Thiếu oxy…
Cơ thể giống như một cái hang, người ta chôn kín yêu thương, thù hận, toan tính và cả ngôn từ trong đó. Khi cái hang mở miệng, chẳng khác nào núi lửa. Rồi chợt nghĩ biết đâu lúc ngủ mình cũng tư thế đó. Và trong căn nhà này bò lổm ngổm những ngôn từ. Chúng bay lên táo tác như loài chim bị tù túng giờ được phóng sinh nhưng không biết có thoát khỏi bốn bức tường rào hay lại va vào rồi vỡ vụn.
Sống ở thành phố mãi rồi cũng sẽ mắc nhiều thứ bệnh. Đáng sợ nhất vẫn là những loại bệnh truyền nhiễm mà phạm vi lây lan và hậu quả của nó thật khôn lường. Sáng chạy thể dục tạt ngang qua chợ đầu mối chọn mua mấy mớ rau, nghe lẫn đâu đó trong tiếng ồn ào chợ búa như có ai than: “Ở Hà Nội miết rồi thấy thèm điên đảo miếng cá kho nồi đất đun trên bếp củi”.
Luồn qua cuối chợ mặc cả mua mấy trái chanh, thấy con nhỏ bán hàng tựa ké bờ tường người ta ngủ gật. Nó ngủ mà miệng há ra thở, ngáp ngáp như loài cá đớp oxy. Định không gọi để nó ngủ tiếp nhưng thấy nắng đã bắt đầu thò cái lưỡi dài liếm dần đến nửa mẹt chanh, nên vừa nhéo nó vừa càm ràm nắng. Nó tỉnh dậy cười lơ ngơ, cái cười hồn nhiên nhất giữa buổi chợ búa kim tiền. Nhìn nó lựa mấy trái chanh mọng nước dúi vào túi rau trên tay tôi, tôi cười bảo:
- Đêm không được ngủ đủ giấc hay sao mà sáng bảnh mắt lại ngủ gật giữa chợ thế này?
- Trời ơi, bao nhiêu năm xuống phố có đêm nào em ngủ no giấc đâu chị. Cứ trằn trọc rồi trắng đêm hoài.
- Chắc tại nhớ quê phải không?
- Đâu có. Tại em sợ. Cái cửa xóm trọ tuềnh toàng quá, nghiện ngập lại nhiều, đêm em lo chúng lấy mất cái xe cà tàng thì em lấy gì chạy chợ. Phòng trọ lại chật quá, cả chục người đút nhét phải nằm nghiêng mới đủ thì chỗ đâu mà nhét xe. Phải chi ở quê, xe cứ vứt ngoài cổng cả đêm cũng chẳng ai dòm. Mà tụi em thì chẳng khi nào có tiền để thuê một chỗ cho tươm tất.
Chị định an ủi vài câu nhưng chợt nghĩ con nhỏ với cái xó chợ tanh nồng, khăm khẳm mùi hỗn tạp này có khi cũng chẳng cần tới mấy lời xã giao. Cái nó cần là mấy mẹt chanh ớt, tỏi gừng bán nhanh không quá trưa nắng lên sẽ héo. Mong cho cái đám thu vé chợ không kỳ kèo tăng thêm mấy đồng vì cái lí do rất chi ơi hỡi: “Ê! Xăng tăng vé chợ cũng tăng”. Nghe chẳng có gì ăn nhập với ba mét vuông xó xỉnh đủ ngồi thu tròn và chồng các mẹt lên nhau sao cho không chạm sang địa phận của bà bán rau bên phải, mụ bán cá bên trái. Nếu có lỡ miệng càm ràm rằng xăng tăng đâu ảnh hưởng gì thì ngay lập tức có kẻ trợn mắt quát tháo om sòm: “Không bán thì biến, đang còn khối kẻ xếp hàng mua chỗ ngoài kia”. Mấy chuyện đó đâu khó gặp gì ở hàng trăm xó chợ trôi nổi khắp thành phố này. Chị nghĩ vậy nên tặc lưỡi mở ví tìm tiền lẻ ra trả tiền chanh. Chợt thấy mình bị xô bắn ra. Một bà ục ịch ngân ngấn mỡ sấn sổ vừa bới hành vừa mặc cả. Con nhỏ cười bảo:
- Cháu bán quen lâu nay rồi, đâu có thách giá ai mà cô mặc cả làm chi.
