“17 khoảnh khắc mùa xuân” và câu chuyện về cặp vợ chồng điệp viên XôViết

21:45 13/09/2019
Không mấy người được biết, bộ phim nổi tiếng “17 khoảnh khắc mùa xuân” đã được thai nghén dựa trên hình ảnh của cặp vợ chồng này – trong đó Anna Filonenko là khuôn mẫu của nữ điệp viên liên lạc điện đài Kathe, còn trong nhân vật Stirlitz có hình bóng của Mikhail Filonenko…

Cuộc sống của những điệp viên hoạt động bí mật luôn bao hàm một số phận có những nét chấm phá đặc biệt nào đó. 

Thực tế này hoàn toàn khác hẳn với những điệp viên hoạt động “hợp pháp”, làm việc tại đại sứ quán, cơ quan đại diện văn hóa hay thương mại, khi trong túi họ luôn có hộ chiếu cũng như quyền miễn trừ về ngoại giao. Thử thách càng trở nên nặng nề, khi điệp viên bí mật cần phải ẩn náu dưới vỏ bọc của người khác, phải hóa thân vào thành viên của một xã hội với ngôn ngữ và nền văn hóa xa lạ, chỉ có thể dựa vào sức của chính mình. 

Rất nhiều điệp viên bí mật của Liên Xô trong thời điểm Chiến tranh Lạnh đã đi vào lịch sử với tư cách của những người anh hùng thực sự. Chiếm vị trí đặc biệt trong số họ phải kể đến cặp vợ chồng điệp viên Filonenko. 

Không mấy người được biết, bộ phim nổi tiếng “17 khoảnh khắc mùa xuân” đã được thai nghén dựa trên hình ảnh của cặp vợ chồng này – trong đó Anna Filonenko là khuôn mẫu của nữ điệp viên liên lạc điện đài Kathe, còn trong nhân vật Stirlitz có hình bóng của Mikhail Filonenko…

Kế hoạch tiêu diệt Hitler tại… Moscow

Anna Kamaeva (trước khi lấy họ của chồng là Filonenko) có thể coi là một đại diện điển hình của thế hệ thanh niên thứ nhất dưới thời Stalin. Sinh năm 1918 tại ngôi làng nhỏ bé Tatishevo (ngoại ô Moscow), Anna đã cống hiến tất cả sức lực của mình cho những hoạt động sôi nổi của đoàn thanh niên tại nhà máy dệt, nơi cô đang làm việc, và trở thành hạt nhân hàng đầu của phong trào tại đây.

Vợ chồng điệp viên Filonenko.

Năm 1938, đoàn thanh niên tuyển chọn và giới thiệu Anna sang công tác tại Ban nước ngoài của NKVD (cơ quan tiền thân của KGB), khi đó đang dưới sự lãnh đạo của Lavrenti Beria.

Với mục tiêu xây dựng một đội ngũ tình báo đối ngoại mạnh và đào tạo các cán bộ trẻ, Bộ chính trị đã ra sắc lệnh thành lập Trường huấn luyện đặc biệt để đào tạo tập trung các điệp viên. Anna Kamaeva trở thành học viên của trường này và tốt nghiệp với điểm xuất sắc vào năm 1939.

Tại đây, Anna đã được trang bị rất nhiều kiến thức quan trọng cho nghề tình báo, từ sử dụng điện đài, bắn các loại súng, cho đến học tiếng Phần Lan, Tây Ban Nha và Ba Lan. Cô được điều về công tác tại bộ phận đặc biệt của Ban nước ngoài, điều phối hoạt động nghiệp vụ của các điệp viên mật tại châu Âu.

Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, Anna chuyển sang công tác tại Nhóm tác vụ đặc biệt, một tổ chức siêu bí mật nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Beria. Khi quân Đức tiến sát tới Moscow, cơ quan tình báo đã ráo riết chuẩn bị một loạt các kế hoạch hoạt động trong trường hợp thủ đô bị rơi vào tay giặc.

