tấm lưng đẫm mồ hôi của người phụ nữ giữa đám bụi mù đỏ quạch, đương lúi húi lôi ra từ góc chòi đổ sụp mấy buồng dừa cùng mớ đồ lề vụn vặt, cũng chẳng có gì nhiều nhặn quá, đáng giá. Bà hơi chột dạ khi vô tình nhận thấy có điều gì căm phẫn trong ánh mắt vẫn buồn rười rượi nhưng cụp xuống đầy cam phận, không một chút dấu hiệu phản kháng, chốc chốc lại nhìn về phía bà. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên bà chạm ánh mắt này.
Năm năm trước, bà Đảm cũng đã từng nhìn thấy tấm lưng mướt mồ hôi, khắc khổ ấy khi dõi theo cô gái trẻ đương cố kéo chiếc xe đạp với cái baga sắt oằn đi dưới sức nặng của hai thùng nhôm đầy ắp thứ nước sông đùng đục. Từng trảng nước đánh oài oạp vào tấm nilon được buộc kỹ trên miệng thùng bằng sợi chun cắt từ vỏ ruột xe, sánh ra ngoài. Cặp ngực lép kẹp phập phồng theo từng nhịp thở nặng nhọc khi cô tì từng bước chân lên cái triền dốc, lặng lẽ lướt qua mặt bà, tiến vào bên trong cánh cổng vẫn đang huyên náo tiếng chửi rủa, tiếng khóc inh ỏi một góc xóm.
"Con đã nói hết nước hết cái mà má vẫn không chuyển dạ. Con trai con gái cũng là..." - Câu nói đột ngột chìm lửng bởi tiếng rú man dại, âm thanh đấm đá thùi thụi.
Lúc sau, từ căn nhà mái tôn lụp xụp, một người phụ nữ bước ra với gương mặt sưng húp cùng cái túi vải con con, dắt theo đứa bé gái vẫn còn đang khóc dấm dẳng. Cái bóng lưng hai kẻ tội nghiệp chưa khuất hẳn sau rặng tre mé cổng, gã đàn ông đã dúi vào tay bà Đảm cuốn sổ nhà đất. Lại thêm một thắng lợi sau khi bà cho người lặn lội vào Nam chèo kéo đám bạc bịp về cái làng bụi bặm này mua vui cho cánh nông dân ngày nhàn rỗi. Nhưng bà vẫn không thôi ám ảnh khi chạm phải đôi mắt đầy u uất, đầy cam chịu của cô gái trẻ, đăm đăm nhìn về phía bà.
"Đàn bà con gái rồi cũng lấy chồng theo chồng, quyền hành đất đai bà già giao hết cho tui, có gì mà bà lo" - Gã lè nhè phân bua khi thấy bà Đảm nhìn chằm chằm về phía căn nhà, dường như lo lắng những kiện tụng, tranh chấp phiền phức có thể xảy sau khi gã đã mang món tài sản cuối cùng của gia đình đi gán nợ.
Bà Đảm cũng thôi không nghĩ ngợi. Một người đàn bà lăn lộn mấy mươi năm, đi lên từ hai bàn tay không dính nổi hòn đất không cho phép bà nghĩ ngợi thương cảm, thay vào đó là những nhìn nhận thực tế, đến mức tàn nhẫn. "Nhu nhược, cam chịu thiệt thòi, chỉ vô phúc cho thằng nào phải bả" - bà tặc lưỡi. Nhưng cái sự diễn tiến thuận lợi cho dự án khu dân cư cao cấp sẽ làm thay đổi bộ mặt cái xứ mà xưa nay chỉ có nắng có gió mịt trời này khiến bà nhanh chóng quên hết những thứ mà bà vẫn cho là vụn vặt.
Cho đến khi bà cố xoay đủ phương cách cho thằng con độc nhất một chỗ ấm thân tại một bệnh viện danh tiếng ở Sài Gòn, nhưng cái tính ương bướng lại neo chặt nó với cái trạm xá rách nát, tồi tàn đầu thôn. Mà cái nguyên nhân sâu xa bà lại tự vỡ lẽ sau khi vô tình bắt gặp cậu quý tử lén nhìn cô chủ quán nước bằng ánh mắt trìu mến đến lạ. Kinh nghiệm của một người mẹ đã cho bà đáp án chắc chắn, không thể nhầm lẫn.
- Mày ra cho tụi nó về, khi nào tao gọi thì làm tiếp - Bà Đảm hất hàm, dứt khoát.
