Anh hùng phi công Bảy B hạ tàu khu trục Mỹ
- Bác Hồ trong ký ức của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy1
- Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy: Về với nghề nông
Trong những anh hùng là phi công của lực lượng Không quân Việt Nam, có hai người anh hùng trùng tên họ, cùng ở miền Nam và cũng là hai phi công được Không lực Hoa Kỳ xếp hạng ACE. Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (Bảy A) hiện sinh sống tại Lai Vung, Đồng Tháp nổi tiếng lái Mig21 với 7 lần bắn rơi máy bay của Mỹ với nhiều loại khác nhau. Còn Anh hùng, liệt sĩ phi công Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) quê ở Cà Mau được xem là phi công công giỏi nhất về khả năng bay trên biển, từng hạ gục tàu khu trục của hạm đội Mỹ.
Bay trên biển muôn vạn lần khó…
Với phi công tiêm kích, bay chiến đấu trên biển khó hơn gấp vạn lần bay trên đất liền vì không có vật gì làm chuẩn để phân biệt lằn ranh biển và trời. Mặt biển như một tấm gương lồi khổng lồ, chỉ cần một tích tắc phi công thiếu tập trung cao độ là máy bay đâm sầm xuống biển.
Trong những trận không chiến lịch sử trên biển, nhân loại mãi mãi không bao giờ quên đội quân Thần Phong của Nhật Bản hạ tàu khu trục hạm đội Mỹ tại căn cứ Hải quân Trân Châu Cảng, đảo Hawail ngày 7-12-1941. Chỉ 90 phút bắt đầu tấn công và kết thúc của hai đợt tấn công với 414 máy bay Zero, xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản.
Đội quân cảm tử Thần Phong của Nhật đã đánh chìm 4 tàu thiết giáp hạm, gây hư hại cho 4 tàu khác; đánh chìm và phá hoại 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn; phá hủy 188 máy bay mà không một chiếc nào kịp cất cánh để chống trả; 2.402 người Mỹ tử trận và 1.282 người khác bị thương… Trận tấn công cảm tử của quân đội Nhật đã khơi ngòi cho người Mỹ tham gia vào liên minh chiến tranh thế giới lần thứ 2 và dẫn đến thảm họa quân đội Mỹ trút hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki năm 1945 để kết thúc cuộc chiến tranh thế giới.
…Nhắc lại những ngày luyện tập bay biển của phi công Bảy B, Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (A) nhớ lại: "Để chuẩn bị đánh tàu chiến Mỹ trên biển, Trung đoàn Không quân 923 tuyển chọn phi đội gồm 6 phi công, huấn luyện bay từ sân bay Kiến An, tập ném bom ở đảo Long Châu với sự huấn luyện và giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên gia Cu Ba".
Phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy B tập sa bàn đánh tàu chiến Mỹ. |
Sau thời gian huấn luyện, tháng 3-1972 tất cả các phi công đều thành thục các thao tác và sẵn sàng xuất kích. Bộ Chỉ huy quyết định chọn phương án ném bom kiểu thia lia, giống như ném mảnh sành trên mặt nước, đòi hỏi kỹ thuật cao và máy bay tầm thấp cách mặt biển ổn định khoảng 50m, tốc độ 800km/h, khi cách tàu địch 500m cắt bom đủ độ chính xác bom rơi cách mạn tàu chiến 5m phát nổ xuyên thủng mạn tàu. Chỉ một sai lệch nhỏ thì quả bom không phát huy tác dụng, không tiêu diệt được mục tiêu.
Ngày 10-4-1972, các phi công Lê Xuân Dị, Nguyễn Văn Bảy B, Nguyễn Văn Lục cùng thợ máy mang theo bom loại D250 kg và đạn 23mm, 37mm hành quân bí mật theo đường bộ vào tập kết tại sân bay dã chiến Khe Gát, nằm trong một thung lũng phía Tây Quảng Bình.
Chiều cùng ngày, các phi công Từ Đễ, Lê Hồng Điệp từ sân bay Kép lái 2 chiếc MiG- 17 vào sân bay Gát an toàn, bí mật tuyệt đối. Song song với việc huấn luyện phi đội bay chiến đấu trên biển, Binh chủng Phòng không Không quân còn tăng cường nghiên cứu, trinh sát về hoạt động của tàu chiến Mỹ và quyết định chọn nơi đánh địch từ Quảng Bình đến Vĩnh Linh.
Hơn nữa, máy bay tiêm kích MiG 17 thời gian bay cực ngắn, khi mang bom đạn buộc phải tính toán đến hạn chế mang thùng dầu phụ; do đó, khoảng cách từ sân bay bí mật ra đến tàu chiến Mỹ trong điều kiện tàu chiến di chuyển với tốc độ 20 hải lý/giờ, cần phải tính toán chính xác tốc độ, mục tiêu và cự li trong điều kiện bay thấp trên mặt biển. Không quân Việt Nam làm chủ và bảo vệ vững chắc bầu trời miền Bắc XHCN, nhưng chưa từng đánh mục tiêu di động trên biển.
