Chuyện ít biết về những quan lang Mường

09:41 24/03/2021
Ông Đinh Công Nhung sinh năm 1840 tại làng Thao Cả xã Vĩnh Đồng, Mường Động, nay là Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Ông là dòng dõi quan lang nổi tiếng mường Động. Ông nội của ông Đinh Công Nhung là Đinh Công Trinh từng được nhà Lê phong Quận công Tuyên úy sứ.


Hai lần làm Tuần phủ kiêm Chánh quan lang tỉnh

Vào tuổi trưởng thành, khi đã có vợ con, ra ở riêng… không bằng lòng với cuộc sống an phận của một nhà lang nơi núi rừng, đồng ruộng, ông Đinh Công Nhung quyết tâm rời quê hương lên trấn tòng quân giết giặc lập công. Vào khoảng năm Ất Sửu (1865) giữa thời vua Tự Đức, ông Nhung được nhậm chức "Quyền đội sáu" và được lệnh đem quân đi đánh các đám cướp ở các vùng Tuyên, Hưng, Thái, Lạng…

Cổng tư dinh Quan tuần phủ Đinh Công Thịnh ở mường Cời, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn ngày nay

Dẹp yên các đám giặc cướp, ông Nhung được phong chức Đốc binh đạo Ba Thá và lại cầm quân đi đánh giặc "Cờ đen". Năm Ất Dậu (1885), ông được bổ làm quan Lãnh binh vùng Phương Lâm. Năm Bính Tuất (1886), tỉnh Mường được thành lập, tỉnh lỵ đứng chân tại Chợ Bờ nên gọi là tỉnh Bờ, ông Đinh Công Nhung lại được điều trở ra làm quan đạo Ba Thá. Vài năm sau, Đốc Ngữ cùng một số nhà lang đem dân binh lên đánh phá tỉnh lỵ tại Chợ Bờ, triều đình Huế tạm rời Chợ Bờ di tỉnh lỵ về Phương Lâm, ông Đinh Công Nhung được đặc cách làm Tuần phủ kiêm Chánh quan lang tỉnh Mường.

Năm 1900, tròn 60 tuổi, ông Đinh Công Nhung nghỉ hưu. Trong những năm nghỉ hưu tại quê hương, ông Nhung bỏ công của cùng với dân chúng mở mang đường làng, xây dựng đình Thao Cả, quán và chùa Rạnh rất quy mô. Tại cổng làng Thao Cả ông cho đặt tấm bia đá khắc chữ Nho "Hạ Mã" yêu cầu quan quân xuống ngựa trước khi vào làng.

Ông Nhung còn chỉ đạo đắp đập dẫn nước về tưới tiêu cánh đồng Thao Cả đảm bảo lương thực nuôi sống dân làng. Công trình hoàn thành, ông cho đặt bia đá với chữ Nho "Hướng thủy nhập điền". Ghi nhận công sức của ông Đinh Công Nhung, người dân Mường tự phong và gọi ông là Đại Chúa Thao (Đại chúa mường Thao Cả) mặc dù ông đã là Tuần Phủ kiêm Chánh quan lang tỉnh Mường.

Năm 1910, Tuần phủ Đinh Công Xuân mất khi đang tại vị. Rà khắp lượt quan quyền, thấy không ai có đủ uy tín, Triều đình nhà Nguyễn lại gọi ông Đinh Công Nhung ra tái giữ chức Tuần phủ kiêm Chánh quan lang, dù ông đã nghỉ hưu được 10 năm. Thế là ông Nhung lại rời quê hương Thao Cả về tỉnh lỵ đảm nhận trọng trách quan đầu tỉnh Mường lần thứ hai.

Tháng 11 năm Kỷ Mùi (1919), ông Đinh Công Nhung mất khi đang tại chức, linh cữu được đưa về mường Thao Cả làm ma, an táng tại đồi Kỳ, làng Thao Cả theo phong tục và vị thế của một Chánh quan lang. Quan tài ông được đóng bằng gỗ quý bọc kẽm bên ngoài. Một vài năm sau, con trai ông là Đinh Công Tá đang làm một chức quan nhỏ ở Trại Bến gỗ gần Ba Thá (nơi tư dinh thứ hai của ông Nhung) thường nay ốm mai đau, gia đình gặp nhiều trắc trở. Đinh Công Tá đi xem thì thầy bói nói nhà ông bị động ngôi mộ của bố.