Gã thanh niên do dự:
- Còn mấy cái xe ủi, tính sao chị Tư. Cái quán cách ranh giới dự án cả chục thước. Tụi ủy ban lập biên bản là chết tụi em nghe.
- Cái chòi rách mà tụi mày xếp re vậy. Về đi, sang tuần tao gọi - bà Đảm gằn từng tiếng một, khiến gã thanh niên vâng dạ lí nhí rồi băng qua con lộ, đi về hướng đám đông đang lao xao.
*
Tuân khẽ đưa mắt nhìn Nhiên. Cô vẫn ngồi tựa vào gốc keo cổ thụ, gần như bất động. Vắt vẻo trên cái thang đóng bằng thứ tre non không lấy gì làm chắc chắn, anh rón rén chằng tấm bạt che tạm góc chòi đã bị phá dỡ toang hoác, nham nhở, cố gắng không gây tiếng động lớn. Chưa bao giờ anh sợ ánh mắt của Nhiên như lúc này. Bốn năm ở trạm, ngoài mấy câu chào hỏi, xã giao lấy lệ, anh chưa bao giờ dám tiến sâu hơn vào cuộc đời của Nhiên. Dần dà, mặc dù không ai nói với ai, Tuân nhận thấy ánh mắt cô không còn dè dặt như trước, mà đôi khi, sáng lên lấp lánh khi anh bước chân vào quán mỗi buổi chiều muộn. Nhưng khi anh dứt khoát rằng mình có thể tiến thêm một bước xa hơn thì Nhiên lại bỗng dưng lạnh lùng, xa cách như trước kia.
Đương lúc cố nghĩ ngợi mình đã làm điều gì khiến Nhiên hiểu lầm, phật ý thì Tuân nhìn thấy một vài gương mặt quen thuộc vẫn thường xuyên đến nhà gặp bà Đảm để bàn bạc công việc, xuất hiện tại quán nước của Nhiên. Và khi những gã này tiếp tục xuất hiện trong đám đông ồn ào sáng nay ngay trước cổng trạm, Tuân nhận thấy mọi thứ có lẽ không còn trở lại như cũ được nữa.
Trời cũng sụp tối hẳn. Nhiên mệt mỏi nhìn theo bóng lưng Tuân chìm dần vào màn đêm tịch mịch, đoạn ngước lên khoảng trời mênh mông, xám xịt, như chực hắt xuống từng đám nước. Nếu đồng ý bán mảnh đất này cho mấy gã bặm trợn hôm trước, có lẽ giờ cô đã không lâm vào tình cảnh này, cô thầm nhủ. Nhưng bán rồi thì cô biết đi đâu. Đám em cùng mẹ nhưng mỗi đứa một họ, lại yên bề gia thất, lại khác lòng. Những người chồng sau của mẹ cô đều không chịu nuôi con người khác, thành ra tuổi xuân của cô trôi tuột theo sự khôn lớn của đàn em. Căn nhà gán nợ bạc, mảnh ruộng mẹ cô hứa cho cô sau khi tròn phận sự người chị cả thì cũng đã được bà trao cho thằng út làm vốn nuôi vợ con. Còn bây giờ, nơi cuối cùng cô có thể bấu víu có thể cũng chẳng giữ được nữa.
"Nếu mình dứt khoát ngay từ lúc ấy thì đã không ra cơ sự" - Nhiên thở dài, nhớ đến người đàn bà tròn lẳn, áng chừng không quá năm mươi, đã ghé quán gần một năm trước.
"Tui tính giữa năm cho cưới, chứ hai đứa qua lại cũng đã lâu. Bên đó cũng đã sắp xếp cho nó về một bệnh viện lớn, có tương lai hơn. Chứ ở cái xó này chỉ phí cái tài của nó đi" - giọng người đàn bà thủng thẳng, bàn tay múp míp phe phẩy quạt lá cọ, vừa khẽ đưa mắt theo dõi cử chỉ của Nhiên. Đàn bà dễ có mấy tay. Huống chi, cái sự già đời có thừa để bà nhận ra rằng người phụ nữ lưng chừng hơn con trai bà đến tám tuổi kia đã ngấm câu chuyện tưởng chừng bâng quơ của bà.
Nhiên tư lự, ra chiều chú ý. Nhưng cô chú ý thật. Từng lời của bà Đảm đâu hẳn trôi tuột dửng dưng qua ô cửa sổ, cứ như nhảy nhót trước mặt cô, rồi rơi chất đống ngay cạnh, chực đổ ào xuống chôn vùi cô bất kỳ lúc nào.