Họ đã dự tính những địa điểm có khả năng Hitler sẽ xuất hiện cùng với đồng bọn để tổ chức duyệt binh chiến thắng, trước khi bí mật chôn một vài toa xe chứa đầy thuốc nổ sâu dưới lòng đất tại những vị trí này (trong đó có cả Nhà hát lớn và điện Kremli). Chính Anna Kamaeva là người được Beria giao cho nhiệm vụ trực tiếp kích nổ những quả mìn cực mạnh này, thực chất ai cũng hiểu là một hành động cảm tử.

Sau khi Moscow vẫn đứng vững, Anna (lúc này là nhân viên Cục 4 NKVD dưới quyền lãnh đạo của Pavel Sudoplatov) được tung vào hậu phương quân Đức tham gia vào các chiến dịch phá hoại. Cô đảm trách vai trò nhân viên điện đài trong đội du kích và đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

Anna được mời tới Bộ tư lệnh của tướng Giukov để nhận huân chương khen thưởng. Chính tại đây, cô đã gặp người chồng tương lai của mình là Mikhail Filonenko, chỉ huy một đội du kích cũng được khen thưởng vì những thành tích chiến đấu xuất sắc. Cả hai đã bắt đầu nảy sinh những tình cảm đầu tiên.

Tháng 7-1942, Anna được cử đi học tại Trường đào tạo của NKVD tại Sverdlovsk. Cô phải trau dồi cấp tốc thêm hai ngoại ngữ nữa là tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Czech để chuẩn bị cho kế hoạch được tung ra nước ngoài hoạt động.

Tháng 10-1944, nữ điệp viên trẻ Anna được cử tới Mexico, nơi cô có nhiệm vụ cùng với các đồng đội tại đây tổ chức kế hoạch vượt ngục cho Ramon Merkader, một điệp viên đã tham gia chiến dịch tiêu diệt Troski. Do chiến dịch bị trì hoãn ngay vào phút chót, Anna quay trở về Moscow vào năm 1946 và gặp lại Mikhail.

Mikhail Filonenko, trước khi trở thành bậc thầy về các hoạt động du kích trong hậu phương quân Đức, anh từng là một chuyên gia vật lý, đồng thời là một kiện tướng cờ vua xuất sắc.

Tuy nhiên, số phận đã hướng anh sang ngã rẽ của nghề hoạt động tình báo. Trong giai đoạn quyết liệt nhất của chiến tranh, Mikhail hoạt động tại Cục 4 NKVD, tham gia vào trận đánh bảo vệ Moskva.

Sau đó, anh được cử tới Ukraina với nhiệm vụ lãnh đạo một nhóm tình báo tại đây. Những thông tin quan trọng do nhóm của Mikhail cung cấp tại bờ phải sông Dnep đã giúp Hồng quân tổ chức chiến dịch vượt sông thành công vào tháng 11-1943. Mikhail tiếp tục được tung vào hoạt động tại Ba Lan, nơi một vết thương nặng đã khiến anh phải đi khập khiễng suốt đời. Mikhail và Anna tổ chức hôn lễ vào năm 1946 và nhanh chóng có một cậu con trai. Nhưng nhà Filonenko vẫn chưa thể có được cuộc sống bình yên.

Những năm tháng hoạt động tại nước ngoài

Sau 3 năm đào tạo tại Trường huấn luyện cao cấp nhất của NKVD, vợ chồng Filonenko sang hoạt động tại châu Mỹ Latinh dưới vỏ bọc những người lưu vong từ Tiệp Khắc theo lệnh của cấp trên.

Trong giai đoạn 1948-1951, hai vợ chồng đã tới một loạt các nước Nam Mỹ với tư cách công dân nước ngoài. Để hợp lý hóa gia đình, cả hai được mang theo cả đứa con nhỏ của mình. Thế là cậu bé Pavlic cũng trở thành một “điệp viên nhí” khi buộc phải học nói tiếng Czech. Nhà Filonenko cần phải tạo ra vỏ bọc của một gia đình theo đạo Thiên chúa nhiệt thành, trước khi xâm nhập vào hàng ngũ thượng lưu bản địa.

