Cha con người thợ xây Lăng Bác Hồ

11:49 26/01/2020
Những ngày cuối năm, về xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, hỏi thăm ông Thiêm “xây Lăng”, chúng tôi được người dân chỉ dẫn nhiệt tình. Bởi gia đình ông Nguyễn Minh Thiêm nổi tiếng với nghề mộc gia truyền đã 5 đời.

Và còn bởi cha con ông Thiêm từng vinh dự được trực tiếp tham gia xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1974. Dù đã 45 năm trôi qua nhưng với ông Thiêm, những ngày được cùng người cha Nguyễn Ngọc Ao về Thủ đô Hà Nội lao động trên công trường 75808 mãi là một kỉ niệm thiêng liêng và đáng nhớ.

Nhà người thợ “xây Lăng” Nguyễn Minh Thiêm nằm sát quốc lộ, thuộc thôn Gia Hòa, xã Nam Cường. Khi chúng tôi đến nơi, xưởng mộc của ông đang vang lên tiếng máy xẻ gỗ, tiếng bào, tiếng đục - những âm thanh quen thuộc gắn bó với gia đình ông đã 5 đời nay. Dừng công việc, gài chiếc bút chì lên vành tai, ông Thiêm tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện sôi nổi, giọng nói và tiếng cười hào sảng.

Ảnh: L.G.

Trong phòng khách, bằng khen, giấy khen của Ban Phụ trách xây dựng Lăng do đồng chí Đỗ Mười ký trao cho người cha Nguyễn Ngọc Ao và con trai Nguyễn Minh Thiêm vì đã có thành tích tham gia xây Lăng Hồ Chủ tịch được treo ở vị trí trang trọng. Cạnh đó là bức ảnh đen trắng chụp toàn bộ đội thợ trong xưởng mộc thời điểm năm 1975 còn lưu bao kỉ niệm.

Ông Thiêm tự hào khi nhắc đến truyền thống làm mộc của gia đình. Từ khi còn nhỏ, cậu bé Thiêm được ông nội và cha - những người thợ giỏi của vùng chỉ dạy cách bào những đường thẳng tắp, đục những lỗ vuông vắn, sắc nét. Là người thông minh và khéo tay, lại chăm chỉ thực hành, nên khi mới 15-16 tuổi, Nguyễn Minh Thiêm đã thành thạo nét nghề, theo ông và bố đi khắp các vùng đóng giường tủ, làm kèo cột, chế tác cày bừa, máy dệt cửi, làm đồ chơi gỗ cho trẻ nhỏ... Chính sự thạo nghề từ rất sớm đã đem lại cho ông vinh dự là người thợ trẻ tuổi nhất tham gia xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch.

Ông Thiêm nhớ lại thời điểm năm 1974, Trung ương ra chỉ thị tìm thợ mộc giỏi trong cả nước về Thủ đô xây dựng Lăng Bác. Cha ông là Nguyễn Ngọc Ao - khi đó là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã mộc Sơn Lâm, xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Hà cũ, kiêm tổ trưởng tổ kĩ thuật, là người nức tiếng giỏi nghề. Hai cha con đã được hợp tác xã bỏ phiếu tín nhiệm là những người có đạo đức, sức khỏe và lành nghề nhất để đi kiểm tra tay nghề “vòng sơ loại” của tỉnh.

Sau đó, cha con ông Thiêm cùng 3 người thợ mộc nữa của tỉnh được chọn lựa, khăn gói lên đường đầu quân vào xưởng gia công gỗ quý công trường 75808. Năm đó chàng trai Nguyễn Minh Thiêm tròn 17 tuổi.

Những ngày làm mộc ở Thủ đô là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ trong cuộc đời chàng trai trẻ Nguyễn Minh Thiêm. Trước khi bắt tay vào công việc ở công trường, những người thợ trong đội mộc được đón tiếp chu đáo và đi thăm nhiều thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Sau đó, họ được học tập quán triệt tư tưởng, lễ tiết, tác phong, kỉ luật làm việc.

