Cuộc đảo chính quân sự bất thành thời hậu Xôviết

19:45 26/08/2012

Thập niên 90 thế kỷ trước, ngoài cuộc chính biến vào tháng 8-1991 do Ủy ban Quốc gia về tình trạng khẩn cấp (GKPCh) đứng đầu bởi Phó tổng thống Liên Xô Gennady Yanayev, còn có một cuộc đảo chính quân sự khác nhưng ít người biết đến do Trung tướng Lev Rokhlin khởi xướng 7 năm sau đó, nhằm phản đối đường lối đối nội của Tổng thống Nga Boris Yeltsin cũng như bảo tồn thanh danh của Hồng quân thời hậu Xôviết.

Anh hùng từ chối huy chương

Tướng L. Rokhlin là một trong những "người hùng" của quân đội Liên Xô trong cuộc chiến Afghanistan, rồi được cử làm Tư lệnh Quân đoàn 8 trú đóng tại thành phố Volgograd. Trong cuộc chiến Chesnia lần thứ nhất (1994-1996) đơn vị của ông là cánh quân chủ lực tiến chiếm thủ đô Grozny của Cộng hòa Chesnia trong thành phần Liên bang Nga, giành lại quyền kiểm soát khu vực bất ổn này cho chính quyền trung ương ở Moskva.

Nhưng chỉ 3 tuần lễ sau chiến thắng quân ly khai tại Grozny, Trung tướng L. Rokhlin quyết định rời quân ngũ bởi "kinh tởm cảnh đầu rơi máu chảy giữa các dân tộc anh em", như nguyên văn lời ông; đồng thời vị sĩ quan cao cấp nổi tiếng cũng từ chối nhận danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga, cũng như huy chương công trạng về các chiến tích ở mặt trận Chesnia. Sau đó, L. Rokhlin trúng cử vào Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) trong vai ứng viên của đảng Ngôi nhà của chúng ta - nước Nga (NDR) do Thủ tướng Viktor Chernomyrdin đứng đầu, rồi được bầu làm Chủ tịch Tiểu ban Quốc phòng thuộc Hạ viện.

Nhưng NDR là một chính đảng hậu thuẫn tích cực cho đương kim Tổng thống B. Yeltsin, nên dân biểu L. Rokhlin đã rời NDR để lập ra Phong trào hậu thuẫn quân đội, công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu khoa học quân sự (DPA), quy tụ giới quân nhân kỳ cựu trong thành phần Ban lãnh đạo như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Igor Rodionov, cựu Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh quân nhảy dù Xôviết - Thượng tướng Vladislav Achalov, cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) Vladimir Kryuchkov… DPA lập tức trở thành ngọn cờ đầu của lực lượng đối lập chống lại chính thể Kremlin, khiến Tổng thống B. Yeltsin vô cùng tức tối và công khai đe dọa, rằng "những kẻ như L. Rokhlin và đồng bọn cần phải được quét sạch khỏi mặt đất".

Trên cơ sở phản bác quan điểm của Chính phủ Nga trong việc đàn áp thẳng tay những phần tử dân tộc thiểu số đòi ly khai, đi ngược lại chiến lược đoàn kết toàn dân được củng cố trong hơn 7 thập niên tồn tại chế độ Xôviết, tướng L. Rokhlin cùng những người đồng chí hướng đã manh nha một cuộc đảo chính quân sự, lật đổ Yeltsin để lập ra một chính quyền mới với tôn chỉ ứng xử phi bạo lực trong lĩnh vực đối nội, vực dậy uy tín của những người lính Nga vốn được nhân dân tin cậy.

Rồi tới thời điểm trước thềm năm mới 1998, trong một chuyến công du vòng quanh Liên bang bằng trực thăng cùng Ban lãnh đạo DPA, tướng L. Rokhlin đã gặp gỡ thống đốc các địa phương, tư lệnh các đơn vị quân sự kể cả ở những vùng xa xôi nhất để bàn thảo kế hoạch đảo chính. Đặc biệt là với Quân đoàn 8 ở Volgograd, nơi L. Rokhlin tuy không còn chỉ huy nhưng vẫn thường xuyên liên lạc trong vai trò nghị sĩ Quốc hội, giúp đơn vị này tăng cường vũ khí, khí tài cùng trang thiết bị để duy trì vị thế là một trong những quân đoàn thiện chiến nhất. Thoạt tiên giới tướng lĩnh chỉ đề cập tới sự bất mãn lan tràn trong dân chúng với chính sách đối nội của B. Yeltsin, nhưng trước đà lạm phát phi mã khiến giới quân nhân cũng bị ảnh hưởng nặng nề buộc phải tìm ra lối thoát…