Hàng loạt câu hỏi đặt ra với những hồi hộp, căng thẳng từng phút, từng giây chờ giờ G xuất kích. Khi kiểm tra sân bay dã chiến Khe Gát, nhiều cán bộ kỹ thuật vô cùng ngạc nhiên về sân bay phản lực có một không hai trên thế giới với một đường băng bằng đất đỏ, không có bất cứ thiết bị nào phục vụ cho việc hướng dẫn cất hạ cánh. Cán bộ kỹ thuật đã phải thốt lên: Chỉ một việc dám cất cánh, hạ cánh ở sân bay này cũng đủ để tuyên dương anh hùng rồi.
Do liên tục thất bại nặng nề trên các chiến trường Miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu mở rộng phạm vi ném bom khắp miền Bắc, huy động cả Hạm Đội 7 Thái Bình Dương từ biển tiến vào áp sát vùng Vĩnh Linh đến Quảng Bình liên tục bắn phá, hòng ngăn chặn tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí Bắc - Nam trên những đoàn tàu không số và khống chế việc chi viện cho chiến trường miền Nam của hậu phương miền Bắc XHCN, nên việc bất ngờ sử dụng máy bay chiến đấu tiêu diệt Hạm Đội Mỹ là một phương án tác chiến độc đáo, bất ngờ nhất. Nguyễn Văn Bảy B và phi đội bay biển là những anh hùng dũng cảm, quyết đoán và sáng tạo được Binh chủng tin tưởng giao trọng trách nặng nề này.
Cánh én bạc nhấn chìm tàu chiến Mỹ
Sáng ngày 19-04-1972, đài ra- đa 403 quan sát của Hải quân và Pháo Binh phát hiện nhiều tốp tàu chiến của địch vào gần bờ biển Quảng Bình bắn phá. Nhưng thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế nên sở chỉ huy chưa cho máy bay xuất kích.
Tranh vẽ tái hiện trận đánh của phi đội Bảy B, Lê Xuân Dị diệt tàu khu trục Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ. |
Đây là trận đầu tiên đánh tàu chiến Mỹ, nên công tác chuẩn bị phải tuyệt đối chính xác, ăn chắc. Khoảng 15h chiều cùng ngày, ra đa quan sát phát hiện 4 tàu chiến tiến vào cửa Lý Hòa cách 15km, một tốp khác tiến vào phía Đông Quảng Trạch, Đông Lý Hòa và 4 tàu chiến khác đang đậu cách cửa Nhật Lệ khoảng 16km lúc này thời tiết khá thuận lợi, tầm nhìn trên 10km.
Đúng 16h5’ ngày 19-04-1972, phi đội được lệnh xuất kích, phi công Lê Xuân Dị bay số 1, Nguyễn Văn Bảy B bay số 2, mỗi chiếc MiG17 mang hai quả bom nặng 250kg/ quả, cuốn bụi mù mịt rời đường băng dã chiến sân bay Gát lao ra biển. Lần theo vệt nước biển, phi công Dị phát hiện mục tiêu khu trục hạm USS Hegpee xin đài chỉ huy lệnh công kích. Sau khi cắt hai quả bom chạm mặt nước, Dị kéo cần lái để máy bay thoát ly mục tiêu an toàn.
Lúc này, phi công Bảy B đang bay giãn cách vòng ra phía biển phát hiện tuần dương hạm USS Oklahoma City đã lập tức vòng lại xin lệnh công kích. Bảy B nhận lệnh, bay lướt qua tuần dương hạm, ép độ nghiêng vòng trở lại, hạ độ cao xuống 50m, tăng tốc lực đạt 800km/h ngay điểm ngắm trạm mớm nước thân tàu cắt bom cách khoảng 750m, rồi kéo cần lái vọt qua ăng- ten của cột tàu. Phi công Bảy B đã thông minh và dũng cảm vượt qua lưới lửa phòng không của địch bắn trả dữ dội để cắt bom và an toàn trở về.
Trong hồi ký của Đại tá Lê Hải có viết: Càng về sau, lửa cháy càng to trên tàu khu trục. Nhìn lại anh thấy tàu địch bốc cháy và cháy một quả tên lửa trên tàu nổ tung lên cao khoảng 200m ngay tại khu trục bị cháy. Bảy B đã được hướng dẫn hạ cánh an toàn sau số 1 chỉ 2 phút. Trận đánh chỉ diễn ra trong 17 phút từ khi cất cánh đến khi hạ cánh đã làm rung động Lầu Năm Góc và lực lượng Hải quân Hoa Kỳ. Ngay sau đó, các tàu chiến Mỹ đã được lệnh lùi ra xa, ngừng pháo kích vào bờ trong 3 ngày… để tìm cách đối phó với thất bại thảm hại chưa từng có.
Chuyện nhà của Anh hùng liệt sỹ phi công Bảy B
Phi công Bảy B sinh năm 1943, tại xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau). Cha là liệt sỹ, mẹ là quân nhân tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1965, đang là sinh viên Đại học Nông nghiệp, Bảy B thi trúng tuyển vào lực lượng Không quân Việt Nam sau đó được tuyển chọn sang Liên Xô đào tạo phi công.
