Vì sao chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam bị phá sản?

10:15 23/12/2016
Như đã nói trong bài trước, thời gian đầu khi chiến thuật "trực thăng vận" ra đời, nó đã gây một số khó khăn, tổn thất cho Quân Giải phóng nhưng rất nhanh chóng, những người lính "chân trần, chí thép" đã sáng tạo ra nhiều cách đánh mà cụ thể là trận Ấp Bắc, tháng 1-1963.

Năm 1965, một lần nữa chiến thuật "trực thăng vận" lại gặp phải thất bại cay đắng trong trận Ia Drang. Cũng trong năm 1965, sau cuộc tấn công chỉ với 1 tiểu đoàn Quân Giải phóng vào Trại Holloway, chiến thuật "trực thăng vận" chính thức phá sản …

Trận Ấp Bắc

Tháng 1-1963, chiến thuật trực thăng vận lần đầu gặp phải thất bại mang tính quy mô qua trận Ấp Bắc, giữa một bên là du kích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Mỹ và Sài Gòn gọi là Việt Cộng) và quân chủ lực Việt Nam Cộng hòa. Trận đánh diễn ra vào ngày 2-1-1963, tại ấp Tân Bình và ấp Tân Thới thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), cách Sài Gòn 45 km về phía tây nam; nhưng do các hãng thông tấn phương Tây ngay từ đầu đã đưa tin địa danh trận đánh là "Ấp Bắc" nên nó trở thành tên gọi phổ biến.

Địa hình 2 ấp Tân Bình và Tân Thới cách nhau một quãng đồng trống, có chỗ rộng 500m, có chỗ 1.000m, mỗi ấp có chiều dài hơn 1km, nằm cạnh một con rạch, bề ngang khoảng 7m. Đây là nơi lý tưởng để tiến hành chiến thuật trực thăng vận vì nếu Quân Giải phóng rút lui, họ sẽ phơi lưng ra giữa đồng, làm bia cho máy bay, pháo binh và các loại hỏa lực bộ binh.

Sau khi được tin tình báo là tại Ấp Bắc có một đài phát tuyến của Quân Giải phóng cùng một lực lượng lớn bộ đội đang hoạt động, Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã huy động 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 11, Sư đoàn 7; 2 tiểu đoàn địa phương quân; 1 chi đoàn thiết giáp gồm 13 xe M113 và 4 đại đội lính bảo an - trong đó có 2 đại đội làm lực lượng dự bị, 6 máy bay cường kích Skyraider AD1, 30 trực thăng CH-21 Shawnee và 5 trực thăng Choctaw H34 làm nhiệm vụ đổ quân, 4 máy bay trinh sát L19, 13 tàu xuồng các loại và 6 khẩu pháo 105mm, 4 khẩu cối 106, 7mm, tổng cộng gần 1.800 lính do do đại tá Bùi Đình Đạm chỉ huy. Cố vấn cuộc hành quân là thiếu tá John Paul Vann, lúc ấy là cố vấn trưởng của Sư đoàn 7.

Phi công của chiếc H21 tháo chạy khi bị bắn rơi ở Ấp Bắc.

Về phía Quân Giải phóng, lực lượng tham chiến gồm 2 đại đội bộ binh thuộc Tiểu đoàn 514 và 261; 1 trung đội trợ chiến; 2 tiểu đội đặc công, 1 trung đội bảo vệ căn cứ; 2 tổ công binh thủy; 1 trung đội du kích huyện Châu Thành cùng du kích các xã Điềm Hy, Tân Phú, Tân Hội, tổng quân số chỉ hơn 200 người.

1 giờ sáng ngày 2-1, lính địa phương quân và lính bảo an tiến hành bao vây xã Tân Phú. Đến 5 giờ 30, sau khi chiếc L19 bay nhiều vòng trinh sát, 15 trực thăng xuất phát từ sân bay Thân Cửu Nghĩa dưới sự yểm trợ của máy bay cường kích AD1, thả xuống 1 đại đội. Cùng lúc đó, 1 đại đội theo con đường phía đông rạch Ấp Bắc vào xóm chùa Thầy Lơ, 1 đại đội từ phía tây rạch Ấp Bắc vào xóm Hội đồng Vàng, hình thành thế gọng kìm. Tiếp theo, 15 trực thăng khác thả xuống 1 đại đội ở ngay vị trí của lần đổ quân thứ nhất.