Theo Đại tá Nikolai Balatov, cựu Chủ tịch DPA kiêm Phó tư lệnh Quân đoàn 8, hiện là Giám đốc về các vấn đề xã hội thuộc một Liên hiệp Hóa dầu ở Volgograd, người từng chứng kiến mọi hoạt động của tướng L. Rokhlin trong năm 1998, thì thành phần Ban lãnh đạo cuộc đảo chính ngoài Trung tướng L. Rokhlin ra còn có Thượng tướng V. Achalov và Thiếu tướng Piotr Khomiakov, cố vấn Tiểu ban Quốc phòng Hạ viện. P. Khomiakov lúc ấy chịu trách nhiệm xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế - xã hội cho quân đội, đồng thời là nhà bình luận chính trị cho Hãng tin RIA Novosti, cũng là một trong những người sáng lập Tổ chức Anh em phương Bắc theo đường lối dân tộc chủ nghĩa vào năm 2006.

Tướng Rokhlin biểu dương các binh sĩ có thành tích xuất sắc trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Sự hậu thuẫn từ Thị trưởng Moskva

Kế hoạch cụ thể đến ngày 20/8/1998 phải bắt được B. Yeltsin và Ban lãnh đạo điện Kremlin, buộc bàn giao chính quyền cho phe quân nhân cấp tiến. Trước tiên binh sĩ thuộc Quân đoàn 8 sẽ chiếm các tụ điểm trung tâm ở Volgograd như Quảng trường Chiến sĩ Vô danh, Quảng trường Phục hưng, trấn giữ Đài phát thanh và truyền hình… Rồi thông báo kết quả cho các đơn vị phối hợp khác như căn cứ thủy quân lục chiến Sevastopol ở Biển Đen, sư đoàn lính nhảy dù đồn trú tại Vladivostok ven bờ Thái Bình Dương, Học viện Quân sự cao cấp ở Ryazan trong vùng trung tâm nước Nga, các sư đoàn xe tăng trong thành phần tổng dự bị chiến lược trú đóng tại Tamansk và Kantemirovsk… Sau đó là chiến dịch "phong tỏa hậu cần" đối với thủ đô Moskva.

Theo N. Balatov thì đích thân Thị trưởng Moskva Yury Luzhkov cũng hậu thuẫn phe đảo chính, đứng ra tham mưu cần chặn những lộ trình cung cấp nào khiến thủ đô Nga dễ bề tê liệt. Dọc các tuyến hậu cần trọng yếu này sẽ hiện diện sự thị uy của binh sĩ song hành với các cuộc lãn công bãi thị của dân chúng địa phương. Một khi Moskva lâm vào cảnh cạn kiệt hàng hóa ắt sẽ rơi vào rối ren hoảng loạn khiến trật tự công cộng bị đảo lộn.

Đúng vào thời điểm này khoảng từ 15.000-20.000 tay súng của Quân đoàn 8 sẽ tiếp cận thủ đô, chiếm giữ cầu cống, nhà ga, trung tâm bưu điện và một loạt các cơ quan đầu não khác. Vẫn theo cựu Đại tá N. Balatov thì Trung đoàn phòng thủ điện Kremlin rất dễ bị mua chuộc trước danh tiếng của các tướng lĩnh cựu trào trong phe đảo chính, nên việc thu phục họ mở đường cho việc thâm nhập vào nơi làm việc của B. Yeltsin chẳng khó khăn gì.

Tới đây bật ra câu hỏi: Tướng Lev Rokhlin cùng các cộng sự lấy đâu ra kinh phí để tiến hành cuộc đảo chính quân sự quy mô này? Xin thưa đó là các doanh nghiệp quốc phòng đầy tiềm năng, những pháp nhân kinh tế luôn được cả Rokhlin lẫn Khomiakov nhân danh cơ quan lập pháp tối cao ưu ái ủng hộ. Chính lượng thành viên đông đảo thuộc các xí nghiệp quân đội đã giương cao lá cờ biểu tượng của DPA trong cuộc tuần hành thường niên, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1998 trên khắp đất nước. Thế còn sự hậu thuẫn từ bên ngoài thì sao?

