Cảnh giác với bệnh tay, chân, miệng

09:45 17/05/2008
3 tháng đầu năm nay, riêng trên địa bàn TP HCM đã có 517 trường hợp trẻ mắc bệnh "tay, chân, miệng", còn nếu tính chung trong cả nước thì có khoảng 3.000 bệnh nhi mắc chứng bệnh này. Đây là bệnh truyền nhiễm, để lại hậu quả xấu nếu không kịp thời phát hiện và ngăn ngừa...

Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh tay, chân, miệng

Bệnh tay, chân, miệng (Hand - Foot - Mouth disease HFMD) là một bệnh gây ra bởi mấy loại virus (siêu vi trùng) thuộc nhóm virus đường ruột mà thường gặp nhất là coxsackievirus A16 nhưng đôi khi cũng do enterovirus cùng một số virus đường ruột khác như phân nhóm virus bại liệt... Đây là một bệnh rất dễ lây lan, thường truyền từ người này sang người kia bằng đường nước bọt, hoặc các chất dịch tiết trong mũi, họng, hay từ các bóng nước trên da và cả trong phân của trẻ nhiễm bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày mà triệu chứng đầu tiên là sốt, đau họng, biếng ăn. Lúc đó, virus chủ yếu khu trú ở niêm mạc má, niêm mạc hồi tràng, rồi sau 24 giờ, nó di chuyển đến các hạch bạch huyết lân cận. Nếu khám họng có thể phát hiện những chấm nhỏ màu đỏ ở lưỡi, nướu răng, bên trong má, sau đó biến thành những bóng nước và thường dẫn đến loét. Một hoặc hai ngày sau khi nhiễm bệnh, trên da tay, chân, xuất hiện ban da màu đỏ, một số hình thành bóng nước.

Đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là ở trẻ dưới 10 tuổi (nhưng cũng có thể gặp ở người trưởng thành). Bệnh có thể gây ra những biến chứng xấu như viêm màng não virus, viêm não, liệt, viêm phổi và viêm cơ tim cấp.

Đề phòng như thế nào?

Thường xảy ra vào 2 mùa mỗi năm - từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12, bệnh tay, chân, miệng theo dự đoán của một số chuyên gia về dịch tễ học, trong năm 2008, chỉ tính riêng các tỉnh phía Nam, sẽ có khoảng 8.000 hoặc 9.000 trường hợp mắc phải, trong số này 15 đến 20% là do enterovirus 71 - là chủng hiện nay đang gây dịch lớn ở Trung Quốc.

Một thống kê của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 - TP HCM cho thấy, bệnh tay, chân, miệng bắt đầu gia tăng từ tháng 10-2007 và hiện tại, bình quân mỗi ngày có 70 đến 80 trẻ xin khám, điều trị ngoại trú. Riêng trong 4 ngày từ 18 đến 21/2, đã có 2 bệnh nhi – một 18 tháng tuổi và một 11 tháng tuổi tử vong ở BV này, nâng tổng số chết vì bệnh tay, chân, miệng lên 10 người tính từ đâu năm.

Tại BV Nhi Đồng 1, con số trẻ đến khám, điều trị cũng không ít hơn. Còn tại BV Nhiệt đới TP HCM, hiện có 60 trẻ đang nằm điều trị. Riêng khu vực miền Trung, mặc dù chưa bùng phát như các tỉnh phía Nam, nhưng lác đác đã có trẻ nhiễm tay, chân, miệng ở Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Thuận... Do bệnh có xu hướng tăng cao, nên từ năm 2007, Bộ Y tế đã xếp nó vào loại bệnh mà các địa phương phải báo cáo hàng tuần.

Bệnh tay, chân, miệng chủ yếu lây qua đường tiếp xúc trực tiếp giữa người và người - nhất là trong môi trường mà trẻ em thường xuyên tiếp xúc với nhau như trường học, nhà trẻ, nên khi nhiễm, nó thường hình thành một dây chuyền. Vì thế, các chuyên gia dịch tễ học khuyên các cô bảo mẫu, các em học sinh nên rửa tay sạch sẽ khi thay tã cho trẻ, hoặc sau khi đi vệ sinh, đồng thời có biện pháp xử lý an toàn với quần áo, tã lót dính phân của trẻ.

Hiệu trưởng một nhà trẻ ở quận 5, TP HCM cho biết: “Theo khuyến cáo này, thì trẻ phải che miệng lúc ho hoặc hắt hơi nhưng ở chỗ tôi, các cháu thường ở độ tuổi từ 12 tháng đến 2 tuổi nên làm sao thực hiện được”. Vì thế, các cô bảo mẫu đều được lệnh, là nếu thấy cháu nào ho, hắt hơi quá 3 lần trong khoảng 15 phút, thì lập tức cách ly và báo cho trạm y tế phường để theo dõi.

Bác sĩ T, BV Nhi Đồng 2, nói: “Nếu thấy trẻ quấy khóc liên tục, ngủ hay giật mình, hoảng hốt, đôi khi nói lảm nhảm, tay chân run, sốt, co giật... thì nên đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất vì nếu đưa đến trễ 6 hoặc 10 tiếng đồng hồ kể từ khi có những triệu chứng trên, thì rất khó điều trị...”. Một bà mẹ có con bị tử vong do bệnh tay, chân, miệng, kể thêm: “Thoạt đầu, tôi chỉ nghĩ cháu bị cảm sốt thông thường. Nhưng tới khi cháu sốt cao, nôn ói, da nổi bông đỏ, tay chân mềm oặt, tôi mới đưa vào bệnh viện thì đã trễ”.

Cũng cần nói thêm rằng ở Trung Quốc, dịch bệnh tay, chân, miệng đã bùng phát tại hơn 10 tỉnh, thành với gần 30.000 người nhiễm, và đã có 26 người chết tính đến ngày 6/5/2008. Tại Singapore, Bộ Y tế nước này đã áp dụng lệnh đóng cửa với 17 trường mẫu giáo, đồng thời khuyến khích 48 trường mẫu giáo khác chưa vội mở cửa lại vì chiều ngày 5/5, Singapore xuất hiện thêm 234 người nhiễm mới.

Hiện nay, bệnh tay, chân, miệng chưa có biện pháp phòng chống đặc hiệu, nhưng nếu biết giữ vệ sinh thì vẫn có khả năng làm giảm nguy cơ lây bệnh. Trước tình hình bệnh đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc, gây tử vong cao, ngày 5/5/2008, Bộ Y tế – Cục Y tế dự phòng và môi trường đã có công văn khẩn cấp gửi các sở y tế, các trung tâm y tế dự phòng ở các tỉnh, thành trong cả nước, yêu cầu tăng cường phát hiện sớm bệnh nhân, tổ chức cách ly các trường hợp mắc bệnh để tránh lây lan.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận người bệnh. Tại các điểm nuôi dạy trẻ, cần làm vệ sinh cẩn thận những loại đồ chơi, đồ dùng dạy học, phòng ốc và đặc biệt là thức ăn, nước uống cho trẻ...

Ngày 6/5, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, trước đây Bộ Y tế đã có hướng dẫn điều trị bệnh tay, chân, miệng và trong một vài ngày nữa, Bộ sẽ ban hành quy chế giám sát dịch bệnh này...

Hoà Xuân

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文