Đàn trâu Mura của anh hùng lao động Hồ Giáo

08:00 17/03/2008
79 tuổi, cái tuổi mà đáng lý người ta được nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn nhưng đối với ông Hồ Giáo, người 2 lần được Nhà nước phong Anh hùng Lao động thì ngược lại. Cả ngày ông vẫn lặng lẽ trên trại chăn nuôi cách nhà gần chục cây số để chăm sóc đàn trâu Mura. Đàn trâu ấy là do Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao cho ông nuôi. Ông đã chăm sóc chúng trên 32 năm trời.

"Trại trâu sữa của Bác Đồng” là cách gọi thân thương mà người dân thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) gọi Trại chăn nuôi trâu sữa mà anh hùng Hồ Giáo đang quản lý. Cách tỉnh lộ 627 khoảng vài trăm mét về phía đông, “Trại trâu sữa của Bác Đồng” ẩn mình trong bạt ngàn cỏ voi. Phải mất 20 phút lòng vòng quanh Trại, chúng tôi mới tìm thấy ông - người 2 lần được Nhà nước phong Anh hùng Lao động - đang lom khom như một dấu chấm nhỏ trong rừng cỏ ấy.

Ông say mê với công việc như không biết khách đã đến gần. Những thân cỏ lớn như cây sậy được ông khéo léo bó lại vẫn còn ứa nhựa. Mùi cỏ non ngai ngái, nồng nồng. Ông bảo: tranh thủ cắt lứa cỏ này cho con trâu sắp sinh, hơn nữa, trời cũng sắp mưa, sợ cắt không đủ cỏ cho mấy con nghé.

Đơn giản như chính con người mình, ông Giáo bảo chúng tôi cùng ngồi xuống nền chuồng trâu cũ ngay cạnh những con trâu Mura đang nhai cỏ. Những nếp nhăn trên trán như thêm sâu. Mắt ông nhòe lệ khi chúng tôi hỏi chuyện về Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ông Hồ Giáo sinh ra ở thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Bố mẹ ông có cả thảy 6 người con, nhưng nhà nghèo nên năm 12 tuổi, ông đã phải đi ở đợ cho các địa chủ trong vùng để kiếm miếng ăn, cực khổ không kể xiết. Năm 1948, ông đi theo cách mạng. Tham gia chiến đấu đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Sáu năm sau, ông chuyển ngành sang làm việc ở Nông trường Ba Vì ở Sơn Tây. Thời gian này, ông được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và được Thủ tướng thương yêu như con.

Những con trâu Mura đang được Bác Giáo nuôi dưỡng.

Ông kể: "Trong một lần, tui về Hà Nội giải quyết công việc của nông trường, định quay trở lên Ba Vì thì bị máy bay Mỹ đánh phá nên phải nán lại hôm sau. Hay tin, cụ (cách gọi Thủ tướng của ông Hồ Giáo) cho gọi tui lên hỏi chuyện. Lần đó tui còn vinh dự được gặp cả Bác Hồ. Tui mù chữ từ nhỏ, ra miền Bắc mới được học bổ túc văn hóa, lớn tuổi mà đi học nên gặp rất nhiều khó khăn. Vậy mà, lần nào gặp, cụ cũng động viên, hỏi han việc học. Cụ còn gửi cho giấy bút". Trong thời gian làm việc ở Nông trường Ba Vì, do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 1966, ông Hồ Giáo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động...

Đất nước thống nhất, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ tặng Việt Nam 502 con trâu Mura (trong đó tặng riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng 2 con), được đưa về nuôi lấy sữa tại nông trường của Trung tâm Nghiên cứu trâu sữa và đồng cỏ, thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp thời đó), đóng ở xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (cũ).

Năm 1976, ông Giáo được điều chuyển vào để chăm sóc đàn trâu này. Mười năm sau, một lần nữa ông lại vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ 2. Năm 1991, trước khi về hưu thì ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi ra Hà Nội để gặp. Thủ tướng hỏi: “Cháu định về đâu?”.

Ông Giáo thưa: “Dạ, cháu định về quê, nhưng có một số anh em ở thành phố rủ về làm nghề chăn nuôi với họ, cháu định làm thêm vài năm rồi mới về!”. Lúc đó, Thủ tướng bảo: “Bác có một món quà tặng cho quê hương gồm 15 con trâu Mura, thôi cháu về quê giúp Bác chăm sóc đàn trâu này để giúp nhân dân...”. Thủ tướng còn dặn: “Chuyên môn thì Bác không rõ nhưng khi nhận trâu về, cháu phải chọn giống cỏ và lựa làm sao để trong số 15 con trâu ấy thì có ít nhất 1 con vắt được sữa ngay, 2 con khác đang mang thai khi về đến Quảng Ngãi đã sinh được trâu con”.