Đinh Công Tá trở về quê nội báo cáo với gia tộc và xin được cất bốc, chuyển mộ ông Đinh Công Nhung (bình thường đối với người chết, người Mường chỉ đào sâu, chôn chặt chứ không bốc mộ như người Kinh). Khi mở nắp quan tài, thi thể ông Nhung còn nguyên và đóng thành một khối trắng toát. Như thế, theo dân gian truyền thì là ngôi mộ kết nên gia đình rất sợ, không dám bốc mà chỉ chuyển thi thể ông táng lại ngay cạnh huyệt mộ cũ.

Sau sự việc trên, bệnh tình của ông Đinh Công Tá càng nặng. Gia đình kỳ công tìm người Tàu xem lại và sau đó họ bí mật chuyển phần mộ ông Đinh Công Nhung đi chỗ khác. Từ đó, theo mật truyền, chỉ các đời con trai trưởng khi đứng đầu gia tộc mới được biết nơi táng cụ tổ (trưởng chi) của mình. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền mới được thành lập, tình hình đã thay đổi, con cháu mới được biết phần mộ của ông Đinh Công Nhung một cách công khai.

Chánh quan lang Đinh Công Thịnh và phu nhân

Sáng ngày mồng Mười tháng Giêng năm Tân Sửu, tôi được ông Đinh Công Hùng 78 tuổi, cháu 4 đời; ông Đinh Công Chính 65 tuổi, cháu 5 đời cụ Đinh Công Nhung cùng phát cây, dọn lối đưa lên đỉnh đồi Chẹ thắp hương phần mộ Đại Chúa Thao Đinh Công Nhung. Phần mộ ông Đinh Công Nhung cô đơn giữa rừng keo tai tượng rậm rì và lặng phắc. Trong làn khói hương trầm nhẹ tỏa, ông Đinh Công Hùng cho biết, năm 1998, ông cùng con cháu mới xây ngôi mộ cụ Nhung như hiện nay.

Rồi ông Hùng bộc bạch, thời xưa, sau khi cải táng lần 2, con cháu bí mật chôn cất cụ trong rừng. Tuy rất khiêm tốn, nhưng nay phần mộ cụ cũng đã được xây cất. Nhưng do quá xa, đi lại khó khăn (chưa có đường) nên hàng năm, nếu không có lý do đặc biệt thì chỉ dịp trước tết Nguyên Đán, con cháu mới tới đây hương khói mời cụ về ăn Tết mà thôi. Còn nhà thờ cụ và gia tiên hiện nay đặt tại khu đất gốc tại Thao Cả do ông trưởng chi họ quản lý. Hàng năm, vào ngày 11 tháng Giêng, con cháu họ Đinh Công chi thứ 4 tề tựu đông đủ làm lễ giỗ cụ tổ và gia tiên. "Cũng đã có lúc chúng tôi nghĩ đến việc quy tập cụ về nghĩa địa của làng nhưng về tâm linh lại chưa dám làm" - ông Đinh Công Hùng tâm sự.

Nguyện vọng không chỉ của hậu duệ dòng họ Đinh Công mà của đông đảo nhân dân làng Thao Cả mong muốn cơ quan chuyên môn, chính quyền cùng toàn dân chung tay phục dựng lại đình Thao Cả và chùa Rạnh làm nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh cho bà con trong vùng.

Chánh Quan lang mở trường Kỹ nghệ đầu tiên của tỉnh

Khi tỉnh Mường Hòa Bình thành lập (1886) ông Đinh Công Thịnh mới 11 tuổi. Tuy mồ côi cha nhưng ông được mẹ cho ra xã Cấn Thượng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây học chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Hoàn cảnh xã hội thời gian này rất phức tạp. Quân "Cờ đen" của tướng Lưu Vĩnh Phúc đánh nhau với quân Pháp tràn cả vào làng.

