Giai thoại và sự thật về "Bà Lớn Tướng" Lê Kim Định

12:35 10/07/2014

Từ rất lâu, ngư dân Phú Quốc thường đến một ngôi mộ cổ ven biển hoang sơ ở Cửa Cạn lễ trước khi đi biển. Họ cho rằng, đó là di tích của một vị thần cứu hộ gọi là "Bà Lớn Tướng Lê Kim Định".
Nhiều bậc kỳ lão địa phương kể rằng, vào những đêm trăng tròn, ngư dân thường thấy một chiếc tàu kiểu cổ xuất hiện trên mặt biển gần khu vực mộ. Trên tàu có một thiếu phụ trẻ hát ru con rất thê lương. Khi đến gần thì con tàu biến mất.

Họ tin rằng, đó là chiếc tàu ma của "Bà Lớn Tướng Lê Kim Định". Những ngư phủ nào trông thấy con tàu ấy, chắc chắn chuyến đi biển đó sẽ thuận lợi, trúng nhiều tôm cá.

Giai thoại về Bà Lớn Tướng Lê Kim Định

Ông Khải - một ngư phủ cư ngụ tại xã Cửa Cạn - cho biết, cụ cố kỵ của ông là một nghĩa sĩ kháng chiến dưới cờ của Quan Thượng Đẳng Linh Thần Nguyễn Trung Trực. Khi Nguyễn Trung Trực rơi vào tay quân Pháp vào năm 1868 tại Phú Quốc, một số nghĩa quân đào thoát được và ẩn cư luôn ở vùng rừng hoang đó. Sau nhiều thế hệ nối tiếp nhau, con cháu của những nghĩa sĩ kháng chiến hình thành một ngôi làng ven sông Cửa Cạn cho đến tận ngày nay.

Về ngôi mộ "Bà Lớn Tướng", ông Khải khẳng định: "Đó là ngôi mộ của phu nhân Tướng quân Nguyễn Trung Trực. Bà hy sinh tại cửa sông thoát ra biển, tức Cửa Cạn. Nghĩa quân đã lén cướp xác bà đem lên bãi Ông Lang chôn cất. Vì sợ Pháp quật mồ nên nghĩa quân chỉ đắp một ngôi mộ đất, không đề bia. Khi nhắc tới ngôi mộ, người ta chỉ gọi là mộ Bà Lớn Tướng. Bà rất linh thiêng".

Nhắc về chuyện linh thiêng của bà, rất nhiều ngư dân sinh sống trên đảo Phú Quốc kể rằng, vào năm 1958, một chiếc tàu đánh cá ở Rạch Giá bị chết máy giữa biển khơi, lại bị bão đánh tơi bời. Cabin tàu bị sóng đánh tan tành chỉ còn trơ phần lườn. Hơn một tuần lễ chống chọi với sóng dữ, toàn bộ thủy thủ trên tàu đuối sức nằm chịu trận. Chủ tàu kiêm thuyền trưởng chỉ còn biết quỳ sụp xuống sàn tàu cầu trời khấn Phật.

Bỗng giữa bụi mù sóng dữ, một con tàu kiểu cổ xưa xuất hiện. Trên con tàu lạ có một thiếu phụ trẻ rất xinh đẹp ném dây neo về phía tàu bị nạn. Chủ tàu chỉ kịp quấn nút dây vào trụ tàu rồi ngất xỉu. Khi tỉnh dậy chủ tàu đã thấy con tàu của mình nằm trong một bãi âu (bãi biển khuất sóng). Con tàu cổ mất dạng.

Khi định tâm, họ mới nhận ra đó là một cánh rừng gỗ trai hoang vu thuộc đảo Phú Quốc. Dưới tán rừng trai có một ngôi mộ đất, không bia. Thoát nạn, chủ tàu cùng nhóm thủy thủ lên bờ nghỉ ngơi.

Trong giấc ngủ mệt mỏi, chủ tàu nằm mơ và gặp lại người thiếu phụ trên con tàu cổ. Thiếu phụ cho biết, ngôi mộ hoang là của mình. Giật mình tỉnh giấc, chủ tàu gọi thủy thủ đến mộ lạy tạ ơn cứu độ rồi cùng nhau phát hoang cây cỏ xung quanh với lòng thành kính. Chủ tàu hứa, sau này làm ăn khấm khá sẽ trở lại xây mộ bà đẹp hơn.

