Kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2009):

Đường Trường Sơn dưới lòng đất

20:30 18/05/2009
Để đảm bảo xăng cho chiến dịch vận tải của Đoàn 559, cả công trường lao vào xẻ núi, rạch đèo, không quản mưa dầm, gió rét, đạp lên sên vắt và bom nổ chậm, mìn vướng, bất chấp cả bão đạn của quân thù, làm cả ngày cả đêm, làm quên ăn, quên ngủ. Thành quả là đã tạo thành một đường ống xuyên qua Cổng Trời và đèo Mụ Giạ, xuống Na-tông đúng vào giữa tháng 12/1968.

Cõng xăng trên lưng tiếp lửa cho mặt trận

Sau những thất bại nặng nề trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, đế quốc Mỹ vội tập trung chống đỡ. Chúng đã phải xuống thang phá hoại miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở ra để bước vào bàn đàm phán, đồng thời phản kích quyết liệt ở những vùng còn lại. Thực chất là thay đổi thủ đoạn, điều chỉnh lực lượng, dồn sức để " hủy diệt những vùng đất hiểm", mà trọng điểm phong tỏa đánh phá là vùng "cán xoong" từ Hà Tĩnh trở vào để chặn đứng nguồn chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Trên các tuyến sông Nậy, sông Gianh và sông Son địch thả bom từ trường và thủy lôi dày đặc. Đường qua Đá Đẽo, Phong Nha, Khương Hà, Chà Ang, Khe Diêm... cả tuyến đường 20 - Quyết thắng chúng đánh liên tục, dày đặc đủ loại bom tấn, bom tạ, bom sát thương, bom bi, rốc két, tên lửa pôn-pớp, mìn vướng... bom nổ ngay, bom nổ chậm, thả cả một loạt cây nhiệt đới thu phát tiếng động để phát hiện mục tiêu và chỉ dẫn cho máy bay đến đánh phá.

Tình hình ngày càng căng thẳng. Cả 15 ngày đầu tháng 3/1968, Đoàn 559 không còn xăng cho cơ giới hoạt động, kế hoạch vận tải cho mùa khô có nguy cơ bị trì hoãn. Có lúc cả ngàn xe vận tải nằm chờ.

Lúc này, ở phía trong tam giác lửa, Binh trạm 12 nhận lệnh bằng mọi giá phải đưa nốt số xăng dầu còn lại vượt Trường Sơn giao cho Đoàn 559, nhưng đường đi lại quá khó khăn. Đoạn đường từ ngã ba Khe Ve đến đèo La Trọng bị bom đạn chà đi xát lại, đất đá trên núi trút xuống thành một vùng lầy dài vài cây số. Trên đoạn này đã có 8 chiến sĩ bị mất bàn chân do vướng phải các loại mìn lá, mìn gíp...

Lực lượng công binh dùng hàng tấn bộc phá để bạt bùn lầy mở đường cho xe qua, nhưng hiệu quả đem lại chưa đáng là bao. Binh trạm đành phải bơm xăng vào thùng phuy 200 lít rồi bố trí 4 chiến sĩ khỏe mạnh khiêng qua bãi lầy, nhưng 12 người mỗi ngày cũng chỉ khiêng được 15 phuy.

Ròng rã 2 ngày đêm lăn lộn binh trạm chỉ giao đủ 2 xe xăng cho Đoàn 559, nhưng phải trả giá là 1 chiến sĩ trượt chân rơi xuống vực thẳm và 2 chiến sĩ trúng mìn bị hy sinh. Không chịu khuất phục, cả binh trạm tiến hành gùi xăng vượt bùn lầy. Xăng được đóng bọc trong 4.000 túi nylon, với mỗi túi là 20 lít, được cho vào balô, để từng người cõng qua trọng điểm. Sau một ngày đầu đội bom, hứng đạn, chân lội bùn lầy, 500 chiến sĩ mới chuyển đủ 2 xe tẹc 10m3 xăng, trong quá trình vận chuyển, 40 người bị rộp lưng, bỏng da. Một số chiến sĩ bị bỏng quá nặng do nhiễm độc chì đã hy sinh.

Không chịu bó tay, quyết đưa hàng vào mặt trận, Binh trạm trưởng Nguyễn Đàm bàn với kỹ sư Lưu Vĩnh Cường và anh em làm đường ống dẫn xăng qua trọng điểm. Họ đã dùng tôn cuốn thành ống nối với nhau, thiếu thì nối thêm ống tre lồ ô khoét rỗng, nối với một thùng phuy 200 lít, bơm xăng lên thùng cho xăng chảy về "điểm hẹn". Suốt hai tháng dùng sáng kiến tự tạo này, Binh trạm 12 đã đưa được khá nhiều xăng vào chiến trường.

