Đại tá Phan Thanh - Một huyền thoại SBC

10:00 08/07/2020
Đại tá Phan Thanh, bí danh Ba Tung, cựu Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã qua đời lúc 9 giờ sáng ngày 29/6/2020, hưởng thọ 76 tuổi. Tên ông từng là một huyền thoại của chiến công và lòng quả cảm.

Đại tá Phan Thanh sinh năm 1945, quê gốc ở Bố Trạch, Quảng Bình. Từ năm 1969, khi còn rất trẻ, ông đã là một chiến sĩ biệt động Sài Gòn lừng danh, đến và đi như cơn lốc vô hình bằng xe Honda 67 trên đường phố, đánh nhiều trận xuất quỷ nhập thần.

Nhân vật chiến sĩ biệt động Sáu Tâm trong phim Biệt động Sài Gòn tuy được dựng từ nguyên mẫu chiến sĩ Bảy Bê - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thanh Xuân, nguyên Đội trưởng Đội 5, F100 nhưng cũng có một phần được khắc họa thêm những chi tiết về chiến công và tính cách của anh biệt động trẻ Phan Thanh.

Trận mở màn tháng 9/1969, ông đã cho nổ tung trụ sở một tờ báo chống Cộng nằm cạnh Hồ Con Rùa, giữa trung tâm Đô Thành khi tờ này có bài viết xúc phạm vong linh Hồ Chủ tịch vừa tạ thế. Những năm sau đó, kẻ địch khiếp sợ khi nhắc đến bí danh Ba Tung - Tư Hoành của ông và người sau này là bạn đời. Dù chỉ là những nam thanh nữ tú đang trong độ tuổi đôi mươi nhưng họ đã cùng nhau thổi tung cư xá Chi Lăng, diệt hàng chục tên sĩ quan địch. Chỉ cách lựa chọn bí danh thôi cũng đã nói lên tính cách quyết liệt, chí khí tuổi thanh xuân của họ.

SBC xung trận (ảnh bìa kỷ yếu Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh năm 1995).

Sau giải phóng, ông công tác trong ngành Công an. Cuộc sống khó khăn, cướp giật trỗi lên lộng hành trên đường phố Sài Gòn ngày một dữ dội. Những thây ma tội phạm từ trước 1975 được tha tù hoặc nằm im thở khẽ đã tụ họp nhau lại, lộng hành.

Chúng không ngần ngại sử dụng vũ khí nóng, xe 67 xoáy nòng gây hàng loạt vụ cướp giật, bắt cóc tống tiền. Nạn nhân chống lại, chúng xả súng vô tội vạ, gây nên nỗi khiếp đảm cho người dân thành phố. Để trấn áp những tên kẻ cướp manh động, vào giữa năm 1977, Trưởng Công an quận 5, TP Hồ Chí Minh Trịnh Vinh đã cho lập một tổ tinh nhuệ, tuần tra liên tục 24/24 trên đường phố, khu vực quận 5, một địa bàn lắm tội phạm lộng hành.

Hoạt động của tổ đặc nhiệm này đã tỏ ra rất hiệu quả, ông 5T, tức Trung tá Trịnh Thanh Thiệp, Trưởng phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh (sau này ông là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) đã quyết định lập đội SBC (săn bắt cướp) hoạt động trên địa bàn toàn thành phố.

Trinh sát thuộc đội SBC rút về Phòng CSHS  là những cá nhân xuất sắc được chọn từ các quận, huyện. Họ đều rất trẻ, không quá 30 tuổi, đều có khả năng chạy xe máy thượng thừa, bắn súng hai tay và võ nghệ cùng mình.

Về SBC, họ được huấn luyện ráo riết. Không qua trường lớp, chỉ là anh em tự rèn, tự luyện cho nhau. Khi "lâm trận", những người lính mặc thường phục cứ hai người một xe 67 xoáy nòng, đôn dên được phép chạy với tốc độ cao nhất có thể. Khi đuổi bắt, đối đầu với tội phạm, họ được quyền đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều.

Sau khi bắn cảnh cáo, nếu đối tượng không  dừng việc gây án hoặc chống lại, trinh sát SBC được quyền nổ súng bắn thẳng. Nếu chúng dùng vũ khí chống trả quyết liệt, họ được quyền nổ súng tiêu diệt, hạn chế bớt thương vong do đạn lạc, mảnh lựu đạn của bọn cướp với người vô tội. Vợ con, gia đình hầu như không được biết gì về nhiệm vụ công tác của họ. Mỗi chiến sĩ SBC được cấp một thẻ chứng nhận riêng, chỉ rút ra khi thật cần thiết để chứng minh thân phận và quyền hạn.