Đến 6 giờ sáng, 4 chiếc AD1 ném bom. Sau đó pháo binh bắn hơn 50 quả. Khói đạn chưa tan, lại có 15 trực thăng chuẩn bị thả xuống thêm 1 đại đội nữa. Khi những chiếc trực thăng ấy bay ngang trận địa của đại đội 1, tiểu đoàn 514, trung đội trợ chiến và trung đội 2, Tiểu đoàn 261 Quân Giải phóng thì gặp lưới lửa từ dưới bắn lên. 3 chiếc đầu tiên bay thoát nhưng 3 chiếc tiếp theo rơi tại chỗ, 2 chiếc trúng đạn bay đến Cà Dâm và Bàu Rô mới rơi. Tổng cộng trong trận này, chỉ tính riêng trực thăng, có 5 chiếc bị bắn rơi, 9 chiếc bị bắn hư hỏng nặng. Phi hành đoàn chết 3, bị thương 8.

Thiếu tá Michael Dawson, một phi công trực thăng kỳ cựu thuộc Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận, Mỹ, nói: "Trình độ và kinh nghiệm của phi công trực thăng từ Mỹ sang Nam Việt Nam luôn làm chúng tôi ái ngại. Họ chỉ mới 20, 21 tuổi và cũng mới chỉ có 25 giờ "đơn phi" (nghĩa là bay một mình, không có huấn luyện viên bay kèm), nhưng là bay tập trong lúc ở miền Nam Việt Nam, chuyến bay nào cũng có thể là chuyến bay chiến đấu và là chuyến bay cuối cùng. Việt Cộng luôn sẵn sàng xả đạn vào trực thăng Mỹ kể cả khi vừa cất cánh, lúc đang bay hoặc khi đổ quân…".

Với lính Mỹ, tiếng kêu phành phạch của máy bay trực thăng luôn là "tiếng vỗ cánh của những thiên thần" nhưng phi công trực thăng đã trở thành vấn đề trầm trọng đối với phái bộ cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam MACV. Theo lý thuyết, một đại đội trực thăng mà số phi công sẵn sàng cất cánh đạt đến 90% là con số lý tưởng nhưng ngoại trừ khoảng thời gian đầu tiên của năm 1962 và 1963, còn từ 1964 trở đi, phi công thường xuyên thiếu do thương vong trong những lần "trực thăng vận". 

Thiếu tá Michael Dawson nói tiếp: "Vẫn theo lý thuyết, quy định số giờ bay cho phi công UH là khoảng 150 giờ/ tháng nhưng thực tế, họ thường phải bay trung bình 200 giờ".

Trận Ia Drang

Sau thất bại ở Ấp Bắc rồi đến đầu năm 1965, trực thăng UH-1A được thay bằng UH-1B, 1D còn trực thăng H21, H34 thì bị loại khỏi biên chế. Thời điểm này, phần lớn nông thôn miền Nam Việt Nam đều nằm trong vùng giải phóng. Ở Tây Nguyên, quân đội Việt Nam Cộng hòa chỉ còn kiểm soát được những thị xã và một số các thị trấn.

Lính Sư đoàn 1 Kỵ binh lúc được thả xuống bãi LZ-Xray.

Nhiều làng xã huyện lỵ ban ngày là của quân đội Sài Gòn nhưng ban đêm, Quân Giải phóng làm chủ. Đường giao thông liên tục bị cắt đứt, muốn di chuyển từ chỗ này đến chỗ kia lắm khi phải có lính đi trước dò mìn nên nhiều nơi chỉ biết trông đợi vào sự tiếp tế của máy bay.

Trung úy Kennmore, phi công trực thăng thuộc Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1 kể: "Những chuyến bay lên vùng ba biên giới Việt Nam, Campuchia, Lào rất kinh hoàng. Việt Cộng lúc này ngoài súng phòng không 12,7mm thì họ còn có tên lửa vác vai. Để tránh hỏa lực của họ, chúng tôi thường phải bay thật cao nhưng lúc xuống, trực thăng không thể xuống nhanh như những loại máy bay khác, và thế là dính đạn. Có lần hạ cánh ở  sân bay Pleiku, tôi đếm được 14 vết đạn trên thân máy bay, may mà không trúng những bộ phận hiểm yếu…".

Giữa tháng 9-1965, tin tình báo cho biết một lực lượng lớn cấp sư đoàn Quân Giải phóng đang hoạt động tại bắc Tây Nguyên. Nguồn tin này càng có cơ sở khi ngày 19-10, Quân Giải phóng tấn công cứ điểm Pleime do Trung đoàn 33, Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận Mỹ, trấn đóng.