Chúng ra sức cướp bóc, hãm hiếp và đốt phá nhà dân. Lợi dụng rối ren ấy, một số côn đồ, trộm cắp được dịp quấy rối gây hỗn loạn khắp nơi. Người dân phải lên núi lẩn tránh. Bên ngoài đã vậy, trong họ lại có người chú đương chức Tri châu Lương Sơn với âm mưu thâm độc, định hãm hại các cháu, thôn tính vùng đất Lương Sơn để độc quyền "ăn lang".

Trong khi người anh cả của Đinh Công Thịnh là Đinh Công Giai đang bị bắt giam tại tỉnh Bờ (tỉnh lỵ Hòa Bình đóng tại Chợ Bờ) vì nghi liên quan đến việc mở khóa cho quân của Đốc Ngữ tấn công tỉnh Bờ. Bà góa Hoàng Thị Út rất lo sợ phải bí mật đưa hai con Đinh Công Thịnh và Đinh Công Chung vào xóm Bờ Đá xã Hạ Bì và mường Chích - Lạc Sơn lánh nạn.

Năm Canh Dần (1890), người chú làm Tri châu cũng đã già và nghỉ hưu nên anh em ông Đinh Công Thịnh mới được đón về mường Cời - Lương Sơn, nhưng vẫn phải lén lút trong rừng chứ chưa dám về hẳn nhà. Năm 1894, ông Đinh Công Giai là anh cả sau khi thoát khỏi nhà giam tỉnh Bờ (nghi can trong vụ nổi loạn phá nhà giam giải cứu tù nhân tại nhà giam), trong một lần cùng Đinh Công Thịnh đến chơi vùng Kỳ Sơn và được lang Đinh Công Uy (tức Oai) đón tiếp. Sau khi xem hát chèo ở đình, Đinh Công Uy mời hai anh em Đinh Công Giai và Đinh Công Thịnh hút thuốc phiện.

Ông Đinh Công Giai là anh nên được ông Thịnh tiêm mời hút trước. Xong liền 3 điếu, ông Giai ngồi dậy để đến lượt ông Thịnh và cuối cùng mới là ông Đinh Công Uy. Khi ông Uy nằm xuống hút thì có bỏ chiếc khăn đỏ choàng đầu xuống chiếu, bên cạnh đứa con trai nhỏ. Thấy thế, ông Giai bế đứa trẻ vào lòng và nhặt chiếc khăn của ông Uy choàng lên đầu mình. Bỗng tiếng súng nổ vang làm khu hát chèo náo loạn.

Ông Đinh Công Giai cùng đứa trai nhỏ của ông Đinh Công Uy thiệt mạng. Sau đó nhà chức trách điều tra, thủ phạm là những kẻ đang mâu thuẫn sâu sắc với lang Đinh Công Uy. Dưới ánh sáng lờ mờ trong đình, họ nhầm tưởng ông Đinh Công Giai là Đinh Công Uy (vì ông Giai quàng chiếc khăn đỏ của Đinh Công Uy) nên nhằm bắn. Hậu quả không chỉ Đinh Công Giai mà cả con trai nhỏ của Đinh Công Uy cũng bị chết oan.

Phong tục nhà lang Mường, khi người con trai cả mất mà không có người kế thì người em trai liền kề được kế tập. Do đó khi ông Đinh Công Giai mất, ông Đinh Công Thịnh là con trai thứ hai được thừa hưởng kế nghiệp làm lang mường Cời. Năm 1898, Đinh Công Thịnh được bổ làm Chánh tổng Tổng Cư Yên, năm 1899 làm Phó Tri châu và năm 1901 làm Chánh Tri châu Lương Sơn. Ngày 28-3-1910, ông Đinh Công Thịnh được bổ nhiệm làm Án sát tỉnh Hòa Bình.