Tất cả đội quân SBC huyền thoại ấy được đặt dưới quyền huấn luyện, chỉ huy của  Đại úy Phan Thanh, người lính Biệt động Sài Gòn của năm nào. Là Đội trưởng đầu tiên của Đội SBC TP Hồ Chí Minh, ông cũng thường xuyên trực tiếp xuống phố, đụng trận, xông vào những mục tiêu khó nhất. Ông từng chỉ huy hạ gục, bắt giữ hàng trăm tên cướp khét tiếng trên đường phố Sài Gòn, trong đó có những Võ Tùng Hội, Điền Khắc Kim, Tín Mã Nàm, Phạm Bá Y, Nguyễn Đức Đoan, Tiêu "mù"...

SBC bắt một đối tượng trong vụ sát hại Nghệ sĩ Thanh Nga.

Bọn chúng đều là những hung thần đường phố, nhiều kẻ đã và sẽ trở thành biểu tượng của cái ác, cái xấu trong văn chương sách vở. Võ Tùng Hội trước giải phóng nổi danh là "trùm cướp ngân hàng", vụ nào cũng mang dăm tên đàn em thủ theo tiểu liên, súng ngắn và sẵn sàng xả đạn. Tướng cướp solo (đơn độc) Điền Khắc Kim từng là hung thần của bạn tù quân lao Gia Định, từng bị chính quyền Sài Gòn  đày ra Côn Đảo.

Đúng ngày giải phóng Côn Đảo 30/4/1975, hắn đã cướp súng, vượt ngục, bắn chết một cán bộ tiếp quản, cướp của nhà dân trên đảo trốn về Sài Gòn tiếp tục trốn tránh và lập băng gây án. Tín Mã Nàm (Con Ngựa Điên) tên thật là Trần Hà Tư, người gốc Quảng Đông (Trung Quốc) được coi là "Vua hắc đạo" của tội phạm người Hoa khu vực Quận 5. Hắn còn được gọi là "Thầu Dậu" (Đầu gà), là thủ lĩnh giữ vị trí Hồng Côn (cây gậy lớn) nắm trọn quyền coi sóc an ninh trong tổ chức tội phạm Tam Hoàng toàn khu vực người Hoa vùng Chợ Lớn.

Hắn là nguyên mẫu nhân vật chính trong vở cải lương "Tướng cướp Mã Ngưu" và cũng là nhân vật chính, tên tướng cướp võ nghệ siêu quần trong trong tiểu thuyết "Đằng sau một số phận” của nhà văn Nguyễn Duy Linh sau này.

Đại bản doanh Tín Mã Nàm đặt tại khách sạn Hào Huê, đối diện hý trường Đại Thế giới ở Q. 5. Còn bình thường, "Con ngựa điên" rúc trong nhà vợ bé ở hẻm Dzách Bạc Hồ Hãn (hẻm 100), khu vực Chợ Thiếc, Q.11; tỉnh những cơn say lại hoành hành bá đạo. Phạm Bá Y, tức Y cà - lết tuy thọt một chân nhưng cũng nổi danh là "vua hàng trắng" (heroin) của đất Sài Gòn một thời.

Đầu tháng 1/1975, tranh chấp quyền bán ma túy khu Xóm Đạo - hẻm Cháo Lòng (sau Bệnh viện Từ Dũ, Q.1), Y cà-lết đã tổ chức cho hai tên đàn em ruột là Ba Tiến (Phạm Bá Tiến, em ruột) và Xã Xệ phục kích bắn chết trùm cocain Sơn Đảo (Vũ Đình Khánh) trước vũ trường Crystal, Q.1, gây rúng động Sài Gòn...

Tất cả những tên cướp lẫy lừng  ấy cuối cùng đều thúc thủ dưới tay Ba Tung và đồng đội SBC. Trong vụ bắt Võ Tùng Hội, ông và đồng đội đã phát  hiện được tên tướng cướp và 5 tên đàn em vũ khí đầy đủ từ ngay trong nội ô. Sợ tên bay đạn lạc gây thương vong cho người dân, ông quyết định không tiếp cận ngay mà cố ý đánh động cho chúng bỏ chạy. Cuộc truy đuổi ngoạn mục đã diễn ra giữa hàng chục xe Honda 67 xoáy nòng của cả đôi bên, ra tận Lái Thiêu (Sông Bé, gần TX Thủ Dầu Một).