Cùng lúc đó, Binh trạm trưởng Binh trạm 14 Hoàng Trá nhận được điện mật của Binh trạm trưởng Binh trạm 12 Nguyễn Đàm báo: "... Đường 12 tắc tị rồi. Bọn mình phải chuyển xăng bằng túi nylon, nhưng anh em rộp hết lưng, có người nhiễm độc... Hy sinh đau lắm, bỏ thôi...". Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cũng điện vào. Bức điện viết: "Nếu Binh trạm 14 không tiếp xăng vào, sẽ có hàng vạn bộ đội đói, chết". Thế là đã rõ. Tất cả chỉ còn trông vào đường 20 - Quyết thắng, cái "cổ họng" chủ yếu, cửa ngõ duy nhất vào Nam lúc này. Binh trạm 14 phải tập trung sức, dồn hết cả xe hậu cần bảo đảm sinh hoạt, đưa vào vận chuyển theo kế hoạch.

Binh trạm 14 huy động lực lượng chuẩn bị như sắp mở cuộc tấn công vào tử huyệt quân thù. Trên trọng điểm được đặt 4 đài quan sát phòng không suốt ngày đêm. Hai đại đội súng 12,7 ly được đưa lên đỉnh núi đón đánh máy bay địch. Dọc hai bên suối, lực lượng công binh chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống công sự kiên cố. Khi có lệnh, đội chuyển tải khẩn trương kéo những phuy xăng ngược dòng 4 cây số, vòng qua trọng điểm. Khi nghe hiệu súng báo động, phải nhanh chóng đưa xăng vào công sự. Đường sắp thông, bỗng nhiên 8 loạt bom nối nhau ập vào vách núi. Đá sụt xuống chắn cả mặt đường.

Đội chuyển tải đang kéo 20 phuy xăng ngược suối, không nghe tiếng máy bay phản lực, chỉ kịp thấy ánh chớp chói lòa. 5 phuy xăng bị trúng mảnh bom vỡ toác ra, xăng ộc tràn mặt suối bốc cháy. Lửa trôi quấn lấy đội quân chuyển tải đang bì bõm. Các chiến sĩ nhanh chóng tạt sang hai bên, lột hết áo quần, vừa dập lửa, vừa dồn sức kéo 15 phuy xăng còn lại vào công sự...

Cuộc chiến đấu chống giặc lửa ở đây khẩn cấp tới độ không ai kịp ngượng ngùng vì trần trụi. Chỉ cần chậm một phút thì áp lực của lửa làm cho phi xăng nổ tung, đám lửa cháy to hơn, máy bay địch phát hiện, tiếp tục ném bom chết cả đội. Vậy là, trong 6 chuyến chuyển tải đợt đầu chỉ được 30 phuy xăng, nhưng đã phải đổi bằng 29 chàng trai, cô gái đang độ tuổi thanh xuân... Suối Chà Ang lại đượm máu và xăng. Cái giá phải trả quá đau xót, nhưng yêu cầu của chiến trường, không thể dừng lại được... Cũng trong đêm ấy, đoạn đường vượt đèo bị tắc. Hơn 80 xe đầy hàng hóa đang ùn lại trong vòng tọa độ lửa. Binh trạm trưởng Hoàng Trá gặp tham mưu trưởng.

- Đã có cách gì chưa? - Hoàng Trá hỏi.

- Chưa tính ra anh ạ! - Tham mưu trưởng lo lắng trả lời.

- Vượt đèo một đợt thì nguy hiểm - Hoàng Trá lắc lư đôi vai, nói tiếp: - Chia đôi cho gọn.

- Đợt sau sợ trời sáng mất.

Binh trạm trưởng lặng im. Điều khó nhất cũng là nghệ thuật của người chỉ huy biết bắt được những ý nghĩ đang chen nhau để ra quyết định. Binh trạm trưởng Hoàng Trá rút khăn lau những giọt mồ hôi đang làm cay mắt, ngước nhìn Chính ủy Nguyễn Việt Phương nói:

- Tranh thủ lúc chưa tan sương, cho vượt từng tốp...

-  Có thể làm như vậy - Chính ủy Việt Phương gật đầu: - Lúc đó không có địch thì kể gì đêm hoặc ngày.