Bà ta nguýt dài, cầm mấy củ hành đi rồi vứt lại vài đồng tiền lẻ. Con nhỏ lắc đầu thở dài than sao người ta giàu thế mà lại bớt xén của người nghèo vài trăm lẻ. Chị cười buồn, ừ chuyện đó cũng có gì lạ đâu em…
Chị len qua mấy ngõ nhỏ để về nhà, lại bắt gặp bà cụ tóc bạc ngồi trong nhà nhìn người đi đường qua chiếc cửa sắt luôn án ngữ. Có lẽ các con bà đã đi làm từ sáng nên nhốt bà ở trong nhà từ ngày này qua ngày khác. Lần nào gặp cũng thấy cụ nhìn chị cười, nhưng lần nào cũng bước một chân qua cánh cổng đó rồi chị mới nhận ra điều đó. Về đến nhà chị cứ lẩn thẩn nghĩ chắc cụ buồn không có người trò chuyện nên ra đó ngồi cho đỡ cô đơn.
Chị dặn mình mai đi qua sẽ đứng lại chuyện vui với cụ đôi lời. Nhưng ngày mai nếu có qua đó chị vẫn sẽ lại đi qua, miệng muốn cười mà cứng đơ, muốn nói mà lời thụt vào trong, muốn dừng lại mà chân cứ vội vàng như quán tính. Chị tự hỏi mình sợ cái gì? Sợ bà cụ lẩm cẩm hỏi toàn chuyện vẩn vơ? Sợ lỡ nhà cụ mất cái gì biết đâu người xung quanh lại bảo sáng nay có người đứng lại hỏi dò bà cụ? Sợ con cháu cụ nhìn thấy có khi họ chẳng vui, ở thành phố này biết ai vào ai mà tin tưởng? Rồi thì chị sợ đủ thứ như thể chị không từng được sinh ra trong văn hóa làng xã ở một vùng quê.
Nơi chị lớn lên những ngôi nhà thường không cửa, hàng rào thường là mấy cành rong cắm xuống lấy chỗ cho dây bầu dây bí leo lên. Cây nhà ai có quả thì cả xóm ăn chung. Rau nhà ai xanh vườn thì năm bảy nóc nhà có bát canh ngon. Hồi đó bố hay đi cất vó tôm ngoài sông, thỉnh thoảng lại sai chị xách cho nhà bác Ba xâu cá, nhà thím Hạnh vài lạng tôm. Chị chạy loi nhoi qua mấy rặng rào, chẳng thấy ai có nhà, cứ chui vào bếp cho cá vào xoong, đậy lại kẻo mèo nó tha đi.
Hồi đó mẹ đi chợ về đến đầu làng là mấy cô bác hỏi hôm nay mua gì, ăn gì, mẹ kể cả trăm nghìn chuyện. Giờ xuống phố đi chợ người ta không quen nhìn vào làn nhau, càng tránh quan tâm chuyện nhà người ta ăn gì, làm gì. Lúc mới theo chồng về phố chị vẫn bê nguyên cái thói người quê. Ra chợ gặp ai cũng chào, chuyện gì cũng hỏi. Rồi có lúc chị cười mà bị ngó lơ, chị muốn làm thân mà người ta cảnh giác dè chừng. Từ đó chị quen nuốt lời vào bụng, cất nụ cười trong bờ môi mím chặt, đôi chân vốn quen thong thả giờ thúc giục đi nhanh. Thỉnh thoảng cũng thấy ngôn từ lạo xạo trong vòm họng, cứng như sỏi đá. Rồi thôi…
Nhà anh ở phố. Lần đầu về thăm chị cứ thắc mắc hoài vì cái hàng rào cao quá, sống dưới tầng một là không nhìn thấy đường, không thể đưa tầm mắt ra xa mà quan sát xung quanh. Anh cười bảo tường cao cho đỡ người dòm ngó. Chị về làm vợ anh mới hay tường cao không chỉ để che chắn thiên hạ mà còn để nhốt kín chính mình. Nhiều hôm nhà vắng quá lại nhớ quê nên chị hát, nhưng tiếng hát vướng lại nơi tua tủa mảnh sành nên bị cắt vụn ra.