Các chiến sĩ SBC đã lùa đám cướp vào một ngôi nhà hoang xa khu vực dân cư, sau đó mới nổ súng. Cùng đường, bọn cướp chống trả quyết liệt nhưng đều lần lượt bị ăn đạn, bị thương. Ba Tung là người trực tiếp đánh văng súng, đè Võ Tùng Hội xuống đất và khóa tay ngay khi tên tướng cướp vừa thay băng đạn AK mới.

Ông cũng là một chỉ huy trinh sát tài ba và quả cảm, góp nhiều công lao trong việc khám phá ra các vụ trọng án: vụ ám sát nghệ sĩ Thanh Nga, vụ bắt cóc con trai bác sĩ Lã Hỷ, vụ bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương, vụ giải cứu 11 em bé bị bọn cướp bắt cóc đem lên giam giữ tại Lâm Đồng...

Tên ông, những chiến công lẫy lừng của ông đã được nhắc đến nhiều trong ba cuốn tiểu thuyết "Hồ sơ chưa kết thúc", "SBC xung trận" và "Sống để đời yêu" của Nhà văn, Đại tá Phùng Thiên Tân từ thập niên 1980 và trong hàng trăm bài báo cho đến tận bây giờ. Ông như người anh cả của hàng loạt tên tuổi làng SBC, cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh như Võ Tấn Thành (Hai Thành), Lý Đại Bàng, Dương Minh Ngọc, Lê Thanh Liêm (Hai Lửa), Mai Văn Tấn, Trần Văn Năm (Năm Lửa)...

Cuối năm 1989, đang là Trưởng phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh, đời ông đột nhiên "mất hết, tan nát hết" sau một "vụ án Đường Sơn Quán" mà tính chất, vào thời điểm đó là rất bàng hoàng, nhưng với sau này thì chỉ coi như sinh hoạt thường ngày, cùng lắm cũng chỉ hơi bất thường một chút.

Chỉ "bản án" bia miệng mới thật kinh khủng, nặng nề. Sau phiên tòa, gia đình  người lính biệt động thành tan nát, con gái thứ hai của ông quyên sinh...

Bản lĩnh đánh án thượng thừa, ngành Công an vẫn cần ông, vẫn giữ ông ở lại. Không giữ chức vụ, ông trở thành một chuyên viên của C14 (Cục CSHS). Quên những đớn đau chua chát, ông lặng lẽ tiếp tục giúp Công an nhiều tỉnh, thành phía Nam phá nhiều vụ án lớn, phá rã nhiều băng nhóm giang hồ - tội phạm chuyên nghiệp. Vụ cuối cùng, ông tham gia với vai trò tham mưu chỉ đạo phá băng cướp, trộm đường sông liên tỉnh từ Long An đến Cà Mau, năm 2002.

Đại tá Phan Thanh (bên phải) và một nhà báo.

Về hưu, có một dạo, ông mua lại miếng đất đồi hoang cỗi cằn từng là phim trường của Đại tá nhà văn Nguyễn Thiếu Hoàng (nguyên Phó GĐ Công an Ninh Thuận, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử Bộ Công an) ở Thuận Nam, Ninh Thuận để nuôi cừu. Ông muốn sống mai danh ẩn tích.

Nhưng không ẩn được. Đã thành cố tật, ông lại uống. Người say thì cừu chết. Ông bỏ, sang Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi lại đổi lên vùng Madagoui heo hút giáp giữa Đồng Nai với Lâm Đồng, tìm những thẻo đất khuất nẻo làm rẫy sinh sống, dành thời gian túy lúy tìm quên. Ai thân, có hỏi thăm chuyện cũ, ông đều khoát tay: "Thôi, hãy quên, hãy tha thứ chuyện của người khác. Nhưng đừng quên, đừng tha thứ bất cứ chuyện gì của chính mình!".

Giờ thì ông đã quên tất cả. Tôi biết, vài người ở lại cũng có chuyện rất muốn quên. Có những điều rất giản đơn, nhưng quên được chắc không dễ dàng gì nếu không nói là không thể!

Mong anh Ba Tung yên nghỉ!

Nguyễn Hồng Lam

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文