Có được sự đồng tình, Hoàng Trá linh hoạt hẳn lên:

- Thằng địch đã dùng phương pháp đánh "tọa độ", thì việc ta dựa vào bóng đêm là vô nghĩa - Hoàng Trá nói.

Câu lý giải đầy thông minh làm anh nhẹ hẳn đầu óc. Tin vào công tác nắm tình hình của cơ quan tham mưu, sự yểm trợ của Sư đoàn Cao xạ pháo 375 và lực lượng công binh vững... Binh trạm 14 có cơ sở khoa học để tin tưởng việc thực hiện thắng lợi kế hoạch này. Vốn là người cẩn thận, Hoàng Trá kiểm tra nhanh các yêu cầu then chốt, rồi cho một xe đi thử. Hàng chục con người có mặt hồi hộp, dán mắt dõi theo chiếc xe Zin 157 vượt dốc...

Sau hơn 90 phút vật lộn với bùn đất, đường lại thông. Cả đoàn xe, 80 chiếc, vừa vượt qua đoạn đường tai ác ấy chừng 15 phút thì máy bay địch kéo đến đánh xuống cả vùng đó. Cứ liên tục như vậy, liên tiếp suốt 20 ngày đêm tiếp theo, lực lượng chiến đấu trên tuyến đường này đã giải phóng hơn 3.500 chuyến xe tải và 400 tăng pháo vượt khẩu kịp vào các chiến trường.--PageBreak--

Xăng xuyên lòng đất, thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt

Vấn đề nan giải còn lại đối với các binh đoàn, với cả Đoàn 559 là tiếp tế xăng dầu. Theo nhận định của Quân ủy Trung ương, địch sẽ đánh ác liệt xuống các cửa khẩu của hậu phương vận chuyển hàng vào cho Đoàn 559. Quân ủy Trung ương đã đồng ý đưa đường ống vào làm tuyến từ Khe Ve, vượt đèo Mụ Giạ, xuyên qua Tây Trường Sơn, xuống Lùm Bùm (Lào), để tiếp cận đường 9, tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn 559 vận tải vào Nam.

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Đinh Đức Thiện cử Cục trưởng Cục Xăng dầu quân đội Phan Tử Quang trực tiếp đến báo cáo tình hình với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Sau khi nghe báo cáo, Đại tướng chỉ thị phải đảm bảo xăng dầu cho Đoàn 559 hoạt động. Đại tướng cũng đồng ý với phương án triển khai làm đường ống, trước mắt là làm đường ống vượt các trọng điểm đánh phá, nhưng sau đó phải làm ngay đường ống vượt Trường Sơn vào càng sâu càng tốt.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đại tướng, ngày 12/4/1968, Phó phòng Xăng dầu quân đội Trần Xanh dẫn 12 CBCS của Đoàn 559 tiến hành khảo sát tuyến từ Khe Ve qua đèo Mụ Giạ sang Lùm Bùm. Một đoàn khác do đồng chí Hoàng Ngọc Minh dẫn đầu khảo sát tuyến từ Thiệu Dương (Thanh Hóa) vào Nam Đàn, Linh Cảm, qua Hương Khê vào giáp với tuyến của Trần Xanh. Từ đó Công trường 18 được thành lập do Thiếu tá Mai Trọng Phước, Chủ nhiệm khoa Xăng xe vận tải của Trường sĩ quan Hậu cần phụ trách, Thiếu tá Hoàng Sùng làm Chính ủy, chuẩn bị làm đường ống vượt "tam giác lửa".

Đồng hành với các đoàn khảo sát và công việc triển khai của Công trường 18, trên tuyến đường 20 - Quyết thắng Binh trạm 14 vẫn liên tục triển khai kế hoạch chuyển tải cấp cứu xăng dầu. Họ đã kết nhiều phuy xăng thành bè, đưa xăng từ Minh Cầm xuôi dòng sông Nậy, ngược dòng sông Son về bến Khương Hà. Để đưa được xăng vào chiến trường, công sức mồ hôi, kể cả máu của các chiến sĩ đã đổ rất nhiều.

Đêm 12/6/1968, hơn 400 người của Công trường 18, bao gồm 240 cán bộ công nhân của Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Thủy lợi, Công ty gang thép Thái Nguyên, công nhân xây dựng khu nam Hà Nội đã rời thủ đô Hà Nội, hành quân vào Nam Đàn. Khúc sông Lam nằm giữa bến đò Vạn Rú (xã Nam Đông) được chọn làm điểm khởi đầu thi công tuyến đường ống.

Đúng 21 giờ, hiệu lệnh vượt sông bắt đầu.