Trong lúc phát hoang, người chủ tàu bỗng thấy một vật bằng kim loại nằm chìm dưới lớp cỏ mục. Ông bới lên thì thấy đó là một nải chuối bằng kim loại, đoán là đồng. Ông dự định khi trở về nhà sẽ xây một am nhỏ, đưa nải chuối vào thờ người thiếu phụ đã cứu mình thoát nạn.

Hôm sau biển yên sóng lặng, chủ tàu và nhóm thủy thủ được tàu đánh cá khác phát hiện đưa về Rạch Giá. Về đến nhà, ông chủ tàu mới biết, rất nhiều chủ tàu khác đã từng được "Bà Lớn Tướng" cứu độ trong tình thế hiểm nguy như thế.

Mấy tháng sau, ông đem nải chuối kim loại ra chùi rửa thì phát hiện đó là… vàng. Nhờ số vàng này, ông có tiền đóng tàu đánh cá mới và trở thành một đại gia tầm cỡ của Rạch Giá thời đó. Năm 1963, ông chủ tàu đã trở lại bãi Cửa Cạn. Ông đã lặn lội vào tận cụm dân cư Cửa Cạn cách đó mấy cây số đường rừng để hỏi thăm.

Câu chuyện họ tộc của một ngư phủ địa phương

Cùng thời điểm đó, ông Tư Ngây - một ngư phủ địa phương, là con cháu nhiều đời của nghĩa sĩ Nguyễn Trung Trực - ngủ đêm nằm mơ gặp một nữ tướng xưng là Bà Lớn Tướng bảo: "Tiền nhân của người hứa rằng sẽ xây mộ đàng hoàng cho ta. Nay nhà ngươi phải thực hiện". Lúc đó ông Tư Ngây đã hơn 80 tuổi. Thức dậy, ông Tư Ngây nhớ lại thuở còn trẻ thường nghe ông cố mình kể một câu chuyện liên quan đến phu nhân Quan Thượng Đẳng Linh Thần Nguyễn Trung Trực.

Theo câu chuyện đó thì, lúc Nguyễn Trung Trực bị Pháp đánh gắt, ông di binh về Phú Quốc xây dựng căn cứ tại bãi Hàm Ninh. Vợ ngài tên là Điều nhưng được mọi người gọi là Bà Lớn Tướng cũng theo ra Phú Quốc cùng ngài tham gia kháng chiến. Lúc ấy bà vừa hạ sinh một công tử.

Ngôi mộ vẫn còn nguyên hài cốt Bà.

Căn cứ chưa xây xong, quân Pháp đã đưa quân ra đánh. Nguyễn Trung Trực chia 2 cánh quân lùi về bắc đảo hoang vu tạo bẫy gọng kìm chờ quân Pháp tiến vào. Một cánh quân do bà Điều chỉ huy đóng chốt tại cửa sông có nhiệm vụ nghi binh câu nhử quân Pháp từ biển tiến vào nhánh sông. Khi quân Pháp tiến sâu vào sông Cửa Cạn, Nguyễn Trung Trực sẽ chỉ huy cánh quân mai phục đánh tập hậu. Để an toàn cho công tử mới chào đời, bà Điều giao con cho Nguyễn Trung Trực giữ.

Nguyễn Trung Trực mới ra đảo nên không hiểu đặc tính cửa sông Cửa Cạn. Ở cửa sông này, mỗi khi triều dâng, sóng đẩy cát lấp cửa sông nhưng tàu bè vẫn ra vào được. Khi triều rút, nước từ sông đẩy cát ra biển nhưng tàu bè không thể ra vào. Quân Pháp tấn công đúng lúc triều rút, tàu nghi binh của bà Điều bị mắc cạn. Không nao núng, bà vẫn chỉ huy binh sỹ vừa chiến đấu vừa cho người móc cát để tàu lui vào nhánh sông.

Khi thấy tàu của phu nhân mắc cạn, Nguyễn Trung Trực nhận ra kế hoạch bị vỡ. Ông vội vã giấu đứa con trai sơ sinh vào một bọng cây cổ thụ (Hiện vẫn còn di tích ở Cửa Cạn) rồi chỉ huy binh sĩ xông ra giải cứu. Ra đến nơi thì bà đã hy sinh.

Bị quân Pháp đánh cấp tập, ông đành lui quân về bắc đảo (Ghềnh Dầu) để bảo toàn lực lượng. Trong cơn nguy biến, sinh mạng binh sĩ quan trọng hơn, ông đành  lòng bỏ con ở lại bọng cây.