Theo N. Balatov thì P. Khomiakov đã thổ lộ trong chốn riêng tư, rằng "các nước phương Tây thuộc khối NATO hiển nhiên không biết gì về kế hoạch đảo chính, chỉ riêng Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko từng bày tỏ thái độ ủng hộ những ai có thể lật đổ B. Yeltsin cùng đường lối cứng rắn của ông ta".

Sơ đồ kế hoạch đảo chính.

Nhóm sát thủ cũng bị diệt khẩu

Đêm 19/6, tướng Rokhlin lại bay tới Sở chỉ huy Quân đoàn 8 xúc tiến kế hoạch đã định, đến khuya các lực lượng chuẩn bị tiến vào trung tâm thành phố Volgograd đã triển khai đội hình bên ngoài doanh trại… Bất ngờ vào lúc 4h sáng ngày 20/6, toàn bộ khu vực xung quanh Bộ tư lệnh Quân đoàn 8 bị phong tỏa bởi Lữ đoàn Đặc nhiệm thuộc Bộ Nội vụ Nga, đơn vị đang đồn trú tại thị trấn Kalach trên sông Đông cách Volgograd 72km về phía tây đã âm thầm cơ động trong đêm theo lệnh từ điện Kremlin.

Thì ra mọi cuộc điện đàm của L. Rokhlin cũng như các thủ lĩnh khác trong phe đối lập đều bị Cơ quan Tình báo đối nội Nga (FSB), bí mật nghe trộm, nên các dự định của họ đều được Moskva biết trước. Tướng Rokhlin quyết định lùi thời gian đảo chính thêm một tháng nữa, nghĩa là vào ngày 20/7 cùng năm. Rủi thay, rạng sáng ngày 3/7 L. Rokhlin đã bị ám hại lúc đang ngủ tại nhà riêng ở làng Klokovo thuộc ngoại ô Moskva, chỉ vài giờ đồng hồ trước khi ông hẹn gặp Thị trưởng Y. Luzhkov nhằm bàn thảo lại kế hoạch "cấm vận kinh tế" thủ đô Nga. Vợ ông, bà Tamara Rokhlina, bị bắt giữ sau đó vì bị tình nghi là thủ phạm, đã bắn chồng bằng khẩu súng lục mạ bạc ông được tưởng thưởng qua các chiến tích quân sự; trong khi bà Tamara quả quyết những kẻ bịt mặt đã đột nhập vào hạ sát ông.

Tháng 11/2000, một tòa án ở Moskva đã kết án bà T. Rokhlina tội giết chồng do mâu thuẫn gia đình, cùng mức án 4 năm tù nhưng được tha bổng dựa theo quy định quả phụ của giới tướng lĩnh được miễn trách nhiệm hình sự liên đới.

Cho tới thời điểm này, những người vốn ủng hộ tướng L. Rokhlin không tin vợ ông là thủ phạm, còn cựu Đại tá N. Balatov khẳng định hung thủ là một nhóm 3 nhân viên mật vụ thuộc FSB. "Bản thân nhóm sát thủ cũng bị hành quyết và đốt xác phi tang ngay sau đó - N. Balatov cho biết - Bằng chứng là 3 xác người cháy sém được tìm thấy tại một cánh rừng cách nhà tướng Rokhlin 800m". N. Balatov biết được thông tin này qua lời kể của Alexander Litvinenko, cựu điệp viên FSB bị đầu độc ở Anh vào cuối năm 2006.

Theo A. Litvinenko thì đội vệ binh canh gác nhà Trung tướng L. Rokhlin đã bị vô hiệu hóa, nhóm sát thủ liền đột nhập từ tầng thượng xuống phòng ngủ của vợ chồng Rokhlin. Kết cục của vụ đảo chính quân sự bất thành ngoài cái chết của người đứng đầu là tướng Lev Rokhlin, những người còn lại không ai bị đưa ra tòa án binh hay kỷ luật nặng nề vì cuộc chính biến chưa diễn ra. Quân đoàn 8 uy danh một thời bị Tổng tư lệnh tối cao B. Yeltsin giải tán, các sĩ quan can dự vào âm mưu lật đổ chính quyền tức thời bị loại ngũ, những quân nhân còn lại được thuyên chuyển sang các đơn vị khác

Trần Hồng (theo Tuyệt mật)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文