Bằng khen trao cho người cha Nguyễn Ngọc Ao.

Trong buổi làm việc đầu tiên, đồng chí Đào Đức Thanh, lúc đó đang là Phó Giám đốc Nhà máy gỗ Cầu Đuống, là người phụ trách toàn bộ xưởng mộc nói với tất cả anh em: “Nhiệm vụ của xưởng mộc là phải đóng hàng trăm bộ cánh cửa cho toàn bộ công trình Lăng. Các đồng chí phải thi tay nghề để chọn ra cách xử lý mộng cửa tối ưu nhất, sao cho các cánh cửa vừa đẹp, vừa chắc chắn, chịu được lực tác động mạnh”.

Anh em xưởng mộc bắt tay ngay vào công việc để tìm ra phương cách tốt nhất. Cuối cùng, cấu trúc mộng mang cá của người thợ Nguyễn Ngọc Ao đã được hội đồng thẩm định lựa chọn và đánh giá cao. Tài năng của người thợ mộc thành Nam sáng tạo ra loại mộng kép rất khỏe, vừa gánh được trọng lượng của cánh cửa, vừa chịu được lực va ngang lan ra khắp công trường. Lập tức, mẫu mộng mang cá và kĩ thuật làm mộng được phổ biến tới anh em trong toàn xưởng mộc.

Ông Nguyễn Ngọc Ao được bầu làm thợ cả, trực tiếp hướng dẫn, giám sát anh em thi công. Chàng thợ mộc trẻ tuổi Nguyễn Minh Thiêm thành thạo cách làm mộng của cha, được giao đóng cửa chính. Cả xưởng mộc đều ý thức được rằng phải sử dụng nguyên liệu gỗ một cách có ý nghĩa nhất, bởi đó đều là những loại gỗ quý như trắc, nụ, muồng, mun, đinh hương do đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu 5, Bình Trị Thiên khai thác gửi ra Hà Nội để xây Lăng.

Công trường xây Lăng ngày ấy luôn trong không khí làm việc tấp nập, khẩn trương. Các tốp thợ xẻ, thợ mộc, thợ xây, thợ hàn xì, thợ đục đá... đến từ khắp các vùng miền trong cả nước đều có chung tinh thần làm việc hăng say, không quản ngại khó khăn, vất vả. Họ chắt chiu từng hạt cát, từng mẩu gỗ để xây dựng công trình Lăng theo phương châm: dân tộc, hiện đại, trang nghiêm, giản dị.

Với họ, được đảm trách một phần việc ở công trường vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm to lớn đặt nặng trên vai. Hằng ngày hằng giờ, công việc của họ góp phần đẩy nhanh tiến độ của công trường, xây dựng công trình đặc biệt mà lãnh đạo và nhân dân cả nước đang dõi theo, gửi gắm niềm tin.

Kỉ luật công trường rất chặt chẽ, mỗi người thợ được cấp “Giấy ra vào quảng trường Ba Đình”, thời hạn đến khi công trình hoàn thành. Hằng ngày các tốp thợ ra vào công trường ở cả 3 cổng (một cổng ở phố Ngọc Hà, hai cổng trên đường Hùng Vương) được kiểm tra nghiêm ngặt. Xưởng gia công gỗ quý nằm gần đường Ngọc Hà hằng ngày vang lên tiếng đục, tiếng cưa. Công việc được tiến hành vừa khẩn trương, vừa kĩ lưỡng.

Tuy hai cha con Nguyễn Minh Thiêm ở cùng xưởng mộc nhưng đều miệt mài làm việc, hầu như chẳng mấy khi nói chuyện cùng nhau. Nguyễn Minh Thiêm tuy trẻ tuổi nhưng làm việc hăng say, nghiêm túc đã vượt qua các vòng thử thách để trụ lại ở công trường, được cả xưởng quý mến.