Ngày 11-11, vẫn tin tình báo cho biết 3 trung đoàn Quân Giải phóng đang chuẩn bị mở đợt tấn công vào các đồn Lực lượng đặc biệt Mỹ nằm gần núi Chư Prong, tây bắc Pleime. Nhận thấy đây là cơ hội để triển khai chiến thuật trực thăng vận bằng những loại máy bay mới nhận được, vũ trang mạnh hơn, bay nhanh hơn, xa hơn và chở được nhiều quân hơn, ngày 13-11, Đại tá Thomas W. Brown, chỉ huy Tiểu đoàn 3 gặp trung tá Hal Moore,  chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 7, Sư đoàn 1 Kỵ binh. Trong cuộc gặp này, cả hai đều thống nhất sẽ tung ra một cuộc hành quân đánh chặn bằng trực thăng, dự kiến là ngày 14-11.

“Trực thăng vận” phá sản

Để có bãi đáp cho 16 trực thăng UH-1D cùng đổ quân một lần, dựa vào bản đồ không ảnh, Đại tá Brown chọn một một khoảng trống bằng phẳng, xung quanh chỉ có những bụi cây nhỏ, nằm ở phía đông núi Chư Prong, cách sông Ia Drang khoảng 2km về phía tây bắc. Đây là bãi đáp chính, mật danh LZ-Xray. Bên cạnh đó, còn có 4 bãi đáp phụ, lần lượt gọi là LZ Albany, LZ Columbus, LZ Tango, LZ Yankke và 2 bãi đáp dự phòng LZ Whiskey, LZ Victor. Tất cả những bãi đáp phụ này nằm cách bãi chính LZ-Xray không quá 4km.

Sợ bị bắn, nhiều phi công UH bắt lính phải nhảy xuống từ độ cao trên 2 mét.

Bãi LZ-Xray có kích thước gần bằng một sân bóng đá, mọc đầy cỏ lau và cỏ tranh. 10 giờ 48 phút ngày 14-11, đại đội đầu tiên của Tiểu đoàn 1, Lữ Đoàn 7 đặt chân xuống X-Ray sau 30 phút B 52 ném bom hủy diệt, pháo binh và trực thăng vũ trang bắn dọn đường xung quanh khu vực đổ quân. Và thay vì phải nằm ở bãi đáp để bảo vệ an toàn cho các đơn vị xuống sau thì Đại úy John Herren, chỉ huy Tiểu đoàn 1, theo lệnh của Trung tá Moore, lại xua quân đi trinh sát. Hệ quả là những nhóm xuống sau bị Quân Giải phóng tiêu diệt 79 người, bị thương 121 người.

Tại bãi đáp phụ LZ Albany, tình cảnh cũng bi thương không kém. Lưới lửa phòng không của Quân Giải phóng đã chờ sẵn. Thiếu úy Barry, phi công UH-1D đổ quân xuống bãi này kể lại: "Có vẻ như B 52, pháo binh và không quân chẳng làm gì được Việt Cộng. Họ bắn như vãi đạn về phía chúng tôi.

Một chiếc UH-1B bị trúng đạn ở đuôi. Nó quay như chong chóng gặp gió rồi cắm đầu xuống đất, nổ tung. Và thay vì phải đáp cách mặt đất từ 1 đến 1,5m để bộ binh nhảy xuống, có trực thăng bắt lính phải nhảy từ độ cao hơn 2m. Một số chiếc khác thả lính cách đó 1km. Ai cũng muốn sống để quay về".

Cuộc đổ quân xuống LZ Albany khiến 155 lính Mỹ thiệt mạng, 124 bị thương, 4 mất tích. Phóng viên Joe Galloway đi theo cuộc hành quân, viết trên tờ  "Sao và sọc - Stars and Stripes" - là tờ báo của Quân đội Mỹ: "Lúc 7 giờ 55 phút sáng ngày 15 tháng 11, trước những thiệt hại không lường được vì sự tấn công như vũ bão của Việt Cộng, trung tá Moore ra lệnh ném lựu đạn khói màu để xác định phạm vi đóng quân của tiểu đoàn rồi gọi máy bay hỗ trợ. Vài phút sau đó, hai chiếc phản lực F-100 Super Sabre tiếp cận bãi LZ-Xray và ném xuống mấy quả bom xăng (nalpalm).