Di dời hài cốt anh hùng, liệt sỹ phi công Bảy B từ Thanh Hóa về Cà Mau. |
Tốt nghiệp trường Không quân Liên Xô năm 1968, Bảy B về nước được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Trong hồi ức của anh hùng Bảy B và anh em trong gia đình, không ai rõ về gốc tích cha mình. Do ông Nguyễn Xưởng từng tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ bị địch truy lùng ráo riết nên lui về Cà Mau ở ẩn và hoạt động cách mạng.
Lúc sinh thời, phi công Bảy B nhiều lần tâm sự với người bạn học Trường học sinh miền Nam là ông Đỗ Khắc Hùng rằng: "Tôi chỉ biết rằng cha mẹ tôi đều đi kháng chiến. Ông nói tiếng Bắc, bà nói tiếng không giống người ở Hưng Mỹ, còn tất cả anh em tôi đều nói tiếng Nam. Chính vì không biết nguồn cội thế nào và quê quán cha mẹ ở đâu nên tôi cứ lấy nơi tôi sinh ra làm quê quán".
Cho đến tháng 10-2004, ông Nguyễn Năm- anh trai Bảy B lặn lội ra miền Bắc tìm bà Phạm Thị Huấn, tại thôn Đông, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (Hà Nội) là em dâu út của cụ Nguyễn Xưởng. Qua lời kể của bà Huấn: cụ Nguyễn Xưởng là con cụ đồ nho Nguyễn Trác, quê ở làng Gò Chùa, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (cũ).
Cụ Trác dạy học ở Đình Vũ độ mươi năm, kết hôn với bà Nguyễn Thị Tý. Năm 1899, bà Tý sinh ra cụ Nguyễn Xưởng tại làng Xuân Tảo - nay là Xuân Đỉnh. Đầu năm 1930, cụ Xưởng tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Khoảng giữa năm 1935, bị bắt ở Cầu Giấy khi đang rải truyền đơn rồi bị đày đi nhà tù Sơn La.
Sau gần 2 năm bị giam cầm, cụ Xưởng được thả tự do, làm việc tại nhà in Trung Bắc Tân Văn ở Cửa Bắc-Hà Nội. Đến cuối năm 1938 đầu 1939, vợ chồng ông Nguyễn Xưởng ẵm người con trai tên Nguyễn Năm (mới 3 tháng rưỡi tuổi) bí mật lên tàu đi vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn, cuối năm 1940 bọn lính lùng sục ngày đêm bắt bớ, nên ông Nguyễn Xưởng phải chuyển gia đình về Sông Đốc, Cà Mau sinh sống tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Năm 1945, bà Lư đã đưa các con trở lại Cà Mau. Ông, bà cùng tham gia khởi nghĩa trong Hội Thanh niên Cứu quốc cướp chính quyền, bà là đội viên đội rải truyền đơn ở Rau Dừa - Bờ Đập. Chính quyền về tay nhân dân chưa được bao lâu thì ngày mùng 6-3, Pháp đổ quân vào Cà Mau cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc bắt đầu.
Là một phi công rất dũng cảm, thông minh và quyết đoán, trong chiến đấu luôn hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh - đó là nhận xét của đồng đội về Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B). Ông được tặng thưởng 5 Huân chương và danh hiệu Anh hùng LLVTND với gần 30 tuổi đời, 7 tuổi quân, đã trực tiếp chiến đấu hơn 4 năm lập nhiều chiến công xuất sắc: trực tiếp bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bắn cháy 1 tàu khu trục tuần dương hạm và anh dũng hy sinh trên bầu trời Thanh Hóa trước khi hạ gục một máy bay A6 của Mỹ.
Nhớ lại chuyện về người đồng đội phi công, Đại tá Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (A) nặng lòng nói: "Với phi công, tập luyện bao lâu thì cũng để chỉ dùng trong vài phút bay. Do đó, tính chính xác luôn đòi hỏi rất cao, vừa bất ngờ khiến địch trở bay không kịp, vừa phải chuẩn xác khi tránh đạn địch và ấn nút thả bom.
Trong tích tắc ấy, mọi điều có thể xảy ra. Kinh nghiệm, gan dạ và thông minh là những thứ luôn phải có với phi công khi bước vào buồng lái". Ngày 06-05-1972, biên đội MiG17 của Nguyễn Văn Bảy (B) không chiến với 24 máy bay cường kích Mỹ bao gồm các loại A6, A7, F4 nhằm ngăn chặn không quân Mỹ bắn phá miền Bắc. Sau khi bắn hạ một chiếc A6, máy bay của Nguyễn Văn Bảy B bị trúng đạn rơi trên bầu trời huyện Bá Thước, Thanh Hóa.
Ông hy sinh và được chôn cất ở chân núi Lê Lai, sau đó dời về nghĩa trang huyện Quảng Xương. Sau nhiều năm tìm kiếm, với sự giúp đỡ của đồng đội phi công anh hùng như: Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Bảy (A), Mai Văn Cương... thi hài của ông được chuyển về mai táng tại quê nhà. Năm 1994, Nguyễn Văn Bảy B được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.