Những suy nghĩ của cô lúc này cũng lửng lơ như lúc cô bắt đầu ngờ ngợ sự tới lui thường xuyên đến mức gần như bất thường của Tuân. Đã có lúc cô tưởng chừng Tuân cũng giống như cô, tức là không còn một nơi nào khác để về, chỉ có cái quán nhỏ nép một góc bụi bặm. Nhiều lúc cô muốn phá bỏ bức tường ngăn cách để hai người có thể tiến gần hơn, nhưng lòng tự trọng và ý thức về những khoảng cách khiến cô do dự, lần lữa. Và sự viếng thăm của bà Đảm không hẳn là ngẫu nhiên. Đó là một lời cảnh báo. Rằng khoảng cách giữa hai người không chỉ vì tuổi tác, học thức, gia cảnh, mà còn hàng ti tỉ thứ khác nữa. Rằng cái sự ràng buộc bấy nay nếu tiến triển, chỉ có thể làm vướng chân bận cẳng nhau mà đi đến bi kịch và chính bà là chướng ngại không thể vượt qua. Nhưng sự chân thành đến ngờ nghệch của Tuân khiến cô không thể dứt khoát.
Dùng dằng mãi, đến chiều muộn ngày hôm sau, cô thu dọn tất cả bàn ghế, chấp nhận sang quán, thì Tuân lại xuất hiện. Anh lặng lẽ kéo cái bàn con đặt bên cửa sổ. Trên thinh không, tiếng chuông từ giáo đường bắt đầu vang lại từng hồi, báo hiệu một ngày sắp kết thúc. Trong ánh tà dương đỏ quạch, đôi mắt anh vẫn hiển hiện một điều gì đó như là chờ đợi, nhưng cô lại không nghĩ rằng nó vẫn nhẫn nại ở đó cho dù năm tháng trôi đi hun hút.
*
Tin bà Đảm vỡ nợ tràn đi như cơn lũ năm Thìn. Những căn biệt thự lộng lẫy liên tục mọc lên thẳng tắp khiến dân khắp vùng phải trầm trồ nhưng cả đời cũng không dám mơ ước đặt chân vào. Suốt hơn hai mươi năm phơi dưới cái nắng, cái gió cháy lòng cháy dạ xứ này, lại chỉ có từng đàn dơi làm tổ. Những câu chuyện không đầu, không cuối, trao đổi một cách vội vã của khách dừng chân mua nước ở cái quán xập xệ ôm lấy cổng trạm xá cũng chỉ xoay quanh chuyện tịch thu, kê biên nhà cửa, giải chấp vay nợ. Chẳng còn mấy ai bận tâm đến hai gương mặt bám bụi vẫn trầm tư đằng sau ô cửa ngần ấy năm.
Điều khác lạ rằng, thi thoảng, bà Nhiên lại trông thấy một cụ già tập tễnh lê từng bước khó nhọc, chốc chốc lại nhìn về phía cô, như muốn tìm kiếm điều gì, rồi lại quay đi. Cho đến một buổi chiều, trên khung cửa gỗ mít cũ kỹ, bà nhìn thấy những ngón tay xương xẩu cố bấu vào, nhưng dường như không còn đủ sức để bước vào bên trong, bà cụ ngồi đánh phịch xuống bậu cửa.
- Bà uống gì tôi lấy cho nhen - bà Nhiên hỏi với.
Không lời đáp, bà Nhiên rướn người ra phía cửa. Nhưng chỉ thấy từng mớ tóc như sương trắng, rũ xuống nửa gương mặt ẩn hiện sau tấm khăn choàng lụa đen bóng. Bà Nhiên lại cất tiếng hỏi. Vẫn chẳng có câu trả lời nào. Trong bóng chiều chập choạng hắt xuống thềm gạch, đôi vai gầy guộc qua lần áo bà ba nâu đỏ run lên từng hồi bần bật. Bà ngồi bật dậy, đi về phía bà cụ. Dường như nghe thấy tiếng bước chân, bà cụ ngẩng đầu nhìn lên, những giọt nước mắt lăn ra ngoài đôi ngươi đã phủ sương, đặc quánh, đọng lại trên gương mặt hằn sâu chi chít những nếp nhăn khắc khổ. Đột nhiên, hai bà lão ôm chầm lấy nhau, dưới mái ngói đen đúa, giữa những tấm ván ọp ẹp bụi bặm, giữa tiếng chuông thinh không buổi chiều muộn, chỉ còn tiếng khóc rấm rứt.