Thấy bom rơi quá gần vị trí của mình, Trung úy Hastings, chỉ huy đại đội C  điên cuồng khi biết 1 lính Mỹ chết, 9 người khác bị thương vì bom xăng, đã liên lạc với hai chiếc máy bay, văng tục chửi thề, yêu cầu không ném bom nữa…".

Ở bãi LZ Columbus, con số thiệt hại ít hơn, chỉ 3 lính Mỹ chết và 13 người bị thương nhưng trong những cuộc giao tranh sau đó, lại có thêm 71 người chết và 282 bị thương.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận quyết định gửi quân cứu viện nhưng không một chiếc trực thăng nào dám hạ cánh xuống bãi LZ-Xray và những bãi phụ, mà chỉ thả quân ở cách đó 1km để lính đi bộ vào. Riêng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5 Kỵ binh, lợi dụng yếu tố bất ngờ, lúc 8 giờ sáng ngày 16, các phi công UH-1D thả họ xuống bãi đáp dự phòng Victor, cách bãi Xray 3,5km.

Đến 9 giờ, khi đang chuẩn bị hạ cánh cho đợt đổ quân tiếp theo, phi công nhìn thấy những chớp lửa lóe lên từ dưới đất nên họ phải lập tức bay lên. Trong số 15 trực thăng bay chuyến ấy, chỉ có 2 chiếc hoàn thành việc đổ quân. Những chiếc còn lại thả lính xuống cách xa bãi Victor 1,5km. Con số tổng kết của phía Mỹ sau trận Ia Drang kéo dài từ ngày 14 đến ngày 18-11-1965 cho thấy 324 lính Mỹ chết, hơn 500 bị thương, 6 mất tích, 59 trực thăng bị bắn rơi, bắn hỏng. Chiến thuật "trực thăng vận" xem như phá sản hoàn toàn.

Theo thống kê của "Hội Phi công trực thăng Mỹ ở Việt Nam - Vietnam Helicopter Pilots Association", từ năm 1961 đến cuối 1972, đã có 7.013 chiếc UH-1A, 1B, 1D tham chiến, chiếm 59,3% tổng số các loại trực thăng người Mỹ đưa đến miền Nam Việt Nam. 3.305 chiếc trong số đó - nghĩa là hơn một nửa, bị bắn rơi hoặc bị phá hủy vì những trận pháo kích, tập kích của Quân Giải phóng vào các sân bay. Một số ít hư hỏng vì những lý do kỹ thuật. 2.177 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng…

Cao Trí

Hai tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương là Thượng tá Bùi Thanh Trực, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Bình Dương và Thượng tá Phan Huy Văn, Trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Thông tin Andrea Aybar (người mẫu An Tây), tên tiếng Việt là Nguyễn Thị An, sinh năm 1995, vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam để điều tra về hai hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” đã gây rúng động làng giải trí những ngày vừa qua.

Ngày 20/11, sau gần 40 tiếng đồng hồ nỗ lực tìm kiếm xuyên đêm, không quản khó khăn, lực lượng cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Phú Thọ và các đơn vị chức năng đã tìm thấy thi thể của 5 nạn nhân trong vụ đuối nước thương tâm xảy ra vào ngày 18/11 tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhìn nhận mọi việc ở góc độ lãng phí thì "nhìn đâu cũng thấy", hiện hữu và yêu cầu xác định, nhận diện các nhóm nội dung về phòng, chống lãng phí để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả.

Sáng 20/11, tại Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân (ANND) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024). Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND chủ trì buổi lễ. Nhân dịp này, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Từ ngày 15/11 - 31/12/2024, THACO AUTO triển khai chương trình “Cùng Kia đón Tết tại Hàn Quốc”. Theo đó, khi mua xe Kia K5 hoặc Kia Sorento, khách hàng sẽ có cơ hội tham gia rút thăm trúng thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên đến 490 triệu đồng.

Khi tòa tuyên tử hình, bị cáo Mển hối hận và xin được khoan hồng vì còn nuôi 2 con nhỏ. Tuy nhiên với 2 lần vận chuyển hàng chục kg ma túy, sau khi xem xét HĐXX nhận định các tình tiết không đủ làm giảm nhẹ tội cho bị cáo Mển…

Ngày 20/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết chuyên án A724p chống tội phạm ma túy. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo hội nghị.

Ngày 19/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 2 bị can để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến hành vi vi phạm trong công tác quản lý đất đai tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文