Mấy ngày sau, ông cố kỵ của Tư Ngây là một nghĩa binh thuộc hạ của Nguyễn Trung Trực đánh liều giả dạng ngư phủ vượt vòng vây quân Pháp trở ra Cửa Cạn để tìm con trai Nguyễn Trung Trực. Khi đến nơi, công tử đã không còn ở đó nữa. Ông đành ngậm ngùi kéo tử thi phu nhân Nguyễn Trung Trực đưa lên bãi biển hoang vu cách Cửa Cạn vài cây số mai táng tạm và khấn hứa sẽ dặn con cháu đời sau xây mộ khang trang cho bà.

Năm 1963, ông Tư Ngây căn cứ theo sự hướng dẫn của cha tìm đến mộ bà. Dù đã tìm được mộ nhưng do nghèo khó, ông Tư Ngây cũng chỉ biết thắp hương, vén đất cho ngôi mộ.

Người chủ tàu ở Rạch Giá tìm gặp Tư Ngây đúng thời điểm đó. Cả hai đều vui mừng bắt tay nhau tiến hành xây dựng mộ cho Bà. Ông chủ tàu bỏ tiền, ông Tư Ngây bỏ công xây ngôi mộ đá có bia đề "Mộ Bà Lớn Tướng".

Chúng tôi đã tìm gặp con cháu ông chủ tàu tại Rạch Giá, Kiên Giang. Đó là một danh gia rất nổi tiếng ở Rạch Giá trước năm 1975. Vì nhiều lý do rất tế nhị, những người cháu ông chủ tàu kiên quyết không muốn nêu tên, địa chỉ của gia đình mình.

Một người cháu nội của ông chủ tàu cho biết: "Sau năm 1975, ông nội đi nước ngoài bằng tàu đánh cá cũng gặp bão biển. Ông kể, cũng nhờ Bà Lớn Tướng cứu độ nên chuyến tàu kinh hoàng đó được an toàn đến Philipinnes. Ông chết bệnh ở Mỹ năm 1989. Chuyện ông nội tôi tìm được nải chuối là người ta thêu dệt thôi. Hồi nhỏ nghe ông kể là chỉ nhặt được vài thẻ vàng cổ khoảng 1 lượng. Nhờ số vàng đó mà ông có tiền khởi nghiệp lại".

Căn cứ sử liệu

Căn cứ vào hồ sơ chính sử thì đêm 16/6/1868, nghĩa binh Nguyễn Trung Trực đánh chiếm và làm chủ thành Kiên Giang (Rạch Giá) tạo nên chiến công hiển hách "kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần".

Ngày 21/6/1868, quân Pháp gồm Thiếu tá Hải Quân Léonard Ausart, Đại úy Dismuratin, Trung úy hải quân Richard, Trung úy Taradel cùng một số Việt gian kéo quân phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Hàm Ninh nhằm tổ chức kháng chiến lâu dài.

Gian sảnh ngôi nhà mộ Bà.

Tháng 9/1868, Việt gian Huỳnh Công Tấn - vốn là bạn kháng chiến của Nguyễn Trung Trực thời điểm đánh trận đốt tàu L'Espérance của quân Pháp trên sông Nhật Tảo (10/12/1861) đã đầu hàng giặc Pháp - được Thiếu tá Hải Quân Léonard Ausart trưng dụng đưa lên chiếc tàu chiến Groeland cùng 150 lính ở Gò Công ra đảo Phú Quốc truy kích quân Nguyễn Trung Trực.

Tại đây, Nguyễn Trung Trực bị Huỳnh Công Tấn viết một lá thư cho rằng Pháp đã bắt được mẹ Nguyễn Trung Trực, ông phải nộp mạng để đổi lấy mạng mẹ. Vì vậy, ông ra hàng và bị Pháp giết.

Trong chính sử, không nhắc đến chuyện Nguyễn Trung Trực có vợ.

Tuy vậy, căn cứ vào các sử liệu của các nhà nghiên cứu trong thời gian gần đây đều có những chi tiết cho rằng, phu nhân của Nguyễn Trung Trực có tục danh là Điều hoặc Đỏ, mỹ danh là Lê Kim Định. Bà đã sát cánh bên ông trong các hoạt động kháng Pháp. Có nhiều nguồn khẳng định, bà đã từng bị Pháp bắt 2 lần giam tại Rạch Giá và đều được Nguyễn Trung Trực giải cứu thành công. Khi ông lui quân về Phú Quốc, bà Điều cũng được đi theo.

Vì bà là vợ chính thức nên dân địa phương Phú Quốc gọi là "Bà Lớn Tướng" chứ không phải vì bà có thân hình vạm vỡ.