Chị sinh con rồi hát ru, tiếng ru va vào bức tường vỡ nát không làm sao có được tiếng vọng mênh mông thoát ra ngoài để hòa lẫn đất trời. Tính chị dễ tủi thân nên cứ thương con thiếu thốn, đến ngay cả lời ru cũng không đủ rộng dài. Chị sợ bức tường rào đến mức đòi chuyển phòng ngủ của hai vợ chồng lên tầng hai. Với tầm cao này chị mới có thể nhìn thấy cụ già nhà bên trái sáng nào cũng dậy thật sớm nghe đài, tưới hoa và thưởng trà ngoài ban công đẫm sương. Cạnh đó là nhà đôi vợ chồng đẹp lắm, chồng bảnh bao mà vợ lúc nào cũng tươm tất sang trọng. Nhưng nhà lại có một đứa con tật nguyền, chị cứ thắc mắc hoài sao chẳng bao giờ thấy người mẹ tự tay đút cháo cho con.
Rồi có tối nằm cạnh anh, chị hỏi nhà hàng xóm bên phải làm gì mà cứ thấy người vào ra tối ngày. Anh cằn nhằn đàn bà sao lắm chuyện, người ta có buôn hàng lậu cũng mặc, mình biết chuyện mình thôi. Ừ, chuyện mình là trong cái bức tường bao quanh này đã bao lâu rồi vợ chồng chưa nói với nhau đến ngọn câu? Lời chưa mở ra đã cắn đứt bằng hai hàm răng cắn chặt. Đến ngay chuyện cái ổ cắm nồi cơm hỏng, cái bóng trong nhà vệ sinh hư, chị cứ định nói rồi lại tặc lưỡi thôi, tự mình làm cho nhanh. Ngôn từ bỗng nhiên nặng như đá ong, lôi hoài không bật ra khỏi miệng. Cơn cớ vì đâu?
*
Chị từng rất yêu anh. Ngày còn học trường sĩ quan trên Sơn Tây, tình cờ một lần anh bắt xe qua cầu Trung Hà chơi rồi gặp chị. Sau này hỏi sao hồi ấy yêu? Anh cười bảo tại thấy chị dễ thương. Anh hỏi đường vào nhà bạn lắt léo tít hút phía xa, sợ anh lạc, chị bảo ngồi lên xe mình chở. Giờ nghĩ lại chị thấy, hình như hồi đó yêu chỉ vì anh dễ tin người. Giờ chúng ta không dễ tin nhau, ngay cả người thân cũng dè chừng nhau đến từng hơi thở, từng cái nheo mày. Chị ngày xưa cũng khác, vì tin anh nên bỏ quê về phố, bỏ đi dạy, ở nhà coi sóc xứ sở trong vẻn vẹn bốn bức tường rào. Rồi từng ấy tháng năm mỗi ngày nói bớt đi một câu, nuốt bớt đi một chữ, ngậm miệng nhiều hơn cười.
Để có đêm tỉnh giấc giật mình thấy chồng ngủ há miệng như con nhỏ bán chanh ớt ngoài chợ, như loài cá há miệng đớp oxy. Chị nhìn vào cái miệng há hốc của chồng thấy có gì đó khắc nghiệt, như thể các ngôn từ ngậm miệng suốt một ngày dài giờ được giải thoát. Cơ thể giống như một cái hang, người ta chôn kín yêu thương, thù hận, toan tính và cả ngôn từ trong đó. Khi cái hang mở miệng, chẳng khác nào núi lửa. Rồi chợt nghĩ biết đâu lúc ngủ mình cũng tư thế đó. Và trong căn nhà này bò lổm ngổm những ngôn từ. Chúng bay lên táo tác như loài chim bị tù túng giờ được phóng sinh nhưng không biết có thoát khỏi bốn bức tường rào hay lại va vào rồi vỡ vụn. Sáng ra chị quét lá rụng ngoài sân, tưởng như quét cả những mảnh vỡ loảng xoảng dưới chân mình…
Từ hồi xin xuất ngũ sớm rồi ra mở công ty riêng, anh ngày càng bận rộn hơn. Anh mang công việc về nhà cõng vào cả giấc mơ. Thời buổi làm ăn càng ngày càng khó khăn, công ty không ít lần điêu đứng. Chị không đi làm, chỉ ở nhà chăm con nên không thể xoay xở cho xong vài tờ giấy hóa đơn sinh hoạt phí mỏng manh mà đầy dằn vặt. Nên cuối cùng vẫn phải chìa trước mặt anh. Không chỉ đơn thuần là những đồng tiền, nó còn là phận sự sẻ chia, đáng tiếc chị không san sẻ với anh được dù là chút ít. Việc góp việc, lo toan dồn lo toan nên anh càng thêm mệt mỏi. Nhưng hễ chị định xin việc làm là anh lại gạt đi với đủ thứ lý do. Nào là công việc giáo viên của chị bon chen sao nổi lấy một chân ở đất này. Nào thì lương ba cọc ba đồng còn không đủ tiền thuê người giúp việc. Yêu thương cứ vụn vặt dần từ những lo toan tủn mủn. Và chị cứ dần mờ nhạt đi trong cái nền bức tranh ấy như thể đã bốc hơi.