Năm 1914, khi đang làm quan Án sát tỉnh Hòa Bình, trong một lần đi công tác bằng xe độc mã, đến đoạn xóm Chăm, cách Phương Lâm khoảng 5km thì ông Thịnh gặp nạn. Sự thể là xe ngựa đang chạy trên đường cái, đến chỗ cua thì gặp đoàn người từ trong núi ra đi chợ Phương Lâm, gặp xe của quan nên họ vội vàng bỏ nón ra để cúi đầu chào. Do đột ngột thấy hàng loạt nón trắng hạ xuống nên con ngựa giật mình nhảy lõng lên, xe đổ nghiêng, thành xe đập mạnh làm quan Án sát gãy xương ống chân. Công sứ Pháp cho đưa ông Thịnh về Bệnh viện Phủ Doãn (lúc đó gọi là Nhà thương bảo hộ - Hopital du Proteetorat) chữa chạy trên 6 tháng mới khỏi. Trong thời gian ông Thịnh nằm viện, gia đình phải thuê nhà ở phố Quán Sứ ở trông nom ông.

Đầu năm 1919, ông Đinh Công Thịnh được phái lên Lai Châu xem xét việc Tạo Na, Tạo Ấm chống lại Chính phủ Bảo hộ. Lúc này chưa có đường bộ nên phải đi đường sông Đà lắm thác, nhiều ghềnh bằng thuyền độc mộc. Vì thế phải mất 19 ngày ông Thịnh mới lên đến tỉnh lỵ Lai Châu. Ông Thịnh cùng các cộng sự phải làm việc với bao khó khăn, cám dỗ. Nhà chức trách Lai Châu là đối tượng bị xem xét đã dùng nhiều hình thức như tiền bạc, gái đẹp hòng mua chuộc nhưng ông Thịnh đều từ chối.

Mặt khác, ông Thịnh còn ra lệnh cho lính gác không được cho họ lui tới nơi làm việc. Sau 19 ngày miệt mài, công việc xong, ông Thịnh cùng tùy tùng bí mật xuôi sông và chỉ 8 ngày đã về tới tỉnh lỵ Hòa Bình. Sau chuyến giải quyết sự việc ở Lai Châu về, ngày 18-2-1919, ông Định Công Thịnh được bổ nhiệm Tuần phủ kiêm Chánh Quan lang tỉnh Hòa Bình.

Năm 1925, ông Đinh Công Thịnh đã xin kinh phí mở Trường Kỹ nghệ tại tỉnh Hòa Bình và mời giáo viên Trường Kỹ nghệ Hà Nội lên dạy ba môn: mộc, nề, rèn. Trường đóng ở tỉnh lỵ có ký túc xá đủ cho 60 học sinh là thanh niên dân tộc theo học. Những học sinh này được tuyển chọn kỹ lưỡng theo từng châu, mỗi châu 12 người, 5 châu là 60 người cho một khóa học. Học sinh theo học được cấp học bổng, chăn, màn, bát, đũa và một số vật dụng khác. Hết khóa học, những học sinh thành thạo sẽ được tuyển vào làm việc ở Sở Lục lộ. Cùng với Trường Kỹ nghệ, ông Thịnh còn thành lập Đội Kèn đồng gồm trên 30 thanh niên có năng khiếu ở trong xã Kệ Sơn (gồm 7 xã thuộc Kim Bôi và Lương Sơn ngày nay) lên học tại Dinh Tuần phủ và đón ông Cửu kèn ở tỉnh lỵ Hà Đông lên dạy.

Ông Đinh Công Thịnh mất ngày 3-2-1928 khi đang tại chức quan Tuần phủ và Chánh quan lang tỉnh Hòa Bình, lúc 53 tuổi. Sinh thời, ông Đinh Công Thịnh có 4 bà vợ và 5 người con. Về tư gia, ông Thịnh đã xây dựng một dinh cơ rất lớn trên một quả núi thấp sau làng Cời với bốn nhà gạch một tầng, bốn nhà sàn rộng, trong đó có một nhà liệt bản lát ván xung quanh và sàn gỗ. Do những năm kháng chiến chống Pháp, dinh cơ này cơ bản bị tàn phá, đến 1954 chỉ còn lại đống gạch vụn. Nay con cháu ông còn giữ được cổng vào khu dinh thự và một cây hương thờ tương đối nguyên vẹn trong rêu phong.

Lê Va

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Do lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình quan tâm chăm sóc nhưng đồng chí Đặng Thị Cẩm Thúy đã từ trần hồi 15h 20 ngày 01/5/2024 (nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an.

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文