Cũng theo các sử liệu này, mãi đến năm 1867, quân Pháp mới đánh ra Phú Quốc. Và "Bà Lớn Tướng" hy sinh tại Cửa Cạn là chi tiết có thật chứ không chỉ là truyền thuyết.

Với nhân dân Phú Quốc, sự kiện vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực xây dựng căn cứ kháng chiến ở địa phương là niềm tự hào khá sâu đậm. Đó cũng là câu chuyện liên quan đến nguyên do hình thành một cụm dân cư giữa vùng hoang tận Cửa Cạn từ những năm giữa cuối thế kỷ XIX.

Cho đến ngày nay, giai thoại "Nguyễn Trung Trực đặt con ở bọng cây sao với nải chuối vàng để nếu có ai đó gặp mang về nuôi giúp" vẫn còn được truyền tụng. Về sự kiện Nguyễn Trung Trực rơi vào tay giặc cũng có nhiều ý kiến sử học khác nhau. Có người cho rằng do Huỳnh Công Tấn bắt mẹ của ông, rồi vì chữ hiếu, ông phải ra nộp mình.

Cũng có người cho rằng Huỳnh Công Tấn bắt giết dân, mỗi ngày giết 10 người, do đó, vì thương dân, không muốn dân phải chết oan uổng nên ông phải tự trói mình bằng dây rau muống biển rồi ra hàng. Cũng có người cho rằng ông đã bị bắt sau một trận ác chiến với quân thù.

Để làm rõ giai thoại lịch sử, chúng tôi rời thị trấn Dương Đông đi về hướng bắc đảo khoảng 10 km để đến núi Ông Lang rồi rẽ về hướng mép biển vào con đường độc đạo xuyên một bãi cát trắng và một cánh rừng sim vắng. Ngôi mộ nằm chơi vơi sát mép biển, giữa cánh rừng hoang. Ngôi mộ đã được bá tánh tự góp tiền xây một mái nhà che và cử một người thủ từ nhang khói, chăm sóc. Hàng năm, vào ngày Rằm tháng 8 (âm lịch), cư dân địa phương thường xuyên tổ chức cúng giỗ cho bà. Ông Tư Ngây đã qua đời ở tuổi 109, mang theo nhiều ký ức truyền đời.

Ngôi mộ "Bà Lớn Tướng Lê Kim Định" không có dấu hiệu được chính quyền địa phương tu bổ, chăm sóc. Theo một số người dân chúng tôi gặp thì họ đều có chung lời đề nghị, đó là một di tích lịch sử cần bảo tồn và duy trì

Nông Huyền Sơn

Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra ở miền tây Nghệ An trong những ngày qua gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề. Công an tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ, tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân các xã khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. 

Tối ngày 26/7, Công an xã Thiện Tín (Quảng Ngãi) nhận được đơn trình báo của bà Đinh Thi Boi (SN 1979, ở thôn Trũng Kè 2, xã Thiện Tín), về việc con gái là Phạm T. K. T. (SN 2011) bỏ nhà lên xe ô tô màu đen, rời khỏi địa phương vào khoảng 15h chiều cùng ngày, gia đình không liên lạc được.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố đất nước sẽ giành chiến thắng trong các trận chiến “chống đế quốc”, nhân dịp kỷ niệm ngày ký kết hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên, truyền thông nhà nước đưa tin ngày 27/7.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) 2025 tại Philippines đã xuất sắc giành 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Thành tích ấn tượng này giúp Việt Nam xếp trong nhóm 10 quốc gia có tổng điểm cao nhất toàn đoàn.

Israel thông báo nối lại các hoạt động thả hàng viện trợ bằng đường không xuống Gaza trong ngày 26/7, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại vùng lãnh thổ này, quyết định được đưa ra khi áp lực quốc tế đối với Israel ngày càng gia tăng, trong khi các cơ quan cứu trợ cảnh báo về tình trạng nạn đói đang lan rộng trong khu vực.

Từ một cơ sở massage nằm trong tầng hầm khách sạn sang trọng giữa trung tâm Hà Nội, một đường dây tổ chức mua bán dâm tinh vi đã được dựng lên, hoạt động có tổ chức và thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Với sự vào cuộc quyết liệt, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm này.

Có đến từng gia đình nằm trong diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát mới thấy hết ý nghĩa và giá trị nhân văn của phong trào này. Họ đều là những người yếu thế trong xã hội và chúng ta sẽ không để họ lại phía sau trên con đường tiến tới no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.