Giờ khi ngủ anh không há miệng mà hay nói mơ. Toàn là những con số lộn xộn đua nhau xếp hàng trong đêm, chị xót anh nhiều. Nên có lần chị hỏi xem có gì chị giúp được không. Anh bảo hãy để anh được yên tĩnh. Từ đấy rồi thôi chị cứ định hỏi gì lại sợ phiền anh. Thấy anh ngồi trầm ngâm ở giữa nhà chị cũng nhón gót đi né sát tường. Chị rửa bát cũng nhẹ tay để bát đũa đừng va vào nhau nữa. Đến ngay cả đi vệ sinh tiếng bấm chảy nước ào ào chị cũng thấy mình trở nên vô ý tứ. Rồi nhiều sáng trồ nhau ở cầu thang chị tự hỏi liệu hai người có đúng là vợ chồng không? Sao khách sáo, dè chừng nhau hơn cả người xa lạ.
Phố dạo này đông hơn. Tại thấy lũ bạn ở quê vì lý do này kia xô đẩy mà đã lần lượt xếp hàng làm công dân thành phố. Nhìn bạn trong cái hồ hởi của tuổi trẻ ảo vọng về một chân trời đủ rộng để lập thân, chị không cả dám thở dài. Không dám cảnh báo trước những căn bệnh truyền nhiễm mà bạn sẽ mắc phải khi sống ở đây. Cũng có người vừa trải qua một cơn say xe nhồi nhét rồi lặn ngụp giữa dòng người Hà Nội trong một buổi sáng thôi mà khi gặp chị ở quán vỉa hè đã thấy bạn như già hơn, xác xơ hơn trong ánh nhìn mệt đuội. Cũng thương bạn mà không dám phác họa gì thêm trên nền bức tranh lộn xộn này. Chỉ thỉnh thoảng hẹn hò nhau ở một quán vắng nào đó. Lần hẹn sau bao giờ cũng trầm hơn lần trước. Cứ thế rồi đuội đi, gặp nhau mà rỗng ngôn từ. Gặp nhau để thấy thành phố này không quá cô đơn. Có đôi khi gặp nhau chỉ thấy hằn học độc một ý nghĩ, “À, thành phố đã khiến chúng mình nhàu nhĩ đến thế này đây”.
*
Thành phố tưởng rộng lớn mà rất chật. Vẻn vẹn vài cái siêu thị lớn, một hai trung tâm mua sắm, đôi ba địa chỉ dẫn nhau đi xem phim và một vài con phố chuyên để giải quyết những vấn đề lớn nhỏ. Bởi vậy mà người dễ chạm mặt người. Hôm rồi nhỏ bạn khóc tức tưởi qua điện thoại. Bạn bảo:
- Đi với tớ.
- Đi đâu?
- Đi bỏ đứa bé ở trong bụng. Bố nó không cần nó, mình giữ làm gì.
Định bảo bạn rằng nó là con bạn sao không giữ? Rằng bạn là mẹ nó sao không biết bảo vệ con? Cái thai nhi bé nhỏ thân cô thế cô không có khả năng tự vệ kia tại sao chính bạn lại tẩy trừ tước đi quyền được sống? Nhưng lời chìm trong môi, ý nghĩ trôi vào miên man câm lặng. Vì biết bạn sẽ vẫn chọn cách ấy, như hàng trăm cô gái lầm lỡ khác biện minh bằng sự xô đẩy và dối trá của cuộc đời. Có nói thêm cũng chỉ thấy đặc quánh xót xa. Những xót xa găm vào đời bạn.