Trước chuyến công tác đặc biệt này, vợ chồng Filonenko đã được mời đến gặp Viacheslav Molotov – khi đó là Bộ trưởng ngoại giao, đồng thời đứng đầu Ủy ban thông tin điều phối cả hoạt động tình báo quân sự và chính trị. Molotov trực tiếp truyền đạt cho họ ý định của Stalin: cần phải xâm nhập vào hàng ngũ các quan chức cao cấp ở các nước châu Mỹ Latinh, từ đó tổ chức và điều phối hoạt động tình báo tại Mỹ.

Đạo diễn Tatiana Lioznova.

Phải nói là Molotov đã đặt rất nhiều hy vọng vào cặp vợ chồng điệp viên trẻ này. Khi đó đang là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với tình báo Xôviết. Mạng lưới tình báo từng giúp đỡ khai thác nhiều thông tin về dự án chế tạo bom nguyên tử tại Mỹ đã bị phá vỡ.

Mỹ và Anh đã chính thức bước vào cuộc chiến tranh lạnh chống Liên Xô, mở đầu bằng việc đóng cửa một loạt các lãnh sự quán, cơ quan đại diện Xôviết tại Los Angeles, San Francisco và New York. Nhà cầm quyền Mỹ cũng triển khai một chiến dịch thanh trừng tất cả những người có cảm tình với Liên Xô và có xu hướng chính trị thiên tả. 

Trong bối cảnh đó, Liên Xô cần phải xây dựng lại gần như từ đầu mạng lưới tình báo bí mật tại Mỹ. Moscow dự kiến sẽ triển khai kế hoạch này theo hai hướng. Trong hướng thứ nhất, điệp viên Wiliam Fisher, về sau nổi tiếng với cái tên Rudolf Abel, đã đặt chân tới Mỹ vào năm 1948. Vợ chồng Filonenko đảm trách hướng xâm nhập thứ hai.

Tháng 11-1951, gia đình Filonenko vượt biên giới Liên Xô-Trung Quốc để tới thành phố Cáp Nhĩ Tân với tư cách “những người tị nạn từ Tiệp Khắc”. Anna sinh đứa con thứ hai chính tại đây, và đứa bé được làm lễ ngay tại nhà thờ Thiên chúa giáo ở địa phương. Sau một thời gian tại Cáp Nhĩ Tân, gia đình Filonenko chuyển tới Thượng Hải, nơi có một cộng đồng hàng triệu người gốc châu Âu đang sinh sống.

Khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, những đặc quyền của cộng đồng người châu Âu tại Thượng Hải đã bị giảm sút rất nhiều, khiến họ lũ lượt rủ nhau tìm về quê hương. Tháng giêng năm 1955, gia đình Filonenko tới Brazil với lý do như vậy.

Tại đất nước Nam Mỹ này, Mikhail và Anna (trước đó chỉ là những người quen với chiến trận) buộc phải trở thành các thương gia làm ăn lương thiện. Có lẽ cũng vì thiếu kinh nghiệm, công ty đầu tiên của Mikhail đã nhanh chóng phá sản. Đó là một thời khắc rất nặng nề đối với họ. Nhưng với bản lĩnh và quyết tâm của một chiến sĩ tình báo, Mikhail đã biết cách gây dựng lại từ hai bàn tay trắng. Chẳng bao lâu, anh đã trở thành một thương gia thành đạt, một triệu phú có mối quan hệ làm ăn khắp châu Mỹ.

Đây chính là thời điểm thuận tiện nhất cho việc bắt đầu công tác tình báo thu thập tin tức. Moscow khi đó đang rất muốn biết về những âm mưu thực sự của Washington đối với Liên Xô. Người Mỹ đã chia sẻ những kế hoạch bí mật này với nhiều nước Nam Mỹ với dự tính tận dụng sức mạnh của những quốc gia này trong một cuộc chiến có thể xảy ra với Liên Xô.

Nhờ đó, vợ chồng Filonenko đã khai thác được nhiều kế hoạch tấn công hạt nhân của Mỹ nhằm vào Liên Xô. Giới lãnh đạo Xôviết đã nhiều lần đàm phán thành công trong các kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, do đã nắm vững thông tin về quan điểm của các nước phương Tây được vợ chồng Filonenko cung cấp.