Đại úy Trần Xanh chỉ huy lực lượng mình phụ trách nhanh chóng nối ống. Thiếu tá Mai Trọng Phước chỉ huy lực lượng Công trường 18, được sự nhiệt tình tham gia của lực lượng dân quân xã Nam Đông kéo ống qua sông. Sau 38 ngày đêm vật lộn trên sông nước, tránh sự quan sát và oanh tạc của máy bay địch, đến 5h sáng ngày 23/6, 500 mét đường ống đầu tiên đã vượt sông an toàn. Từ đó, đường ống tiếp tục vượt sông La, vào Nga Lộc...

Đến ngày 10/8, tuyến đường ống dài 42 km vượt "tam giác lửa" hoàn thành. Dòng xăng từ đại kho N1 ở Nam Thanh (Nam Đàn) được chảy nhanh  vào kho N2 ở Nga Lộc, giữa tiếng hò reo vui mừng, phấn khởi của cả quân và dân dọc tuyến đường ống từ Nghệ An vào Hà Tĩnh. Thắng lợi bước đầu đã tạo nên sức mạnh và lòng tin của quân và dân trên tuyến lửa. Công trường 18 tiếp tục dẫn ống vào Hương Khê, tiến dần tới Khe Ve (Quảng Bình).

Vào thời điểm này, máy bay giặc Mỹ tăng cường đánh phá dữ dội các tuyến đường và cửa khẩu sang Lào, đặc biệt là các trọng điểm cua chữ A, Ta-lê, Phu-la-nhích, nhưng theo yêu cầu của Tổng cục Hậu cần là phải thi công nhanh đoạn vượt đèo Mụ Giạ sang Na-tông của tỉnh Khăm Muộn  (Lào) để đảm bảo xăng cho chiến dịch vận tải của Đoàn 559.

Thế là cả công trường lại lao vào xẻ núi, rạch đèo, không quản mưa dầm, gió rét, đạp lên sên vắt và bom nổ chậm, mìn vướng, bất chấp cả bão đạn của quân thù, làm cả ngày cả đêm, làm quên ăn, quên ngủ, tạo thành một đường ống xuyên qua Cổng Trời và đèo Mụ Giạ, xuống Na-tông đúng vào giữa tháng 12/1968.

Tưởng như đã thông suốt, không ngờ khi vận hành thử rửa đường ống bằng nước, thì nước không vượt qua được độ cao 700 mét của đèo Mụ Giạ. Các chiến sĩ đường ống đã nghiên cứu và dùng hai máy bơm, bơm nối tiếp nhau, thì bơm được, nhưng việc vận chuyển xăng tới kho Na-tông mới được mấy ngày, thì bị máy bay B52 của giặc Mỹ rải thảm, đổ xuống đoạn đường vận chuyển và kho hàng chục tấn bom. Bom đạn phá nát cả đường ôtô, làm vỡ đường ống chạy theo dọc đường. Hết tốp B52 này đến tốp khác. Hết loại máy bay này đến loại khác. Chúng thay nhau đánh suốt cả ngày đêm.

Đơn vị công binh đã bạt hàng trăm khối đá, tạo thành một đường hào dài hơn 10km, để chôn ống sâu xuống, nhưng bom đạn vẫn cày xới lên. Công trường liền sáng tạo ra để lộ 1.000 mét đường tránh để đánh lừa địch và dùng một số phuy xăng dầu đốt cách xa tuyến. Vậy là chúng tập trung bom đạn dội xuống đoạn đường tránh và nơi có xăng dầu cháy, còn tuyến đường dẫn xăng của chúng ta vẫn bình yên. Xăng cứ liên tục chảy vào kho Na-tông có trữ lượng 500m3. Đến đêm giao thừa năm Kỷ Dậu (1969) xăng vẫn đầy kho.

Ngày 3/3/1969, toàn tuyến đường ống dài 350km hoàn thành, vượt qua dãy Trường Sơn hiểm trở, nối thông từ Vinh, qua Cổng Trời, tới kho Ka Vạt  (Lào), đảm bảo xăng dầu kịp thời cho 5.000 xe của Đoàn 559 vận tải, phục vụ các đợt đột kích mùa khô 1968-1969 giành thắng lợi. Từ đó, xe chở xăng dầu của các binh trạm không phải qua các trọng điểm để lấy xăng

Kim Cương

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Công an phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã lập biên bản xử phạt người phụ nữ bán hàng rong "chặt chém" du khách nước ngoài 500 nghìn đồng cho 3 quả dứa. Hành vi của người phụ nữ trên đã gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch trên địa bàn. 

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文