Sau một ngày lao động miệt mài, buổi tối về khu nghỉ, các tốp thợ sinh hoạt văn nghệ sôi nổi. Những tiếng hát, tiếng đàn về chủ đề Bác Hồ vang lên, tạo bầu không khí xúc động, thành kính hướng về Bác kính yêu. Một cuộc thi báo tường giữa các đội thợ đã diễn ra sôi nổi.

Trong đó, bài thơ “Xưởng mộc chúng tôi” của Nguyễn Minh Thiêm về đội thợ mộc được nhiều người truyền nhau đọc: “Xưởng mộc chúng tôi, Công trường 78/ Khi trời tảng sáng, tiếng người bừng vang/ Hiệu lệnh kẻng làm, tiếng bào tiếng máy/ Tiếng cưa nhanh nhạy, tiếng mộng dẻo dai/ Hướng tới ngày mai, công trường hoàn thiện/ Xưởng tôi tiên tiến, gỗ quý công trình”.

Theo trí nhớ của ông Thiêm, thời gian làm việc tại công trường, những người thợ đã vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Vũ Kỳ và đoàn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam tới thăm và khích lệ tinh thần.

Ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nguyễn Minh Thiêm được chứng kiến cảnh cờ hoa rực rỡ của những đoàn người đi khắp các tuyến phố Hà Nội. Những nụ cười tươi rói, gương mặt hân hoan, ai nấy nắm chặt tay nhau, hô vang “Bác Hồ muôn năm”. Đó là chất xúc tác khiến cả công trường xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch bừng bừng khí thế làm việc khẩn trương. Càng về giai đoạn cuối, công việc càng gấp rút, có những hôm nhiều tốp thợ làm thâu đêm để kịp tiến độ.

Ông Thiêm “xây Lăng” say sưa chơi đàn bầu - cây đàn do chính tay ông làm ở xưởng mộc tại Công trường 75808.

Sau hơn một năm trời miệt mài, dưới bàn tay của những người thợ mộc tài hoa, những bộ cánh cửa, bàn ghế, tay vịn cầu thang cùng trang thiết bị nội thất thuộc công trình Lăng đã được hoàn tất, đảm bảo yêu cầu về cấu trúc, thẩm mỹ theo đúng thiết kế. Đóng góp của xưởng mộc, trong đó có bố con người thợ cả Nguyễn Ngọc Ao và Nguyễn Minh Thiêm đã góp phần đảm bảo để công trình Lăng hoàn thành đúng thời gian dự kiến, kịp khánh thành vào dịp 2-9-1975.

Hôm khánh thành Lăng, toàn bộ công nhân làm việc ở công trường được đứng ngay ở vị trí hàng rào danh dự, được xếp hàng vào viếng Bác. Xúc động nghẹn ngào, ai cũng muốn báo công lên Bác. Những người thợ như bố con ông Thiêm trên công trường đã không quản ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ, để góp phần xây Lăng Hồ Chủ tịch - một công trình vĩ đại của cả dân tộc, để lại cho đời sau.

Đến nay, 45 năm trôi qua, người cha Nguyễn Ngọc Ao giờ đã khuất xa nhưng ông Thiêm vẫn hay nhớ về những ngày tháng được theo cha làm mộc xây Lăng Bác Hồ. Bộ đồ nghề làm mộc trên công trường năm xưa ông vẫn giữ gìn đến tận bây giờ. Đặc biệt, chiếc đàn bầu được ông làm ngay trong xưởng mộc của công trường nay vẫn được giữ gìn như vật báu.

Ông vừa gảy giai điệu “Bài ca dâng Bác”, vừa hát cho chúng tôi nghe. Dường như niềm vui, niềm vinh dự tự hào, những kỉ niệm trên Công trường 75808 năm nào giờ vẫn đong đầy cùng những giai điệu thiết tha...

Huyền Châm

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文