Chị đèo bạn đến nơi cần đến. Vài cái bóng đàn bà đơn lẻ ngác ngơ rồi mất hút vào trong một cánh cửa nào đó. Bạn kìm tiếng kêu than trong cổ họng, ngôn từ như gai nhọn miết vào thanh quản, bật ra thứ âm thanh nhọc nhằn kỳ cục. Tiếng dụng cụ y tế va vào nhau lách cách vừa khô khốc đến tàn nhẫn vừa như khua khoắng chế nhạo sự câm lặng này. Một căn phòng ọp ẹp, đồ đạc ngổn ngang, tất cả những thứ màu trắng ở đây đều ố màu nhàu nhĩ. Chị lao ra ngoài, đang sa sẩm mặt mày vì mớ ý nghĩ ám ảnh ấy thì va phải một người phụ nữ hớt hải chạy tới. Người này ngẩng lên hỏi chị:
- Có nhìn thấy con tôi không?
Chị lắc đầu. Người đàn bà cầm vội hai bàn tay chị lắc mạnh bảo:
- Cô có nhìn thấy không? Con tôi nhỏ lắm. Nó bé bằng từng này, từng này này. Nó bị người ta kẹp nát sọ, người ta lôi nó ra từ bụng tôi. Tôi nghe thấy con tôi khóc. Rồi tôi không nhìn thấy con nữa, không tìm thấy nữa. Cô có thấy con tôi không?
Tay chị ta ôm bụng, nấc khan từng cơn, ánh mắt biến đổi liên tục từ âu sầu đau đớn bỗng hừng hực như căm phẫn rồi lại đuội đi với ánh nhìn tội nghiệp như trẻ nhỏ. Lúc này tên cò mồi sau khi tranh trượt một đôi trai gái sẵn bực tức quay lại vừa đánh đuổi người đàn bà ấy vừa quay ra nói với chị:
- Bà ta bị điên. Đừng bận tâm.
Một bà cụ đi chợ qua đứng lại nhìn theo người đàn bà đang bị xua đuổi kia rồi chép miệng thở dài bảo:
- Khổ thân. Nghe bảo ngày xưa bị gia đình thằng tình nhân chở đến đây ép phải bỏ cái thai trong bụng nên giờ hóa điên hóa dại thế đấy. Thật chả hiểu nổi…
Bà cụ nhìn chị từ đầu đến chân rồi lắc đầu, cúi mặt đi. Bạn chị bước ra nhìn chị cười. Cái cười như một sự gán nợ thay ngôn từ. Chiếc xe đang lừ đừ trôi đi thì chị giật mình nhìn thấy cái dáng cao lều nghều quen quen vừa lách vào phố. Xe lao qua nhanh, lúc chị ngoảnh lại chỉ kịp nhìn thấy biển số xe. Những con số mà sáng nào tựa cửa nhìn theo chồng cũng găm vào mắt chị. Qua gương chiếu hậu chị thấy đằng sau xe đó chở một cô gái, xe từ từ dừng lại trước đúng nơi mà chị vừa bước ra.
Bạn ngồi sau xe tựa đầu vào lưng chị bảo:
- Cung lòng người mẹ có thể là thiên đường của những đứa trẻ nhưng cũng có thể là địa ngục đúng không? Hôm nay cung lòng tớ giống như một pháp trường đang hành hình đứa con vô tội.
Rồi bạn cười khùng khục sau lưng giống như người ta nấc khan. Bánh xe đi như miết trên mặt đường, cái nóng gần 40 độ C thiêu đốt tan chảy đến từng ý nghĩ. Chị muốn than một câu cho lòng nguội đi mà than không nổi. Dòng người trôi lờ đờ trên phố, nhập nhằng lao vào nhau giữa ngã ba ngã bốn. Giống như những dòng sông tù túng ứ đọng mải miết khơi dòng mà tìm mãi không thấy sông thấy biển. Những cái miệng được bịt kín khẩu trang như là loài cá khiếp sợ dòng sông ô nhiễm mà không dám thở. Chị ước gì có thể ngoi lên giữa phố há hốc mồm mà thở giống con nhỏ bán chanh ớt ngoài chợ, giống chồng chị nhiều đêm và giống như loài cá ngoi lên mặt nước đớp oxy.
Thành phố vẫn rìn rịt chạy…