Nhiều chuyên gia cho tới giờ vẫn phải ngạc nhiên về nguồn thông tin rất phong phú mà các điệp viên Xôviết đã khai thác được tại châu Mỹ Latinh. Họ càng sửng sốt hơn nếu biết được, Mikhail Filonenko còn xâm nhập được vào hàng ngũ những người thân cận với Tổng thống Brazil khi đó.

Mikhail Filonenko thậm chí còn kết bạn được với nhà độc tài Paraguay Alfredo Stressner, nhân vật đã mở rộng cửa đất nước để che chở cho những tên tội phạm phát xít Đức cũ.

Là một người tôn sùng Hitler và yêu thích sưu tầm vũ khí, Stressner đã rất ấn tượng trước khả năng bắn các loại súng trường và súng ngắn đặc biệt xuất sắc của một thương gia lịch thiệp như Mikhail. Alfredo còn mời Mikhail cùng đi săn cá sấu, và có những cuộc trò chuyện khá cởi mở với điệp viên Xôviết trong những chuyến đi này.

Gia đình Filonenko đã có thêm cậu con trai thứ ba sau vài năm hoạt động tại Brazil. Tình hình hoạt động trở nên phức tạp hơn, sau khi Rudolf Abel bị bắt tại Mỹ vào năm 1957.

Để bảo vệ an toàn cho gia đình Filonenko cùng mạng lưới tình báo của họ, Moscow quyết định triển khai một phương pháp liên lạc mới không cần điệp viên trung gian. Hai vợ chồng được cấp một chiếc máy phát sóng ngắn hiện đại nhất, có thể truyền thông điệp đi chỉ trong vài giây. Anna buộc phải ôn lại nghề điện đài cũ của mình.

Do thời điểm đó chưa có liên lạc vệ tinh, những tín hiệu được vợ chồng Filonenko phát đi được thu nhận bởi một con tàu đặc biệt, nguỵ trang dưới dạng tàu săn cá voi tại Nam Cực. Tín hiệu sau đó sẽ được chuyển phát tiếp về Moscow.

Thời gian hoạt động lâu dài tại nước ngoài, cùng với những căng thẳng và sức ép đặc trưng của nghề tình báo đã khiến sức khỏe của cả hai vợ chồng Filonenko giảm sút nghiêm trọng. Đầu năm 1960, sau khi Mikhail bị một cơn nhồi máu cơ tim nặng, Moscow đã quyết định triệu hồi gia đình họ về nước.

 “17 khoảnh khắc bất tử”

Vào đầu những năm 1970, đạo diễn Tatiana Lioznova bắt tay vào dàn dựng bộ phim nổi tiếng “17 khoảnh khắc mùa xuân”. Giám đốc Yuri Andropop của KGB khi đó đã chỉ đạo Anna và Mikhail là những cố vấn chính cho nữ đạo diễn này. Nhiều cảnh quay của bộ phim sau đó đã được vợ chồng Filonenko trực tiếp chỉ đạo dàn dựng.

Còn Anna trở thành khuôn mẫu cho vai nữ liên lạc viên điện đài Kathe. Có một điều lý thú là khi sinh con gái tại Harbin, Anna đã không hét lên bằng tiếng Nga. Nhưng đạo diễn Lioznova đã đưa chi tiết này vào trong cảnh phim để tăng sự kịch tính.

Dù khuôn mẫu của nhân vật chính Stirlitz còn là điệp viên Willy Leman cùng nhiều chiến sĩ tình báo khác, nhưng người xem vẫn có thể thấy nhiều đoạn gợi nhớ hình ảnh của chính Mikhail.

Mikhail Filonenko qua đời năm 1982, trước Anna tới 16 năm (bà mất vào năm 1998). Nhưng những chiến công của gia đình điệp viên Filonenko vẫn được các thế hệ điệp viên sau này trân trọng và nhớ đến, nhất là khi chúng đã hóa thân thành những “khoảnh khắc bất tử” trong bộ phim nổi tiếng “17 khoảnh khắc mùa xuân”.

Hồng Sơn (tổng hợp)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文