Vâng lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Giáo đã chọn được 3 con trâu cho sữa ngay và 2 con khác đang mang thai đưa về Quảng Ngãi. Ông Giáo kể: "Ngay khi về, trại đã vắt được đến 80kg sữa trâu mỗi ngày. Thủ tướng dặn không được bán mà mang lượng sữa vắt được chưng cách thủy rồi tặng cho các cháu ở nhà trẻ, cứ thế 7 năm liền! 

Từ năm 1991 đến khi mất, thỉnh thoảng Thủ tướng lại về thăm quê và lần nào Thủ tướng cũng lên thăm trại trâu sữa rồi căn dặn: "Phải cố làm sao để nhân giống cho được vì con trâu này vừa cho sức kéo vừa cho sữa lại vừa dễ nuôi, chịu được gian khổ, phù hợp với quê mình". Người nông dân Quảng Ngãi chủ yếu làm mía nên cần nhiều sức kéo, nuôi con trâu này là phù hợp. Thấy những vườn cỏ xanh um, khi hỏi biết là cỏ voi dùng để nuôi bò sữa, Thủ tướng lại dặn: "Phải nhân giống cỏ này thật nhiều rồi mang cho nông dân, hướng dẫn họ cách trồng để nuôi bò, nuôi trâu...".

Lần cuối, Thủ tướng lên thăm Trại vào năm 1998, cũng không quên nhắc nhở tui về điều này!". Nhớ lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Hồ Giáo đã chăm sóc đàn trâu Mura sinh sôi, nảy nở đến 30 con, rồi chuyển giao cho nhân dân các huyện, chỉ giữ lại 4 con để chăm sóc. Nhân dân huyện Nghĩa Hành đã lai tạo thành công giống trâu Mura với trâu ta cho trên 100 con trâu lai đạt hiệu quả kinh tế cao. Những vườn cỏ voi cũng đã được nhân giống ở tất cả các huyện, tạo nên phong trào trồng cỏ chăn nuôi mạnh mẽ trong nông dân ở các địa phương tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Giáo nói tiếp: "Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chỉ quan tâm đến việc học hành của tui mà còn xem tui như con cháu trong nhà. Hồi ngoài Bắc, thấy tui đi học xa, Thủ tướng tặng tui một chiếc xe đạp Thống Nhất; hòa bình rồi khi đến thăm gia đình tui, thấy đứa con gái phải đi bộ đến trường học, Thủ tướng cho cháu chiếc xe đạp mi ni. Lên thăm Trại, thấy tui ở một mình, Thủ tướng tặng cho chiếc đài để nghe. Ơn Thủ tướng tôi không bao giờ quên".

Ngày 29/4/2000, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ trần, ông Hồ Giáo đã ra Hà Nội để vĩnh biệt cụ. Bây giờ, mỗi năm đến ngày giỗ Thủ tướng, ông đều vào nhà thờ Thủ tướng ở Mộ Đức để thắp nén nhang thành kính. Ông Hồ Giáo tâm sự: "Tui luôn tâm niệm: cụ là người cha thứ hai của mình, những lời cụ đã căn dặn dù có khó đến mấy tui cũng làm. Những thành quả tui đạt được chắc cũng làm vui lòng cụ. Bây giờ, trong giấc ngủ, tui vẫn luôn thấy cụ về thăm tui, thăm đàn trâu như lúc cụ còn sống".

Chia tay người 2 lần được phong Anh hùng Lao động, chúng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của ông trong bộ đồ công nhân bạc phếch, đi đôi ủng cao su, tay hốt cỏ cho trâu ăn. Ngày nối ngày, ông già ấy vẫn đi bộ gần 10 cây số, cần mẫn lao động trong nỗi nhớ khôn nguôi đối với Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Võ Thanh Việt

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

“Ngày 3/8/1967, đánh CLB sỹ quan Mỹ (N.O.C) diệt trên 200 tên. Thị ủy Nha Trang đánh giá thắng lợi này rất cao. Những người tham gia trận đánh như Hoài Phong, Lê Thị Mai, Trần Kim Hùng, Bùi Chạn, Trần Thanh Châu (tức Mỹ) đã được tặng tưởng Huân chương chiến công”. Lịch sử Đảng bộ TP Nha Trang giai đoạn 1925 - 1975, trang 205 viết ngắn gọn như vậy.

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文